Hình tượng hổ trong văn hóa dân gian Việt Nam và châu Á.

 
       Nếu như người châu Âu cho rằng sư tử là vua của muôn loài cầm thú, thì trong quan niệm của người châu Á, hổ là chúa tể của rừng xanh và được coi như con vật thiêng, được người ta tôn thờ.
       Có sự đa dạng trong những hình thức thờ phụng loài hổ ở các quốc gia, cộng đồng người khắp nơi thuộc châu Á và gắn liền với truyền thống văn hóa của từng vùng, miền. Những dân tộc theo tín ngưỡng bái vật giáo (Totem giáo) thì tôn thờ hổ như tổ tiên của tộc người mình. Ở những nơi thịnh hành Shaman (tín ngưỡng dân gian) thì hổ mang tính chất thánh thiêng và hòa trộn trong các nghi lễ thần bí. Ở một số nơi khác, hổ được thờ phụng trong những không gian vật thể tín ngưỡng như đình, đền, miếu, chùa, điện, phủ thông qua những nghi thức cúng tế, tranh thờ, tượng thờ và mỹ thuật tâm linh. Ngoài ra còn những biểu hiện khác như việc xem các phần cơ thể của hổ (nanh và vuốt) như những bùa hộ mệnh một cách mê tín. Nhưng nhìn chung, dù ở vùng đất nào, cộng đồng nào thì loài hổ cũng ngự trị trong tâm thức dân gian với một vị trí tâm linh sùng bái.
       Trong văn hóa các nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, hổ là một linh vật trong 12 con giáp (nằm ở chi thứ ba) và tượng trưng cho sức mạnh, sự can trường (dám tấn công tất cả các loài động vật dù to khỏe (kể cả thông minh như con người), dũng mãnh với tiếng gầm vang làm mọi vật phải khiếp sợ, uy vũ với dáng đi hiên ngang, uyển chuyển, biết kiên nhẫn đợi thời, rình mồi. Nó trở thành một biểu tượng quyền uy trong nền văn hóa cổ phương Đông.
       Trong cách nhìn người dân phương Đông thì hổ là một ác thú, nó hung hãn nhất trong 12 con giáp, dù về sự khôn ngoan, nó không thể sánh với khỉ và chuột, sự kiên trì, nhẫn nại có thể không sánh với trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ không so sánh bằng Rồng (con vật không có thật), luồn lách và hiểm độc không thể bằng rắn, nhưng trong 12 con thú, hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những tố chất ấy mà hổ (hay cọp, hùm) là một loài tượng trưng cho sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người tôn sùng trong văn hóa, nghệ thuật và tôn thờ trong đời sống tâm linh, tôn giáo.
       Cho đến nay, vùng văn hóa Á Đông rất chuộng hổ, ngày Tết người ta thích treo tranh hổ. Trong 12 con giáp, hổ đứng ở phương Đông, cung Dần, góc vuông thứ nhất theo toán học tử vi, gắn với Nam Á nên ở vùng này có rất nhiều dân tộc tôn sùng hổ. Người ta gọi các nước mới nổi có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo, Đài Loan là con hổ kinh tế.
       Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa người Việt cổ. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Đó là hình tượng hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn. Ngoài những hình hổ trang trí trên mặt phẳng, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng kim loại. Chiếc thạp đồng Đông Sơn tại khu mộ Vạn Thắng, trên nắp thạp hiển hiện bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động. Ở chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn được khai quật ở vùng miền núi Nghệ An – Thanh Hóa do một người Pháp là Gallery Hioco sưu tầm cũng có một bức tượng hổ trong tư thế đang rón rén lại gần con nai. Tại một địa điểm khảo cổ khác thuộc tỉnh Bắc Ninh có tên là Lãng Ngâm (huyện Gia Bình), các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hươu và hổ. Sự xuất hiện hình ảnh loài hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm tôn thờ sức mạnh và sự nguy hiểm của loài vật này.
