
Một pha đấu của hai trâu chọi trong lễ hội truyền thống Hải Lựu.
Cùng với Đồ Sơn (Hải Phòng), một số địa phương khác trên cả nước cũng có lễ hội chọi trâu như Hàm Yên (Tuyên Quang), Nghệ An, Thanh Hóa,… Nhưng cần phải nói, không ở đâu chọi trâu có lịch sử lâu đời và mang ý nghĩa đặc sắc như ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, hai địa phương có hội chọi trâu tiêu biểu là làng Bạch Lưu Hạ (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) và các làng thuộc tổng Đồ Sơn cũ (nay thuộc quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). Các hội này đều được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Hội chọi trâu ở Đồ Sơn và ở Bạch Lưu Hạ có nhiều điểm tương đồng về nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị văn hóa. Sau đây ta sẽ xem xét cụ thể:
Về nguồn gốc của hội chọi trâu Bạch Lưu và Đồ Sơn:
Truyền thuyết về tục chọi trâu ở Bạch Lưu như sau: vào một buổi sáng sớm, người ta thấy ở đầu làng Bạch Lưu Hạ có hai con trâu trắng chọi nhau không phân thắng bại, sau đó cả hai con đều nhảy xuống sông biến mất. Nơi hai con trâu chọi nhau là Bến Ảnh, còn tên làng là đuwọc gọi là Bạch Ngưu (trâu trắng). Sau vì kiêng húy của thần nên đổi thành Bạch Lưu (hay Bạch Lưu Hạ). Đây được coi là truyền thuyết gắn liền với “quê hương” của lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất ở Việt Nam. Vùng Đồ Sơn cũng có truyền thuyết tương tự. Về bản chất, theo cách giải thích của truyền thuyết này thì tục chọi trâu gắn với tục thờ thủy thần, chọi trâu để có vật tế thủy thần.
Theo cách giải thích dân gian ở làng Bạch Lưu tục chọi trâu gắn với nguồn gốc Thành hoàng làng là Nguyễn Gia (hay Nguyễn Lệ), người quận Cửu Chân (nay là tỉnh Nghệ An), thông võ, thạo văn từng đi chu du nhiều nơi, sang cả nước Lâm Ấp. Ông là người được vua Nam Việt trọng dụng bởi tài năng.
Còn theo ghi chép trong thư tịch cổ và các bản Ngọc phả từ đời Lê Trung Hưng (mục “Phong tục”, sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn) thì chọi trâu đã có ở Hải Lựu từ thế kỷ II trước Công nguyên (TCN – cách nay khoảng 2.200 năm). Cổ tục này gắn với sự kiện nhà Triệu (Triệu Đà) tan rã sau cuộc chiến tranh với nhà Tây Hán, kết thúc kỷ nhà Triệu (năm 111 trước Công nguyên). Khi đó, tướng Lộ Bác Đức đem quân xâm lược nước Nam Việt của Triệu Ai Vương. Thừa tướng Lữ Gia (tức Nguyễn Triệu Lệ), quê gốc Nghệ An (có tài liệu nói là Hà Tây cũ) là một tướng tài của triều đình đã rút khỏi thành Phiên Ngung (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) về đóng ở núi Long Động – Lập Thạch (Vĩnh Phúc) để chống lại quân của Lộ Bác Đức trong suốt hơn 10 năm (124 -111 TCN). Tại đây, ông đã cùng các thổ hào và cư dân trong vùng đánh cho quân nhà Hán thất điên bát đảo, trong đó lớn nhất là trận đánh trên sông Lô (năm 111 TCN). Ông cũng là người đã được Lạc tướng Hồng Bảo – cháu 4 đời của Hùng Duệ Vương – gả cả hai người con gái làm vợ. Sau khi ông chết, nhân dân ở đây đã thờ ông làm Thành hoàng. Đến đời Lê, vua Lê Thánh Tông phong tặng ông là “Áp quốc Bảo thiên chiêu, Ứng chí dũng Đại vương”.
