Đốt tiền, vàng mã, hàng mã – một hủ tục cần từ bỏ.

Đốt tiền, vàng mã, hàng mã – một hủ tục cần từ bỏ.

alt

Thực trạng hiện nay:

Hiện nay ở nước ta, việc đốt tiền mã, vàng mã, đồ dùng, voi, ngựa, hình nhân… bằng giấy đang được người dân thực hiện một cách thái quá. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, một số người cho rằng, để hiếu đễ với người thân dưới âm phủ, họ phải đốt tiền, vàng, đồ dùng như quần, áo nón, mũ, giày, dép, ti vi, điện thoại, nhà lầu, xe máy, thậm chí cả ô tô, tàu thủy, người hầu gửi cho người âm. Số khác thì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ nên họ không tiếc tiền mua hàng mã (có những thứ lên tới tiền triệu, vài triệu, chục triệu đồng) đốt dâng tại các đền, phủ, chùa, miếu.

Người ta đốt tiền, vàng  giấy (hóa vàng) vào các dịp tang ma, cúng bái đã đành, mà còn vào các ngày lễ, Tết, ngày Mùng Một, ngày rằm quanh năm, nhất là dịp rằm tháng Bảy (ngày lễ Vu lan báo hiếu theo quan niệm nhà Phật). Những nhà làm hàng mã chuyên nghiệp cho biết: Chỉ cần dốc sức cung ứng cho thị trường vào dịp cúng rằm tháng Bảy, là có thể thu nhập sống cả năm! Điều ấy chứng tỏ hàng mã bán chạy như thế nào! Rõ ràng là người ta đã đem tiền thật đi mua tiền, vàng giả về đốt không tiếc tiền cho những mục đích không nhìn thấy kết quả.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiến bộ phản đối việc đốt hàng mã tràn lan, lãng phí, dễ gây hỏa hoạn, cho rằng đạo Phật không tán thành việc đốt vàng mã, vật dụng bằng giấy.

Trong kinh sách Phật giáo không không hề quy định việc đốt giấy tiền, vàng mã cho người chết. Vì theo Phật giáo, người chết chậm nhất là sau bốn mươi chín ngày thì nhất định sẽ được thác sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp mà họ đã gây tạo lúc sống. Ở mỗi cảnh giới khác nhau, sự thọ dụng đồ ăn, đồ dùng của họ trong các cảnh giới ấy hoàn toàn khác biệt, không giống như chúng ta quan niệm trần sao âm vậy. Do đó, dùng những vật dụng, tiền bạc của cõi dương để cung cấp cho các chúng sinh ở các cõi khác là điều không khả dụng. Đó là chưa nói việc đốt chúng gửi cho người âm không có địa chỉ (như trên trần thế) liệu họ có nhận được không? Mặt khác, mỗi nước, mỗi thế giới đều có đồng tiền riêng, nên việc làm vàng, tiền của người dương để gửi cho người âm là làm hàng giả, tiền giả làm sao người âm có thể dùng được (nào ai biết hình thù tiền mã, vàng mã của thế giới âm phủ ra sao).

Về mặt đạo đức, việc con người ta đốt tiền, vàng mã, đồ dùng mã cho người thân quá cố với mong muốn người nhà ở dưới âm được đủ đầy, không thiếu thốn là một tâm tưởng tốt, thế nhưng Phật giáo xem sự thể hiện “ hiếu đạo” bằng việc đốt vàng mã là một hủ tục, vì việc làm ấy hoàn toàn vô ích đối với người chết, chỉ lãng phí tiền của, công sức và gây ô nhiễm, hoả hoạn mà thôi. Và giả sử người chết có nhận được chăng nữa thì việc làm đó lại lợi bất cập hại bởi quan niệm nhà Phật là muốn tu tạo để chuyển sang một cảnh giới tốt, thì người chết phải từ bỏ mọi tham, sân, si. Thế mà người dương lại cứ làm cho người âm không dứt bỏ được ham muốn vật chất bằng cách gửi tiền, gửi đồ cho thì người âm thì sao họ có thể tu tạo, hồi hướng được.

Đối với các Phật tử và người dân chưa thông suốt giáo lý, vẫn quen với tập tục dùng vàng mã trong tang lễ và hiếu sự, Phật giáo không cấm đoán, chỉ khuyên nhủ họ từ bỏ hoặc thay thế bằng các việc làm có lợi ích thiết thực hơn như phóng sinh, dùng tiền mua vàng mã, đồ dùng đó để bố thí cho người nghèo, cứu giúp kẻ khó khăn nhằm chuộc tội cho người chết. Đây mới là việc làm “ âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm từ bi tuệ giác của đạo Phật.

