
Tượng Nguyễn Công Huệ – ông Tổ nghề điêu khắc ở miếu Bảo Hà, Đồng Minh,Vĩnh Bảo.
Quan lại thời phong kiến có chức và có tước. Chức thể hiện vị trí của một người trong bộ máy cai trị, còn tước thể hiện đẳng cấp của một người trong xã hội. Có chức chưa hẳn đã có tước, nhiều vị quan làm đến thượng thư (như bộ trưởng bây giờ), hàm đến nhất, nhị phẩm nhưng vẫn không có tước vị nào, bởi được nhà vua ban tước, tức là đã được liệt vào hàng quý tộc rồi. Tước theo thứ tự từ cao đến thấp có 5 bậc là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Thế mà người nghệ nhân tài danh Tô Phú Vượng lại được vua ban tước Hầu kể cũng là chuyện hy hữu.
Chuyện về “Kỳ tài hầu” Tô Phú Vượng, không người dân nào ở xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo là không biết, không coi đó là niềm tự hào. Chuyện rằng, nghe lời đồn về tài chạm khắc của anh thợ làng Tô Phú Vượng, vua Lê Hiển Tông (1717-1786), làm vua từ năm 1740-1786) đã triệu anh về kinh để làm chiếc ngai vàng cho mình. Làm xong, nổi hứng lên, Tô Phú Vượng bèn ngồi luôn lên ngai để… thử. Nhìn thấy thế, nội giám vội tri hô, Tô Phú Vượng lập tức bị bắt vì tội “khi quân phạm thượng”, bị kết tội tử hình và bị tống ngục chờ ngày chết.
Nằm dài trong ngục, Tô Phú Vượng tẩn mẩn lật mớ rơm dùng thay chiếu cho tử tù, tìm được 7 hạt thóc còn sót, ông bóc thóc ấy thành gạo và chỉ mấy ngày sau, đàn voi 7 con đã được ông tạc xong từ 7 hạt gạo đó. 7 con voi ở 7 tư thế khác nhau, con đứng, con nằm, con quỳ… tất cả đều vô cùng sinh động và tinh xảo. Nhìn 7 tác phẩm nghệ thuật đó, viên quản ngục vô cùng thán phục, vội tâu lên nhà vua, vua ra lệnh đem 7 con voi gạo đó lên ngự lãm, và cũng như viên quản ngục, nhà vua vô cùng thích thú, thán phục, ra lệnh tha cho Tô Phú Vượng, ban cho tước “Kỳ tài hầu” và tuyển vào làm ở xưởng điêu khắc Hoàng cung.
Từ thời Lý, xã Đồng Minh có tên là trang Linh Động, còn ngày nay, xã Đồng Minh thuộc huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng). Xã có 3 làng là Bảo Động, Hà Cầu và Mai An. Từ hơn 500 năm nay, Đồng Minh đã được người tứ xứ biết đến nhờ các nghề điêu khắc, tạc tượng và múa rối. Nhiều pho tượng nổi tiếng ở những chùa, đền nổi tiếng như chùa Keo (Thái Bình), chùa Sùng Ân ở Ninh Giang (Hải Dương), chùa Mía, chùa Thầy… ở xứ Đoài, tương truyền đều do thợ Đồng Minh tạc.
Các vị cao niên trong làng kể lại, nghề điêu khắc gỗ và sơn mài ở làng Bảo Hà (Bảo Động xưa) có từ lâu đời và được coi là cái nôi của nghề tạc tượng cả nước. Khoảng thế kỷ XV, cụ Nguyễn Công Huệ đã khai sinh ra nghề tạc tượng nơi đây và tên tuổi của cụ cũng gắn liền với lịch sử phát triển của nghề. Tương truyền, trong thời gian phục dịch cho nhà Minh, cụ đã học được nhiều từ các bạn thợ của mình. Sau ngày nước ta thoát khỏi ách đô hộ nhà Minh, cụ về làng truyền lại cho dân nghề tạc tượng, sơn mài và châm cứu. Người dân nơi này nhớ ơn cụ đã phục hồi và phát huy nghề tạc tượng của làng nên thờ cụ trong cùng miếu với thành hoàng làng là Linh Lang Đại vương (một Hoàng tử nhà Lý). Ngày nay, tượng tổ nghề Nguyễn Công Huệ được thờ ở gian phía trái tiền đường của miếu Bảo Hà. Đó là tượng một cụ già râu tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu.
