Giếng làng trong văn hóa Việt. PV. Thi

          “Cây đa, giếng nước, sân đình” từ xa xưa đã là biểu tượng của làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc bộ. Tại một đất nước có những truyền thống phát sinh từ nền nông nghiệp lúa nước ngàn đời nay như Việt Nam thì làng – xóm ngày xưa có thể coi là một thiết chế hành chính quan trọng bất thành văn trong đời sống người nông dân. Cũng vì vậy người ta duy trì được những tập tục, di tích văn hóa vật thể cổ, tuy đã mai một rất nhiều nhưng vẫn còn hiện diện ở nơi này, nơi khác như đình, chùa, miếu, cổng làng, giếng làng…Trong đó giếng nước làng quê là một ví dụ.
          Trong sâu thẳm tâm hồn Việt, giếng không chỉ là nguồn nước mà còn mang ý nghĩa phong thủy và quan niệm vũ trụ. Theo quan niệm văn hóa gắn với yếu tố phong thủy, giếng chứa đựng 3 yếu tố: đất, nước, không khí – tổng hòa quan trọng của không gian sống con người. Bởi vậy giếng là cầu nối giữa Trời – Đất – Thần và con người. Người dân đào giếng một phần là để duy trì sinh hoạt cuộc sống như ăn uống, tắm, rửa, phần khác cũng là để đáp ứng quan niệm này. Bởi vậy cho nên mới có giếng hình tròn tượng trưng cho trời, giếng hình vuông tượng trưng cho đất (theo quan niệm “trời tròn”, “đất vuông”) và việc lấy nước giếng về thờ cúng ngày Tết Nguyên đán.
          Xuất phát từ  việc coi nước giếng làng là nguồn mạch tâm linh của Thành Hoàng làng nên có nơi vào ngày Tết Nguyên đán, nguời ta chọn các vị bô lão trong làng mà gia đình trong năm không có tang trở,con cái hiếu thảo hoặc thành đạt là những người đầu tiên đến múc nước giếng để nấu chè, dâng cúng các bậc thần linh trong đình; rồi sau đó cư dân trong làng mới đượclấy nước mang về nấu cúng tổ tiên, ông, bà.
          Cuộc sống xưa lạc hậu, nghèo nàn, người ta đâu có nước máy như bây giờ. Họ sử dụng nước giếng để bảo đảm vệ sinh bởi nguồn nước ngầm dù sao cũng trong, sạch hơn nước ao, nước sông. Thế nhưng, ngày nay nguồn nước ngầm cũng dần cạn và có nơi ô nhiễm nặng nề nên giếng làng cũng không còn thông dụng như xưa. Nơi thì giếng bị lấp để làm đường, làm nhà, nơi thì bị ô nhiễm không thể sử dụng, chỗ thì đất cứ nở dần lấp cạn giếng.
          Theo phong thủy, nước mang tính âm, lạnh. Giếng còn là mạch lối với thủy thần nên mang tính tâm linh. Người ta thường gọi “cái giếng” (giống cái – âm) chứ không gọi “chiếc giếng” là vì vậy. Giếng như người mẹ nuôi sống con người bằng nguồn sữa mát lành. 


          Trong nhiều ngôi làng, chiếc giếng vẫn được coi là một công trình linh thiêng, chẳng hạn, ở thôn Thượng Hội, xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội), có 3 giếng cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ba giếng cổ tồn tại ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương tỏa chiếu, hòa khí âm dương làm con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục. Dân làng coi đây là tấm gương lớn, xưa kia người dân trước khi ra khỏi làng hoặc lúc quay về thường soi mình vào đây. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc.
          Đặc biệt ở làng Mông Phụ hiện còn một giếng nước đặc biệt mà người dân trong vùng gọi là “Giếng xin sữa”. Dù giếng rất nhỏ, nhưng đã ngàn năm nay nước giếng luôn đầy và trong vắt. Những bà mẹ ở làng Đường Lâm thiếu sữa nuôi con thường đến làm lễ xin sữa, rồi uống nước giếng là có đủ sữa cho con bú. Làng Mai Động và làng Hoàng Mai ở phía Nam Hà Nội có món đậu phụ Mơ nổi tiếng. Có người bảo món đậu phụ Mơ không thể thơm ngon như thế, nếu không được làm từ nước giếng.

