Đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo tại Tràng Kênh – Thủy Nguyên.

Bái đường đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo.

          Đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo nằm trong Quần thể Di tích Lịch sử – Danh thắng cấp Quốc gia Tràng Kênh – Bạch Đằng thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
          Đền thờ Trần Quốc Bảo là công trình tưởng niệm về vị tướng của vương triều Trần có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc ta ở thế kỷ XIII. Di tích nằm ở phía nam chân núi Hoàng Tôn, thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
          Khuôn viên Khu di tích gồm nhiều công trình như: Bái đường và đền chính thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo, miếu thờ Tướng quân Vũ Nạp (Phó tướng của Trần Quốc Bảo), miếu thờ vọng Tướng quân Phạm Hữu Điều, miếu thờ quanThái giám, miếu thờ Sơn thần, nhà thờ Trần triều Quốc mẫu, nhà Khách,…
          Theo tấm bia “Cổ tích hiển thánh miếu” khắc năm 1626 (niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 thời vua Lê Thần Tông), thế đất chọn để xây đền được xếp vào hàng Đệ nhất danh lam cổ tích xứ Hải Dương.
          Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Đền Trần (…) Tông ở xã Tràng Kênh, huyện Thủy Đường, tên thần là Quốc Bảo, cháu vua Trần, đánh Phạm Bá Linh ở sông Bạch Đằng, đóng quân ở xã này, sau khi chết táng ở chân núi, thường hiển linh, nên người bản thổ lập đền thờ, gọi là núi Trần Tông, lại gọi là núi Hoàng Phái…” Sách Đồng Khánh dư địa chí lược cho biết thêm: “Đền Trần Hoàng Tôn phụng thờ con trai Trần Anh Tông, tên là Quốc Bảo, dẹp giặc Bá Linh ở sông Bạch Đằng”. Như vậy đã rõ, Hoàng tôn Trần Quốc Bảo chính là cháu nội vua Trần Nhân Tông – vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt 2 lần chiến thắng quân Mông Nguyên xâm lược.
          Trần Quốc Bảo được triều đình tin tưởng, giao trọng trách trấn thủ vùng biển, đóng quân tại vùng Áng Hồ, Áng Lác thuộc dãy núi đá Tràng Kênh (địa phận thị trấn Minh Đức ngày nay), trợ thủ cho Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chống địch.
          Tháng 2/1288, tướng giặc Ô Mã Nhi chờ không thấy lương thuyền của Trương Văn Hổ tới, đã kéo quân đến khu vực An Bang (thuộc Quảng Ninh ngày nay) hòng đón Hổ, dự định trên đường vừa đi vừa cướp bóc lương thực để ăn. Tuy nhiên, chúng đã không thực hiện được âm mưu này vì đã bị quân ta chặn đánh trên suốt đường đi. Khi đó Trần Quốc Bảo và Vũ Nạp – phó tướng của ông đã kéo quân sang Yên Hưng (bên bờ Bạch Đằng thuộc Quảng Ninh) chi viện cho tướng quân Trần Khánh Dư đang giao chiến quyết liệt với Ô Mã Nhi. Trong trận này Trần Quốc Bảo bị thương nặng. Tướng quân Trần Quốc Bảo được các phó tướng và quân sĩ đưa về khu vực núi Áng Hồ cứu chữa, song do vết thương quá nặng nên đã tử trận ngày mùng 7 tháng Giêng năm Mậu tý 1288.
          Đêm đó, phó tướng Vũ Nạp cho quân sỹ đắp một con đường nhỏ từ núi Áng Hồ làng Gia Minh đến núi Phượng Hoàng (xã Minh Đức) huyện Thủy Nguyên để đưa thi thể ông về an táng tại đây bởi đây là thế đất có phong thủy cực đẹp (khi Vũ Nạp chọn đất mai táng đã đặt kỳ vọng mong được “Táng tiên ấm hậu” để giữ được phúc lành cho các thế hệ mai sau).
          Sau đó tướng Vũ Nạp được vua Trần giao thay Trần Quốc Bảo chỉ huy quân sĩ và nhân dân tiếp tục chiến đấu cho đến khi thắng lợi.
          Sau khi Trần Quốc Bảo mất, nhân dân đã lập đền thờ vọng ở chân một ngọn núi trong dãy núi đá Tràng Kênh (nằm cách lăng mộ khoảng 1km); ngọn núi đó sau có tên là núi Hoàng Tôn hay Hoàng Phái. Bên tả ngôi đền là núi Mã Yên lượn vòng quanh co như rồng uốn khúc, bên hữu có núi Phượng Hoàng có thế tả Thanh long-ữu Bạch hổ; Tiền Chu tước- hậu Huyền vũ (Phía trước là sông Bạch Đằng cuộn dòng chảy siết làm phương Chu Tước (tụ thủy minh đường), đằng sau là chín khe suối róc rách nước ngưng xanh biếc hợp nguồn Huyền vũ).
          Hàng năm, người dân địa phương cùng khách thập phương thường xuyên đến thăm viếng, hương nhang cúng tế tại đền để tri ân công đức của vị tướng trẻ. Tại hai cột chính của Bái đường có đôi câu đối:
          Tự cổ triều Trần vô địch tướng
          Vu kim kinh thuỷ tối linh từ.

