
Một buổi biểu diễn của Nghệ nhân Dân gian VN Đào Bạch Linh và học trò (ảnh báo An ninh Hải Phòng).
Hát xẩm là môn nghệ thuật xưa phổ biến ở vùng đồng Bằng và Trung du Bắc bộ. Có thể nói, trong các loại hình văn nghệ dân gian, hát xẩm là môn nghệ thuật độc đáo nhất.
Thứ nhất, chỉ có hát Xẩm được coi là một nghề kiếm sống thời xưa bởi nó gắn liền với việc biểu diễn kiếm tiền của những nghệ nhân lang thang.
Thứ hai, là loại hình ca nhạc bình dân nơi chợ búa, bến đò, bến xe, bến tầu, nơi cộng cộng, hát xẩm không có địa điểm biểu diễn đàng hoàng, sang trọng như hát chèo, ca trù hay hát văn.
Thứ ba, giai điệu và lời hát xẩm thường não nề, buồn tủi, gợi lên nỗi thương tâm nơi người nghe để lay động tình người, mong được khán giả thưởng tiền, bố thí (tất nhiên các bài hát xẩm mới còn có cả nội dung chế giễu, gây cười, đả kích thói hư tật xấu trong xã hội hoặc tái hiện đặc điểm lịch sử một vùng đất, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, ơn Đảng…)
Thứ tư, các môn nghệ thuật khác như chèo, tuồng, ca trù chỉ có một ngày giỗ tổ nghề nhưng hát xẩm không hiểu sao lại có tới 2 ngày giỗ tổ sư sáng tạo ra nghệ thuật này là ngày 22 tháng 2 hoặc ngày 22 tháng 8 âm lịch hằng năm. Có lẽ đây là ngày sinh và ngày mất của hoàng tử Trần Quốc Đĩnh chăng?
Thứ năm, người hát xẩm xưa thường là người mù. Có người không mù cũng giả là người mù đeo kính đen khi đàn, hát (Có lẽ để gợi lòng trắc ẩn nơi khán giả).
Người hát xẩm thường tụ tập thành một nhóm người thân như vợ, chồng, con cái họ hàng vài ba người. Trong từng vùng, địa phương, các nhóm xẩm lại kết thành phường hội với sự sắp đặt rất có tổ chức mà người đứng đầu là các ông trùm. Những ông trùm này chịu trách nhiệm sáng tác lời ca, điệu đàn và sắp xếp việc tổ chức, biểu diễn của phường (mà nay ta gọi là giáo phường). Tiêu biểu là trùm Nguyên (nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên của Hà Nội); Trùm Chinh (Thân Đức Chinh) của Bắc Giang, Nguyễn Phong Sắc của Hải Dương, trùm Khoản của Sơn Tây. Ninh Bình nổi danh có cụ Trưởng Khoản, cụ Trưởng Thìn và đặc biệt là cụ Chánh Chương Mậu – chồng của Nghệ nhân Dân gian Hà Thị Cầu – người hát xẩm cổ cuối cùng đất Ninh Bình. Theo lời kể của chính nghệ nhân Hà Thị Cầu, vợ lẽ của ông trùm này thì ông hoàn toàn không nghèo khổ, sống như một tài tử nay đây mai đó và có tới 8 bà vợ, bà nào cũng đẹp.
Có mấy ai đã đặt câu hỏi là tại sao người hát xẩm thường là người khiếm thị?. Việc này có xuất xứ từ truyền thuyết về ông tổ của nghề hát xẩm.
Theo Truyện Dân gian Việt Nam, hát xẩm ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 13 ở đời Trần và người khởi phát ra nó là một người có thân phận cao quý – Hoàng tử Trần Quốc Đĩnh.
Trần Quốc Đĩnh là con vua Trần Thánh Tông (1258-1278), từ nhỏ đã là người  chăm chỉ, học hành thông minh, lại đàn ngọt, hát hay. Trần Quốc Toán là anh trai, tính tình ngang ngược, học hành lười biếng, thấy ai hơn mình thì đem lòng ghen ghét, hãm hại.
Một hôm, hai anh em vào rừng săn bắn, tình cờ ở bên khe suối, Quốc Đĩnh nhặt được một một viên ngọc quý tỏa sáng lung linh, màu sắc rực rỡ. Quốc Toán thấy vậy liền âm mưu giết em để chiếm lấy viên ngọc. Hắn rủ em đi sâu vào rừng, đến chỗ vắng, hắn rút dao nhọn đâm em mù cả hai mắt, chiếm lấy viên ngọc quý rồi bỏ em nằm một mình ở giữa rừng sâu hoang vắng, một mình về tâu vua cha là em đã bị hổ ăn thịt. Để lấy lòng vua cha, Quốc Toán dâng vua cha viên ngọc quý và nói dối là mình đã nhặt được ở khe suối sâu trong rừng.
