Di tích Phật giáo xứ Đông. Phần III: Di tích Phật giáo tiêu biểu tại Đông Triều (Quảng Ninh).

Chùa Hoa Yên nhìn từ trên xuống.

       1) Am – chùa Ngọa Vân:
       Chùa – Am Ngọa Vân nằm tại xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Quần thể này được chia thành 4 khu với 15 cụm chùa, tháp khác nhau. Trong đó bao gồm: Thông Đàn – Đô Kiệu, Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc. Riêng chùa Ngọa Vân nằm ở vị trí tâm điểm.
       Ngọa Vân là địa danh gắn với nơi tu hành và viên tịch của vị Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc lâm – Trần Nhân Tông, cùng một số cao tăng thời Trần và Lê Trung hưng.
       Chùa Am Ngọa Vân Quảng Ninh được xây dựng vào thời Trần. Đến thời Hậu Lê, ngôi chùa tiếp tục được tôn tạo để hoàn thiện hơn về mặt kiến trúc. Đây là nơi mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành đắc đạo. Vì thế ngôi chùa này được coi là thánh địa của Phật Giáo Trúc Lâm.
       Di tích hiện đã bị phá hủy nặng nề. Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học tại khu vực này đã xác định được dấu vết của một số công trình cùng hiện vật có niên đại thời Trần và thời Lê Trung hưng, như di tích Thông Đàn, khu vực Đá Chồng, khu ba bậc, khu vực Am – chùa Ngọa Vân.
       Chùa Am Ngọa Vân Quảng Ninh có nghĩa là ngôi chùa nằm trên mây. Với vị trí cao hơn 500 mét so với mực nước biển, ngôi chùa có tầm nhìn hướng thẳng ra đồi núi trập trùng. Chùa nằm tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, xa xa là  sông Cầm uốn lượn đẹp như tranh vẽ.
       2) Chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) – dấu ấn quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.
       Chùa Lân (tên chữ là Long Động Tự) là ngôi chùa trên núi Yên Tử, thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Do chùa nằm trên một quả đồi có hình con lân nằm phủ phục nên được gọi là chùa Lân.
       Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm. Ba vị sư tổ dòng thiền Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh
       Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng.
       Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu huỷ hoàn toàn, chỉ còn hệ thống các mộ tháp gồm 23 tháp, trong đó tháp lớn nhất là tháp mộ thiền sư Chân Nguyên (1647-1726). Nhà sư Chân Nguyên (pháp danh là Tuệ Đăng) là một thiền sư Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36 của Trung Quốc và là vị Tổ sư đời đầu của dòng Lâm Tế nước ta. Ông cũng là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời Trần ở Đàng Ngoài (miền Bắc và bắc Trung bộ VN).
       Chùa đã được trùng tu, xây dựng lại trong năm 2002. Công trình được xây dựng với sự khởi xướng của hoà thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt và công đức của các tăng ni, phật tử trong, ngoài nước và được khánh thành nhân ngày sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (2002).
       Hiện thời ngõ chùa Lân vẫn còn lưu dấu tích xưa, ngõ dài, rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư.
       Các công trình chính của chùa gồm Chính điện, Nhà thờ Tổ, Lầu trống, Lầu chuông, Nhà tăng, La Hán đường… Bài trí trong chùa đơn giản, dùng ngay chữ quốc ngữ trên các hoành phi, câu đối.
       Trong toà Chính điện có tượng đồng Thích ca mâu ni nặng gần 4 tấn. Sau Chính điện, trước nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm có tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dáng hương có nguồn gốc từ Nam Mỹ, tượng cao 3,2m, bệ đỡ cao 0,65m, chiều rộng bệ đỡ 0,95m, nặng khoảng 3,2 tấn với những đường nét chạm khắc tinh tế.
       Trước sân Thiền viện đặt một quả cầu Như ý báo ân Phật bằng đá hoa cương đỏ, đường kính 1,590m, trọng lượng 6,5 tấn được lấy từ mỏ đá An Nhơn, tỉnh Quy Nhơn. Quả cầu được đặt trên một bệ đá có tiết diện vuông, nặng 4 tấn, bên ngoài là bể nước hình bát giác với tám bồn hình cánh hoa bao quanh tượng trưng cho bát chính đạo. Quả cầu đã được trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác định: Quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam.
       Trong La Hán đường có bộ tượng gỗ 18 vị La Hán được chạm khắc tinh tế, đủ các dáng điệu tư thế và lai lịch của từng vị.
       Phía bên trái tháp thiền viện có một cây đa cổ thụ 700 năm tuổi, cành lá sum xuê tươi tốt.
