Trần Phương
Là một địa bàn chiến lược chịu rất tác động của nhiều biến cố lịch sử diễn ra trong suốt nhiều thế kỷ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển các làng xã huyện Thủy Nguyên. Tính biến động của làng xã thể hiện rõ ở sự tăng, giảm, tách ra hay mất đi của một số làng nào đó mà nguyên nhân chủ yếu là do các điều kiện lịch sử, xã hội, thậm chí do mâu thuẫn trong nội bộ các làng xã. Đến đời Đồng Khánh, tên xã Gia Đước vẫn được liệt kê trong danh sách làng xã thuộc tổng Dưỡng Động, nhưng không hiểu vì lý do gì, ngay sau đó dân làng đã phiêu bạt mà không thấy sách nào chép tới. Làng Hữu Quan được tách ra từ làng gốc Tả Quan, làng Giáp Động tách ra từ làng gốc Phương Lăng; làng Câu Tử vốn có nguồn gốc là trang Hùng Khê thời Trần, sau tách thành Câu Tử Nội và Câu Tử Ngoại,. Tương tự, làng Niêm Sơn (tên nôm là làng Nóm) tách thành Niêm Sơn Nội và Niêm Sơn Ngoại. Làng Phù Lưu tách thành Phù Lưu Nội và Phù Lưu Ngoại; làng An Ninh tách thành An Ninh Nội và An Ninh Ngoại…Sách “Tên làng xã Việt Nam” chép ở tổng Thủy Đường có xã Nam Triệu, song trên thực tế, đến đời Đồng Khánh, làng đã bị phiêu tán hết, chỉ còn lại một cái miếu giữa đồng gọi là miếu Nam Triệu. Trong trường tồn lịch sử, có nhiều tên thôn, tên làng xã bị phiêu tán, thay đổi do thiên tai, nhân họa, chiến tranh hoặc do nguyên nhân xã hội nào đó.
Xét về hình thức, làng là một điểm tụ cư, nhưng thực chất nó là một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cung tự cấp. Xét về cội nguồn, làng là sự phát triển mở rộng của một gia đình lớn, của gia tộc từ thuở khởi đầu. Hầu như làng nào ở Thủy Nguyên cũng đều có một đến vài dòng họ gốc, họ lớn nhất, rồi từ đó tiếp nhận thêm các dòng họ mới bằng nhiều quan hệ khác nhau. Cùng với quá trình tăng trưởng dân số, xáo trộn dân cư, quan hệ hôn nhân, các làng từ quan hệ thân tộc trở thành quan hệ láng giềng là chính. Mỗi làng ở Thủy Nguyên là một thiết chế tự quản thông qua việc tự quản bằng cơ cấu tổ chức, tự quản bằng các quan hệ xã hội và hương ước. Tự quản bằng cơ cấu tổ chức thể hiện ở chỗ mỗi làng là một phức hợp dựa theo 5 hình thức tập hợp: gia đình và dòng họ, xóm ngõ, giáp, bộ máy chính trị – xã hội làng xã, các phường hội. Mỗi làng có bản hương ước riêng, làm công cụ để quản lý đời sống cộng đồng. Hương ước vốn là những quy ước truyền miệng, nhiều khía cạnh đã dần trở thành phong tục của làng về mặt đời sống và dần được văn bản hóa. Mỗi làng có tục lệ riêng về cưới xin (thể hiện ở việc nộp cheo), về tang ma (thể hiện ở lệ táng), về ngôi thứ, khao vọng…, trở thành những nét riêng của làng, để phân biệt với làng bên cạnh. Làng xã Việt Nam như một thứ vương quốc thu nhỏ với luật pháp riêng (mà các làng gọi là hương ước) và tiểu triều đình (trong đó có hội đồng kỳ mục là cơ quan lập pháp, lý dịch là cơ quan hành pháp; nhiều làng tôn xưng bốn cụ cao tuổi nhất làng là tứ trụ)”. Tín ngưỡng thờ thành hoàng là một trong những yếu tố tạo cho mỗi làng diện mạo văn hóa riêng. Nguồn gốc các vị thành hoàng ở Thủy Nguyên rất đa dạng: Thiên thần (thần ở trên trời xuống), nhiên thần (thổ thần, sơn thần, thủy thần), nhân thần (những người có công với nước, người khai lập làng (tiên công), người truyền nghề thủ công cho dân làng…). Thành hoàng là vị thần bảo vệ, che chở cho cộng đồng làng xã. Do vậy trách nhiệm thờ cúng, tham gia đóng góp xây dựng đình, đền, miếu thờ thành hoàng và tổ chức lễ hội là đương nhiên, bắt buộc với mọi người. Dưới đây là lược khảo về các làng xã của huyện Thủy Nguyên.