          Tạm dịch nghĩa là:
          Từ xưa là tướng vô địch của triều Trần
          Đến nay lại có đền thiêng bên dòng Tràng Kênh.

          Căn cứ vào một số văn tự còn được bảo lưu tại đền, có thể khẳng định ngôi đền có niên đại muộn nhất vào thời Lê Thần Tông (1619-1643). Tuy nhiên, dân gian cho rằng ngôi đền này được xây dựng sau khi Tướng quân Trần Quốc Bảo tạ thế được 100 năm, kinh phí xây dựng do triều đình nhà Trần lệnh cấp.
          Lúc đầu ngôi đền được xây dựng khá đơn sơ với hai gian nhỏ để thờ cúng; qua các thời kỳ đã được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn. Đến năm 1904 (đời vua Thành Thái), thì xây dựng thêm tòa Bái đường. Qua nhiều lần tu sửa nên các vết tích vật chất (thể hiện ở kiến trúc, đồ thờ tự,…) có niên đại sớm không còn nhiều. Lần tu sửa mới đây giữ lại được các cột vì xà trong hậu cung mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
          Nổi bật nhất trong thiết kế kiến trúc của đền Trần Quốc Bảo là những đường nét cổ kính, độc đáo. Tam quan thiết kế thấp hơn so với thông thường khiến người bước vào hay ra đều phải kính cẩn cúi mình trước tôn nghiêm Thần tướng. Qua Tam quan là Bái đường kiến trúc theo kiểu “Chồng diêm 2 tầng, 8 mái“, các bờ đao uốn cong vút với dáng vẻ thanh thoát, mềm mại. Phía trên mái được trang trí hoa văn kiểu lá lật, phượng mớm, “Lưỡng long chầu nguyệt” mang đậm nét đặc trưng văn hoá đình, đền Việt Nam; phần nóc Bái đình có bốn Hán tự lớn “Anh Dục Tú Trung” với ngụ ý ca ngợi đức kiên trung, anh dũng của thần tướng. Tầng mái được đỡ bởi 16 cột gỗ tròn, gồm 2 vành (vành chính 4 cột, vành phụ 12 cột) bao quanh. Xung quanh Bái đường không xây tường vây mà để ngỏ 4 mặt, tạo không gian khoáng đạt, mát mẻ. Trong nội thất bài trí hương án và các đồ tế tự thâm nghiêm, phía trước có đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa, hai bên là bộ bát bửu tượng trưng cho sự uy nghiêm của võ tướng.
          Đền thờ chính gồm hai gian nối tiếp kiểu “Ống muống“, gian ngoài (Tiền đường): chính giữa đặt bàn thờ sơn son thiếp vàng cùng long ngai trang trọng, hai bên thờ quan văn, võ. Bên phải tiền đường đặt tượng một viên quan Giám mã, tay dắt ngựa bạch yên cương sẵn sàng như đang chờ lệnh chủ tướng lên đường đánh giặc. Gian hậu cung là nơi đặt tượng Tướng quân Trần Quốc Bảo. Ngài uy nghi trong bộ võ phục màu đỏ, khoác hồng bào; tay trái úp lên đầu gối, tay phải cầm lệnh bài, mắt hùm hướng về phía trước.
          Trên cửa vào gian Hậu cung có bức đại tự niên đại 1886 do vua Đồng Khánh triều Nguyễn phong: Bạch giang phương tích, với ý nghĩa sông Bạch Đằng – chốn cổ tích (linh thiêng).
          Nằm phía sau Hậu cung chếch về bên trái (theo hướng từ Tam quan vào) là Nhà thờ Trần triều Quốc mẫu, cạnh đó là miếu thờ Phó tướng Vũ Nạp. Tiếp lên các bậc cao của sườn núi Hoàng Tôn có 3 ngôi miếu nhỏ, chính giữa là miếu thờ vọng Tướng quân Phạm Hữu Điều –một trong 2 phó tướng của Trần Quốc Bảo (sở dĩ là miếu thờ vọng do vào năm 1993, dòng họ Phạm ở An Hải đã sang xin phần mộ cụ về thờ tại cố hương), bên trái là miếu thờ quan Thái giám, bên phải là miếu thờ Sơn thần. Các công trình nằm phân bố theo sườn núi, nối với nhau bởi những bậc thang khúc khuỷu, cao hẹp tạo thành một hợp thể kiến trúc cổ kính, trầm mặc nằm giữa một vùng thắng cảnh hùng vĩ, tráng lệ nổi tiếng Tràng Kênh.
          Trải qua các thời kì lịch sử, sự linh thiêng của Tướng quân Trần Quốc Bảo đã được các triều đình ghi nhận, sắc phong là “Thượng Đẳng thần“, duệ hiệu “Minh hiển thiên tử hoàng tôn đại vương và phong sắc “Thành hoàng làng Tràng Kênh”, đồng thời cấp ruộng đất, cắt suất đinh trông nom, bảo vệ ngôi đền.
          Tưởng nhớ công ơn vị tướng trẻ hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước; lưu truyền trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tháng 3/2003 Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Minh Đức-Thủy Nguyên đã vận động các nhà hảo tâm cùng nhân dân địa phương đóng góp và triển khai quy hoạch, xây dựng Khu Lăng mộ Tướng quân Trần Quốc Bảo trở thành một công kình kiến trúc có quy mô lớn và giá trị về mặt mỹ thuật.

