Hoa Phượng đỏ- biểu tượng của Hải Phòng và bài hát “Thành phố Hoa Phượng đỏ”

Không biết từ bao giờ, bài hát “Thành phố Hoa Phượng đỏ” đã trở thành ca khúc Thành phố ca của Hải Phòng, thế nhưng mỗi lần nghe vang lên những ca từ “tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố quê hương…” là lòng mỗi người con Hải Phòng lại xốn xang một tình yêu quê hương da diết. Trước mắt ta như hiện lên sắc màu đỏ rực của những tán hoa phượng điểm tô khắp thành phố Cảng khi mùa hè về.

alt

Từ một loài hoa do người Pháp du nhập từ đảo quốc Mađagaxca (châu Phi) về trồng ở Hải Phòng và một số nơi như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt vào cuối thế kỷ 19, hoa phượng đã thích nghi với vùng đất và khí hậu Việt Nam và phát triển với sức sống dẻo dai, bất chấp nắng hè nóng bỏng và bão tố, sương sa ở mảnh đất bên bờ biển đông này. Không ở đâu trên đất nước ta mà hoa phượng lại được trồng nhiều như ở thành phố Hải Phòng, với kỷ lục như “con đường có nhiều hoa phượng nhất Việt Nam” là đường Phạm Văn Đồng mà sách “Kỷ lục Việt Nam” trao tặng danh hiệu.

Hoa phượng đỏ như tượng trưng cho con người Hải Phòng luôn cháy hết mình trong cuộc sống, chiến đấu và lao động, dũng cảm đương đầu với những khốc liệt của chiến tranh và thử thách của thiên nhiên. Họ bám trụ trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió của Tổ Quốc, lập lên bao chiến công hào hùng, xứng đáng với sáu chữ vàng mà Hồ Chủ Tịch trao tặng: “Hải Phòng trung, dũng, quyết thắng”.

Có lẽ, với những gì đã nói ở trên, người dân khắp mọi miền đất nước đã mặc nhiên thừa nhận hoa phượng đỏ là biểu trưng của thành phố Cảng HP và bài hát “Thành phố Hoa Phượng đỏ” là địa phương ca của thành phố ta.

Cảm ơn nhạc sĩ Lương Vĩnh và nhà thơ Hải Như – hai văn nghệ sĩ đã sáng tạo lên bài hát bất hủ về Hải Phòng, tuy không phải người Hải Phòng nhưng trong những ngày tháng sôi động của kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên thành phố Cảng, với cảm xúc dâng trào họ đã sáng tác lên một ca khúc để đời hay đến thế về mảnh đất và con người Hải Phòng. Lời bài hát “Thành phố Hoa Phượng đỏ” được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hải Như.

Để mọi người hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Thành phố Hoa Phượng đỏ”, xin giới thiệu những gì mà tác giả thu thập được từ lời kể của nhà thơ Hải Như với phóng viên báo “Nhân Dân” đăng trong số báo ra tháng 11 năm 2010.

Hải Như gốc người Nam Định, cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao, sinh cùng năm 1923, sau Văn Cao 12 ngày. Hải Như viết và tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1948, ông tham gia Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, là một trong những nhà báo học lớp báo chí cách mạng đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng tại Bờ Rạ (Thái Nguyên năm 1948).

Năm 2000, nhân dịp tròn 30 năm ngày bài hát “Thành phố Hoa Phượng đỏ” ra đời, nhà thơ Hải Như (khi đó sống ở Tp. Hồ Chí Minh) nhận lời mời của UBND thành phố Hải Phòng đã ra làm khách của thành phố Cảng. Ông tha thẩn thăm lại các địa danh nổi tiếng đã đi vào bài hát: Bến Bính, Nhà máy xi-măng, cầu Rào, sông Lấp. Sông Lấp khi đó  đã được cải tạo thành hồ Tam Bạc nước xanh ngăn ngắt nằm giữa khu trung tâm thành phố đông đúc, náo nhiệt.  Cảm xúc dạt dào từ ca từ “Những bến Bính, xi măng, cầu rào, cầu Đất, Lạc viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng thân thuộc…” khiến nhà thơ bồi hồi kể lại cho phóng viên nghe lai lịch bài hát:

Mùa hè năm 1970, vợ chồng nhà thơ Nga nổi tiếng Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam, được ông Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục Đường biển mời tham quan Hải Phòng và ngành đường biển. Cùng đi có nhà thơ Huy Cận, các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân và nhà thơ Hải Như… Đi giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước sôi động cùng miền Nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết lên bài thơ “Thành phố Hoa phượng đỏ”.

Hồi ấy, sự phân biệt trong quan niệm văn nghệ địa phương và văn nghệ Trung ương là rất lớn. Muốn phá bỏ khoảng cách đó, Hải Như nhờ Hội Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa – Thông tin thành phố Hải Phòng mời một nhạc sĩ địa phương chưa mấy tên tuổi cộng tác với mình để phổ nhạc cho lời thơ. Được Hội và Sở giới thiệu, ông yên tâm giao bài thơ của mình cho nhạc sĩ Lương Vĩnh, một nhạc sĩ thuộc Đoàn Ca-Múa-Nhạc Trung ương đang đi thực tế sáng tác ở Hải Phòng. Và 3 tháng sau, bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” đã được biểu diễn lần đầu tiên tại trụ sở Đoàn Ca múa Hải Phòng ở Phố Ga (nay là phố Lương Khánh Thiện). Người hát là Lương Vĩnh với cây ghi-ta gỗ, khán giả là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Lê Yên và chị Ngọc – diễn viên múa, vợ nhạc sĩ Lương Vĩnh.

Khi nghe xong bài hát, nhà thơ Hải Như thắc mắc với nhạc sĩ Lương Vĩnh: “Sao anh lại bớt đi 6 chữ của tôi?: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt cho anh trao chiếc hôn nồng. Ta tạm biệt xa nhau…”. Nhạc sĩ Lương Vĩnh cười thanh minh: “Hôn trong thơ thì được, ít người đọc, chứ hôn trong ca khúc, hát lên ai ai cũng thấy thì rắc rối lắm, bác thông cảm cho em…” (trong hoàn cảnh cách mạng thời đó, người ta không cho phép sự ủy mị, lãng mạn). Sau khi hoàn thành ca khúc, nhiều lần nhạc sĩ Lương Vĩnh lên Hà Nội nhờ nhà thơ Hải Như sửa ca từ vì có ý kiến cho rằng: “Hải Như là nhà thơ ở Trung ương, không hiểu Hải Phòng nên mới viết “những hẹn hò bên bờ sông Lấp” – Chỗ hẹn hò không đàng hoàng. Rồi lại còn “hạ thấp vị thế” của Hải Phòng bằng câu: “Hải Phòng ơi! Hôm nay bé nhỏ”… Hải Như kiên quyết không sửa mà gửi bài hát lên Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi có thể phổ biến rộng rãi nhất ra công chúng.

Sau khi được duyệt mà không sửa chữa gì, ca khúc “Thành phố Hoa phượng đỏ” chưa có ca sĩ thể hiện. Vào một chiều hè năm 1971, một năm sau khi ca khúc ra đời, có một ca sĩ trẻ tới gõ cửa nhà thơ Hải Như, tự giới thiệu quê ở Bát Tràng, xin được hát bài hát này. Chàng trai đó sau này chính là Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng. Qua giọng hát của Kiều Hưng trên làn sóng phát thanh, bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” được khán thính giả cả nước yêu thích. Sau khi được phổ biến trên làn sóng, không thấy có ý kiến nào về ca từ của bài hát nữa…

Và đây là lời kể của nhạc sĩ Lương Vĩnh, người đã thổi hồn vào bài thơ của Hải Như và làm cho nó trở lên bất hủ:

Sinh sống ở Hà Nội, đang làm việc ở Đoàn Ca múa nhạc T.Ư, Lương Vĩnh được đi học Trường Âm nhạc Hải Phòng. Với Lương Vĩnh khi ấy, phải coi là “bị” về Hải Phòng, bởi đó không phải là nguyện vọng của ông. Nhưng cũng nhờ chuyến đi ấy, ông đã để lại cho đời một tuyệt tác bất hủ.

