Địa lý sông nước và ảnh hưởng thiên nhiên trong qui hoạch, kiến trúc xây dựng Hải Phòng
Điểm qua lịch sử:
Cuối thế kỷ 19, vùng đất quanh ngã ba sông Tam Bạc và sông Cấm còn là một khu vực đầy sình lầy, cỏ dại với những kênh, lạch chia cắt và thưa thớt dân cư. Nơi đây vào năm 1872, để bảo vệ bến sông Ninh Hải chỉ có một cái đồn bằng đất do lính tuần người Việt (triều đình nhà Nguyễn) trấn giữ. Đoạn hồi ký sau đây cho ta thấy rõ thêm địa hình khu vực giai đoạn đó:
“Ngày 15 tháng 11năm 1872, chúng tôi có đổ bộ ngay trước mặt một cái đồn đắp bằng đất dựng ở ngã ba sông Tam Bạc và Cửa Cấm, có nhiệm vụ bảo vệ lối ra vào ở cửa biển này. Hải Phòng hồi đó chỉ là bãi lầy bùn, khi thủy triều lên thì bị ngập”(“Nguồn gốc của vấn đề Bắc Kỳ” do Jean Dupuis xuất bản năm 1896).
Năm 1874, người Pháp chính thức có mặt ở bến cảng Ninh Hải (sau gọi là Hải Phòng) dựa trên điều khoản ký kết giữa triều đình Huế với phía Pháp. Hòa ước Philastre ký ngày15/03/1874 giữa Cộng hòa Pháp là Phidastre với triều đình nhà Nguyễn có đoạn ghi: “Chính phủ An Nam cam kết mở cửa thông thương các cảng Thị Nại ở tỉnh Bình Định, Ninh Hải (Hải Phòng) ở tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và cho đi qua sông Nhị Hà từ biển cho tới Vân Nam” (mục 11 của Hòa ước)….
“Ở Ninh Hải, viên lãnh sự và tùy tùng tiếp tục đóng ở đồn, chừng nào họ thấy cần để bảo đảm an toàn cho việc buôn bán.Ông ta mai sau ở trên một khoảng đất 5 mẫu sẽ được nhượng địa”(Phụ lục của Hòa ước)
Từ những chi tiết trên cho thấy nơi quân Pháp đồn trú (đồn Hải Phòng) thuộc bến Ninh Hải xây dựng trên đất làng Cấm (Gia Viên) và sau này cũng với diện tích nhượng địa mà triều đình Nguyễn cắt cho Pháp đã trở thành tiền đề cho tên gọi tỉnh Hải Phòng và sau đó là thành phố Hải Phòng.
Với chính sách lấn dần từng bước, thực dân Pháp đã buộc triều đình Huế nhượng hoàn toàn vùng đất Hải Phòng cho chúng bằng Hiệp ước Harmad ký ngày 25/08/1883 giữa Tổng ủy đại diện ngoại giao Cộng hòa là Francois Jules Harmand với đại diện Triều đình Huế.Trong đó có điều khỏan ghi: “tách Ninh Hải ra khỏi tỉnh Hải Dương và thành lập tỉnh Hải Phòng là một đơn vị hành chính cấp tỉnh”.
Ngày 03 tháng 10 năm 1888 khi vua Đồng Khánh ban đạo dụ nhượng lại cho chính quyền Pháp các vùng lãnh thổ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng thì Hải Phòng chính thức trở thành một thành phố thuộc địa. Phạm vi của thành phố theo một nghị định ban hành ngay sau đó chủ yếu bao gồm khu vực xung quanh tả ngạn và hữu ngạn sông cửa Cấm cùng một số làng xã ngoại vi như Gia Viên, Đông Khê, Hàng Kênh, An Biên, Hạ Lý.
Â
Bản đồ thành phố Hải Phòng thời Pháp thuộc năm 1920. (Nguồn: Wikipedia).
Yếu tố sông nước trong cấu trúc đô thị Hải Phòng:
Năm 1885, Jean Thomas Raoul Bonnal được Pháp cử làm công sứ Hải Phòng. Với mục đích lấy đất vượt nền xây các công trình công cộng, ông đã cho đào kênh vành đai (gọi là kênh Bonnal) bề mặt rộng 74m, mặt đáy rộng 50m, sâu 7m nối sông Tam Bạc (đoạn từ đập Tam Kỳ nay) với sông Cấm ở chỗ cổng Cảng chính bây giờ. Nhiều tài liệu cho rằng Bonnal đào kênh để lấy lấp đất lấp các hồ ao và đắp nền làm nhà. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và xem xét các tài liệu lịch sử, tác giả bổ xung thêm giả thiết rằng việc đào kênh vành đai còn nhằm đảm bảo an ninh cho vùng đất mà người Pháp đang chiếm cứ. Kênh vành đai cùng với sông Tam Bạc và sông Cấm đã ôm trọn một dải đất hình cái rìu mà chỉ 10 năm sau phát triển thành khu phố Pháp – hạt nhân ban đầu của nội thành Hải Phòng ngày nay. Kênh vành đai là dải nước cách ly giữa khu thị dân (vốn không có thành lũy bảo vệ) và các làng của người Việt bản xứ ở phía Nam. Tương tự, kênh đào Hạ Lý ở phía Tây, cũng nối sang Tam Bạc và sông Cấm. Nhưng ngoài mục đích bảo vệ còn phục vụ vận tải cho nhà máy xi măng.