Truyền thuyết kể rằng, để động viên tinh thần binh sĩ và dân chúng mỗi khi thắng trận, thừa tướng Lữ Gia đã cho mổ trâu để ăn mừng chiến thắng. Ông đặt ra trò đấu trâu để mua vui cho quân sĩ và dân chúng, từ đó hình thành lễ hội đấu ngưu (chọi trâu). Người ta cũng truyền rằng, quân sĩ khi được ăn thịt trâu chọi sẽ tráng kiệt hơn người thường, chính vì thế mà quân dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.
Trong khi đó, ở Đồ Sơn, đến nay vẫn còn lưu truyền truyền thuyết tục chọi trâu liên quan đến Nguyễn Hữu Cầu- thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân giữa thế kỷ XVIII chống lại triều Lê- Trịnh thối nát ở vùng ven biển Hải Phòng, Nguyễn Hữu Cầu tổ chức chọi trâu để khích lệ và uý lạo quân sĩ chiến đấu.
Một thuyết khác nói về nguồn gốc tục chọi trâu Đồ Sơn:
Truyền thuyết kể rằng cách nay hơn 18 thế kỷ một nhóm ngư dân nguyên quán ở đào Thần Hòa theo gió mùa đông nam ra biển đánh cá, bị bão dạt vào chân núi Tháp Sơn ở Đồ Sơn rồi ở lại lập nghiệp, trở thành những cư dân đầu tiên của vùng này. Đồ Sơn ngày một đông đúc hơn khi dân cư các nơi về khai khẩn đất đai, đánh bắt tôm cá. Họ lập ngôi miếu thờ thần biển ở chân núi Tháp cách cửa Đại Bàng (cửa sông Họng nay đã bị bồi lấp nằm giữa cửa sông Lạch Tray và Văn Úc) về phía tây khoảng 1 km. Ngư dân khi ra biển đánh cá thường vào đây cầu khấn hay cúng tạ khi an toàn trở về hoặc khi gặp may đánh bắt được nhiều hải sản tuy họ chưa biết duệ hiệu thần là gì. Một năm trời đại hạn, cây cỏ héo khô, sông, suối cạn nước. Cư dân trên đảo khẩn cầu thần linh thương xót ban mưa cứu mùa màng và họ thoát nạn đói. Vào một đêm trăng thượng tuần tháng 8, một số người nhìn thấy trên mặt biển có một lão nhân đầu tóc bạc phơ, ngồi trên sập đá, tay cầm gậy trúc xem đôi trâu đang chọi nhau. Hình ảnh này hiện lên rồi biến mất trong khoảnh khắc. Sau đó một trận mưa lớn đổ xuống, cây cối đang khô héo được hồi sinh, sông suối đầy nước, con người được cứu sống. Qua hình ảnh lão thần nhân xem trâu chọi, cư dân vạn chài cho rằng thần giáng hạ báo cho họ biết để mà thờ phụng. Sau đó, với vết chân chim hằn trên mâm bột cúng thần ở miếu Nghè, thần đã gián tiếp báo cho dân Đồ Sơn biết duệ hiệu của mình và người ta đã tôn thần là Điểm Tước Đại vương. Để làm hài lòng thần, từ đó dân Đồ Sơn tổ chức những cuộc chọi trâu dâng thần và tục lệ này được lưu truyền đến ngày nay.
Một kháp đấu trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Có thể thấy nguồn gốc tục chọi trâu ở Bạch Lưu Hạ và Đồ Sơn đều giống nhau ở yếu tố thần linh theo truyền thuyết và cả yếu tố lịch sử (về thừa tướng Lữ Gia và Nguyễn Hữu Cầu)
Phải chăng hội chọi trâu Đồ Sơn là “bản sao” của hội chọi trâu Bạch Lưu Hạ?.
