
Hiện nay trên mạng xã hội cũng như các các cơ quan truyền thông xuất hiện liên tục và rất sôi động nhiều trao đổi xung quanh ChatGPT của nhiều tác giả trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy ChatGPT là gì, ai là người sáng lập, ứng dụng của chatGPT cùng những ưu điểm và hạn chế của ChatGPT. Dưới đây bài viết xin trao đổi đôi điều về ChatGPT.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer ) là một phần mềm ứng dụng, hay gọi là một chatbot. Nó là kết quả của quá trình phát triển họ các phần mềm/mô hình Học máy về ngôn ngữ tự nhiên có tên GPT của công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Đây là họ các mô hình Học máy cỡ lớn, lên đến hàng trăm tỷ tham số. Có thể nói ChatGPT được xây dựng dựa trên nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn ( Large language models – LLM ), thuộc lĩnh vực AI tạo sinh. AI tạo sinh là loại AI dùng để sinh ra nội dung mới sau khi đã huấn luyên trên những dữ liệu, nội dung lớn đã có trong quá khứ. ChatGPT cũng là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý tiếng nói hiện đại nhất hiện nay, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, và được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tăng cường lẫn kỹ thuật học có giám sát để tăng khả năng sinh ra văn bản phù hợp, tự nhiên hơn. Nó có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản.
Người sáng tạo hay còn được gọi là “cha đẻ” của Chat GPT là Sam Alman. Sam Altman, người Mỹ gốc Do Thái, sinh năm 1985, và lớn lên ở St. Louis, bang Missouri.
Tuy nhiên, mới đây, trên trang Facebook cá nhân của mình, CEO của BKAV, Ông Nguyễn Tử Quảng đã tiết lộ một người Việt Nam có vai trò quyết định với thành công của ChatGPT đó chính là anh Lê Viết Quốc, một trong 4 người đồng sáng lập ra Google Brain. Anh Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã phát triển một thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Google đã phát triển phiên bản này và cho ra thuật toán Transformers. Thuật toán này đã giúp Open AI dựa vào đó để phát triển chatbot ChatGPT.
ChatGPT là chatbot được quan tâm nhất trong những ngày vừa qua bởi đây đang là một trong những ứng dụng Internet có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử, cán mốc 100 triệu người sử dụng chỉ sau 2 tháng ra mắt. Giới công nghệ gọi là “siêu AI” với lượng kiến thức “khủng”, khả năng trò chuyện, sáng tạo nội dung, và cũng là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới hiện nay. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì.
Tuy nhiên Sam Altman khẳng định sản phẩm của mình chỉ mới đang ở giai đoạn sơ khai, thử nghiệm.
Sam Altman – CEO OpenAI, người được xem như “cha đẻ” của ChatGPT. (Ảnh: Business Today)
ChatGPT là một ứng dụng cực kỳ hữu ích và có thể nói là nhất trong bối cảnh hiện nay, khi mọi thứ đều được công nghệ hoá và luôn trên đà thay đổi liên tục.
Trong đó phải nói tới khả năng đọc và viết mã của ChatGPT là một trong những tiến bộ vượt bậc nhất so với các mô hình ngôn ngữ trước đây của giới Công nghê thông tin.
Tiếp đến là một số phân ngành trong Marketing có thể được hỗ trợ bởi ChatGPT. ChatGPT có thể sản xuất rất nhiều loại văn bản, ví dụ như các bài đăng trên blog và website, các bài luận văn, thậm chí thơ văn.
ChatGPT có thể giúp chăm sóc khách hàng từ khả năng giải đáp các thắc mắc cách nhanh chóng. Điều này giúp các công ty đánh giá rõ ràng mức độ hài lòng của khách hàng; một bước không thể thiếu trong mọi doanh nghiệp để giữ chân khách hàng.
Từ khi ra mắt, ChatGPT đã thường được dùng để viết luận, viết truyện, sáng tác thơ, hay thậm chí cả lời nhạc. Với khả năng sản xuất các đoạn văn bản chi tiết và rành mạch, nhiều sinh viên và cả giảng viên đã tìm đến ChatGPT để có thêm nguồn tham khảo tài liệu cho mình.
ChatGPT không chỉ sản xuất content mà còn được sử dụng để nâng cao chất lượng nội dung, hay tạo các tiêu đề hấp dẫn cho các bài đăng.
ChatGPT còn có khả năng tóm tắt tài liệu có nội dung dài (email, báo cáo, v.v.), hoàn thiện các văn bản từ email đến các tài liệu khác, ChatGPT còn dịch được các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Tuy nhiên cho tới nay ChatGPT còn có những hạn chế, đó là chất lượng câu trả lời phụ thuộc vào chất lượng câu hỏi đầu vào. Câu trả lời không phải lúc nào cũng đúng. Giới học thuật còn quan ngại về tính công bằng, minh bạch trong quá trình tạo nên các bài viết khoa học. Nhiều người cũng nêu ra lo ngại về việc chatbot sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để tung ra các tin giả, tin sai sự thật. Trong giáo dục cần lưu ý tới việc sử dụng vì mục đích gian lận trong các kỳ thi hoặc bài kiểm tra.
Một điểm hạn chế khác của Chat GPT chính là nó chưa có khả năng cập nhật các sự kiện mới nhất. Theo thông tin từ phía OpenAI, công cụ này chỉ mới nhận biết được các sự kiện diễn ra trước năm 2021.
Dù có thông minh đến đâu thì hiện tại ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ. Những vấn đề nan giải cần đến sự sáng tạo, khả năng xử lý tình huống và tư duy phản biện thì ChatGPT chưa có thể giải quyết được.
Ngoài ra, ChatGPT cũng không thể hiểu được bối cảnh hay cảm xúc của người dùng, từ đó nó có thể đưa ra những câu trả lời thiếu phù hợp.
Tuy vậy, với sức mạnh của AI, và ChatGPT là một điển hình, chúng ta nên sử dụng nó có trách nhiệm và với mục đích phù hợp. ChatGPT nên được coi là tài nguyên tham khảo đa dạng, một bách khoa toàn thư của thế hệ mới để tìm kiếm thông tin. Nó giúp cho chúng ta giảm bớt được lãng phí thời gian tìm kiếm những điều đã có để sáng tạo những cái mới, vấn đề mới. ChatGPT sử dụng có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của mỗi người cụ thể. /.
ĐVH