Số là khi ấy, Đoàn Ca múa Hải Phòng rất thiếu tiết mục nói về thành phố quê hương mình. Lãnh đạo yêu cầu Lương Vĩnh học trường nhạc ra phải có sáng tác về Hải Phòng. Đang loay hoay không biết viết như thế nào, tìm ý tứ gì thì ông đọc được bài thơ của Hải Như có tên “Thành phố hoa phượng đỏ”. Qua thơ, Hải Phòng hiện lên thật đáng yêu, thơ mộng, ngoan cường, anh dũng, vừa giản dị vừa nên thơ, lạc quan. Thế là Lương Vĩnh quyết định phổ thành bài hát.

Khi đó, Lương Vĩnh mới ngoài 30 tuổi, chưa được công chúng biết đến. Thế mà tác phẩm đầu tiên của ông đã thành công rực rỡ, trở thành “thành phố ca”, được lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng coi như “báu vật”. Bài thơ mang chất chính luận với hơi hướng anh hùng ca. Lương Vĩnh đã tìm được một giai điệu rất phù hợp để chuyển tải tốt nhất nội dung bài thơ. Đó là chất liệu âm nhạc hiện đại với việc tạo dựng hình tượng âm nhạc bề thế, có chiều cao, bề rộng, nghe sừng sững uy nghi nhưng vẫn giữ được tính chất dung dị, mộc mạc.

Bài hát được viết ở thể 2 đoạn khá cân đối, mạch lạc. Một điều khá thú vị là phần sau của đoạn A với lời ca nghe rất tâm tình lắng đọng: “Những bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu. Nhưng với ta vô cùng oanh liệt, ôi thân thiết tự hào quê hương”. Người ta chờ đợi bắt đầu vào đoạn B, giai điệu sẽ vút lên như phổ biến ở nhiều bài hát.

Song Lương Vĩnh lại xử lý khác: phát triển giai điệu theo hướng đi xuống. Và đây là những trầm lắng cần thiết như lời thủ thỉ tâm tình dịu nhẹ để ngay sau đó giai điệu vút lên, hào sảng, hoành tráng: “Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt, chưa trọn nghĩa Sài Gòn Đã Nẵng…”. Và sau đó: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, trăm trận đánh quê ta kiên cường…”. Câu nhạc này được nhắc ở một âm khu cao thật tự nhiên như mạch âm nhạc không thể chảy khác.

“Thành phố hoa phượng đỏ” ra đời đã được hơn 40 năm. Hải Phòng hôm nay phát triển với nhịp điệu của một thành phố công nghiệp và du lịch hiện đại. Những dấu tích của một thời đạn bom trong quá khứ đã được xóa đi thay thế bằng một nhịp sống hối hả, trẻ trung. Nhưng vẫn còn đó “những cái tên nghe chẳng thơ đâu” nhưng đã vô cùng oanh liệt. Và thành phố sẽ càng rực rỡ thêm bởi màu hoa đỏ ối như lửa, bởi “những Bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên”, bởi “những hẹn hò bên bờ sông Lấp”.

Người nghe cảm nhận rõ có sự pha trộn rất hài hòa, nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và anh hùng ca, giữa những tâm sự, tình cảm của con người bình thường nhất nơi đất cảng và một lý trí thép, một khát vọng mãnh liệt của con người trước mọi thử thách, cam go. Sau bài hát này, chưa thấy có bài nào viết về Hải Phòng hay hơn, sâu sắc hơn.

Nguồn: Những giai điệu bất tử: “Tháng 5 rực trời hoa phượng đỏ”/Nhạc sỹ Nguyễn Đình San//VOV – Báo TNVN, mục Văn hóa. – Ngày 17/06/2012

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học