
Trong tâm thức người dân Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân là hiện thân của Thánh mẫu, là con của Ngọc hoàng thượng đế giáng trần. Bà không chỉ có công giúp vua Trưng Trắc chống quân Hán xâm lược mà là còn người đã chiêu mộ dân khai phá đất hoang, lập nên trang An Biên- tiền thân của nội thành Hải Phòng ngày nay và trấn giữ, bảo vệ vùng Duyên hải Hải Phòng.Vậy nên Lê Chân còn được suy tôn là thành hoàng bản địa của Hải Phòng và được nhân dân muôn đời thờ cúng.
Theo giai thoại và thần tích, sự ra đời của nữ tướng Lê Chân cũng nhuốm màu thần thánh. Lê Chân là người con gái cầu tự của ông Lê Đạo- một thầy đồ kiêm thày lang và bà Trần Thị Châu, hai vợ chồng già tốt bụng, hiếm muộn, quê làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương( nay là thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Về việc sinh ra Lê Chân, có sách ghi rằng: “Trong một lần ông bà tới chùa Yên Tử cầu Phật, bà mơ thấy có một vị thiên sứ nói rằng Ngọc hoàng sẽ cho một vị tiên nữ giáng trần, làm con trong 40 năm, gia đình sẽ được vinh hiển, con trai cũng không sánh kịp. Rồi một hôm, bà Trần Thị Châu dậy sớm ra đồng, thấy một dấu chân to, bèn ướm thử chân mình vào, không ngờ trở về cảm động mà có thai, mãn kỳ sinh ra một bé gái (ngày 8-2 âm lịch). Ông bà nhớ tới dấu chân ướm thử khi trước, bèn đặt tên là Lê Chân”. Lê Chân càng lớn càng xinh đẹp, nết na, giỏi cầm kỳ, thi, họa.
Những năm đầu thế kỷ thứ nhất, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Tên Thái thú Tô Định nghe đồn Lê Chân là tiên nữ giáng trần nên cho người cầu hôn ông bà Lê Đạo lấy Lê Chân làm tì thiếp nhưng bị từ chối liền tức giận hãm hại cha mẹ nàng. Để tránh giặc, Lê Chân xuống thuyền cùng người thân, họ hàng xuôi về vùng An Dương lánh nạn và tìm thầy học võ nghệ để trả thù nhà, đền nợ trước. Đến năm 18 tuổi thì càng tinh thông quyền, cước, cung, kiếm.
Tại vùng ngã ba sông Tam Bạc, sông Cấm hiện nay, bà cùng mọi người định cư, lập ấp, khai khẩn đất hoang, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và đánh bắt tôm cá kiếm sống. Nhớ quê hương, Lê Chân lấy tên nơi ở cũ đặt tên cho nơi ở mới là ấp Vẻn. Dần dần vùng này tụ tập đông dân cư, trên bến dưới thuyền, thành một trang ấp được Lê Chân gọi là An Biên – tên làng quê bà đã sinh ra. Lê Chân bí mật tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí, chiêu tập quân sĩ, huấn luyện võ nghệ, tập trận. Bà đã liên kết với nhiều hào kiệt quanh vùng như Lệnh Bá, Chính Trọng ở Quỳnh Cư (xã Hùng Vương), Trương Lại, Trương Tề, Trương Độ người Thiểm Khê (Thủy Nguyên), ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng, Tạ Đoan Dung (Tiên Minh, Tiên Lãng)…cùng thề đoàn kết chống Tô Định.
Cả vùng An Dương trở thành một khu căn cứ lớn của nghĩa quân. Theo truyền thuyết, vùng núi Voi (xã An Tiến, huyện An Lão nay) kín đáo, hiểm trở được Lê Chân trọn làm nơi huấn luyện quân sĩ. Nay khu di tích chùa Hang núi Voi đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và thành phố đầu tư, tôn tạo khang trang thành thành quần thể đền thờ thánh mẫu Lê Chân và cấp bằng di tích lịch sử.
Khi Hai Bà Trưng trương cờ khởi nghĩa chống quân Hán, Lê Chân kéo quân về dưới cờ nghĩa Hai Bà, chiến đấu anh dũng, được phong chức Trưởng quản binh quyền nội bộ. Khi quân Tô Định thua chạy về nước, Hai Bà Trưng lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Cảm tài đức của nữ tướng Lê Chân, vua Bà gia phong Lê Chân tước Thanh Chân công chúa (chỉ sau Bình Khôi công chúa Trưng Nhị) và giao trọng trách trở về trấn giữ vùng Hải Đông với tên gọi là Hải Tần phòng thủ.