Lâu nay chúng ta vẫn biết đến với hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) với tư cách là một trong những lễ hội tiêu biểu của Hải Phòng, đã hình thành từ thế kỷ XVIII và được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi hoạt động kinh tế – xã hội phát triển thì hội chọi trâu Đồ Sơn càng được quan tâm, đầu tư, để rồi bên cạnh ý nghĩa văn hóa truyền thống nó còn trở thành một trong những điểm nhấn thu hút phát triển du lịch của cả vùng. Tuy vậy, theo những người cao tuổi ở Hải Lựu thì lịch sử chọi trâu ở Việt Nam đã được hình thành cách nay hàng nghìn năm và khởi nguồn là từ Bạch Lưu Hạ. Nhiều người dân Hải Lựu còn lý giải, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không những chỉ là bắt nguồn từ Hải Lựu mà nó còn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Quan niệm tâm linh cổ xưa ở Hải Lựu vốn quy định rất khắt khe về lễ hội này từ cả nghìn năm trước. Theo đó, việc tậu trâu được giao cho các giáp, mỗi giáp lại căn cứ theo tuổi của các trai đinh mà phân công cắt cử đóng góp, chăm bẵm, do vậy mà các gia đình ở Hải Lựu xưa, cho dù nghèo đến đâu cũng phải tham gia tậu và nuôi trâu – khi được lượt. Trường hợp trai đinh nào không thể đảm nhận được thì phải chịu hạ thấp tuổi thực của mình và chuyển phần nuôi trâu chọi cho người khác. Ở vùng quê miền núi nghèo khó như Hải Lựu khi ấy, thì việc người không đủ điều kiện để tham gia nuôi trâu chọi cũng không ít, nhưng lệ làng vẫn phải theo nên đã có nhiều trai đinh bị hạ tuổi. Trong đó có một chàng “bạch đinh” (ý nói người con trai quá nghèo) rơi vào hoàn cảnh này. Không cam chịu mãi cảnh nghèo hèn ở chốn đình chung, chàng trai đó đã bỏ xứ đến nơi khác làm ăn sinh sống. Sau quãng đời bôn ba, anh này trở nên khá giả, nhưng nỗi lòng vẫn đau đáu hướng về quê hương cùng những ký ức lễ hội truyền thống ở quê nhà vốn đã ăn sâu nơi tiềm thức từ thời niên thiếu, nên anh đã tìm cách tổ chức lại hội chọi trâu ngay trên quê hương thứ hai của mình là xứ Đông (trong đó có Hải Phòng ngày nay). Không biết thực hư của câu chuyện này ra sao, nhưng đến nay những người già ở Hải Lựu vẫn tin vào điều đó.
Tuy các yếu tố chọn trâu chọi ở Hải Lựu và Đồ Sơn cũng khá tương đồng; người được giao nuôi “ông trâu” cho lễ hội hàng năm cũng phải là người có tư cách đạo đức, nhà không có tang trở; quá trình nuôi trâu, luyện trâu cũng gần như nhau nhưng rõ ràng ở Đồ Sơn, những việc này được quy định khắt khe và tổ chức công phu hơn (đã được phản ánh trong bài viết về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thuộc trang website này).
Cùng với thời gian, tục chọi trâu ngày càng phát triển và trở thành một lễ hội truyền thống đặc trưng ở Đồ Sơn và bởi vậy lễ hội này đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch xếp là một trong 15 Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam.
Trên khía cạnh văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu văn hóa giải thích bản chất của tục chọi trâu là lễ hiến sinh để cầu mưa – nghi lễ phổ biến của cư dân trồng lúa nước. Lời Kinh trong quẻ Ký Tế chép: Đông lân sát ngưu, Tây lân thược tế (bên đông phải giết bò nước (trâu) để tế lễ, bên tây tế lễ đơn giản). Khi đó việc tế lễ trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa ở bên Đông phải dùng trâu. Theo quan niệm dân gian vùng Phú Thọ- Vĩnh Phúc, vùng không gian thiêng của nước Văn Lang thời các Vua Hùng lấy núi Hùng làm trục, Bạch Lưu và các làng bên núi Tam Đảo thuộc khu vực bên đông, còn bên tây là vùng núi Ba Vì. Trong khu vực bên đông, làng Bạch Lưu Hạ có tục chọi trâu để thực hiện nghi lễ hiến tế.