Đến những năm 1920, khi khu phố Pháp vượt ra khỏi phạm vi ban đầu với lớp ô phố thứ hai đã phát triển sang bờ Nam của kênh vành đai, thì chức năng là dải nước cách ly và đảm bảo an ninh không còn nữa. Người Pháp đã cho lấp kênh này biến nó thành một dải vườn hoa (lúc này đã nằm trong lòng đô thị). Đây là một sự chuyển hợp lý về chức năng, thích ứng về không gian và cảnh quan trong một đô thị đang phát triển mở rộng, thể hiện sự uyển chuyển về tư duy của người Pháp trong quy hoạch đô thị. Trên dải trung tâm này, ngày nay vẫn còn một phần mặt nước của kênh vành đai năm xưa. Hồ Tam Bạc ngày nay là một yếu tố cảnh quan không thể tách rời của dài vườn hoa trung tâm khi nó trở thành một hồ điều hòa nước tham gia vào việc tạo dựng trục cảnh quan trung tâm của Hải Phòng.
Tận dụng ưu thế địa hình sông nước và gần biển của Hải Phòng, người Pháp đã sớm hoạch định thành phố này là một đô thị công nghiệp và cảng biển của miền Bắc. Sông Cấm có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành một thành phố công nghiệp- cảng biển Hải Phòng. Dưới thời Pháp thuộc, cảng Pasquier – bến Sáu kho theo cách gọi dân dã, hay cảng Hải Phòng ngày nay – được xây dựng sâu trong đất liền nhờ có dòng chảy sâu rộng của sông Cấm. Với cảng biển lớn và quan trọng nhất của miền Bắc được hình thành ngay trong giai đoạn đầu phát triển (có từ năm 1876), Hải Phòng đã tạo cho mình vị thế phát triển riêng. Các công trình kiến trúc từ nhà ở tới thương mại, sản xuất hướng nhiều đến tính giao lưu thương mại, trao đổi hàng hóa.
Từ địa thế sông nước với khả năng trao đổi hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cơ sở công nghiệp (nhà máy Xi măng, nhà máy Sợi, các xưởng cơ khí sửa chữa tàu thủy…) đã được người Pháp sớm xây dựng ở những vùng đất ven sôn Những cơ sở công nghiệp này góp phần tạo nên sức sống và phần nào là căn nguyên cho sự lớn mạnh nhanh chóng của Hải Phòng thời đó. Với sự gia tăng nhu cầu cư trú, sinh hoạt, giải trí và học tập của những người Pháp cùng gia đình tới làm việc tại đây, hàng loạt đường phố đã được mở mang, các công trình văn hóa- xã hội, giáo dục đã được xây dựng.
Ảnh kênh đào Bonnan lượn cong đổ ra sông Cấm trước khi bị lấp năm 1925 (Nguồn: Wikipedia).
Vào ngày 19 tháng 7 năm 1888, khi tổng thống Pháp Sadi Carnot kí sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng thì Hải Phòng đã trở thành một đô thị tổng hợp loại I như Sài Gòn và Hà Nội.
Trong suốt quá trình phát triển của mình, Hải Phòng luôn gắn liền với quá trình cải tạo, chỉnh trang các con sông. Nhiều người đã cho rằng các con sông ở Hải Phòng chính là nguồn gốc của thành phố. Từ thuở đầu hình thành với sự xâm nhập và xây dựng đô thị của người Pháp cách đây hơn 100 năm, yếu tố sông nước luôn đóng vai trò quan trọng có tính quyết định. Qua năm tháng và những biến chuyển lịch sử, từ một khu phố ban đầu bên sông Cấm, sông Tam Bạc; ngày nay Hải Phòng đã được mở rộng ra tới sông Lạch Tray. Với tương lai là một đô thị lớn được bao bọc bởi ba con sông và biển Đông, yếu tố sông nước lại tiếp tục gắn bó với công cuộc phát triển của Hải Phòng.
Tuy nhiên, với những biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và mực nước biển, sông dâng cao do trái đất nóng lên thì những địa phương nằm gần biển và có nhiều sông ngòi sẽ có nguy cơ ngập lụt. Hải Phòng, thành phố ven biển, có nhiều sông không nằm ngoài khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực đó. Theo dự báo của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM), nhiều vùng thuộc đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình sẽ ngập chìm từ 2-4m trong vòng 100 năm tới. Do đó, các nhà hoạch định chính sách, qui hoạch xây dựng đô thị nên lường trước những yếu tố bất lợi có thể xảy ra.
(Nguồn: Địa lý sông nước và ảnh hưởng thiên nhiên trong qui hoạch, kiến trúc xây dựng Hải Phòng/ Thi Văn//Khoa học và Kinh tế. – số 132, tháng 6- 2013, tr.19-20.)