Năm 43, nhà Hán điều Mã Viện, viên tướng 58 tuổi có tài thao lược và kinh nghiệm đàn áp khởi nghĩa nông dân sang Giao Chỉ tiêu diệt chính quyền độc lập Hai Bà Trưng.
Sau nhiều trận giao chiến, lúc thắng, lúc thua, cuối cùng không chống nổi quân giặc đông đúc, thạo trận mạc, Hai Bà Trưng tử tiết. Cuộc kháng chiến của Hai Bà bị Mã Viện đàn áp dã man, song cuộc kháng chiến đấu chống quân xâm lược vẫn còn được các tướng lĩnh Hai Bà tiếp tục tiến hành. Nữ tướng Lê Chân đã tổ chức lấp suối, ngăn sông, chặn đánh thủy binh của Mã Viện. Lực lượng tuy thua kém quân giặc nhưng tinh thần chiến đấu của các nghĩa quân rất cao, gây cho giặc nhiều thiệt hại. Bà đã rút quân về vùng Lạt Sơn (nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), xây dựng căn cứ tiếp tục kháng chiến. Nhưng sau một trận đánh ác liệt, nghĩa quân tan vỡ, bà đã nhảy xuống sông tự tử để bảo toàn khí tiết.
Sinh là tướng, từ là thần. Theo thần tích ghi ở bia đá đề Nghè thờ bà thì nữ tướng Lê Chân mất đã được thượng đế cho hiển thánh làm thành hoàng làng An Biên. Bà đã báo mộng cho dân làng vào một buổi sớm mai ra sông Cấm để rước vật lạ về phụng thờ. Hôm sau dân làng ra bến sông nhìn thấy một sập đá lớn trôi ngược trên dòng sông Cấm. Do phiên chợ đã tàn, đồ ăn, thức uống không còn nhiều, mọi người mua mâm bún và ít cua biển đặt lên hương án, quỳ lạy, khấn vái. Ngay lập tức sập đá trôi dạt vào bờ, trên sập đá có miếng đá và trong miếu để sắc phong. Người dân khiêng về làng, đến cánh đồng Mạ đặt xuống nghỉ, nhưng sau đó sập đá như có sức hút xuống đất không khiêng chuyển nổi, mọi người cho là ý thánh muốn ngự ở đây, nên dựng miếu thờ ngài tại đó. Vị trí ấy chính là đền Nghè ngày nay. Câu chuyện trên đã lý giải cho mọi người hiểu tại sao đền Nghè hiện có rất nhiều đồ thờ tự, tế khí bằng đá như miếu, sập, bát hương, ống hương, ống hoa, khánh, voi, ngựa và trong các đồ tiến cúng nữ tướng sau này, ngoài hoa quả, bánh trái không bao giờ thiếu món bún và cua biển.
Tương truyền, đền Nghè thờ nữ tướng rất thiêng, đảo vũ, cầu phong…đều rất linh nghiệm. Sau có công âm phù giúp vua Trần Anh Tông dẹp giặc Chiêm Thành, bà được phong là thành hoàng làng An Biên và được vua tặng mỹ tự Nam Hải uy linh. Ngoài thần hiệu là: Đương Cảnh thành hoàng, Nam Hải uy linh, thượng đẳng tôn thần, các triều vua Nguyễn cũng sắc phong ban tặng bà nhiều mỹ tự cao quý.
Do công lao lớn với nước,với dân vùng Hải Đông, nữ tướng Lê Chân không chỉ là thành hoàng làng An Biên xưa mà đối với người dân Hải Phòng, bà dần trở thành hoàng làng của cả thành phố, đức thánh mẫu toàn năng ngày đêm che chở, bảo trợ cho con dân Hải Phòng trước những tai ương, giặc dã.
Tại Hải Phòng, đền Nghè trên góc phố giao nhau giữa phố Mê Linh và Lê Chân (cách tượng đài nữ tướng Lê Chân ở vườn hoa Trung tâm Triển lãm thành phố hơn 100m) là địa điểm chính thờ Nữ tướng, được nhân dân Hải Phòng quanh năm hương khói phụng thờ. Đền Nghè được UBND thành phố đưa vào danh sách một trong những địa điểm tham quan du lịch chính của khu vực trung tâm thành phố trong năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013.
