
Ảnh thi kéo xe ngựa gỗ đình Hoàng Châu.
Ở miền Bắc nước ta có nhiều lễ hội văn hoá vào dịp cuối năm và đầu năm. Trong đó tục lệ “rước kiệu” trong lễ hội khá phổ biến ở các làng vì theo quan niệm từ xưa, mỗi làng đều có một hoặc vài vị Thành hoàng và trong tiệc làng thường có lễ rước kiệu đưa vị Thành hoàng đi từ miếu sang đình, sang đền và ngược lại.
Các vị Thành hoàng được dân làng thờ phụng là những người có công bảo vệ quê hương, đất nước hoặc có công khai mở đất đai, dạy nghề cho dân làng hay chữa bệnh, làm phúc cho dân làng…
Để rước kiệu người ta chọn ra các phù kiệu hay còn gọi là người khiêng kiệu. Tuỳ thuộc vào kiệu lớn hay nhỏ và đoạn đường đi xa hay gần mà người ta định ra số lượng phù kiệu. Có thể cần nhiều phù kiệu để đổi vai cho nhau (dưỡng sức) nếu phải di chuyển nhiều. Các phù kiệu có thể là nam hoặc nữ tùy theo vị thần hoàng từng làng. Những người được chọn làm phù kiệu phải là những nam thanh, nữ tú khỏe mạnh, có đạo đức, nhà đang không có tang trở. Người nào được chọn làm phù kiệu thì đó là vinh dự và may mắn của gia đình vì người ta quan niệm gia đình và người đó sẽ được thánh thần phù hộ, độ trì.
Quần áo của phù kiệu cũng được trang trí theo văn hoá của từng làng (chủ yếu là các màu xanh, đỏ, vàng).
PGS.TS Trần Lâm Biền- Nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Người Việt luôn tôn trọng thần linh, vì họ nhận thức rằng thần linh phải vì con người mà đem đến mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Do đó, khi nhìn về thần linh, người Việt không có tính chất quy phục một cách thái quá mà đồng nhất thần linh với chính mình, vì cuộc sống mà tồn tại, chứ người Việt không coi thần linh như nhiều cư dân khác là những đấng tối thượng nằm ở đâu đó xa vời để cầu viện…Do đó trong các lễ hội người ta thường dâng cúng thần linh những sản vật, món ăn mà vị thần được thờ lúc còn sống thích hay được ghi lại trong thần phả, ngọc phả đồng thời cúng tế thần vào những dịp thánh đản (ngày sinh), thánh hóa (ngày mất), khánh hạ (ngày chiến thắng, ngày thành công) của thần.
Rước và tế thực chất là chịu ảnh hưởng của phong tục, lễ nghi thời phong kiến nhưng nó đã được dân gian hóa, đề cao thần. Khi rước kiệu đi như vậy, nếu thánh thần không ưng ý thì có những phản ứng kiểu như kiệu quay hoặc kiệu bay. Trong hiện tượng kiệu quay, dân gian cho rằng là khi đó các thần gặp nhau. Đôi khi đi qua một ngôi đền hay một ngôi chùa nào đó thì kiệu cũng quay 1-2 vòng như là thánh thần chào nhau. Hay là khi đám rước hồi cung về đền hoặc miếu, thì phù kiệu cũng quay, kiệu cũng quay. Hiện tượng quay hay bay này đó là hiện tượng xuất thần tập thể…Có thể minh chứng hiện tượng này trong lễ hội thi kéo xe ngựa gỗ hay còn gọi là lễ hội Xa Mã – rước kiệu Đình Hoàng Châu (ở xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng)
Lễ hội xa mã – rước kiệu đình Hoàng Châu được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ngày 8/5/201 vì những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng cho cuộc sống của cư dân vùng Duyên hải miền Bắc Việt Nam.
Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu Đình Hoàng Châu được tổ chức từ mùng 10 tháng 6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của các vị thành hoàng và các bậc tiền nhân đã có công khai sinh lập làng. Ở đình Hoàng Châu là Đế Thích tiên đình và Liễu Hạnh công chúa thiên tiên Thượng đẳng thần. Ngoài ra ở đây còn còn thờ hai vị Thành hoàng là Đô Nguyên Soái Tuyên Nghi Chi thần và Phó Nguyên Soái Duy Bùi chi thần – 2 vị thành hoàng làng đã có công trừ hải tặc, dạy dân nghề đánh cá. Thông qua lễ hội, ngư dân ven biển Cát Hải cầu mong thần linh biển cả – thủy thần bảo trợ cho mùa ra khơi đánh bắt cá được an toàn, bội thu, đồng thời cũng là để cầu mong cho một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội có phần lễ bao gồm các nghi thức tế cáo yết, tế chính và tế an vị. Phần hội là nghi thức rước kiệu, xa mã cùng các trò chơi dân gian khác. Trong đó rước kiệu là hoạt động mang đậm tín ngưỡng tâm linh, độc đáo. Kiệu rước như có thánh thần hiển linh, nên có lúc di chuyển nhanh như bay, lúc lờ đờ chậm chạp. Kiệu còn đi lùi, quay vòng thậm chí gần như mất kiểm soát và “điều khiển” người khiêng kiệu. Những hiện tượng này khiến nhiều người tin là thánh thần làm ra như vậy, nhưng có người cũng không tin là có lực siêu nhiên điều khiển người khiêng kiệu.
Một cảnh kiệu nữ bay trong lễ hội Hoàng Châu.
Theo khoa học thì đây là hiện tượng thăng hoa tập thể của những người khiêng kiệu trong trạng thái ngây ngất của không khí lễ hội và đám đông người tham dự.
Nét đặc biệt của nghi lễ rước kiệu đình Hoàng Châu là dấu ấn văn hoá vùng biển, không có cờ thần, cờ tiết mao, chấp kích, bát bửu, phường bát âm, chiêng trống. Trong không gian và thời gian linh thiêng, con người được hoà vào cùng đội rước, được chứng kiến những cỗ kiệu bay, kiệu quay trên đôi vai của những nam thanh, nữ tú phù giá. Thông thường kiệu long đình được rước trước, đến kiệu mẫu Liễu Hạnh và các kiệu khác. Nhưng trong khoảnh khắc linh thiêng, sự siêu linh đạt độ đỉnh điểm thì các cỗ kiệu cùng phù giá cũng phiêu linh cùng thánh thần. Khi đó kiệu không còn di chuyển theo một trật tự hay quy luật nào. Người dân nơi đây cho rằng khi kiệu bay là lúc Thánh vui mừng, hào hứng. Kiệu quay tròn (cút) là Thánh chưa thỏa lòng du ngoạn. Trên đôi vai của những phù giá, kiệu Thánh có thể bay đi khắp chốn trong vùng mà không theo sự chỉ định nào của con người, cũng không biết trước được điểm dừng và thời gian kiệu di chuyển cũng không biết khi nào kết thúc.
Một cảnh kiệu leo trong lễ hội đình Hoàng Châu.
Dân làng Hoàng Châu cho rằng, cứ vào dịp hội làng là những vị thần có công khai sinh lập làng đi quanh làng để thăm thú, xem sự đổi mới của quê hương và phù hộ độ trì cho dân làng được no ấm, bình an, mùa màng bội thu theo lời khẩn cầu của dân chúng. Vì vậy kiệu (có thánh ngự trên) có thể rẽ vào bất kỳ nơi nào ngài muốn xem, thậm chí đang đi trên đường làng kiệu lại khiến các phù giá (người khiêng kiệu) ào xuống ruộng muối hay mương nước.
Người không tin việc thánh thần điều khiển người khiêng kiệu thì cho rằng đây là hành động có sự sắp xếp trước của những ai muốn người tham dự hội tin vào sự linh thiêng của Thành hoàng làng. Còn người có đức tin thì qua những hiện tượng nêu trên càng sùng kính các vị thần hoàng hơn. Điều này tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Riêng tôi, tôi không phủ nhận cũng không tin hoàn toàn.
Dù sao chăng nữa, niềm tin cũng tạo cho con người hy vọng để sống, lao động và vượt qua những khủng hoảng tinh thần mà họ gặp phải.
P.V Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.