Hội chọi trâu Đồ Sơn xét về bản chất cũng là một lễ hội hiến sinh, cầu thần cho sóng yên, biển lặng để ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cho người đi biển được thuận lợi, hanh thông.
Để thấy được nguồn gốc sâu xa của chọi trâu, cần nhìn rộng hơn từ các khía cạnh khác.
Trước hết, trong đời sống cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, trâu là loài vật sinh sống thành bầy, có thủ lãnh đầu đàn, thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy ấm, ẩm, quanh đầm lầy là rừng tốt tươi cỏ dại, lúa dại – nguồn thức ăn của trâu. Trâu nhà có nguồn gốc từ trâu rừng, vốn sinh sống ở vùng đầm lầy Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa thấp ẩm; cách đây không lâu, còn tồn tại khá phổ biến ở miền Trung nước ta.
Trong thực tiễn cuộc sống, trâu gắn bó với người đàn ông, vì đàn ông có sức mạnh săn bắt, thuần hóa trâu và bắt trâu kéo những đường cày đầu tiên. Kể từ khi con người chuyển sang nông nghiệp dùng cày, con trâu trở thành sức kéo chính, cùng với sức khỏe của người đàn ông tạo ra một năng suất lao động hơn hẳn so với nông nghiệp dùng cuốc, nhờ đó thúc đẩy xã hội phát triển, chuyển mạnh sang chế độ phụ quyền. Vì thế, trâu được coi là biểu tượng của sức khỏe, sức mạnh; sừng trâu- biểu tượng cho sức mạnh của trâu trở thành chiếc tù và, dùng để báo động của các cộng đồng dân cư khi có biến hoặc để kích thích quân sĩ trong chiến trận.
Ở người Việt, sự xuất hiện của nông nghiệp dùng cày với sức kéo con trâu được tìm thấy qua tượng trâu bằng đất nung được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học Tiên Hội, Đồng Đậu…; vật trang sức hình đầu trâu bằng đá quý, mài nhẵn bóng tìm thấy ở Di chỉ Đình Chàng (Cổ Loa, Hà Nội), đều cách ngày nay hơn 3000 năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên trâu.
Con trâu trở thành biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam:
Trâu là biểu tượng của sự sống. Huyền thoại của người Lào kể rằng, sau nạn hồng thủy, trời cho người một con trâu để trồng lúa; khi trâu chết, từ lỗ mũi trâu mọc ra một cây bầu rồi sinh ra loài người. Lễ xuân ngưu (trâu xuân) trong hội của nhiều làng vùng trung du Bắc Bộ là biểu tượng của mùa xuân, mùa của sự sống đâm chồi.
Với cư dân Tôrrja ở Inđônêxia, trâu được quan niệm là anh em của người và lúa, là vua của các loài vật, là hiện thân của thần âm phủ khổng lồ với đôi sừng đỡ lấy trái đất. Trâu là con vật quan trọng nhất, biểu tượng của tài sản, địa vị xã hội, tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm, nguồn sức mạnh, vẻ đẹp hạnh phúc của con người. Các tộc người Tây Nguyên coi trâu như người vì thế trâu có tên như người.
Từ tất cả những lý do trên, có thể nói con trâu là biểu tượng của sức khỏe, của sự hùng dũng, gắn liền với nền văn minh lúa nước, yếu tố quan trọng cho mùa màng bội thu. Cho nên lễ hội chọi trâu truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và ở Hải Lựu hay Đồ Sơn nói riêng đều là một nghi lễ hiến sinh cầu thần cho mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, thuận lợi cho các hoạt động gắn liền với sông nước của người dân trong cuộc sống và lao động sản xuất.
Thi Văn – Hội Văn nghệ Dân gian HP.