Nghi môn vào lăng mộ tướng quân Trần Quốc Bảo.

          Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thực hiện nâng cấp hai tuyến đường đến Khu Lăng mộ; một từ Chợ Tràng Kênh cũ lên, một từ Đền thờ Trần Quốc Bảo sang nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và khách thập phương đến thăm viếng lăng mộ. Tiếp đó, lần lượt các hạng mục công trình như: Nghi môn, giếng Nguyệt, Nhà khách… được xây dựng và hoàn thiện góp phần làm nổi bật thêm giá trị của Quần thể kiến trúc Lăng mộ phù hợp với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ bao quanh.
          Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hoá – Thông tin đã xếp hạng cấp Quốc gia cho Quần thể Di tích Lịch sử – Danh thắng Tràng Kênh – Bạch Đằng, thị trấn Minh Đức, trong đó có Khu Di tích đền thờ và lăng mộ Tướng quân Trần Quốc Bảo.
          Hằng năm, cứ đến ngày mồng 6 và ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương tổ chức lễ hội Trần Quốc Bảo. Do lễ hội tổ chức trong địa bàn làng Tràng Kênh nên người dân thường quen gọi là lễ hội Tràng Kênh. Lễ hội đền Trần Quốc Bảo có quy mô lớn, được người dân duy trì và tổ chức đều đặn sau hàng trăm năm. Lễ hội được tổ chức ở khu vực lăng mộ tướng công và khu vực đền thờ. Về phần lễ, gồm các bước tế lễ, lễ rước, đọc chúc văn, diễn văn, người dân địa phương dâng hương tưởng niệm,… Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính để tưởng nhớ công ơn của các vị tướng năm xưa.
          Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian mang đậm tinh thần dân tộc như chọi gà, kéo co, hát đúm, đu tiên… Ngày nay, ngoài các trò chơi truyền thống, còn có một số trò chơi như thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền giữa các tổ dân phố.
          Khi nhắc đến lễ hội Tràng Kênh, người ta lại nhớ đến một cách lý giải khác về sự ra đời của lễ hội mở mặt – hát đúm tổng Phục Lễ.
          Tương truyền, sau trận đại thắng trên sông Bạch Đằng dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương, giặc Nguyên Mông tổn thất nặng nề. Xác quân thù chất cao như núi, máu nhuộm đỏ sông Bạch Đằng. Do sợ bị linh hồn xấu quấy phá, vướng điềm gở, các cô gái tổng Phục Lễ đều che mặt cho đến khi xuất giá.
          Khi làng Tràng Kênh mở hội, dưới sự bảo hộ của linh thần Trần Quốc Bảo, các cô gái mới dám bỏ khăn che mặt để cùng vui chơi, hát đúm. Vì vậy, lễ hội Tràng Kênh và hội mở mặt – hát đúm đều được tổ chức cùng một ngày.
          Ngôi “Thượng đẳng tối linh từ” – Đền Trần Quốc Bảo trầm mặc, uy linh tồn tại trên 700 năm bên Bạch Đằng giang lịch sử như một tượng đài sừng sững, biểu trưng cho hào khí Đông A, mãi mãi nhắc nhở các thế hệ mai sau về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Lê Thế Loan, nguyên cán bộ Bảo tàng Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học