Đình Nguyên – Tiến sĩ Phan Trứ và thành tích học hành thi cử

Đền thờ Hoàng giáp Lê Khắc Cần – nhà nho yêu nước tại xã An Thọ huyện An Lão.

          Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố ngày 19/07/2012 có ra nghị quyết về đặt tên đường phố. Đình nguyên, Hoàng giáp, Tiến sĩ Phan Trứ được chọn đặt tên cho một phố thuộc quận Kiến An. Xin trân trọng đăng bài viết này nhằm góp phần làm sáng rõ về thân thế, sự nghiệp của ngài.
          Phan Trứ với chế độ khoa cử triều Nguyễn
          Phan Trứ quê ở Bát Trang, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Mão 1831, năm sau ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng Giáp) và đứng đầu kỳ thi đình (đình nguyên) năm Nhâm Thìn 1832, đời vua Minh Mạng.
          Kể từ khi triều Nguyễn mở khoa thi đình để lấy Tiến sĩ, tất cả có 38 khoa, đầu tiên là khoa Nhâm Ngọ 1822 vào đời Minh Mạng thứ ba và khoa cuối cùng tổ chức năm 1919 đời vua Khải Định thứ 4. Phan Trứ là ông Đình Nguyên thứ 4, Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến là Đình Nguyên thứ 22, Phan Đình Phùng- một anh hùng chống Pháp của phong trào Cần Vương là vị Đình nguyên thứ 24. Tổng cộng triều Nguyễn có 38 vị Đình Nguyên trong số 291 tiến sĩ.
          Từ năm 1829, triều Nguyễn đặt ra một học vị nữa mà trước đây không có đó là Phó bảng: đỗ Phó bảng cũng được xếp là đỗ đại khoa, trong sử dụng không hề có sự phân biệt bằng cấp học vị, ngay như Tam nguyên Nguyễn Khuyến, Tam nguyên Vũ Phạm Hàm cũng chỉ làm quan cấp tỉnh, trong khi nhiều Cử nhân lại làm đến thượng thư (tức Bộ trưởng ngày nay). Nhưng trong nghi thức vinh danh thì lại có sự phân biệt thái quá, thậm chí có vị Phó bảng coi là bị xúc phạm.
          Vậy thế nào là đỗ Tiến sĩ, thế nào là Phó bảng. Sự phân biệt là ở kỳ thi Hội, bài làm của thí sinh chấm bằng cách cho điểm (gọi là phân), được từ 7-8 phân trở lên sẽ được vào thi đình, có khả năng thành Tiến sĩ, còn từ 4-6 phân sẽ là đỗ Phó bảng, dưới 4 phân là hỏng kỳ thi Hội. Trước khoa thi năm Tân Sửu 1901, người đỗ Phó bảng không được cấp áo mũ và ngựa để về làng vinh qui bái tổ, không được vua ban cho dự yến tiệc…lủi thủi như người ra về, như người hỏng thi. Phó bảng cũng không được khắc tên trên bia đá ở Văn Miếu.
          Xã Cổ Am, Hải Phòng có ông Lê Huy Thái đỗ Phó bảng năm 1848 làm đến chức Tri Phủ.
          Cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Phan Chu Trinh rất may mắn đã đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901 nên đều được vua cấp áo mũ, ngựa để về vinh qui bái tổ. Tuy nhiên, việc dự yến tiệc của Vua thì 10 năm sau các vị Phó bảng mới được hưởng. Nói về lượng thí sinh, mỗi khoa thi, bình thường cả nước có đến 2-3 vạn người thi, lấy đỗ hơn 100 cử nhân và thi đình trung bình mười ông đỗ Tiến sĩ, nghĩa là từ vài ba vạn chọn ra 10 người. Cho nên Đình Nguyên cũng như Trạng nguyên là vài ba vạn người chọn được một. Tài năng như Nguyễn Văn Siêu (đời gọi là Thần Siêu), Cao Bá Quát (đời gọi là Thánh Quát) mà ông Siêu chỉ đỗ Phó bảng, ông Quát chỉ đỗ Cử nhân. Hơn 100 năm khoa cử triều Nguyễn, người Hải Phòng chỉ có 2 Tiến sĩ, nhưng đỗ rất cao là Đình Nguyên Phan Trứ và Giải nguyên – Hội nguyên Lê Khắc Cẩn, cả hai đều là người huyện An Lão.
          Thí sinh các khoa thi.
          Về khoa thi hương năm 1831
          Năm Tân Mão 1831- Minh Mạng thứ 12, cả nước tổ chức 6 trường thi, Bắc Kỳ có 2 trường là Thăng Long và Nam Định, trường thi Nam Định cho thí sinh các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Quan chủ khảo trường Nam Định năm ấy tên là Hồ Bảo Định, người phía nam, đang giữ chức Hiệp trấn tỉnh Nghệ An. Một sự ngẫu nhiên, khóa này người đỗ thủ khoa
(giải nguyên) là ông Vũ Trọng Thanh người làng Hàng Kênh, huyện An Dương, còn người đỗ thứ 3 là người huyện Vĩnh Bảo, Phan Trứ đỗ vị trí thứ 5.