Chiều đó, mấy người tiều phu đi rừng kiếm củi qua đó thấy Quốc Đĩnh đang nằm mê man ở giữa rừng sâu, liền bảo nhau khiêng nạn nhân về. Dân làng định cử người đưa Quốc Đĩnh về Hoàng cung, nhưng chàng nhất định không chịu về khi hai con mắt đã bị mù, lại thấy Quốc Toán có tâm địa độc ác có thể hãm hại mình.
Để đền ơn những người đã cứu mình, Quốc Đĩnh làm cây đàn một dây theo như Tiên báo mộng, thân đàn làm bằng một đoạn cây bương bổ đôi, cần đàn bằng song được xuyên qua vỏ quả bầu nậm khô, dây đàn bằng tơ tằm (dạng đàn bầu). Khi gẩy, tiếng đàn vang lên lay động lòng người. Chiều chiều, Quốc Đĩnh thường tay đàn, miệng hát làm cho không khí xóm làng thêm vui vẻ, đầm ấm. Tiếng đàn, giọng hát của chàng đã cuốn hút nhiều người, trong số đó có những người mù. Họ đã nhờ chàng truyền lại cho những ngón đàn, điệu hát để rồi sau đó họ lại đi khắp đó đây mua vui cho thiên hạ và kiếm sống. Chẳng bao lâu, tiếng đàn, điệu hát của những người hát rong đã lan truyền khắp nơi, kể cả chốn kinh kỳ. Một hôm, nhà Vua nghe tin, liền cho gọi người hát rong vào biểu diễn. Tiếng đàn, giọng hát đã khơi lại nỗi buồn nhớ con của nhà Vua. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành xuất xứ điệu hát, vua liền cho quân gia đi tìm, gọi vào cung người đã sáng tạo ra cây đàn bầu và những điệu hát để vua ban thưởng.
Quốc Đĩnh về triều tâu với vua cha những sự việc đã xảy ra với mình, vua cha nổi giận, hạ lệnh xử án chém đầu Quốc Toán để làm gương cho những kẻ khác. Quốc Đĩnh vốn sẵn lòng nhân ái đã xin vua cha tha tội cho anh. Vua cha đồng ý, nhưng cách hết danh vị của Quốc Toán, đuổi ra khỏi cung. Còn Quốc Đĩnh được thần báo mộng, đem viên ngọc quý mài ra, lấy nước rửa mắt, hai con mắt được sáng lại như trước. Chàng xin vua cha cho mở trường dạy nghề hát xẩm. Những người mù lòa từ đó đều được học nghề và bằng lời ca tiếng đàn đã đi khắp đó đây góp phần làm vui cho đời và kiếm sống.
Để nhớ ơn hoàng tử Trần Quốc Đĩnh đã truyền nghề, hằng năm xuân thu nhị kỳ, vào hạ tuần tháng hai và tháng tám âm lịch, những người hát Xẩm cùng nhau tụ lại tổ chức cúng tế vị tổ sư và dùng chính lời ca, tiếng đàn của mình để bày tỏ lòng thành kính, tri ân ông.
Về xuất xứ nghề hát xẩm, có một số dị bản na ná như trên, nhưng trong chính  sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Con trưởng vua Thánh Tông là Thái tử Khâm, sau lên ngôi là vua Trần Nhân Tông. Một con trai nữa của Trần Thánh Tông là Tả Thiên đại vương Trần Đức Việp. Vì vậy, nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không phải theo chính sử.
Thời phong kiến, các nghệ nhân ca hát nói chung bị coi khinh là hạng “xướng ca vô loài”. Trong đó người hát xẩm lại thuộc thứ hạng thấp nhất trong nghiệp cầm ca, Vậy mà, ngày nay người ta lại thấy rằng Xẩm có hệ thống làn điệu phong phú, lời ca bình dân, với lối hát tự sự dễ đi vào lòng người nên cuốn hút được đông đảo người nghe, nhất là tầng lớp lao động chân tay và hạ lưu.
Trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các loại hình nghệ thuật khác như chèo, quan họ và thậm chí là ca trù (thể loại kén khán giả nhất) đều phải “vay mượn”. Trong đó, điệu xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán thường được gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò).
Từ chỗ chỉ được biểu diễn nơi góc chợ, bến sông, những nơi có đông người qua lại, những năm gần đây, người ta đã đưa hát xẩm vào sân đình, nghĩa là đã coi hát xẩm ngang với các lối hát cửa đình dâng thánh (thuộc phần nghi lễ trong hội làng).