Xuất xứ của tục đốt hàng mã:

Ở Trung Hoa, từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (năm 105 sau CN – đời Hán), ông Thái Linh bắt đầu lấy vỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Sau này, một người tên Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo v.v… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách Thông Giám cương mục chép: “Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường Bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ”. Vậy nên ông Vương Dũ có thể coi là thủy tổ nghề vàng mã.

Cần phải nói rằng, việc đốt vàng mã là một tập tục đã có hàng nghìn năm nay ở Việt Nam, từ thời nước ta còn bị phong kiến Trung Quốc đô hộ, mà cụ thể hơn là bắt đầu từ thời Đông Hán đô hộ (giai đoạn mà Thái thú Sĩ Nhiếp đẩy mạnh truyền bá Nho học ở Giao Chỉ – cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III). Phong kiến phương Bắc luôn chủ trương đồng hóa người Việt theo phong tục, văn hóa nước họ. Người Việt chúng ta không thể nói là không bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc (cả mặt tốt lẫn mặt xấu), trong đó có tập tục đốt vàng mã, đồ dùng mã. Với quan niệm đạo hiếu trong Nho học Khổng Tử thì việc đốt tiền, vàng, đồ dùng cho người thân nơi cõi âm được giới thống trị Trung Hoa mang sang phổ biến ở Giao Chỉ và ăn sâu, bén rễ ở nước ta đã hàng nghìn năm nay, không dễ ngày một, ngày hai có thể thuyết phục dân ta bỏ được.

Đến thời Đường – Tống, đồ tuẫn táng hay tùy táng (chôn theo người chết) bằng gốm sứ hay kim loại ít dần trong tang lễ. Người ta thay bằng ngựa giấy, bát giấy, người giấy, gia súc giấy,… vừa đáp ứng nhu cầu tuẫn táng cho người thân, vừa thông qua hỏa thiêu để chuyển hóa được sang cho cõi âm sử dụng.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao ngày rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu lan báo hiếu của đạo Phật người ta lại đốt rất nhiều vàng mã, đồ mã để gửi cho người thân dưới âm?

Xuất xứ của việc này được giải thích bằng chuyện chép ở sách Trực Ngôn Cảnh Giáo của Trung Hoa:

Vào thời vua Đạt Tôn nhà Đường (năm 762), khi Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: rằm tháng Bảy là ngày vua Diêm Vương ở âm phủ xem xét xá tội các vong hồn, nhà vua nên thông sức cho dân khi cúng lễ gia tiên vào ngày này nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong hồn.

Vua Đạt Tôn muốn lấy lòng dân nên đồng ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế là dân Trung Hoa lại được dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy để tỏ lòng hiếu nghĩa với gia tiên. Nhưng việc này lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích vì trái với quan điểm Phật giáo. Phần lớn dân chúng Trung Hoa hồi đó đã tỉnh ngộ, cùng nhau bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là người nhà Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, người đã chế ra đồ vàng mã.

Thất nghiệp, Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài đã đục lỗ để thở và trữ sẵn thức ăn, nước uống. Khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân với gia nhân và họ hàng đem cả hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mạng ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ ầm ĩ. Bấy giờ, Vương Luân đã đứng sẵn bên quan tài và anh chàng giả chết kia cũng từ từ ngồi dậy, lù đù bước từ quan tài ra, với một điệu bộ như người chết đi sống lại, rồi thuật lại chuyện với dân chúng rằng: “Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mạng cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế”. Dân chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thánh thần trong tam, tứ phủ cũng tham lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ cho ai có nhiều lễ biếu. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng vì không những linh hồn dùng vàng mã, mà đến cả thiên, địa, quỷ, thần cũng tiêu dùng đồ mã, tất nhiên là vàng mã phải đắt hàng.

Trước đây Việt Nam bị phong kiến Trung Quốc đô hộ hơn 1.000 năm, phong tục của họ hay, dở mình buộc phải theo đã đành, nay nước ta là một quốc gia độc lập, tự chủ, có truyền thống bất khuất, không dễ gì bị đồng hóa, thì không lẽ lại vẫn học theo cái dở của người Tầu?.

Hiện nay nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực nhưng Đảng và Nhà nước luôn chủ trương “hòa nhập mà không hòa tan”. Chúng ta tiếp thu có chọn lọc những gì là tiên tiến, văn minh của các nước và phải từ bỏ những tàn dư lạc hậu xưa cũ, trong đó có việc đốt tiền, vàng mã, đồ mã. Mọi người, mọi nhà nên làm theo lời khuyên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được bày tỏ trong thông bạch số 31 vừa qua của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

(Nguồn: Đốt tiền, vàng mã, hàng mã – một hủ tục cần từ bỏ./Phạm Văn Thi, Hội Văn hóa Dân gian HP//Tạp chí Khoa học & Kinh tế . – Số 182, năm 2018. – Tr. 38-39-40)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học