          Bước vào kỳ thi Hội, 100 cử nhân tân khoa Tân Mão bị các cử nhân khoa Mậu Tý ( khóa trước) áp đảo. Kết quả, khoa thi Hội và thi Đình năm ấy (1832) lấy 8 tiến sĩ thì 6 là cử nhân khóa trước, cử nhân khoa Tân Mão dành cả ba học vị Phó bảng.
          Trường thi Nam Định tự hào vì có Phan Trứ chiếm bảng vàng kỳ thi Đình. Một điều đáng nhớ ở khoa thi này, ông Nguyễn Văn Lý – cụ nội của cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha – tác giả cuốn Hán Việt tự điển có giá trị và được phổ biến hiện nay – cũng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Hai cử nhân người Hàng Kênh và Vĩnh Bảo kỳ thi hương đỗ thủ khoa và vị trí thứ 3 đã hỏng ngay từ kỳ thi Hội.
          Phan Trứ với vai trò Chủ khảo các trường thi hương
          Con đường thi cử là con đường cơ bản để tuyển chọn cán bộ, gần như chủ yếu để nhân tài thi thố trong thời phong kiến. Dẫu là vậy nhưng 5 năm sau khi thống nhất sơn hà, Gia Long mới mở kỳ thi Hương đầu tiên để lấy cử nhân, 15 năm sau đó mới mở kỳ thi Hội để tuyển chọn Tiến sĩ.
          Địa vị xã hội của các bậc khoa bảng trong xã hội Việt Nam xưa rất lớn, được dân chúng trọng thị, thậm chí coi như thần thánh; triều Nguyễn đưa học vị Trạng nguyên vào hàng “tứ bất” để khống chế: không lập Hoàng hậu, không lập Tể tướng, Thái tử và Trạng nguyên. Nhưng nhà Nguyễn cũng như các triều trước không có ngạch học quan riêng biệt, việc thi cử do Bộ Lễ quản lý, mãi đầu thế kỷ 20 mới tách từ Bộ Lễ ra thành lập Bộ Học do Cao Xuân Dục làm thượng thư (Bộ trưởng) đầu tiên. Trong hệ thống quan chức học quan (đốc học, huấn đạo, giáo thụ) có thể chuyển qua làm chánh quan ( quan cai trị), ngược lại các ông quan cai trị Thượng thư, Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát….thường được bổ nhiệm làm chủ khảo, phó chủ khảo,…các trường thi Hương. Tuy 3 năm mới mở một khoa thi, và cả nước cũng thường tổ chức 5 hoặc 6 trường thi là Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Gia Định, có khi thêm Bình Định. Nhưng vì thiếu người đủ trình độ làm chủ khảo, phó chủ khảo nên phải trưng dụng các quan cấp địa phương (từ chức vụ Án sát trở lên). Nói chung là phải có bằng từ phó bảng, tiến sĩ. Hãn hữu mới cử ông quan chỉ có bằng cử nhân làm chủ khảo với điều kiện các ông này phải là quan lớn (từ Án sát, Thị lang, Tham tri, Thượng thư,..).
          Một vấn đề nữa, số lượng người đủ chuẩn đã ít, công việc của quan chủ khảo lại rất nặng nề, phải ra đề thi (chứ không phải Bộ Lễ đưa xuống), phải làm người chấm quyển và quyết định cuối cùng sau 4,5 người đã chấm, mỗi cấp chấm bài phải dùng một loại mực có màu sắc khác nhau do đích thân Vua qui định, ông chủ khảo nào sai lỗi có thể xử đến mức cách tuột mọi chức vụ, thậm chí là tiến sĩ sẽ bị thu bằng, đục tên khỏi bia tại Văn Miếu như trường hợp Tiến sĩ Ngô Thế Vinh  cuối đời nhờ thành tích đào tạo ra nhiều cử nhân, tiến sĩ nên lại được khởi phục).
          Chúng tôi khảo cứu thấy không ít vị chủ khảo thấy không ít vị chủ khảo mặc dù là quan chức lớn như Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư Bộ Hình được cử đi làm chủ khảo trường Thừa thiên năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) để lọt 4 thí sinh có điểm liệt mà trúng cử, Bộ Lễ phát hiện truất 4 thí sinh này, còn  Phan Thanh Giản bị Vua kỷ luật giáng chức, phạt bổng lộc một năm
Mỗi trường thi là 5.000 – 7.000 thí sinh, thi trong hàng tháng qua 4 vòng, không ít vị phát ốm ngay trong thời gian làm chủ khảo.
          Suốt đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức (là thời thịnh trị) việc học hành thi cử nghiêm túc nhất. Chỉ có 3 ông quan làm chủ khảo đến 4 trường thi ròng rã gần 10 năm. Phan Trứ là một trong 3 người đó. Ngài làm chủ khảo các trường thi Gia Định (khoa thi năm 1843); Hà Nội (khoa thi năm 1847); Nghệ An (khoa thi năm 1848) và Thanh Hóa (khoa thi năm 1850).
          Ba trường sau cùng là 3 trường thi lớn của cả nước.
          (Nguồn: Đình Nguyên- Tiến sĩ Phan Trứ và thành tích học hành thi cử/TS. Lã Trọng Long// Tạp chí Khoa học và Kinh tế HP, số 127- tháng 12/2012.- tr 36 – 37).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học