       Trong văn hóa Việt Nam tồn tại hai quan điểm song song về hổ, một quan điểm đề cao và sùng bái sức mạnh, vẻ đẹp uy vũ của loài hổ đồng thời với quan điểm kinh sợ và xa lánh, bài trừ loài động vật này vì nỗi ám ảnh của nó trong mối quan hệ với con người (chuyện dân gian “trí khôn của ta đây”, hổ thành tinh phải mà con người phải cúng tế-hiến sinh, yêu tinh hổ ăn thịt người). Từ đó có phong trào săn giết hổ. Nhưng nhìn chung thì quan điểm văn hóa thứ nhất luôn thắng thế. Người Việt Nam kính sợ hổ, gọi hổ bằng Ông Ba Mươi, ông Cọp, ông Hổ, ông Kễnh, ông Khái, Ngài, Chúa tể sơn lâm. Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng, gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà sống. Về sau, khi lên ngôi vua, ông đã cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn. Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua còn ban lệnh cấm giết hổ. Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.
       Trong văn học dân gian có nhiều giai thoại linh thiêng về hổ, nhiều câu ngạn ngữ tôn sùng hổ. Đầu tập truyện Lĩnh Nam Chích Quái của Phạm Đình Hổ cũng nói đến mối liên quan giữa Thần Hổ và Thần Mộc Tinh. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Ví dụ câu “Hổ xú hùng tâm tại” tức là, khi con hổ về già xấu xí nằm yên một chỗ nhưng uy danh của nó vẫn còn, chẳng một con vật nào dám qua mặt. Đây là muốn ca ngợi những vị anh hùng tuy tuổi đã cao, nhưng khí phách hào khí vẫn không bị mất đi, vì thế chẳng một ai dám xem thường.
       Một số đặc tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt trong đời sống hàng ngày như câu ngạn ngữ “Hổ dữ không ăn thịt con” (chỉ về đạo lý làm người, tình cảm mẫu tử); “cọp chết để da, người ta chết để tiếng” (nói về danh dự); “nam thực như hổ” (chỉ về ăn khỏe); “mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói” (chỉ về sự hoàn thiện của một cơ thể đầy sức mạnh); “hổ bộ, hổ bôn” (dáng đi như hổ); “rồng cuộn hổ ngồi” (chỉ về địa thế đẹp như trong chiếu dời đô của Lý Thái Tổ ví đất Đại La), “hổ phụ sinh hổ tử” (chỉ sự tự hào khi có thế hệ tiếp nối giỏi giang), “long tranh hổ đấu” (cuộc đấu dữ dội giữa hai đối thủ mạnh) hoặc câu “làm bạn với vua như đùa với hổ” (ý nói nguy hiểm, không biết thế nào mà lường)…
       Hổ còn là biểu tượng cho quyền uy, sự dũng mãnh và sức mạnh trong chiến đấu. Hổ trắng còn là hình ảnh của đấng minh quân. Chính vì thế hổ thường là biểu trưng cho của các vị tướng lĩnh, các lực lượng quân sự đặc biệt, những vũ khí chiến tranh uy lực (bằng cách đặt tên, thể hiện hình tượng hổ trên quân huy, quân kỳ).
       Ở nước ta có truyền thuyết về một vị tướng họ Hùng (Hùng Linh Côn). Theo cuốn Ngọc phả quốc lục, Hùng Linh Công là con của Hùng Nhạc, cháu ruột Hùng Vương thứ VI có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra. Ngày nay đền Trình ở thắng cảnh Hương Sơn thuộc Mĩ Đức, Hà Nội còn thờ vị thần hổ này và được nhân dân hương khói khắp bốn mùa. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có nhắc nhiều về hổ và Từ Hải là vị tướng được ví là hổ tướng. Trong tâm khảm người Việt, vị anh hùng Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Hùm thiêng đất Yên Thế. Các võ tướng phong kiến ngày xưa (hàm tứ phẩm trở lên) võ phục có hình đầu hổ trước ngực, ấn tín Vua ban khắc hình đầu hổ (gọi là hổ phù).
