Hải Phòng trên đường chuyển đổi số.

       Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của Hải Phòng trong năm 2022 và cũng là một phần của chủ đề năm trong hoạt động của thành phố ta.
       Từ cuối năm 2021, HĐND thành phố Hải Phòng đã quyết định đầu tư hơn 308 tỷ đồng để xây dựng chính quyền số với mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, phục vụ triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa Hải Phòng vươn lên thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số.
       Tuy nhiên, sau một thời gian quyết tâm và nỗ lực triển khai, hiện tại xếp hạng chuyển đổi số của Hải Phòng vẫn đang ở thứ hạng 21, đây là một kết quả thấp, chưa tương xứng với tầm vóc là thành phố đang vươn lên mạnh mẽ trong mọi mặt kinh tế xã hội và cải cách.
       Ngày 08/6 vừa qua, tại Hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước phát triển nhanh, bền vững thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường đã nêu rõ một số hạn chế cơ bản, công tác chuyển đổi số tại Hải Phòng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
       Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến của thành phố còn ở mức thấp; Tỷ lệ hồ sơ quá hạn phát sinh nhiều ở một số lĩnh vực, đơn vị của thành phố… Cùng với đó, hạ tầng số còn chưa đạt yêu cầu, dữ liệu số còn ít, dịch vụ công trực tuyến chưa được người dân sử dụng nhiều, thương mại điện tử còn chưa phổ biến.
       Hiện trên địa bàn Hải Phòng có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có tới 76% doanh nghiệp trong số này còn đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số; cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ; lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh; và đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp..
       Thực tế, dù còn những hạn chế đang được nỗ lực khắc phục, hoạt động chuyển đổi số trong các cấp các ngành của Hải Phòng thời gian qua cũng có không ít kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã và đang triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, tài liệu giấy.
       Với ngành y tế, 100% bệnh viện trên địa bàn Hải Phòng đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định Bảo hiểm Xã hội; thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng và đã được Hội đồng Thẩm định của Bộ Y tế công nhận là một trong 10 bệnh viện đầu tiên toàn quốc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
       Trong lĩnh vực giao thông – vận tải, năm 2021 Tại Hải Phòng đã có 23.600 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý bằng hệ thống tiếp nhận đăng ký và chuyển trả giấy phép lái xe cấp mới và giấy phép lái xe cấp đổi thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
       Hải Phòng cũng đã triển khai hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng; hệ thống luồng hàng hóa ra vào cảng của Cảng vụ Hải Phòng; thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng được thực hiện trực tuyến, hoàn toàn không dùng tiền mặt.
       Đặc biệt, cuối năm 2021 Hải phòng đã ra mắt mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tích hợp các hệ thống giám sát, như: tổng hợp báo cáo kinh tế – xã hội, dịch vụ công trực tuyến, giám sát thông tin trên mạng, hệ thống thử nghiệm camera xử lý vi phạm giao thông.
       Cùng với đó, trong thời gian qua Hải Phòng cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động truyền thông, hội thảo, hội nghị, chương trình xúc tiến giới thiệu, liên kết trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột chính quyến số, kinh tế số, xã hội số.
       Tại cuộc họp sơ kết kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 để đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm (chiều ngày 14-7-2022), Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố nêu lên một số kết quả như sau: Thời gian qua “Hạ tầng số đã được quan tâm thúc đẩy triển khai; hạ tầng băng thông rộng di động 4G đã được phủ đến 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thành phố; hoàn thành đưa vào khai thác mới 214 trạm BTS công nghệ 4G, tăng 11% so với số liệu thống kê cuối năm 2021…Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến hầu hết các cơ quan cấp xã, trừ 2 xã huyện đảo; thành phố hoàn thành kết nối kênh truyền số liệu chuyên dùng tới 251/253 Sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, đạt 99,2%…”.
       Thực tế cuộc sống cho thấy, hiện nay nhiều loại hóa đơn thanh toán các sinh hoạt cuộc sống của người dân như chuyển tiền, trả tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, internet… đã được thanh toán bằng hình thức trực tuyến, tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, giảm chi phí đi lại và thời gian cho người dân.
       Căn cứ từ những hạn chế và kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai chuyển đổi số của Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường xác định rõ: “chuyển đổi số chính là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, là thời cơ để thành phố bứt phá mạnh mẽ.
       Trong giai đoạn hiện nay chuyển đổi số thực sự cấp thiết, mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống”. Ông Cường nhấn mạnh “Hải Phòng sẽ tập trung rà soát các nhiệm vụ và có giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới”
       Theo Kế hoạch, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm 35% GRDP toàn thành phố; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%; Hải Phòng sẽ tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số với ba trụ cột kinh tế, gồm: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển logistics và du lịch – thương mại.
       Cùng với đó, Hải Phòng sẽ phát triển Hạ tầng số gồm xây dựng Trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan nhà nước; xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số… Việc chuyển đổi số sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
       Để xây dựng chính quyền số, trong năm nay, Hải Phòng tập trung vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân.
       Đối với kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp.
       Đối với mục tiêu xã hội số, trước mắt Hải Phòng tập trung xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến, triển khai học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử…
       Phát biểu kết luận tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố chiều ngày 14-7-2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố đề nghị các Sở, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chuyển đổi số năm 2022 đã được thành phố giao tại Kế hoạch số 74 của UBND thành phố, trong đó tập trung làm việc với các Bộ, ngành để giải quyết các khó khăn về nền tảng số, hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức chi cho số hoá dữ liệu … Bên cạnh đó, cần sớm hình thành trung tâm dữ liệu, kho dữ liệu dùng chung của thành phố; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính

PV. Thi tổng hợp.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học