          Một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ mà người dân còn đang sử dụng cho đời sống. Có nơi là giếng đất kè gạch, kè đá quanh thành giếng chống xói lở và để lọc nước, có nơi giếng xây đá ong, giếng xây bằng đá với hình dạng khác nhau, nhưngchủ yếu hình tròn. Có những giếng người ta còn xây thành cao bằng gạch-xi măng đẻ bảo đảm vệ sinh – an toàn. Hàng năm, vào dịp trước Tết, dân làng lại tát giếng, thau giếng cho sạch để ngày đầu năm mới lấy nước giếng về nhà cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, nhân sinh, vật thịnh. Những tục lệ tốt đẹp ấy không nhiều làng còn giữ được. Đó là một điều tôi cảm thấy rất nuối tiếc.
          Giếng còn mang cả những huyền tích lịch sử và ý nghĩa tâm linh. Trong khu đền Hùng (Phú Thọ) có đền Giếng tương truyền là gương soi của hai nàng công chúa Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung- con Vua Hùng thứ 18. Ở di tích Đền Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội có di tích giếng Ngọc gắn với truyền thuyết chuyện tình của công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy. Dân ở đây cho rằng những viên ngọc nếu được rửa bằng nước giếng này sẽ trở nên sáng đẹp hơn. Ở Thượng điện chùa Linh Tiên quán, Hà Nội, có một giếng nước đặc biệt. Nước giếng quanh năm trong, ngọt và múc mấy cũng không cạn. Người dân vẫn lấy nước ở đây cúng tế thần tiên. Theo đồn thổi, người bị thương, ốm đau hay mệt mỏi khi dùng nước giếng sẽ chóng bình phục, lành bệnh.
          Trong Hoàng thành Thăng Long, có đến 26 cái giếng cổ phát lộ khi công trình khảo cổ được tiến hành và giờ đây trở thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Giếng được kè gạch, gốm đẹp và vẫn được bảo tồn tốt cho đến hôm nay, hoặc ở làng Diềm (Bắc Ninh) chiếc giếng cổ vẫn còn nguyên với những huyền tích và phong tục tốt đẹp. Chẳng hạn cho đến thời điểm này, trai làng Diềm đi hỏi vợ vẫn mang gạo nếp ra, lấy nước ở giếng vo để thổi xôi đem đi hỏi vợ.
          Tôi nhớ, thủa nhỏ ở quê tôi, trong ngày Tết Nguyên Đán, vào lúc trước giao thừa bố mẹ thường sai anh em tôi mang xô, thùng ra giếng làng lấy nước về rửa trầu, cau và đặt nên bàn thờ chuẩn bị cúng gia tiên dù nhà mình cũng có giếng nước, bể nước xây bằng gạch. Có lẽ đây là tập tục đã được truyền lại từ đời tổ tiên, ông bà đến thế hệ chúng tôi. Dường như cha ông ta coi nước giếng làng là nguồn nước linh thiêng mà thần Thành Hoàng làng chủ quản để ban cho dân chúng.

          Ở các công trình văn hóa tâm linh như đình, chùa, đền, miếu, nếu chú ý, mọi người sẽ thấy trước những nơi này thường có một giếng nước lớn, nhỏ là điểm tụ thủy theo quan niệm dân gian. Tại một số địa điểm du lịch tâm linh, có nơi người ta còn xây 2 giếng nước hai bên lối vào trục thần đạo của công trình như là 2 mắt Rồng. Có nơi như Khu di tích Quốc gia Trạng Trình (Vĩnh Bảo – Hải Phòng), trước đền thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có hồ bán nguyệt như một điểm tụ thủy.
          Tại nhiều ngôi làng, giếng là nơi sinh hoạt công cộng khi người ta chờ lấy nước, rửa ráy, truyện trò và là nơi hẹn gặp của nhiều đôi trai gái. Họ nên vợ nên chồng đôi khi cũng từ đây. Ngày nay tuy không còn nhiều cảnh này nhưng có giếng trong lành  vẫn được người dân múc nước về dùng, nhưng có nhiều giếng đã bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng nổi. Đó là một điều đáng tiếc.
          Thiết nghĩ, giếng làng đã ăn sâu trong tâm thức người dân nông thôn. Việc nó bị ô nhiễm, không được bảo vệ, gìn giữ có lẽ phần nhiều là do tác động ngoại cảnh, môi trường, cách thức sinh hoạt của cuộc sống hiện đại khi mà nước máy đã trở nên thông dụng không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn. Giờ đây, ngay cả nguồn nước máy được sản xuất từ các nhà máy lọc nước cũng không còn được tuyệt đối tin tưởng. Nhiều gia đình đã sắm thêm cả máy lọc nước với công nghệ na – nô hay công nghệ thẩm thấu ngược để lọc nguồn nước máy cho ăn uống.
          Xuất thân từ nông thôn, tôi rất yêu các làng quê với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng – vốn là nét đặc trưng của kiến trúc làng Việt. Trong đó giếng làng tồn tại trong nếp sống sinh hoạt có từ xưa mà giờ đây chỉ còn hiện diện đây đó như một biểu tượng hoài cổ.
          Chúng ta không thể cứ níu kéo cái cũ một khi nó đã không còn hợp lý, không phù hợp với cuộc sống đương đại, nhưng nếu là những mỹ tục, thuần phong của ông cha còn phù hợp với ngày nay thì nên nghiên cứu, bảo tồn như giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam theo tinh thần của Đảng và Nhà nước.

Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học