       3) Chùa Quỳnh Lâm – Một trong những trung tâm quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.
       Chùa tọa lạc trên sườn đồi núi Tiên Du thuộc xã Hà Lôi, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Chùa Quỳnh Lâm được công nhận là Di tích lịch sử -văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.
       Theo sử sách ghi lại: Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu lớn vào các thời hậu Trần, Lê, Nguyễn. Tấm bia “Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự” trước tam quan hiện nay cho thấy lịch sử hàng ngàn năm của chùa.
       Tấm bia này cao 2,46m, rộng 1,53m dầy 0,25m, vốn được dựng vào thời Lý, đến thời Lê Trung hưng, khi trùng tu chùa, người ta đã gọt bỏ một phần họa tiết hoa văn và toàn bộ minh văn của tấm bia này để khắc lại. Đây là một trong những tấm bia lớn nhất của thời Lý hiện còn ở Quảng Ninh.
       Trải bao thời gian, mưa nắng, chiến tranh, chùa đã trở thành phế tích vào giữa thế kỷ XX và nay đã và đang được xây dựng lại ngày càng khang trang, tố hảo.
       Chùa Quỳnh Lâm xưa ngoài tượng Di Lặc được xem là An Nam tứ đại khí còn rất nổi tiếng với gác chuông chùa. Công trình nay được xây mới trên vị trí nền móng cũ, với khung kết cấu bằng gỗ lim. Đặc biệt, chiếc chuông bằng đồng lớn treo tại đây có niên đại 200 năm, được đúc khi trùng tu, tôn tạo chùa vào thời nhà Nguyễn.
       Gắn với lịch sử lâu đời, chùa Quỳnh Lâm lưu danh tên tuổi, công đức của rất nhiều tăng sĩ qua các tháp mộ vẫn còn rải rác trong vườn chùa. Đặc biệt trong số đó có ngôi tháp xưa kia được Thiền sư Pháp Loa-vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng, để an trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tuệ Đăng tháp là tháp mộ của thiền sư Chân Nguyên, người đã có công lớn trong việc trùng hưng lại chùa dưới thời Lê Trung hưng. Đây cũng là ngôi tháp lớn nhất hiện còn tại khu vườn tháp.
       Thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên chùa Quỳnh Lâm được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của nước Đại Việt.
       Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Trong đó, người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang phát triển chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa – Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
       Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Quỳnh Lâm đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn là phế tích; song với các di vật cổ và dấu vết kiến trúc được phát lộ qua các cuộc khảo cổ học đã giúp chúng ta hình dung dáng vóc và quy mô nguy nga, cổ kính của ngôi chùa qua các thời kỳ lịch sử.
       Chùa nổi tiếng vì nhiều lẽ, một trong số đó là nơi đây từng có pho tượng Phật khổng lồ, đứng đầu trong An Nam tứ đại khí, tức bốn thứ kim khí bằng đồng, có kích thước và trọng lượng lớn, là tài sản quý giá của nước Ðại Việt thời Lý, Trần (tứ đại khí gồm tượng Phật Di Lặc – chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh- Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột-Hà Nội), vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh-Nam Ðịnh). Nay những hiện vật này đều không còn nữa.
       4) Chùa, quán Ngọc Thanh
       Chùa, quán Ngọc Thanh là tên thường gọi. Ở đây chùa có tên chữ là “Linh Khánh tự”; đạo quán là “Ngọc Thanh quán” được xây dựng trên lưng chừng núi Đạm (hay núi Đạm Thủy), thuộc thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều. Chùa, quán nơi đây không chỉ nổi tiếng từ xưa, mà đây còn có lăng mộ hai vị vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông tạo thành một quần thể chùa, tháp, đạo quán, lăng miếu có giá trị được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
       Tương truyền “Ngọc Thanh quán” vốn là quán đạo nổi tiếng có từ thời Lý. Đến thời Trần được xây dựng khang trang trở thành chốn tùng lâm, đạo quán của các đạo sỹ tu tiên.
       Hồ Quý Ly đã từng buộc vua Trần Thuận Tông đến đây để tu đạo vào cuối thời Trần. Chép về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kỷ Mão, Kiến Tân năm thứ 2 (1399), mùa hạ, tháng 4, Quý Ly bắt ép vua (Trần Thuận Tông) phải xuất gia theo đạo giáo, ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thuỷ”.
       Đến thời Lê Sơ, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) trong một lần thăm lại Ngọc Thanh, xúc động trước cảnh và người nơi đây ông đã làm bài thơ “Đề quán Ngọc Thanh” rất nổi tiếng.
