
Tôi một lần tình cờ biết cụ khi cụ vào phòng làm việc gặp một anh đồng nghiệp của tôi chơi và giao lưu chữ nghĩa. Đồng nghiệp của tôi là người yêu thích chữ Nho, hàng ngày hay sưu tầm những tác phẩm thư pháp đẹp và thường nói và chuyện với tôi về chữ nghĩa, thư pháp.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cụ là cụ rất đẹp lão, dáng người nhỏ nhắn nhưng khỏe mạnh, tóc, râu đều dài và trắng muốt. Cụ lại diện bộ quần áo nâu nên càng tôn thêm vẻ đẹp của người cao tuổi, một vẻ đẹp rất Việt Nam. Sau này, khi tôi cũng bắt đầu thấy cái hay, cái đẹp của chữ nghĩa, văn tự Nho học, tôi hay chủ động tìm gặp cụ xin chữ và tìm hiểu về Nho học.
Tôi có một lần đàm luận với cụ về chữ nghĩa, thấy cụ hôm ấy rất vui, còn mời tôi vài lon bia. Cụ bảo: “Con gái mới biếu tôi thùng bia, tôi mời chú mấy lon cho “sảng khoái”. Có lẽ bia vào cũng làm cụ sảng khoái thật. Cụ kể một câu chuyện mà sau này, tôi về cứ hay nghĩ tới cụ, nhất là những khi mở lại những tài liệu về tư tưởng Hồ Chí Minh ra xem. Những lúc đó tôi biết là tôi đang buồn, cái “nỗi buồn nhân tình thế thái”, đại khái vậy. Nhưng thật lạ, mỗi lần xem lại những tài liệu tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi sưu tầm được, tôi thấy lòng mình cũng nhẹ nhõm đi nhiều.
Trở lại với câu chuyện cụ kể, tôi như đang được biết về một con người đặc biệt mà sau này, tôi nghĩ cả đời này sẽ không thể quên được cụ, mà còn phải học tập cụ ở cụ nhiều thứ. Trong nét mặt tươi vui, hồng hào khi lon bia đã ngấm, giọng trầm nhỏ nhưng rất rõ, cụ kể: “Thiếu thời khi 7 tuổi, tôi được học chữ Nho, năm 13 tuổi cũng là lúc phong trào bỏ bút lông viết bút sắt, tôi thôi học chữ Nho chuyển qua học Pháp văn. Năm 16 tuổi tham gia làm giáo viên “Diệt dốt” dạy xóa nạn mù chữ ở quê nhà, sau đó tham gia dạy bổ túc văn hóa, dân quân tự vệ, rồi làm Trưởng ban Văn hóa xã Hợp Đức. Thời gian làm cán bộ văn hóa, tôi đưa phong trào văn hóa quần chúng xã Hợp Đức đứng đầu huyện Kiến Thụy, là một trong năm xã tiêu biểu của tỉnh Kiến An. Do có thành tích công tác, tôi được cử đi dự Hội nghị Văn hóa quần chúng toàn miền Bắc lần thứ nhất tại thủ đô Hà Hội và được gặp Bác Hồ vào ngày 11/02/1960. Đây là lần thứ hai tôi được gặp Bác, lần thứ nhất là ngày 18/01/1960 khi Bác về thăm tỉnh Kiến An. Lúc đó tôi ngồi ở quảng trường sân trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, chỉ cách Bác có mấy mét và nghe Bác nói chuyện. Chỉ trong chưa đầy một tháng, tôi hai lần được gặp Bác Hồ, tôi thật sự lấy làm vinh dự lắm. Kể từ ngày trực tiếp được gặp và nghe Bác nói chuyện, tôi càng kính trọng và quý mến Bác nhiều lắm. Hàng ngày tôi đều học tập và làm theo lời Bác dạy. Mỗi khi sưu tầm được sách báo có bài và ảnh Bác, tôi đều trân quý lưu giữ lại. Với vốn kiến thức Hán Nôm học được, đến năm 1999 sau khi đã nghỉ hưu, vì có thời gian nên tôi đã nghiên cứu chuyển ngữ các bài thơ của Bác Hồ sang chữ Nôm rồi làm thử được 40 bức thư pháp. Trong mỗi bức thư pháp của mình, tôi đều dán ảnh Bác mà tôi đã sưu tầm được từ mấy chục năm trước. Ảnh nào to thì tôi để nguyên, bức nhỏ thì tôi phô – tô phóng to rồi mới dán trang trí cho tác phẩm của mình.
