Giao lưu, thưởng thức nghệ thuật hát xẩm- hoạt động có ý nghĩa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian

Sáng ngày 15-10-2017, được phép của Sở Văn hóa-Thể thao thành phố, Câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng thuộc Hội Văn nghệ dân gian, trực thuộc Hội LHVH nghệ thuật Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt giao lưu và nói chuyện hát xẩm tại đình Hào Khê ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng.

alt

Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. “Xẩm” cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm, thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm được coi là một nghề. Trước cách mạng tháng Tám, hát xẩm phổ biến ở những nơi đông người như chợ, bến tàu, bến xe, bến đò. Sau thời gian dài gián đoạn, hát xẩm dần bị mai một. Có một thanh niên trẻ tuổi người Hải Phòng, với niềm đam mê nghệ thuật hát xẩm, trong  thời gian học đại học ở Hà Nội đã tranh thủ thời gian, lặn lội tìm đến nghệ nhân dân gian Việt Nam Hà Thị Cầu ở Ninh Bình học nghệ thuật xẩm (hát, chơi nhạc cụ). Thành tài, anh mang nghệ thuật xẩm về truyền bá ở Hải Phòng. Tên anh là Đào Bạch Linh (hiện là công chức Sở Ngoại vụ Hải Phòng). Để góp phần giữ gìn vốn văn hóa dân gian cần lao khỏi bị thất truyền anh thành lập Chiếu xẩm Hải Thành, nơi tập trung những người yêu mến nghệ thuật này, hàng ngày luyện tập và truyền dạy cho những ai muốn học xẩm. Đào Bạch Linh cùng nhóm xẩm Hải Thành còn đến trường khiểm thị thuộc Sở Lao động-Thương binh & xã hội truyền nghề cho những cháu học sinh yêu thích nghệ thuật hát xẩm và biểu diễn tại những lễ hội của thành phố nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật này tới công chúng. Mấy năm nay, Xuân-Thu nhị kỳ Câu lạc bộ xẩm Hải Thành đều tổ chức lễ giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Niệm Nghĩa để tri ân công đức tổ sư nghề hát xẩm là Thái tử Trần Quốc Đĩnh (đời Trần) và kết hợp giao lưu, biểu diễn nghệ thuật xẩm cùng một số câu lạc bộ (CLB) dân gian, CLB xẩm Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, qua đó thu hút đông đảo người nghe để quảng bá nghệ thuật xẩm. Với cái tâm và tài kết nối, Đào Bạch Linh đã thu hút được nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian (không chỉ loại hình xẩm) mà còn những giáo phường như Đình làng Việt Nam, UNESCO Hà Nội đến với mình để liên kết hoạt động.

Đến dự và giao lưu, biểu diễn tại buổi lễ lần này có 129 đại biểu của các tổ chức, phường – hội văn hóa dân gian:

– Hội Đình Làng Việt Nam do Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình làm Trưởng nhóm cùng Giáo phường ĐLV do NSUT Đoàn Thanh Bình làm Quản giáp;

– CLB NT Liên Hoa (Hà Nội) do NSUT Thuý Đạt làm chủ nhiệm;

– CLB NT Đông Đô do NS Xuân Hoa làm chủ nhiệm;

– CLB Ca nhạc truyền thống Unesco-HN do NS Tạ Hạnh làm Phó Chủ nhiệm;

– CLB NT “Còn Duyên” tỉnh Vĩnh Phúc do NS Hồng Nhân làm Chủ nhiệm;

– Cùng các nhóm, cá nhân đến từ tỉnh Thái Bình, thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh …

– Các đại biểu đến từ: Viện Âm nhạc Quốc gia; Đài Truyền hình VN; Đài Tiếng nói VN; Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng; ĐH Hải Phòng; các phóng viên báo đài địa phương.

Tại buổi giao lưu sáng 15/10/2017 đã có 23 tiết mục biểu diễn của các hội viên các CLB xẩm Hải Phòng và tỉnh bạn được trình bày với nhiều làn điệu và thể cách như: đò đưa, trống quân, xẩm huê tình trong ca trù, xẩm kể, xẩm Hà Liễu, xẩm chênh bông, ngâm sa mạc, xẩm chợ Hà Nội, xẩm tàu điện, xoan cải…Đặc biệt, đến tham dự giao lưu còn có con gái út của nghệ nhân dân gian quá cố Hà Thị Cầu là bà Nguyễn Thị Mận. Chị đã hát bài xẩm “nữ oán” lời cổ theo điệu Hà Liễu mà mẹ bà truyền dạy và nhận được nhiều tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. Buổi trưa, Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam đã quay phim và phỏng vấn nghệ nhân dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh để giới thiệu trên sóng truyền hình toàn quốc.

alt

Thực hiện chủ trương giao kết hoạt động giữa CLB Hải Phòng học và Hội Văn nghệ dân gian thành phố, một số hội viên CLB Hải Phòng học đã đến tham dự buổi giao lưu, tọa đàm về hát xẩm, qua đó nhằm từng bước kết nối quan hệ, liên kết hoạt động giữa hai tổ chức xã hội nghề nghiệp có cùng mục đích nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về thành phố Hải Phòng quê hương.

Buổi lễ – giao lưu đã để lại trong lòng người tham dự nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đồng thời giúp quảng bá giới thiệu nghệ thuật xẩm đến đông đảo nhân dân.

Phạm Văn Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học