Diễn xướng chầu văn hầu bóng – một nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, Tứ phủ của người Việt.

Một cảnh trong giá hầu Chúa Thượng Ngàn.

Có thể nói tục thờ Mẫu của người Việt là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực bởi ở Việt Nam hầu như mọi tôn giáo lớn đều được truyền bá từ bên ngoài vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu là được người Việt Nam tạo nên trên cơ sở kế thừa tục thờ Mẹ thiêng từ thủa nguyên sơ với những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người Việt cho rằng có chức năng sáng tạo, sinh tồn, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: trời, đất, sông, nước, rừng núi…(thiên thần)

Ngoài ra, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nhân dân ta còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa, nữ tướng – những người khi còn sống là người tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển thánh trong quan niệm người Việt để phù hộ cho nhân khang, vật thịnh, cuộc sống bình yên…(nhân thần). Ở Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân – Thành hoàng của thành phố cũng được nhân dân địa phương coi là Thánh Mẫu.

Tục thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian đã trường tồn trong lịch sử dân tộc với  việc ban đầu thờ Tứ phủ: Thiên phủ (cõi Trời), Địa phủ (cõi Đất), Nhạc phủ (cõi rừng) và Thoải (thủy) phủ (cõi nước) dần dần được dân gian quy về việc thờ Tam phủ mà hiện thân là Tam tòa thánh Mẫu với Thượng thiên Thánh Mẫu (mẫu Trời), Thượng Ngàn Thánh Mẫu (mẫu Rừng), Thủy phủ Thánh Mẫu (Mẫu nước). Sau đó, từ việc thờ 4 cõi, với việc nhất thể hóa Mẫu Thượng thiên với Mẫu Địa thì Tứ phủ ít được nói đến, dần chỉ còn lại Tam phủ (Ba phủ chính) là: Thiên phủ, Nhạc phủ và Thoải phủ.

Vào thế kỷ 16, với sự xuất hiện của chúa Liễu Hạnh với các giai thoại, thần tích thiêng liêng (bà được vua Lê Thần Tông và các triều đại sau phong Thánh) với ước vọng dân gian về một vị thần vừa là người trời, vừa là người trần có quyền lực toàn năng thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được coi là Mẫu Thượng Thiên (vì bà là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế) và có lúc là Mẫu Địa.

Vậy là  trong điện thần thờ Mẫu Tứ phủ, Mẫu Thượng Thiên đã được người Việt đồng hóa thành Mẫu Liễu Hạnh. Phải chăng Mẫu Thượng Thiên vì ở quá xa trên tận trời cao không gắn với cuộc sống trần gian của người dân nên bị lãng quên. Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện đã thu hút tâm linh người Việt vào Thần điện thờ Tam phủ với 3 vị nữ thần phổ biến ở Bắc Bộ và Bắc Trung bộ là Thượng Thiên Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu và Thủy phủ Thánh Mẫu. Trong khán thờ, tượng Mẫu Thượng Thiên (được coi đệ nhất) ngồi giữa, mặc áo màu đỏ hoặc hồng; Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) mặc áo màu xanh, cai quản vùng rừng núi, ngồi bên trái; Mẫu Thủy (gọi chệch là Mẫu Thoải – Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước, mặc áo màu trắng, ngồi bên phải.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ lúc đầu là tín ngưỡng của người Việt ở Bắc Bộ, sau đó mở rộng ra khắp các vùng trong cả nước. Đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy ở nước ta có hơn 250 di tích thờ cúng các nữ thần, trong đó số đông được gọi là Mẫu như Thánh Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu. Vậy là, đạo Mẫu (chính xác thì chỉ có thể gọi là tín ngưỡng thờ mẫu theo khái niệm về Đạo) được người Việt Nam thờ với 3 vị nữ thần chủ yếu hiện diện ở 3 miền là:

Miền Bắc với Chúa Tiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Vân Cát Thần nữ), miền Trung với Thiên Y A NA- Diễn Phi Chúa Ngọc (Tiếp biến của Nữ thần Ponagar –  Mẹ xứ sở dân tộc Chăm) và miền Nam với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen hay còn gọi là Bà Thâm, Bà Đanh, Đênh)

Thờ Mẫu ở Việt Nam là loại hình tôn giáo có pha chộn một số yếu tố tôn giáo của đạo Phật, đạo Giáo và cả Nho với các vị thần không chỉ có nguồn gốc từ người Kinh mà còn xuất phát từ những dân tộc như Mường, Dao, Nùng…thể hiện sự giao thoa về nền văn hóa của các sắc tộc trên đất nước ta. Có thể nói, tục thờ Mẫu của người Việt là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực bởi ở Việt Nam hầu như mọi tôn giáo lớn đều được truyền bá từ bên ngoài vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu là được người Việt Nam sáng tạo nên trên cơ sở kế thừa tục thờ Mẹ thiêng từ thủa nguyên sơ với những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người ta cho rằng có chức năng sáng tạo, sinh tồn, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: trời, đất, sông, nước, rừng núi …

Trong đạo thờ Mẫu người ta không chỉ thờ riêng các vị Thánh Mẫu mà còn tôn thờ cả một hệ thống phức tạp các vị Thánh (mà người ta thường gọi là: Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh) với một trật tự chặt chẽ mà trật tự này được thể hiện trong các giá hầu đồng người ta thỉnh các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu theo trật tự nhất định.

Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu thì hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên đã có không ít những vị thánh vốn là các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời suy tôn lên thành thần thánh. Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần nhưng lại được người đời lịch sử hóa thành nhân thần khi gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay một địa phương. Bằng cách đó, Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong nhân dân hiện nay gồm có các nghi thức như lễ cúng tế, diễn xướng chầu văn, lễ hội. Trong đó diễn xướng Chầu văn là một hình thức biểu diễn nghệ thuật độc đáo, cuốn hút người xem với âm nhạc, lời ca và vũ đạo nhằm kể về lai lịch, ca ngợi công đức của các vị thánh.

Hát Chầu văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn là hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền, cửa phủ thờ Thánh. Trong đó hát hầu (Dân gian  còn gọi là hát hầu bóng, hát lên đồng) là hình thức phục vụ hoạt động lên đồng (nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng). Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập thế linh hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng trong trạng thái tâm linh thăng hoa, ngây ngất của họ nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Và hát văn hầu bóng là hoạt động âm nhạc phục vụ cho quá trình nhập đồng của thánh thần.

Vào khoảng  những năm 1954 – 1990 hát Chầu văn có thời gian bị mai một do hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm hoạt động. Với đường lối đổi mới văn hóa của Đảng, từ đầu những năm 90 tới nay, hát văn mới có cơ hội phát triển lại và được quan tâm, bảo tồn một cách đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình gạn đục khơi trong, những người làm công tác văn hóa và người thực hành hoạt động hầu Thánh cần kiên quyết loại bỏ việc lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi kinh tế.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận ngày 2/12/2016. Đó là một vinh dự của nhân dân ta và không phải vô cớ mà nó được UNESCO công nhận. Nghi thức thờ Tam phủ của người Việt được vinh danh với những tiêu chí nổi bật sau: di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt.

Nhằm tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa-nghệ thuật của nghi thức “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và giúp mọi người hiểu một cách sâu sắc hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa của cha ông, Hội Liên hiệp Văn học-nghệ thuật Hải Phòng kết hợp với Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức Liên hoan diễn xướng chầu văn – hầu bóng mở rộng năm 2018 từ tối ngày 20 đến tối 21 tháng 9 năm 2018 tại Nhà hát Lớn thành phố. Cuộc Liên hoan có sự tham gia của 21 thanh đồng tiêu biểu và nhiều cung văn của các bản Hội thành phố Hải Phòng và một số tỉnh bạn là khách mời như Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên hứa hẹn sẽ là một bữa tiệc nghệ thuật miễn phí cho nhân dân thưởng thức.

Đây không phải là lần đầu tiên diễn xướng chầu văn được giới thiệu trước công chúng Hải Phòng. Từ năm 2006 đến nay Hội Văn nghệ Dân gian thành phố trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hải Phòng đã tổ chức nhiều Liên hoan diễn xướng chầu văn trước đông đảo khán giả. Tiêu biểu như các cuộc biểu diễn Chầu văn năm 2007, 2012, 2015 ở các địa điểm như Trung tâm Văn hóa thành phố,  phủ Thượng Đoạn, Nhà hát lớn Hải Phòng. Có những cuộc Liên hoan mở rộng quy tụ cả các thanh đồng, cung văn một số tỉnh bạn, gây được tiếng vang lớn như cuộc Liên hoan năm 2012. Những hoạt động này đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giúp người dân hiểu thêm một phần hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ độc đáo của người Việt.

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 400 đình, đền, miếu, phủ thờ thánh thần (chưa kể các bản điện tại gia của các thủ nhang, thanh đồng) với khoảng hơn 500 thủ nhang, đồng thầy, thanh đồng. Số lượng cung văn trên địa bàn Hải Phòng giờ cũng phải có tới 100 người. Đây là một lực lượng đông đảo các hạt nhân Bản hội đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, tiếp nối nghệ thuật diễn xướng chầu văn dân gian Việt Nam.

Cũng cần phải nói rằng, để tổ chức thành công các cuộc Liên hoan diễn xướng Chầu văn ở Hải Phòng, câu lạc bộ Đạo Mẫu Hải Phòng hiện nay, với hơn 200 thủ nhang, thanh đồng, đồng thầy cùng các cung văn mà Chủ nhiệm là đồng thầy Hoàng Gia Bổn – Thủ nhang đền Cô Chín suối Rồng và đền Chúa Bà Ngũ Phương (Đồ Sơn) có vai trò quan trọng trong việc cộng tác, hỗ trợ Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, Hội Liên hiệp Văn học-nghệ thuật thành phố.

P. V Thi, Hội VNDG Hải Phòng.

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học