       Ở nước ta các đình, chùa, đền, miếu mạo cũng thường chạm khắc hình tượng hổ, đặt tượng hổ để trấn giữ nơi linh thiêng, thể hiện việc bất khả xâm phạm. Ví dụ: tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) đến những con hổ đá thời Lê ở Khu Di tích lịch sử Nam Kinh (Thanh Hoá).
       Hổ còn là ông tổ của một số dân tộc thiểu số Việt Nam. Một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như họ Hoàng, Lường, Lộc của người Thái coi hổ là vật tổ và thờ cúng. Ngoài ra một số dân tộc cũng thờ hổ là vật tổ như: người Khơmú (Tây Bắc, miền tây Nghệ An họ cho rằng tộc người của mình thuộc họ Rvai (tức là họ Hổ), người Tà Ôi (vùng núi phía tây miền Trung thờ Giàng Avó, tức là Giàng Hổ), người Co ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cũng thờ hổ như tổ tiên. Người La Hủ ở Việt Nam cũng tự đặt tên cho sắc dân mình gắn với con hổ, theo đó “La” là con hổ, “Hủ” là con sóc, ‘La Hủ” nghĩa là mạnh như con hổ, nhanh như con sóc, phần nào giải thích nguồn gốc của tộc họ.
       Dân gian đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh linh thiêng diệt trừ được ma quỷ. Bởi vậy, hình tượng con hổ đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được đắp tượng, vẽ tranh thờ cúng ở các đền, điện, đình, miếu rồi đi vào tranh dân gian tạo nên bức tranh 5 ông hổ trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống quây quần quanh một điện thờ hương khói vấn vít, chầu vào trung tâm để che chở bảo hộ.
       Có nhiều loại tranh hổ: bạch hổ (hổ trắng), hắc hổ (hổ đen) và ngũ hổ (5 màu), mà dân gian gọi là tranh ông Năm dinh, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị ở 5 phương trời. Ở Việt Nam, sau khi triết học Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam, tinh thần của loại triết thuyết này với ngũ sắc đã kết hợp với đạo Mẫu thuần Việt (như tín ngưỡng thờ Chúa bà Ngũ Phương) tạo nên ngũ hổ với 5 màu sắc. Vì vậy, các nghệ nhân xưa khi vẽ tranh hổ, ngoài hình dáng oai phong đường bệ, họ còn vẽ năm con hổ với năm màu nhất định tượng trưng cho ngũ hành:
       Hoàng hổ tướng quân (vàng) trấn nhậm khu Trung tâm (Thổ)
       Hắc hổ tướng quân (đen) trấn nhậm phương Bắc (Thủy)
       Bạch hổ tướng quân (trắng) trấn nhậm phương Tây (Kim)
       Xích hổ tướng quân (đỏ) trấn nhậm phương Nam (Hỏa)
       Thanh hổ tướng quân (xanh) trấn nhậm phương Đông (Mộc).
       Tranh thờ hổ được thể hiện bằng những nét vẽ mang phong cách ước lệ, ẩn chứa những thông tin huyền bí của tín ngưỡng dân gian, từ ánh mắt, thế đứng, cách đặt chân… Bức tranh hội đủ năm sắc màu tượng trưng của ngũ hành mà “ông” hổ màu vàng uy nghi ở giữa tượng trưng cho hành Thổ, còn xung quanh là bốn ông với bốn màu khác nhau mà theo thuyết âm dương thì Thổ là sự quy tàng của bốn hành kia trong chu kỳ vận động của ngũ hành.
