Đình làng Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy thờ Thành hoàng Chử Đồng Tử.

alt

Trong tâm thức dân gian, Chử Đồng Tử không chỉ là một trong Tứ Bất Tử của Thần đạo Việt Nam mà còn là người con hiếu thảo, nhân ái, là người mở mang khai phá miền đất trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt nghề buôn bán. Sẽ không ngoa khi nói rằng thánh Chử là ông tổ của nghề buôn bán Việt Nam. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã khởi đầu cho sự giao lưu giữa tộc Việt và cộng đồng bên ngoài khi tìm đường ra biển buôn bán vào thời Hùng Vương dựng nước. Một trong những truyền thuyết đó là việc Chử Đồng Tử theo khách ngoại quốc ra Đông Hải buôn bán rồi gặp nhà sư Phật Quang ở đảo Quỳnh Viên, được truyền đạo pháp, được ban cho cây gậy và chiếc nón thần.

Nhiều làng thuộc các tỉnh nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đều có đền, miếu thờ đức thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung (vợ cả) và Hồng Vân công chúa (vợ lẽ), nhưng ở Hưng Yên là có nhiều đền thờ nhất, bởi đây là quê hương phát tích của Thánh với các truyền thuyết đầy màu sắc kỳ ảo và đậm tình người, tình yêu nam nữ bất diệt.

Hằng năm vào ngày 10 – 12 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung lại được tổ chức tại các đền Dạ Trạch, đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để ghi nhớ công ơn cứu nhân độ thế của Thánh đồng thời tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của đức thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung  và Hồng Vân (cung nữ Tiên Sa trên Thiên Đình hạ sinh).

Ở vùng Đồ Sơn, Kiến Thụy Hải Phòng còn có truyền thuyết về việc Chử Đồng Tử trên đường ra biển buôn bán có ghé vào hang Cốc Tự (chùa Hang – Đồ Sơn) gặp sư Bần (người Ấn Độ) đang truyền đạo ở đó, được ngài cảm hóa đã bỏ nghề đi buôn để tu Phật. Đây có lẽ là chứng cứ cho rằng Chử Đồng Tử cũng là một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam 200-300 năm trước công nguyên.

Trên đường về Hưng Yên qua lối sông Đa Độ chảy qua địa phận trang Cốc Liễn (thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy nay), Chử Đồng Tử dã dùng phép tiên cứu sống con bà Đa bị chết đuối nên được dân làng cảm tạ, trả ơn nhưng ông nhất quyết không nhận. Dân chúng hỏi danh tính, ông cho biết tên là Đông An, người xứ Tứ Xuyên rồi ra đi. Sau đó mẹ con bà Đa lập miếu thờ tri ân công đức thánh. Sau này, dân làng cho người dò tìm thì được biết ở vùng Đông An, đất Tứ Xuyên (xã Vĩnh Hóa, tổng Phúc Dương) có một thần nhân tên là Chử Đồng Tử, có phép thuật thường đi khắp nơi cứu nhân, độ thế bèn dựng đình thờ ông làm Thành hoàng làng với duệ hiệu là thần Đông An.

Vào đầu thế kỷ 17, vua Lê Thần Tông hiệu Vĩnh Tộ vâng lệnh vua cha đem quân ra miền Hải Đông tiễu trừ giặc loạn. Lúc đầu gặp thế giặc mạnh, vua phải cho quân tạm lui, giặc đuổi theo gấp. Đến Trang Minh Liễn thấy nhiều người lễ bái tại ngôi cổ miếu, nhà vua liền vào lễ, bỗng trời đất nổi lên trận phong ba, làm cho giặc khiếp vía kinh hoàng. Quân ta thừa thế đánh tan được quân giặc, để thưởng công tạ ơn cho vị thần linh, vua xuống chiếu ban sắc phong kèm theo mỹ tự “Kinh thiên vĩ địa Đại vương” giao cho trang Minh Liễn phụng thờ. Ngôi miếu bằng tranh tre, lứa lá ban đầu dần được xây dựng ngày càng khang trang qua các đời. Lúc đầu, thần Đông An được thờ bằng long ngai, bài vị tại miếu, nhưng rồi sự hủy hoại của thời gian, chiến tranh và cả sự duy lý trí một thời của con người đã khiến cho di tích này không còn (nay chỉ có nền đất cũ). Người dân Cốc Liễn sau đó đã chuyển đồ thờ tự còn sót lại về đình để hàng năm hương khói thờ cúng. Từ ngày ngôi đình được khởi dựng, nhân dân cầu cúng rất linh ứng, vào những năm đại hạn kỳ vũ đều được mưa rào, cả tổng ngày trước đều tôn vinh thần Đông An là “Đức thánh cả thượng đẳng tối linh”.

Ngày nay, cạnh đình còn có ngôi chùa thờ Phật nhỏ hẹp nằm nép phía bên phải, áp vách do chùa cũ đã bị phá trong thời kỳ duy ý chí của chính quyền những năm 60-70 thế kỷ trước. Quần thể đình – chùa cùng một khuôn viên này tạo nên cụm di tích lịch sử-văn hóa cấp Thành phố (được công nhận năm 2007).