Trong những năm 60 trở về trước, hát xẩm thông dụng ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…. Sau đó vì những nguyên nhân khác nhau về môi trường xã hội, đặc biệt là những quan niệm sai lầm của chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa, các phường xẩm dần tan rã và không còn hoạt động nữa. Những xẩm nhân được quy tụ lại trong những hợp tác xã vót tăm tre, đan lát hay bện chổi rơm. Các nghệ nhân xẩm tài danh thì mất dần, mang theo những tinh hoa của nghệ thuật xẩm mà không truyền lại được cho thế hệ kế tiếp.
Những năm 80 của thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ tâm huyết đã gắng khôi phục lại nghề hát Xẩm nhưng không thành công. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V (khóa 8) của Đảng (năm 1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian truyền thống được quan tâm bảo tồn, phát triển. Từ năm 2005, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã từng bước đưa Xẩm trở lại với công chúng ở Hà Nội. Những nghệ sĩ tâm huyết với Xẩm và những người yêu xẩm ở các nơi cũng dần dần tìm cách khôi phục, bảo tồn nghệ thuật này. Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, … đều hình thành các câu lạc bộ xẩm (chiếu Xẩm). Có thể nói ở Hải Phòng, người góp nhiều công sức nhất cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh (hiện công tác tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng). Anh được phong danh hiệu cao quý này năm 2016 vì những cống hiến hết mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển vốn văn nghệ dân gian Việt Nam.
Về hình thức, hát Xẩm có hai dòng là Xẩm sáng và Xẩm mù với 8 làn điệu chính. Về thể loại có Xẩm Chợ (hát tại nơi công cộng như chợ búa, bến tàu, bến xe); Xẩm Nhà trò hay nhà tơ (hát tại hàng quán, tại tư gia), Xẩm Huê tình (hát giao duyên), Xẩm Thập ân (kể công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…).
Trong mỗi thể loại, địa phương nào cũng có làn điệu cơ bản giống nhau nhưng phong cách thể hiện khác nhau, môi trường diễn xướng cũng đa dạng không giống nhau.
Bên cạnh các loại xẩm chính như xẩm chợ, xẩm xoan (Phú Thọ), xẩm thập ân… nghệ nhân xẩm đã kết hợp thêm các loại hình khác như sa mạc, trống quân, cò lả, hát ví… Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn, mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, lại vừa phổ biến được các loại hình khác rộng rãi trong dân gian. Những làn điệu đó đều được “xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã của các nghệ sĩ. Như điệu hát trống quân chẳng hạn, vốn là một điệu hát đối đáp trai gái trữ tình đã được xẩm chuyên dùng để chuyển tải những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, như bài Dâu lười hay Rể lười…
Về nhạc cụ của xẩm, theo truyền thuyết, đàn bầu được coi là nhạc cụ đặc trưng của xẩm lúc ban đầu. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Hiện nay, cơ bản một nhóm xẩm thường có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, người  nghệ sĩ đơn giản chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách hay cặp sênh cùng giọng ca lôi cuốn là đã có thể thu hút được khán giả.
Xẩm chợ (còn gọi là Xẩm dân gian) hiện nay hầu như không còn nữa. Giờ đây, xẩm đã được biểu diễn trên sân khấu, sân đình, tại tư gia như kiểu thính phòng hay phục vụ khách du lịch. Và người biểu diển xẩm không chỉ là người khiếm thị mà còn là các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân được Nhà nước phong danh hiệu.
Xẩm được xếp vào thành phần âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng Xẩm là một thể loại chứa đựng hầu hết những đặc tố cơ bản của âm nhạc dân gian. Vậy nên có thể khẳng định hát xẩm là loại hình ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp.
Xẩm ngày xưa là xẩm của những người khiếm thị than thân trách phận, kể vể sự bất hạnh của bản thân, về thói đời đen bạc, còn xẩm ngày nay là những người sáng mắt hát về những điều chướng tai gai mắt trong xã hội, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của con người hoặc những lời ca về vẻ đẹp quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa, gây cười…
Không chỉ phục vụ quảng đại quần chúng, người nghệ sĩ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu cá nhân trong những dịp như ma chay, giỗ kỵ, khao lão…
Theo thời gian, số người yêu thích môn nghệ thuật Xẩm ngày một đông với đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội nên cũng giống như một số dự án thí điểm đưa nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát quan họ, cải lương, hát xoan… hay gần đây là ca trù vào các trường phổ thông, nên chăng Xẩm cũng cần được truyền dạy cho các em học sinh nhằm bảo tồn một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một.
Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng