Giới thiệu đền Tây Sơn ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An.

Đền Tây Sơn ở Kiến An thờ công chúa Chiêu Chinh.

          Đền Tây Sơn nằm trên khu núi phía tây thị xã Kiến An, nay thuộc phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, do nhân dân dựng nên để tri ân công đức của công chúa Chiêu Chinh thời Trần – người tham gia đánh giặc Nguyên Mông và đã giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, dựng chùa, tô tượng, đúc chuông. Đền được Bộ Văn hóa-Thể Thao-Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 1992.
          Vài nét về công chúa Chiêu Chinh (1258 – 1314): Bà là nhân vật lịch sử Việt Nam, được biết đến qua các tư liệu thần phả và giai thoại với các di tích thờ phụng bà nhưng không được phản ánh trong sử sách chính thống.
          Bà tên thật là Trần Thị Hinh; là con thứ sáu của vua Trần Thánh Tông (ông vua thứ hai nhà Trần) và cung phi Trần Thị Khương. Bà sinh ngày 6 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), là em cùng cha, khác mẹ với vua Trần Nhân Tông và các công chúa Thiên Thụy, Bảo Châu, Chiêu Hoa.
          Công chúa Chiêu Chinh là người văn võ toàn tài vì thông minh, hiếu học. Từ  thủa nhỏ bà đã được thân vương Trần Nhật Duật dạy chữ, Trần Quang Khải dạy võ nghệ. Lớn lên, khi giặc Mông Nguyên xâm lược, bà về quê mẹ ở vùng Kha Lâm (nay thuộc phường Nam Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) chiêu mộ quân đánh giặc. Về sau, bà xây dựng, tu tạo chùa chiền; mở mang ruộng đất, phát triển sản xuất; dạy dân làm 10 điều thiện, nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, giúp người nghèo, giúp đỡ người gặp khó khăn.
          Chồng của bà là Đỗ Khắc Hàn (con trai của Đại hành khiển Đỗ Khắc Chung, còn gọi là Trần Khắc Chung) hy sinh trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông ở Nghệ An.
          Ngày 3 tháng 6 Giáp Dần (1314), công chúa Chiêu Chinh qua đời ở quê mẹ, thọ 56 tuổi.
          Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, nhân dân Kha Lâm gọi bà là “Vua bà công chúa Chiêu Chinh”. Nhân dân Kiến An coi bà là vị Thành hoàng địa phương và thờ cúng bà ở nhiều đình, đền, chùa như đền Kha Lâm (phường Nam Sơn), đền Tây Sơn (phường Trần Thành Ngọ), đền Kiến Vũ, đền Tứ Phủ (phường Bắc Sơn)… Hàng năm, cứ đến ngày sinh của Bà 6/12 âm lịch, nhân dân địa phương lại mở hội tưởng nhớ công đức Bà. Tên của bà được đặt cho một con đường thuộc phường Nam Sơn quận Kiến An. Đó là đường Chiêu Chinh, nối từ cổng Sư đoàn 363 đến đường Nguyễn Lương Bằng với bề rộng mặt đường xe chạy 7m, vỉa hè mỗi bên 4m.
          Đền Tây Sơn là một công trình kiến trúc truyền thống, nơi tưởng niệm công chúa Chiêu Chinh.
          Theo ngọc phả ở đền ghi lại: Sinh thời, do sức khỏe yếu nên công chúa Chiêu Chinh được nuôi dưỡng bằng nước mạch vùng Tây Sơn mà trở nên khoẻ mạnh, xinh đẹp. Mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta, công chúa xin vua Trần Thánh Tông về quê mẹ ở Đông Sơn (làng Kha Lâm, xã Nam Hà, thị xã Kiến An), dựng cờ khởi nghĩa, lập ra 10 đô thần tử, chọn khe núi vùng Tây Sơn luyện quân đánh giặc. Đội quân Tây Sơn do công chúa chỉ huy ngày một hùng mạnh, tinh nhuệ và được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Với nhiều công lao to lớn trong công cuộc giữ nước, vua Trần Nhân Tông đã hạ chiếu sắc phong công chúa là Chiêu Chinh Công chúa Đại vương.
          Sau nhiều năm binh đao khói lửa chiến tranh, mùa thu năm Đinh Hợi (1287), Chiêu Chinh công chúa xin Thượng hoàng Trần Thánh Tông về thăm quê mẹ, nơi đã dựng cờ chiêu mộ quân sĩ năm xưa. Thấy nơi mình dựng cờ đã được xây thành đền thờ, bà ở lại 3 tuần trăng giảng giải cho dân Thập thiện (10 điều thiện mà Phật hoàng Trần Nhân Tông từng dạy). Sau này bà xin vua trở về Đông Sơn quê mẹ sinh sống, thuê người dựng chùa, khai phá đồng ruộng, dạy dân đúc đồng, đúc chuông, giúp dân mở mang trang ấp, phát triển sản xuất.
          Ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1294), bà lên chùa, một tay gõ mõ, một tay thỉnh chuông, ngồi yên bất động, mặt hướng về phía Tây mà viên tịch. Đúng 100 ngày sau ngày Bà mất, vua Trần Anh Tôn xuống chiếu sắc phong Bà là “Chiêu Chinh công chúa thượng đẳng thần”, tặng 8 chữ: “Phương Dung – Ý Đức – Tế Thế – An Dân” với nghĩa dung nhan đẹp, đức hạnh tốt, giúp đời yên dân.
          Sau nhiều năm xuống cấp, năm 1915, ngôi đền được nhân dân địa phương tôn tạo lại. Đền tọa lạc trên một triền đất cao ráo, thoáng đãng bên sườn đồi Thiên Văn. Mặt chính của ngôi đền quay về hướng Tây Bắc, hồi tả của đền giáp với đường thung núi, dẫn lên ngọn đồi có độ cao 50m.
          Đền được thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường, 2 gian ống muống hậu cung. Khi đó, mái đình được lợp ngói mũi hài cổ, tường và hồi trụ được xây bằng đá núi đánh thành tảng. Hồi đốc được xây dựng theo kiểu bổ trụ giật tam cấp. Mái đền không trang trí gì ngoài năm đường chỉ chạy song song theo bờ nóc mái. Nóc mái được trang trí đơn sơ, ngoài 3 trụ đầu hình chữ nhật ở hai đầu đốc và hoa văn chữ triện thoáng sát trên đầu góc tàu lá mái.
          Để bảo tồn những giá trị Lịch sử-văn hóa địa phương, đền Tây Sơn đã nhiều lần được chính quyền và nhân dân địa phương trùng tu lại, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cổ xưa. Đặc biệt là tấm bia đá, bức tượng công chúa Chiêu Chinh và giếng Ngọc vẫn trường tồn cùng thời gian. Theo lời người dân địa phương, giếng Ngọc quanh năm trong mát, nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán.
          Tại đền, tượng công chúa Chiêu Chinh được đặt chính giữa trong gian hậu cung, hai bên tả hữu là tượng hai nữ tỳ hầu cận. Tượng công chúa với trang phục cầu kỳ, đầu đội mũ kiểu vương giả, đính ngọc, vàng dây lấp lánh, có đủ các hình thêu phượng, rồng, hoa, lá, mặt nguyệt,… Mặt pho tượng đặc tả công chúa mắt phượng, mày ngài, lông mày lá liễu, mặt bầu bĩnh. Vị tượng công chúa Chiêu Chinh sang trọng trong bộ áo dài nhiều nếp, hai tà áo đan chéo nhau thêu hình rồng phượng. Bia đá Hậu thần (ghi danh tính, tri ân người có công đóng góp xây dựng đền) được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Cũng theo ngọc phả đền Tây Sơn, vì công chúa Chiêu Chinh cùng đội quân vùng Tây Sơn chiến đấu dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo nên tại đền Tây Sơn còn thờ tượng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các vị vương đã có công trong việc giữ yên bờ cõi của tổ quốc như Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là 2 thầy dạy công chúa Chiêu Chinh thủa nhỏ.
          Đền Tây Sơn (thuộc phố Tây Sơn, phường Trần Thành Ngọ) và đền Kha Lâm (thuộc phường Nam Sơn) ở quận Kiến An là hai Di tích Lịch sử – văn hóa Quốc gia tiêu biểu tôn thờ công chúa Chiêu Chinh đời Trần – nhân vật có công với dân, với nước mà với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nhân dân ta không bao giờ quên công ơn.

Đền Kha Lâm ở phường Nam Sơn – quận Kiến An.

          Vậy là, thành phố Hải Phòng có 3 bà công chúa nhà Trần là nhân vật lịch sử được nhân dân thờ phụng là: Công chúa Thiên Thụy được thờ ở đền Mõ xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy (đã giới thiệu), công chúa Chiêu Chinh và công chúa Chiêu Hoa được thờ ở quận Kiến An.
          Trang Website Câu lạc bộ Hải Phòng học sẽ giới thiệu về công chúa Chiêu Hoa ở bài sau.

          Thi Văn tổng hợp, giới thiệu.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học