Gần đây, vùng đất Tiên Lãng (Hải Phòng) đã thu hút được sự quan tâm của giới học giả. Nhiều bài viết và nghiên cứu đã minh chứng đây là vùng đất cổ, có bề dày văn hiến của Hải Phòng và còn lưu giữ được rất nhiều những di tích lịch sử-văn hóa, bia ký, văn tự cổ có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về vùng đất địa linh nhân kiệt này… Hiện nay, Tiên Lãng là huyện có số lượng văn bia nhiều nhất Hải Phòng (234 bia), chứa nhiều nội dung phong phú, phản ánh đời sống tâm linh, công cuộc xây dựng quê hương, chống giặc ngoại xâm của địa phương này.
Các bản thần phả, sắc phong, bi ký hiện còn được bảo tồn tại đây cùng các tài liệu Hán-Nôm lưu giữ ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cung cấp nhiều chứng cứ khẳng định vùng Kinh Lương (trang Cảnh Thanh xưa) – thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng (nay) là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Nơi đây từng tồn tại 3 di tích lịch sử quan trọng: Chùa Đót Sơn (xây dựng năm 505), đình Kinh Lương và đền ĐốngÂÂÂÂ Duy (có thời Đinh Tiên Hoàng) là nơi thờ thần, phật có thể coi là lâu đời nhất nước ta.
Một số nhà sử học cho rằng đình lập quốc Kinh Lương và đền Đống Dõi (hay Đống Duy) – nơi tôn thờ các vị thần hộ quốc an dân, là vùng đất thiêng (chính linh) của Tiên Lãng nói riêng và là huyệt đạo của Hải Phòng nói chung.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền nói về vùng huyệt đạo này như sau:
“Kinh Lương chùa Đót
Còn sót một ngôi
Huyệt tại Thiên Lôi
Anh hùng kế thế”.
Nơi huyệt thiêng này đã sinh ra những bậc hiệt kiệt có công bảo quốc, an dân trong lịch sử dân tộc sẽ nói dưới đây.
Đình lập quốc Kinh Lương và đền Đống Dõi cũng được giới học giả coi là một trong những trường hợp đặc biệt của “ngũ linh từ” ở Tiên Lãng. Nghĩa là có thể xếp đình Kinh Lương và đền Đống Dõi là linh từ thứ 6 của huyện Tiên Lãng ? Có thể lắm chứ khi mà trước cách mạng Tháng 8, người dân nơi đây vẫn quanh năm hương khói thờ phụng 5 vị hộ quốc tướng quân được triều Đinh phong thần và nhiều triều đại phong kiến ban sắc phong. Chỉ tính riêng trong thời kỳ nhà Nguyễn, 13 đạo sắc phong đã được ban cho Ngũ vị Đẳng thần. Toàn bộ các thần tích và thần sắc về vùng đất này vẫn được lưu giữ tại kho tài liệu Hán-Nôm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Bài vị của Ngũ vị Đẳng thần vốn được thờ phụng tại Đình Kinh Lương trước khi những di tích này bị tàn phá trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã ghi tên:
Bạt Hải Hữu vi Vô danh Thần vị; Bình Lãng Hữu vi Vô danh thần vị; Mạnh tướng húy danh Phương Thần vị; Đống Duy húy danh Tụy Thần vị và Thần kỳ Cửa Chùa húy danh Tề Thần vị.
5 vị thần tướng được thờ ở đình Kinh Lương được dân gian coi là các vị hộ quốc công thần đầu tiên trấn giữ vùng đất, vùng biển Hải Phòng.
Chuyện khắc trên văn bia đình làng Kinh Lương (ngọc phả) đã kể lại thân thế, công lao của ba vị Đại Vương (trong số 5 người) như sau:
Ở trang Vĩnh Đồng, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam có một người thuộc danh gia vọng tộc họ Trương (húy Lợi), vợ là người ở trong trang tên là Nguyễn Thị Nguyên, lấy nhau được ba năm rồi mà vẫn chưa thấy nảy mầm thai nghén. Trải thêm được 3-4 năm sau thì hai người đã bỏ quê ra đi và tìm đến trang Cảnh Thanh (sau đổi là Kinh Thanh rồi Kinh Lương) thuộc huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, lộ Hải Dương xin định cư khi thấy nơi đây dân
tục thuần hậu. Trải được khoảng một hai năm, gia sản vợ chồng ngày thêm khá giả và dần được xếp vào hạng Hào trưởng trong làng. Vào một hôm giữa lúc đêm khuya, người vợ mộng thấy mình bỗng bay lên trời và bẻ được ba đóa hoa quế ôm vào trong lòng rồi chợt tỉnh giấc. 3 tháng sau, bà thấy trong mình chuyển dạ rồi có thai, đến kỳ mãn nguyệt thì đẻ ra một bọc sinh ra được ba người con trai (giờ Tuất, ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi), diện mạo khôi kỳ, thân dung dài rộng, long nhan cằm hổ, mặt cứng như sắt, toàn thân sắc đỏ, đều là khác hẳn người thường, đặt tên cho người thứ nhất là Phương, người thứ hai là Tụy và người thứ ba là Tề.