       Theo sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ”, Ngọc Thanh đạo quán nằm ở phía Đông Nam của núi Đạm Thủy, dưới là chùa Linh Khánh, cạnh đó là lăng mộ của 02 vị vua Trần. So với hiện trạng khu vực hiện nay khá tương đồng với bản vẽ của sách trên.
       Với giá trị lịch sử đặc biệt, chùa, quán Ngọc Thanh đã trở thành một trong những điểm nhấn của khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh. Khu di tích hiện nay có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là: 22.063.054,5m2, gồm hệ thống lăng mộ, đền – miếu, công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với lịch sử nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm.
       5) Chùa Hoa Yên (Hoa Yên Tự) và các vườn tháp.
       Chùa tọa lạc trên sườn núi đầu voi, ngọn núi cao nhất của dãy núi Yên, thuộc cánh cung Đông Triều. Nơi dựng chùa, tương truyền là nơi rồng nằm và chùa xây dựng trên trán rồng.
       Chùa được xây dựng từ thời Lý, có tên là Vân Yên. Vân Yên nghĩa là mây mờ, chùa ở độ cao 600m nên những làn mây trắng mỏng bay qua, chùa lúc ẩn lúc hiện trong mây, gọi là Vân Yên tự. Thời Lê, khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa, giăng trước cửa nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Tên chữ là Hoa Yên tự. Tên dân gian thường gọi chùa Cả, chùa Yên Tử.
       Xưa chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử và được nhắc nhiều trong sử sách. Chùa xưa ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà giảng đạo, nhà dưỡng tăng,… tạo thành cả một kiến trúc rộng lớn. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, trong một địa thế hùng vĩ, là một ngôi chùa còn giữ lại ít nhiều dấu tích xưa, chùa được xây dựng trên một triền núi rộng thoai thoải, những người xây dựng đã dựa vào thế núi mà bạt thành hai cấp nền lớn có bó đá chắc chắn.
       Chùa quay hướng Tây Nam, lưng tựa vào núi trên một địa thế đẹp. Từ xa xưa khi xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo, ông cha ta rất coi trọng hướng và thuật phong thủy, vì thế mà chùa Hoa Yên nằm ở chỗ có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ.
       Chùa được các nhà sư thời Lý xây dựng, mái lợp bằng lá cây rừng. Sau khi lên Yên Tử tu hành và đắc đạo, vua Trần Nhân Tông đã thường xuyên mở các lớp truyền yếu kỷ thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây.
       Khi Pháp Loa được truyền y bát và trở thành Đệ Nhị Tam Tổ, chùa Hoa Yên mới được xây dựng nguy nga. Chùa có tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà dưỡng tăng, nhà in kinh, nhà giảng đạo… tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn.
       Đường hành hương lên chùa Hoa Yên (tương truyền do Trần Nhân Nhân Tông khai mở) có cảnh trí tuyệt đẹp.
       Ven đường có hai hàng tùng cổ thụ tuổi thọ hơn 700 năm, đứng uy nghiêm, thân và cành uốn lượn với sự tạo dáng phong phú, bất ngờ, rễ bám chắc vào vách núi, tán lá mềm mại, xanh thẫm tỏa rộng như những chiếc lọng khổng lồ che rợp con đường lên cửa Phật. Tùng còn tượng trưng cho ý trí của người quân tử luôn luôn đứng thẳng vươn cao, không chịu luồn cúi. Rễ tùng bò ngang trên mặt đường như những con rắn khổng lồ tạo bậc vững chắc đỡ chân Phật tử về nơi cõi Phật.
       Đường tùng và đường trúc là hai con đường song song nhau tạo thành hai lối đi lên và đi xuống. Phật tử có thể đi lên bên đường tùng và đi xuống bên đường trúc hoặc ngược lại tùy theo sở thích của mỗi người. Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch tao nhã của tạo hóa. Đó có lẽ là lý do Trần Nhân Tông lấy tên rừng trúc là Trúc Lâm là tên gọi cho dòng thiền do Ngài sáng lập.
       Vườn tháp Huệ Quang của chùa:
       Đây là vườn tháp trung tâm, có gần 100 ngọn tháp và mộ bằng gạch, xi măng, đá trong đó tháp Huệ Quang ở vị trí trung tâm là nơi thờ xá lợi của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ. Tháp Huệ Quang có tường xây bao quanh bằng gạch, tường được bảo vệ bằng mái ngói mũi hài thời Trần. gần 100 ngọn tháp chứng minh một đội ngũ rất đông các nhà sư tu hành tại trung tâm Phật Giáo này. Cũng có thể nói rằng trên khắp đất nước hiếm có nơi nào có vườn tháp như vườn tháp Huệ Quang trên núi Yên Tử.