Hiện nay đình Cốc Liễn còn lưu giữ được các đồ thờ như long đình, bát biểu, ngai thờ thánh, hương án tiền, cuốn thư quán tẩy số, chưa kể 2 vật tương trưng của thần là thanh gươm và chiếc gậy phép (do đình thờ Chử Đồng Tử và phối thờ cả Đông Hải Đại vương). Ở đây chiếc gậy phép là của thánh Chử và thanh gươm là của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (một viên tướng cuối đời Lý).

Ban quản lý Di tích còn lưu giữ được 17/21 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong Thượng đẳng thần kèm mỹ tự cho thành hoàng làng là Đông An (Chử Đồng Tử), trong đó sắc phong đầu tiên mang niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 6 được dân làng lưu giữ, còn đến ngày nay cùng với 20 đạo sắc phong khác từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn (Khải Định năm thứ 9). Đây là điều hiếm có mà không phải di tích nào cũng có được.

Chùa Cốc Liễn bảo lưu được 7 pho tượng Phật như A Di đà, Quan Âm, Tống tử, Ngọc Hoàng Thượng đế, Đức ông, tượng Mẫu có niên đại thời Nguyễn đầu đầu thế kỷ 18.

Làng Cốc Liễn nay (xưa kia gọi là trang Minh Liễn) trước năm 1813 là một xóm thuộc tổng Sâm Linh (theo sách Lược khảo tên địa danh Hải Phòng của tác giả Ngô Đăng Lợi), huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Việc đổi tên trang Minh Liễn thành làng Cốc Liễn là ở đời vua Thành Thái (1889-1907). Làng Cốc Liễn nằm ở ngã ba giữa sông Đa Độ và sông Sàng, có vị trí quan yếu về quân sự nên triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng bến thuyền tuần tiễu, đồng thời đặt Phủ lị ở xã Minh Tân.

Thống đốc tỉnh Hải Dương là Nguyễn Công Trứ từng cho khai khẩn 1200 mẫu ruộng ở Minh Liễn để trồng cấy lương thực nuôi quân. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận nơi đây là một trong số ít làng xã ở Hải Phòng nổ ra phong trào Mạc Thiên Binh kháng Pháp.

Với truyền thống yêu nước và cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xã Minh Tân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và nhiều huân chương, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc vì những thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ miếu Thị Đa (bà Đa) đến đình Cốc Liễn là quá trình vật đổi sao dời, nhưng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với làng, với nước, người dân thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân bao đời nay vẫn giữ được nếp xưa, tổ chức nhiều lễ hội vào các ngày mồng 1 tháng Giêng; mồng 10 tháng 2; mồng 10 tháng 4; mồng 5 tháng 5 và 15 tháng 8 âm lịch với nghi lễ tế, rước trọng thể và các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian.

Ngày nay, do điều kiện kinh tế-xã hội địa phương và hoàn cảnh thực tế mà phần hội được tối gián hóa và thời gian tổ chức lễ hội tri ân Thành hoàng làng được ấn định vào ngày 14-15 tháng 3 (âm lịch), là ngày thánh đản của thần Đông An. Cứ 2 năm một lần, vào năm chẵn, lễ hội được tổ chức công phu, còn năm lẻ thì có tế lễ và dâng hương của các dòng họ trong làng.

Hiện nay, trong một năm, thôn Cốc Liễn thường tổ chức bốn lễ hội sau (thời gian âm lịch):

– Ngày mùng 3 tháng 3: dỗ Mẫu Liễu Hạnh.

– Ngày 15 tháng 3: lễ dâng hương đức thánh Chử Đồng Tử.

– Ngày 8 tháng 4: cúng Phật Đản.

– Ngày 20 tháng 8: lễ dỗ đức thánh Trần Hưng Đạo.

Như vậy cho thấy, cũng như những vùng quê khác, người dân ở đây tôn sùng cả Thánh và Phật với ý niệm tri ân công lao bảo hộ, chở che, ban ơn mưa móc của các đấng tối cao tâm linh.

Ngày 6/4/2017 tôi đã xuống thăm đình làng Cốc Liễn, gặp gỡ hỏi chuyện ông Rọm – Trưởng làng văn hóa và bác Vũ Lệnh Năng – nguyên cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử thành phố Hải Phòng để tìm hiểu về lịch sử miếu Thị Đa và cụm di tích đình – chùa Cốc Liễn. Ngày 11/4/2017, tôi lại về hòa mình trong không khí lễ hội nơi làng quê tươi đẹp này để hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây, thêm tự hào vì thành phố Hải Phòng cũng có một di tích thờ thánh Chử Đồng Tử mà ít người còn biết đến.

Tuy vậy, ngắm di tích đền thờ Chử Đồng Tử tại đây mà bản thân tôi không khỏi chạnh lòng bởi sự đơn sơ, xuống cấp của nó. Những người có trách nhiệm với di tích đã làm nhiều đơn từ, kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền từ huyện đến thành phố cho việc tu bổ, nâng cấp di tích nhưng chưa được quan tâm thích đáng. Thiết nghĩ, địa phương không thể trông chờ vào nguồn ngân sách eo hẹp của Thành phố mà cần làm sao để đánh thức thiện tâm, lòng tự tôn của chính người dân xã Minh Tân mà vận động xã hội hóa cho việc trùng tu, tôn tạo cụm di tích đình-chùa Cốc Liễn cho xứng với vị trí lịch sử, văn hóa của nó.

Phạm Văn Thi.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học