ĐÌNH VÀ CHÙA AN DƯƠNG – DI TÍCH CÁCH MẠNG
Làng An Dương huyện An Dương là một làng cổ xứ Đông vốn thuộc tổng An Dương; thời thuộc Pháp một phần đất của làng cắt chuyển vào nội đô để làm ga xe lửa, nhà thương bản xứ (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp nay), nghĩa địa Tây nên phần đất còn lại vẫn mang làng cũ nhưng chuyển thuộc tổng An Lạc huyện An Dương. Qúa trình đô thị hóa, chính quyền pháp còn đặt sân thể thao làm hồ quẹt, lưu giữ các gò đổng nhiều cây cối cho học sinh cắm trại… Về công nghiệp chỉ có vài xưởng thuộc da, nhà máy gạch Tần Tài Đông của Hoa kiều và bến tầu sông thường gọi là bến Nguyễn Hữu Thu, ở đây chính quyền Pháp đặt bãi rác của thành phố. Riêng các công trình văn hóa cổ của làng như: chùa, miếu, đình văn chỉ đều nằm ở khu trung tâm, dù trải qua bao biến cố lịch sử xã hội vẫn được nhân dân giữ gìn, tôn tạo. Theo lịch sử đảng thành phố, quận, phường, tiểu sử một số cán bộ lão thành như Vũ Văn Tấn, quê làng Vĩnh Khê, Vũ Văn Quý, quê làng Cống Mỹ đều thuộc huyện An Dương, đặc biệt là hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Công Hòa do mai Quân ghi mang tên con đường sống duy nhất kể rõ việc đồng chí trọ ở nhà bà cụ là người ở của chủ nhà máy gạch Tần Tài Đông. Khi chủ nhà máy phá sản, nhà máy trở lên hoang tàn, nhưng bà cụ vẫn ở lại ngôi nhà cũ. Chiến sỹ cộng sản trẻ Nguyễn Công Hòa thuê được gian gác xép gần ống khói nhà máy do có người đồng chí làm thợ cho một hiệu bánh kẹo trên phố khách thi thoảng mới về thăm mẹ rồi đi ngay. Cho nên nơi này có nhiều người lao động, công nhân ở trọ, trong đó có một số người là đảng viên cộng sản, là hội viên Hội thanh niên đồng chí.
Nhà Nguyễn Công Hòa, vườn đình, vườn chùa An Dương là nơi họ hội họp bàn công việc được Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Hải Phòng phân công. Dịp tết Canh Ngọ (1990) Nguyễn Công Hòa được triệu tập đến trụ sở Tỉnh bộ ở Quần ngựa, Nguyễn Đức Cảnh giao nhiệm vụ bố trí chỗ ăn ở làm việc cho 2 cán bộ Trung ương về kiểm tra và chỉ đạo phong trào là đồng chí Giáp, đồng chí Hai Cao (sau đồng chí Hòa mới biết Hai Cao là Trần Phú) ít lâu sau chỉ còn Trần Phú ở lại. Đồng chí nói với chủ nhà mình là công nhân mỏ vàng Danh thất nghiệp tìm về Hải Phòng kiếm việc. Đồng chí thăm đường đi lối lại trong xóm, đặc biệt chú ý cái ống khói nhà máy. Đồng chí đặt kế hoạch chương trình rất sát sao. Lúc giải lao tranh thủ quét sân, băm bèo giúp cụ chủ nàh nên bà cụ mến lắm. Ngày ấy quỹ Đảng nghèo, hai anh em chỉ xin đủ tiền đong gạo, rau quanh vườn đình, vườn chùa không thiếu. Cạnh gác xép có một ao to lắm cá. Trần Phú kiếm một cần câu , câu được nhiều cá thừa ăn lại biếu bà cụ chủ nhà mà không hết. Từ khu đình chùa An Dương Nguyễn Công Hòa bí mật đưa Trần Phú đi khảo sát khu công nhân Máy Tơ, Máy Bát (nay thuộc Ngô Quyền), nhà máy Nến, nhà máy Cống…. ở đây có lần 2 đồng chí suýt bị bắt, nếu không có sự tỉnh táo, bình tĩnh của Trần Phú. Một bữa 2 anh em đang làm việc trên gác xép, bỗng có tiếng quát tháo đòi mở cổng của cút lít, trong khi bà cụ chủ nhà cố trùng trình thì Trần Phú đã gói xong tài liệu dòng dây thả xuống ống khói. Nguyễn Công Hòa định xuống gác thì Trần Phú giữ lại, vừa lúc đó tại cút lít hỏi nhà bà nuôi mấy cón lợn, thực ra chỉ có 2 con, nhưng chúng bảo còn 2 con nữa chạy rộng ra phố. Bà cụ mở hầu bao xin nộp phạt 4 con để chúng rút đi.
Nguyễn Công Hòa cho biết, thời gian công tác ở Hải Phòng, Trần Phú đã tham gia góp nhiều ý kiến quý báu cho các cơ sở, cho lãnh đạo Hải Phòng và riêng Nguyễn Công Hòa được Trần Phú dạy thêm văn hóa, bồi dưỡng tư tưởng, phương pháp tác phong công tác. “Và cũng mãi sau này vào nhà tù, nghe anh em nói lại tôi mới biết người đã chung sống với tôi ngót 2 tháng trời trong gian gác xép ở xóm thợ An Dương là đồng chí Tổng bí thư Đảng”. Ngày 28/4/1987, Ban thường vụ Thành ủy HP tổ chức hội nghị khoa học. Những điều kiện thành lập Đảng bộ HP, bác Nguyễn Công Hòa về dự, sau hội nghị đồng chí Phạm Bà Chi và tôi đến hỏi một vài vấn đề lịch sử, nhân tiện bác nhắc đến cơ sở cách mạng xóm thợ An Dương. Thời kỳ mặt trận dân chủ 1936-1939, gia đình cụ Vũ Văn Tiện (quê ở Làng Cống Mỹ làm ở công ty vệ sinh đặt ở khu bãi rác An Dương) là cơ sở cách mạng của Đảng, 2 con cụ Vũ Quý, Vũ Phú, chúng tra khảo chết ngay tại chỗ. Hiện cả hai anh em đã được công nhận là liệt sĩ. Gia đình cụ Vũ Văn Tiện được công nhận di tích cách mạng cùng bằng có công với nước. Thời kỳ mặt trận Việt Minh, đồng chí Lê Thanh Nghị và một số đồng chí được cơ sở cách mạng làng An Dương bảo vệ, đồng chí đã kết hôn với một cán bộ Việt Minh, người họ Đào làng này. Như vậy khu vực đình chùa An Dương là cơ sở cách mạng liên tục từ 1929 đến tổng khởi nghĩa. Rất tiếc, khu vực này chưa được phát huy, dân cư thay đổi qua quá trình đô thị hóa nếu không kịp thời bảo vệ xếp hạng thì việc dân lấn chiếm khuôn viên di tích chắc ngày càng gia tăng.
Â
Ngô Đăng Lợi