       Trong tranh thờ hổ, nghệ nhân dân gian còn vẽ các đám mây cuồn cuộn, thể hiện bằng các đường cong gãy khúc nối nhau, gợi một cảm giác xếp đầy nhưng nặng nề, và đằng sau nó là ẩn giấu một cái gì đó thần bí, thiêng liêng.
       Người xưa tin rằng trong 7 ngày tết, thần Bạch Hổ hiển linh để bảo vệ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho lợn rừng, hươu, nai phá hoại mùa màng. Nhớ ơn huệ ấy, dân làng thường xây cất miếu sơn quân thờ thần Bạch Hổ. Hổ trắng tuy là loài động vật có thật nhưng lại được xem là vật biểu mang tính ước lệ. Bạch hổ đại diện cho quyền lực thần linh ở phương Tây, là vị thần chủ quản phương Tây (thuộc hành kim) nên có màu trắng theo thuyết ngũ hành.
       Việc tôn thờ hổ như vị thần bảo hộ còn thể hiện qua hình thức cúng tế Vía thần Bạch Hổ vào ngày Kinh Trập. Theo đó, Kinh Trập là 1 trong 24 tiết khí của lịch nhà nông, nguyên từ của nó gồm “kinh” có nghĩa là làm kinh động, kinh sợ và “trập” chỉ các loại côn trùng, sâu bọ vì đến tiết Kinh Trập mới bắt đầu có tiếng sấm đầu tiên và làm kinh động đến các loại côn trùng, sâu bọ. Chúng ra khỏi giấc ngủ đông và bắt đầu bò lên mặt đất kiếm ăn và thường sẽ gây hại cho con người và mùa màng nên vào thời xưa, những cư dân Á Đông đều cầu sự giúp đỡ từ vị chúa tể của muôn loài động vật là ông Bạch Hổ.
       Từ quan niệm đó, cho nên ngày Kinh Trập cũng là ngày mọi người cúng tế thần Bạch Hổ để cầu mong giảm thiểu các tác hại của côn trùng phá hoại mùa màng. Vào ngày này, mọi người thường đem theo trứng vịt, thịt heo sống đến các miếu, đền để dâng hương, cúng bái thần Bạch Hổ.
       Trong lý thuyết phong thủy cũng có nói đến thế đất Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (Rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) là một thế đất linh thiêng.
       Nhiều bức hội họa, thư pháp, tranh thủy mặc và trên những bức tượng, phù điêu có cảnh hổ và rồng đang ở tư thế gầm ghè chuẩn bị giao chiến (long tranh – hổ đấu) với ý nghĩa triết lý như sau:
       Hổ là con vật thượng thủ đối với muôn thú trên cạn, ngược lại, rồng chiếm vị trí tối cao ở thủy giới. Hổ là con vật có thực được sánh với rồng là một sinh vật truyền thuyết. Trong Đạo giáo và phong thủy, thông qua hình tượng Âm-Dương, hổ đối lập với rồng và góp phần kiềm chế rồng. Vậy nên sự tranh đấu giữa rồng và hổ biểu thị cho lời cầu mong âm-dương giao hòa, điềm cát tường: mưa thuận gió hòa, mọi việc phát triển.
       Có thể nói, hình tượng hổ chiếm một vị trí linh thiêng trong văn hóa dân gian, tâm linh và tín ngưỡng các dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam. Nó phản ánh sự ngưỡng mộ của con người từ việc soi chiếu hình ảnh hiện thực loài hổ vào đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Mặt khác truyền thuyết và giai thoại kỳ bí về con vật này cũng như ảnh hưởng của triết học cổ Trung Hoa cũng ảnh hưởng đến tâm lý sùng bái hổ của người xưa. Bởi vậy hổ là một linh vật được nhiều dân tộc Á Đông tôn thờ.

       (Nguồn: Hình tượng hổ trong văn hóa dân gian Việt Nam và châu Á/Phạm Văn Thi//Khoa học & Kinh tế Hải Phòng. – Số 06, táng 1/2022. – Tr. 10-13)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học