1. Làng An Lư (xã An Lư):
Làng An Lư (tên nôm là làng Sưa (Xưa)), một số thư tịch ghi làng An Các (Yên Các), nhưng trong huyện Thủy Nguyên (Thủy Đường cũ) không có làng An Các, có thể do lầm chữ “Các” và chữ “Lư” vì mặt chữ hơi giống nhau; có sách ghi thôn An Lư là thôn Bình Lư, nhưng huyện Thủy Đường không có thôn Bình Lư.
Trước năm 1945, là xã An Lư, tổng Thuỷ Tú, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Trước 1813, là xã An Lư, tổng Thủy Đường, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Dân An Lư vốn là dân Nghĩa Phú, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương di cư đến. Địa bàn xã An Lư ngày nay tương ứng với một phần xã Nam Triệu thời cổ. Theo sách “Hải Dương toàn hạt dư địa chí”, trên địa bàn huyện Thủy Đường, có một con sông nhỏ từ xã Hà Tây chia nhánh chảy về phía nam qua xã An Lư đến xã Tả Quan, dài 14 dặm, 11 trượng, 5 thước. Cầu Sưa do bà Mai Thị Tuyết vận động dân đóng góp xây dựng để quân đội nhà Trần qua sông đánh giặc trong trận Bạch Đằng năm 1288.
An Lư là quê hương của các nhà khoa bảng: 1- Vũ Trực Hành (1467 – ?), đỗ Đồng tiến sĩ năm 1493, làm quan nhà Lê đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên. 2- Nguyễn Huân (1479 – ?), đỗ Đồng tiến sĩ năm 1505, làm quan nhà Lê đến chức Giám sát ngự sử. 3- Nguyễn Đạc (? – ?) (con Nguyễn Huân), đỗ Đồng tiến sĩ năm 1538, làm quan nhà Mạc đến chức Giám sát ngự sử.
Đền An Lư (di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng quốc gia) và miếu An Lư thờ ba vị thành hoàng: 1- Nguyễn Hoằng (tên húy là Nguyễn Tĩnh – nhà dược học nổi tiếng Tuệ Tĩnh). Ông sinh ngày 12-2, hóa ngày 11-9. Trước năm 1938, làng An Lư còn giữ được một số sắc phong thuộc các đời: Tự Đức 6 (1853), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924); ngày tế lễ hàng năm:12-2; 11-9 và 11-11; ngày 1-6 làm lễ hạ điền, 1-7 làm lễ thượng điền; kiêng húy chữ “Tĩnh”. 2- Trần Quốc Tảng (con thứ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), sinh ngày 12-10, hóa ngày 3-8, có công đánh giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng, được thờ bằng long ngai. Trước năm 1938 làng còn giữ được sắc phong đời Khải Định 9 (1924); ngày tế lễ hàng năm: 12-10 (ngày sinh), 3-8 (ngày hóa); các ngày: 1-6 làm lễ hạ điền; 1-7 làm lễ thượng điền; kiêng húy chữ “Tảng” (đọc là “Tưởng”). 3- Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, được thờ bằng long ngai. Trước năm 1938, còn giữ được 2 sắc phong đời Khải Định 3 (1918) và 9 (1924); ngày tế lễ hàng năm: 1-6 (lễ hạ điền), 1-7 (lễ thượng điền), 10-8. Khác với nhiều làng trong vùng, khi tế xong, “các đồ lễ đem phân phát cho các tân cựu lý dịch hưởng”.
Tấm bia “Trần triều hiển thánh” ở đền An Lư khắc ghi tên người, tên làng xã có công trong trận Bạch Đằng năm 1288. Hằng năm, hội đền An Lư diễn ra vào ngày 11-11; trong hội có nhiều trò vui dân gian như: đu tiên, hát đúm, chọi gà, cờ tướng…Trước thế kỷ XIX, văn miếu huyện Thủy Đường đặt ở xã An Lư; mùa xuân và mùa thu, hàng huyện hội tế.
(còn tiếp)