       6) Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết)
       Chùa Trung Tiết, hay chùa Tuyết thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh (Đông Triều – Quảng Ninh). Tương truyền, chùa do hai vị trung thần Đặng Tảo và Lê Chung của vua Trần Anh Tông xây dựng. Chùa thuộc hệ thống Phật giáo Trúc Lâm, được xếp hạng là di tích Lịch sử-văn hóa Quốc gia đặc biệt năm 2013.
       Chùa Trung Tiết nay cách đền An Sinh khoảng 2 km về phía Đông Bắc. Chùa Trung Tiết vốn do Lê Chung và Đặng Tảo xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, khi hai ông về sinh sống và trông coi lăng tẩm của vua Trần Anh Tông tại An Sinh. Vua Trần Nghệ Tông khi về bái yết lăng tẩm các vua Trần tại An Sinh, đến thăm chùa, tưởng nhớ hai vị trung thần, cảm kích trước tấm lòng trung hiếu, tiết nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An trùng tu lại ngôi chùa cũ của Đặng Tảo và Lê Chung, lại cấp ruộng đất để thờ cúng và ban tên chùa là chùa Trung Tiết (trung hiếu, tiết nghĩa) nhằm ghi nhận tấm lòng trung hiếu, tiết nghĩa của hai ông.
       Đặng Tảo và Lê Chung là hai vị trung thần của vua Trần Anh Tông. Khi vua Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu; vua Trần Anh Tông mất, ông và Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi lăng tẩm của vua (Thái lăng). Để dồn hết tâm sức vào việc trông coi lăng tẩm, hai ông đã dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh và sinh sống ở đây đến cuối đời. Hành động của Lê Chung và Đặng Tảo thể hiện rõ khí tiết của một người trung thần, luôn tận tuỵ, cần mẫn, son sắt một mực vì vua, vì nước mà quên đi lợi ích của bản thân, gia đình, để lại nét đẹp trong truyền thống văn hoá, đạo lý của người dân Đại Việt.
       Do nhiều nguyên do khác nhau, kiến trúc chùa Trung Tiết qua các thời kỳ không còn. Nay tại đây, chỗ này chỗ kia vẫn còn lại những tảng kê chân cột bằng đá cát (sa thạch), mặt trang trí hoa sen, một loại hình chân tảng điển hình của kiến trúc thời Trần. Bên cạnh đó, các loại gạch ngói, đặc biệt là những tượng rồng là những thành tố trang trí tiêu biểu trên mái kiến trúc thời Trần cũng được tìm thấy trong khuôn viên chùa. Bên cạnh di vật thời Trần, tại đây cũng tìm thấy một số di vật của các thời sau, trong đó chủ yếu là các di vật thời Nguyễn. Trong số các di vật thời Nguyễn còn lại, tiêu biểu nhất là tấm bia Trung Tiết tự bi ký bằng đá xanh, dựng dưới thời vua Bảo Đại.
       Năm 2018, chùa được trùng tu, tôn tạo lại trên nền chùa cũ của thời Trần. Chùa mới có cấu trúc, phía trước là hồ bán nguyệt, Tam Quan, Tam Bảo hình chữ Công, hành lang, dải vũ và nhà tổ; Hai bên phía trước có lầu chuông và nhà bia; phía sau bên phải là cung vua – nơi thờ đức vua Trần Anh Tông và 2 vị Trung thần Lê Chung và Đặng Tảo; bên trái là Cung mẫu, nơi thờ tam vị Thánh Mẫu .
       Trên đây là các di tích Phật giáo điển hình của dòng thiền Trúc Lâm, một trong 3 phái của Phật giáo Đại thừa tại huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh – trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm nước ta. Cùng với các dòng Lâm Tế, Tào Động, phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã giao thoa với dòng Lâm Tế để tạo nên dòng Trúc Tế, một sáng tạo của Phật giáo nước ta bởi 2 dòng Lâm Tế và Tào Động đều bắt nguồn từ Trung Quốc.
       Đặc biệt, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử khai sinh bởi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chính là sáng tạo triết học tôn giáo lớn của nước ta khi Điều ngự Giác Hoàng đã kết hợp Phật pháp 3 dòng Tì-ni-Đa-Lưu tri với Vô Ngôn thông và Thảo đường có nguồn gốc Ấn Độ-Trung Hoa để tạo nên môn phái Phật giáo đặc trưng của Đại Việt là dòng Trúc Lâm.

P.V Thi sưu tầm, tổng hợp.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.