Giao lưu giữa CLB Hải Phòng học và Chi hội KHLS quận Lê Chân.

alt

(Hòa thượng Thích Thanh Giác phát biểu tại buổi giao lưu)

Sáng ngày 04 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Chi hội Khoa học Lịch sử (KHLS) quận Lê Chân – số 187 phố Tô Hiệu (Hải Phòng), theo lời mời của ông Chủ tịch Chi hội đã diễn ra cuộc gặp gỡ, trao đổi về hoạt động giữa Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học và Chi hội KHLS quận Lê Chân.

Đến dự buổi gặp gỡ về phía Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học có Hòa thượng Thích Thanh Giác – Phó Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Hội Phật giáo Hải Phòng, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội KHLS Hải Phòng, chủ nhiệm CLB; Th.S Vũ Minh Đức, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ nhiệm CLB cùng một số hội viên. Về phía Chi hội KHLS quận Lê Chân có các ông Lê Quang Dần – Chủ tịch Chi hội KHLS quận Lê Chân; Đại tá Trần Quốc Huy, nguyên Phó trưởng phòng nghiên cứu lịch sử quân sự Quân khu Ba; TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – giảng viên trường Đại học Hải Phòng; Ông Nguyễn Đình Chỉnh – nguyên Trưởng phòng quản lý Di sản văn hóa Sở VHTT Hải Phòng là những hội viên cốt cán và một số hội viên khác của chi hội.

Mở đầu buổi gặp gỡ, ông Lê Quang Dần – Chủ tịch Chi hội KHLS quận Lê Chân giới thiệu các ông, bà đại diện cho Chi hội và các ông, bà trong Ban Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học và thông tin về thành tích hoạt động chủ yếu mấy năm qua của Chi hội.

Theo ông Dần, Chi hội KHLS quận Lê Chân trực thuộc Hội KHLS thành phố Hải Phòng thành lập năm 2017, đến nay đã đạt được một số kết quả tiêu biểu trong hoạt động, đó là:

– Tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận Lê Chân và làm tốt các khâu chuẩn bị, giúp tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo KH về giá trị Di tích lịch sử đền Tam Kỳ và giá trị của di tích văn hóa phi vật thể chợ Hàng. Có thể nói những luận cứ khoa học của hội thảo là cơ sở quan trọng để đền Tam Kỳ nằm trên địa bàn quận Lê Chân được lập hồ sơ công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp thành phố và hy vọng chợ Hàng cũng sẽ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Thành phố.

– Tham gia biên soạn (viết tiếp) giai đoạn 2000-2020 cho cuốn sách Lịch sử Đảng bộ quận Lê Chân xuất bản năm 2000 (tái bản, chỉnh lý  năm 2020).

– “Nghiên cứu, biên soạn công trình Di sản văn hóa quận Lê Chân. Đây là một công trình lớn cung cấp những luận cứ khoa học giúp Quận ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận có chủ trương, giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của quận trong tình hình mới; đồng thời đề xuất với cấp có thẩm quyền lập hồ sơ khoa học xếp hạng những di tích lịch sử – văn hóa đủ tiêu chí” (Lịch sử Đảng bộ quận Lê Chân tái bản, chỉnh lý, bổ sung xuất bản năm 2020; Tr. 326).

Ông Lê Quang Dần giới thiệu bản thảo Di sản văn hóa quận Lê Chân đã chỉnh lý, bổ sung và sắp được xuất bản để mọi người góp ý. Hiện trên địa bàn quận Lê Chân có 28 di sản Văn hóa vật thể, 02 di sản Văn hóa phi vật thể. Trong đó có 06 Di tích lịch sử Văn hóa cấp Thành phố; 11 Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia; 13 di tích chưa xếp hạng.

Sau khi xem lướt bản thảo, Hòa thượng Thích Thanh Giác đề nghị Ban Biên tập xem xét biên soạn – xuất bản thêm công trình Danh nhân quận Lê Chân bởi địa phương là một nơi địa linh – nhân kiệt. TS Lã Trọng Long bổ sung đề xuất cần lập bản đồ đánh dấu các di tích lịch sử văn hóa quận giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về các di tích phong phú trên địa.

Với những cố gắng trong hoạt động, Th.S Vũ Minh Đức đề xuất ý kiến Chi hội KHLS quận Lê Chân nên chăng xin đổi tên thành Hội KHLS quận Lê Chân cho tương xứng với các ban, hội đã có trong cơ cấu tổ chức chính trị – xã hội quận.

Phần trao đổi có thêm ý kiến của TS. Khoa học lịch sử Nguyễn Thị Kim Hoa về giá trị của các văn bia trên địa bàn Hải Phòng (đề tài làm luận văn TS của chị) nói chung và bộ thác bản văn bia huyện Tiên Lãng nói riêng.

Về cuộc tọa đàm “Đóng góp, hy sinh của các tăng ni, phật tử Hải Phòng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” mà Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng và CLB Hải Phòng học dự định tổ chức thời gian tới, Th.S Trần Quốc Huy có ý kiến đề nghị nên nâng quy mô thành hội thảo. Còn TS. Lã Trọng Long – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng thì đề nghị đổi tên cuộc tọa đàm thành “Đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh và tăng ni, phật tử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Như vậy mới bao quát được rộng các đối tượng xã hội. Hòa thượng Thích Thanh Giác – Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội KHLS Hải Phòng nói sẽ bàn với TS. Hoàng Văn Kể – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT thành phố về những ý kiến đề nghị này.

Trong phần trao quà tặng, ông Lê Quang Dần – Chủ tịch Chi hội KHLS quận Lê Chân gửi tới các vị khách mời CLB Hải Phòng học cuốn Lịch sử Đảng bộ quận Lê Chân mới tái bản và ông Vũ Minh Đức – Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Hải Phòng học trao tặng Chi hội KHLS quận Lê Chân một số cuốn Kỷ yếu hội thảo KH “Thiền sư Thích Trí Hải – bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX” do Liên hiệp các Hội KHKT Hải Phòng và CLB Hải Phòng học tổ chức năm 2019.

alt

(Ông Vũ Minh Đức và Lê Quang Dần trao đổi quà tặng giữa CLB Hải Phòng học và Chi hội KHLS quận Lê Chân).

Cuối cùng Đại tá , Th. S Trần Quốc Huy trân trọng trao tặng Hòa thượng Thích Thanh Giác – Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học bức ảnh nghệ thuật anh chụp Cửu liên đài chùa Phổ Chiếu vào ban đêm như một món quà thể hiện tình cảm cá nhân của anh với vị Hòa thượng trụ trì chùa Phổ Chiếu.

PV. Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học