Ngày tháng thấm thoắt trôi mau, những người con đã 14 tuổi. Cha mẹ bèn tìm thầy cho nhập học, nhưng các người con lại đều không chịu học mà chỉ chuyên võ nghệ và giỏi binh thư. Tài nghệ của những người này giỏi đến mức các bằng hữu không ai là không kính phục.
Các ông chợt nghe thấy giặc Ma Na kháo với nhau rằng, nhà Đinh đã đến lúc suy đồi, thế vận đã hết, nên chuẩn bị binh mã để tiến đến xâm chiếm. Vua Đinh, trước nạn xâm lăng vội vã cho truyền hịch khắp thiên hạ muôn phương để tìm người anh tài võ sĩ cùng về giúp nước, sau khi bình giặc xong sẽ ban quan tước để hiển công danh mãi ở đời.
Các ông nghe được hịch, bèn cùng bảo nhau đến tòa Vọng Quang làm lễ bái yết rồi đến triều đình bệ kiến. Đức Vua thấy các ông có long nha hổ tướng khác hẳn người thường nên đã bái ông thứ nhất làm Quyền chưởng trung hoa tể, ông thứ hai làm Quyền chưởng sơn đầu các châu làm tước, ông thứ ba làm Quyền chưởng thống lĩnh 15 đầu sông làm tước.
Thụ phong xong xuôi, nhà vua bèn lập tức cử binh thẳng tiến đến đồn sở quân giặc (tức đồn lập ở sông Bạch Đằng). Giáp công một trận được thua chưa phân thì nhà vua lại thoái binh về đến địa giới Bản Trang (tức trang Cảnh Thanh) rồi cho lập đồn trú binh lại một ngày. Giữa đêm hôm ấy, nhà vua mộng thấy có một vị quan nhân áo mũ chỉnh tề viết hai chữ “Bình Lãng” (tức Bình được sóng gió) để trước mặt nhà vua, vua lấy làm lạ thì người ấy tâu rằng “Ta vốn ở thiên đình, vâng mệnh giáng xuống báo cho nhà vua biết là sẽ âm phù giúp nước để mong được quốc lộc hương hỏa đến vô cùng vậy”. Nhà vua chợt tỉnh giấc, biết đây là thần báo mộng nên sáng sớm hôm sau vua sai 3 tướng chia quân làm hai đạo thủy, bộ và mình thân chinh ngự giá thẳng tiến đến đồn sở của giặc. Vậy là thủy bộ song hành đại chiến một trận, quân giặc đại bại, thuyền lớn thuyền nhỏ của giặc phần bị lửa thiêu, phần bị chìm đắm vô số. Đất nước lại trở lại yên bình, giặc không còn một bóng. Sau đó ba ông trở về cung sở (tức trang Cảnh Thanh). Nhà vua nghe tin thắng trận, bèn cho mở đại yến tiệc ăn mừng khao thưởng quân sỹ, thưởng gia phong, sau đó lại truyền dân bản trang dựng cung đền để làm đền thờ chính thờ phụng vị Thiên Quan (thần nhà trời) báo mộng.
Việc yến tiệc xong xuôi và kỳ hạn cũng đã đến ngày hết, các ông bèn tiến binh trở về triều nhậm sự. Hôm ấy, khi các ông bắt đầu xuất binh ở địa giới bản trang thì tự nhiên trời đất tối đen, gió mưa nổi lên ầm ầm, sấm vang chớp giật, rồi các ông cùng hóa. Hôm đó là ngày mồng 7 tháng 11 (âm lịch). Chỉ trong chốc lát, trời đất lại trở lại trong sáng, gió mưa dứt hẳn, nhân dân chạy đến chỗ ấy thì đã thấy kiến xông thành ngôi mộ lớn. Nhân dân lấy làm kỳ sự bèn biểu tấu lên nhà vua. Nhà vua thương xót công thần có công lớn với quốc triều bèn lệnh cho đình thần dâng đưa sắc chỉ về quê, sau đó lại truyền cho tu sửa lập đền miếu ở đúng nơi các ông hóa để hương hỏa phụng thờ, lại ban cho dân sở tại 300 quan tiền công quỹ để lấy đó làm hương hỏa rồi bao phong mỹ tự để muôn thuở huyết thực mãi mãi trường tồn cùng hưởng phúc lành với đất nước.