Bảo Hà là ngôi miếu chung của cả 3 làng Bảo Động, Hà Cầu và Mai An. Miếu còn có tên là Tam xã thượng đẳng từ, thờ thượng đẳng thần Linh Lang đại vương, được dân 3 làng tôn làm thành hoàng. Theo thần phả, thì ngài là con vua Lý Thánh Tông, tên húy là Hoằng Chân. Mẹ ngài là cung phi thứ 9 của vua Lý Thánh Tông.
Tại làng Bảo Hà, dòng họ Tô có ông tổ nghề là Tô Phú Vượng cũng nổi tiếng là nhà điêu khắc, tạc tượng tài danh từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII thời Lê-Trịnh. Tô Phú Vượng có biệt tài nhìn người tạc ra tượng đẹp, chuẩn mực, thần thái sinh động, giống thực đến mức có thể xem tướng đuợc.
Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế do Kỳ tài Hầu Tô Phú Vượng tạo tác theo chân dung vua Lê Cảnh Hưng, được đặt tại chùa Sùng Ân, thôn Đông Cao, Đông Xuyên, Ninh Giang, Hải Dương.
Tô Phú Vượng là thợ điêu khắc nổi tiếng nước Nam thời đó. Về ông không có tài liệu nào ghi năm sinh, năm mất. Chỉ biết quê ông ở trang Linh Động. Căn cứ vào các sắc phong của triều Lê – Trịnh hiện còn đến nay thì ông sống vào nửa đầu thế kỷ 18.
Không rõ ông được triều đình tuyển dụng từ bao giờ, nhưng theo bản sắc phong cổ nhất hiện còn thì ngày 26 tháng 3, niên hiệu Bảo thái thứ 9 (1728), Tô Phú Vượng đã được vua Lê Dụ Tông phong tước Tử kỳ tài. Giữ chức Phụng Thị Dư phó cai hợp Tả phiên. Đến ngày mùng 10 tháng 2 niên hiệu Vĩnh hựu thứ hai (1736), vua Lê Ý Tông đã thăng ông tới tước Hầu Kỳ tài với số lương bổng khá cao, gồm 38 quan tiền cổ, 40 phương thóc, gạo 254 bát. Đến năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), theo lời tâu của con ông là Tô Phú Doanh, vua Lê Hiển Tông gia phong ông chức Hoằng tín Đại phu sự viện, tước Kỳ tài Hầu.
Trong gia đình ông, nhiều người theo nghề và thành đạt lớn như cháu nội ông là Tô Phú Luật mà năm đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740) đã được vua Lê Hiển tông phong tước Diệu nghệ. Theo truyền ngôn, Tô Phú Luật là người đã tạc pho tượng tổ nghề Nguyễn Công Huệ hiện thờ ở miếu thôn Bảo Hà. Hoàng Đình Úc – cháu rể Tô Phú Vượng cũng nổi tiếng thợ giỏi, năm 1771 được vua Lê Hiển Tông cho sung vào làm ở Phụng thị tạo Tượng Cục, chức cục Phó và ban tước Nam. Những tài năng này đã làm rạng danh tên tuổi làng nghề Bảo Hà. Hiện nay, truyền thuyết và các sắc phong đang được lưu giữ trong nhà thờ các dòng họ Tô, họ Hoàng để ghi nhận tài năng, tầm vóc quốc gia của những nghệ nhân Bảo Hà. Nghề điêu khắc của Bảo Hà đã trở nên nổi tiếng khắp nơi và trở thành nghề cổ truyền độc đáo trên quê hương Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Và Tổ nghề ba làng là cụ Nguyễn Công Huệ. Ngày giỗ tổ nghề thực sự là một ngày hội của cả 3 làng.
Ngày nay, thợ Đồng Minh vẫn đi khắp thiên hạ để thi thố tay nghề tạc tượng và điêu khắc. Biết tiếng về làng nghề này, nhiều khách hàng các địa phương cũng thường tìm đến đặt hàng với nhiều chủng loại như kiệu rồng, long ngai, đại tự, cuốn thư, câu đối … sơn son, thếp vàng.
Thi Văn, hội Văn nghệ Dân gian HP biên soạn theo báo Nông nghiệp Việt Nam online và sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập 1, Nxb. Hải Phòng, 1997.