Đền Nghè mặt quay hướng đông, cùng phía với tượng đồng nữ tướng Lê Chân cao 7,5m, cầm kiếm oai nghi, mắt dõi ra biển như ngày đêm canh giữ vùng cửa biển phía Đông tổ quốc.
Thời Pháp thuộc, nữ tướng Lê Chân đã trở thành thánh mẫu hoàn chỉnh trong đời sống tín ngưỡng dân gian và cuộc sống tâm linh của thị dân Hải Phòng. Trong các ngày 8-2 (thánh đản – ngày sinh), 25 tháng chạp (thánh hóa – ngày mất) và ngày chúc mừng thắng lợi (khánh hạ 15-8) diễn xướng hầu đồng, hát văn là hoạt động chính của lễ hội ở đền Nghè. Hiện nay, ngày 8-2 âm lịch hàng năm tại đền Nghè thường diễn ra các hoạt động tế lễ Thánh Chân công chúa với các hoạt động như rước kiệu bà, dâng hương, dâng đồ cúng, tế nữ quan, thi hoa thủy tiên, hát chầu văn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
Đặc biệt, địa chỉ thiêng liêng này luôn đông đúc người dân đến cúng, lễ, nguyện cầu trong đêm giao thừa. Người ta đến đây để thể hiện lòng biết ơn đối với thánh mẫu Lê Chân – thành hoàng của thành phố và cầu xin những điều tốt đẹp cho năm mới. Có điều những hoạt động tâm linh như hầu đồng, hát văn sau cách mạng bị coi là mê tín dị đoan nên không còn tồn tại trong nghi lễ thờ cúng ở đền Nghè. Trong trào lưu bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần gạn đục, khơi trong, khôi phục lại diễn xướng hầu đồng, hát văn tại nơi thờ Lê Chân thánh mẫu, tất nhiên là không để các hoạt động biến tướng, mê tín xuất hiện. Có như vậy, đền Nghè không chỉ là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng Hải Phòng mà cùng với đó, lễ hội ở đền sẽ trở thành một hoạt động văn hóa phi vật thể thu hút du khách.
Đền Nghè hiện nay là một công trình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX với tam quan, tòa bái đường, thiên hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn An Biên cổ miếu. Du khách thích thú khi chiêm ngưỡng tòa bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ 16 cột gỗ lim, kể trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ.
Nét đặc sắc của đền Nghè là công trình thể hiện phong cách kiến trúc dân gian tiêu biểu và nghệ thuật trang trí đặc sắc với kỹ thuật chạm khắc trên gỗ, đá các đề tài long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc mai phong phú. Tất cả hiện lên sống động dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xây dựng đền với những nét chạm khắc, chạm nổi, chạm chìm đạt đến độ tinh xảo.
Đến thăm đền, du khách bị thu hút bởi 2 hiện vật độc đáo, đó là khánh đá và sập đá. Khánh đá là làm bằng một tấm đá nguyên dày 5cm được tách ra thành hình chiếc khánh có chiều cao 1m, rộng 1,6m. Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và hình mây bay xung quanh. Mặt sau khánh khắc hình mây bay và sóng nước. Cả hai mặt có hai núm tròn, lồi cao là chỗ để gõ. Được dịp nghe tiếng khánh đá trong ngân vang êm dịu, lan tỏa, du khách cảm thấy lòng thanh thản trong một không gian huyền bí. Sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu, không khỏi đem lại cho ta sự cảm phục tài năng của các nghệ nhân xưa. Ngoài những vật tích đó, nơi đây còn lưu giữ tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử nữ tướng Lê Chân.
Năm 2009, dự án tôn tạo đền Nghè sau hơn một năm được UBND thành phố và ngành chức năng triển khai đã tạo cho di tích một diện mạp mới khang trang, hấp dẫn hơn với những giá trị văn hóa, kiến trúc và lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn. Giờ đây đền Nghè cùng dải vườn hoa trung tâm thành phố vừa được chỉnh trang, nâng cấp chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong tour du lịch thành phố Hoa Phượng Đỏ.
(Nguồn: Đền Nghè một di tích lịch sử văn hóa đặc sắc/ Phạm Văn Thi // tạp chí Văn hóa nghệ thuật Bộ Văn hóa. – số 354, tháng 12 năm 2013.- tr. 98 – 100)