Từ đó trở đi người dân trang Cảnh Thanh (tức vùng Kinh Lương bây giờ) cứ vào ngày thánh hóa mồng 7 tháng 11 (ÂL) hàng năm lại long trọng cử hành lễ tế 3 vị thiên tướng có công giúp Đinh Tiên Hoàng đế đánh tan thủy quân Ma Na. Tục lệ này được duy trì đến trước cách mạng Tháng 8 năm 1945. Trước thời gian này,vùng đất Kinh Lương vẫn
nổi tiếng với đình Kinh Lương, đền Đống Dõi (hay Đống Duy) và chùa Đót Sơn với ba giếng thần. Trong đó, chùa Đót Sơn là tàn tích của một trung tâm Phật giáo lớn đầu tiên của Việt Nam (trước cả Luy Lâu ở Bắc Ninh). Chùa Đót Sơn, nơi cùng với Chùa Hang ở Đồ Sơn đã từng lưu dấu tích của nhiều nhà sư Ấn Độ trong buổi đầu Phật giáo được truyền bá sang Việt Nam bằng đường biển. Chùa Đót Sơn (còn có tên là Non Đông tự) được coi là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam (xây dựng năm 503). Ngôi chùa này gắn liền với sư tổ Huyền Quang (pháp danh Thích Quảng Đông) – Thánh tổ Non Đông và là kinh đô của môn phái Pháp Môn Tịnh Độ Thiền tông được du nhập vào nước ta từ Ấn Độ.
Hải Phòng – vùng đất tiền tiêu của Tổ Quốc bên bờ biển Đông, từng nhiều lần phải chống chọi với quân xâm lược từ phía biển, bởi vậy nơi đây đã phát sinh những nhân vật và thần tích linh thiêng.
Theo Văn tịch về Thần Tích và Thần Sắc về làng Kinh Lương được lưu giữ tại Viện KHXH Việt Nam, đình làng Kinh Lương thờ 5 vị Đẳng Thần là: Mạnh Tướng Đăng Kinh Đại Vương (Nhãn thần), Hỏa thần Đống Duy Đại Vương (Nhãn thần), Thiên Quan Bình Lãng Đại Vương (Thiên thần), Thần Kỳ Cửa Chùa Đại Vương (Nhãn thần) và Bạt Hải Đại Vương Tôn Thần (Thiên thần). Những vị tướng này đã giúp Vua Đinh Tiên Hoàng đánh thắng đạo thủy quân xâm lược Ma Na và hóa thần ngay sau khi giặc tan. Nhớ ơn họ, vua Đinh đã phong danh Thượng đẳng thần cho 5 vị hộ quốc, coi họ như các công thần khai quốc (lập nước) để nhân dân muôn đời thờ cúng. Có lẽ vì vậy mà nơi thờ 5 vị đẳng thần ở Kinh Lương mới có tên là đình khai quốc Kinh Lương, đền khai quốc Đống Duy. Các vị nhãn thần và thiên thần được thờ tại đây đã trở thành các thần hộ quốc đầu tiên trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ Quốc. Điều này có lẽ còn ít người biết đến.
Trong kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1945-1954) chùa Đót Sơn cũng như đình Kinh Lương là những cơ sở cách mạng quan trọng. Kinh Lương trở thành vùng chiến địa khốc liệt nhất của Tiên Lãng khi căn cứ địa của cách mạng được đặt tại đây. Chiến tranh đã phá hủy chùa Đót Sơn, đình Kinh Lương và đền Đống Duy. Nhiều di vật quý giá của chùa, đình, miếu mạo đã mất mát hoặc thất tán theo phong trào tiêu thổ kháng chiến.
Sự tàn phá và quên lãng những di sản văn hóa quan trọng của đất nước là một điều rất đáng tiếc. Đã đến lúc giới học giả cần phải có những nghiên cứu và chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc để khôi phục lại những di tích tâm linh, hồn thiêng sông núi của dân tộc. Nên chăng các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương và cơ quan chức năng quản lý di sản văn hóa Trung ương cần tổ chức hội thảo khoa học về vùng đất chính linh huyệt đạo Tiên Lãng để khẳng định giá trị lịch sử – văn hóa – tâm linh của các phế tích nói trên. Từ cơ sở đó mà xúc tiến việc phục dựng các di tích lịch sử quan trọng này, góp phần bảo tồn vốn văn hóa quý giá xứ Đông, phục vụ việc phát triển du lịch và bồi bổ lòng yêu nước, chống ngoại xâm trong nhân dân.
Phạm Văn Thi
(CLB Hải Phòng học)