Câu chuyện kể đến đây thì tôi và thầy cũng đã “cụng ly” được mấy lon. Lúc này cụ càng vui vẻ, hào hứng. Rồi cụ dẫn tôi lên tầng 4, bảo cho tôi xem những tác phẩm thư pháp của cụ về Bác Hồ. Theo cụ lên tầng 4, tôi thấy cụ dành riêng một căn phòng để lưu trữ thư pháp. Cụ mở cho tôi xem từng bức một. Tôi thật sự ngạc nhiên với số lượng tác phẩm mà cụ đã sáng tác, lưu giữ qua mấy chục năm. Cụ vừa cho tôi xem vừa kể: “Sau 20 năm theo đuổi đam mê thư pháp về Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, đến nay tôi đã chuyển ngữ được 21 bài thơ chúc Tết của Bác sang chữ Nôm và thể hiện thành các tác phẩm thư pháp cỡ 0.8×1.0 m, có đóng khung đẹp, 200 bức thư pháp chữ Nho, hơn 100 bức chữ quốc ngữ về các câu nói bất hủ, 50 bức thể hiện sách Việt Nam lịch sử diễn ca, 12 bức về Di chúc của Bác. Ngoài ra tôi còn thể hiện 79 bức chữ quốc ngữ thơ Tố Hữu về Bác. Theo như cụ kể, tôi nhẩm tính trong kho lưu trữ của cụ phải có đến hơn 500 bức thư pháp về Hồ Chí Minh. Quả là sự công phu, kiên trì và độc đáo của một người đam mê thư pháp mà tôi chưa từng gặp và nghe kể trước đây. Tôi nghĩ, chắc ở Việt Nam chưa có ai làm thư pháp về Bác Hồ như cụ.
Ngạc nhiên hơn khi ngoài những tác phẩm thư pháp về Hồ Chủ Tịch, cụ còn cho tôi xem nhiều tác phẩm thư pháp khác về các nhân vật lịch sử. Tôi thấy trên các giá còn có 24 bức thư pháp về tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, 23 bức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 18 bức về lãnh tụ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, 12 bức về thơ Tố Hữu mừng Hải Phòng năm 1985, 100 bức về các lãnh tụ của Đảng, các vị tiền bối cách mạng và danh nhân văn hóa khác của Việt Nam, 6 bức về Đức Phật, 40 câu đối, 40 bức về các biến thể và tranh chữ. Như vậy, trong bộ sưu tập của cụ, tôi nhẩm cũng đến hơn 700 tác phẩm. Tôi hỏi sao cụ lưu trữ được nhiều vậy? Cụ cười và nói: “Tôi sáng tác chủ yếu để cho vui tuổi hưu trí. Nhiều người viết thư pháp chủ yếu để bán chữ, hay cho, tặng. Còn tôi viết xong chỉ lưu giữ lại để làm bộ sưu tập riêng”.
Sau hôm được nghe cụ kể câu chuyện về cái thú chơi thư pháp của cụ, tôi như được truyền thêm cảm hứng về cái món chữ nghĩa này. Ngay hôm sau tôi liền đi mua mấy cây bút lông, lọ mực tàu, lấy cái đĩa nhỏ làm nghiên rồi bảo vợ chở về nhà mấy chồng giấy cũ ở quan, hàng ngày cũng hý hoáy tập viết. Vợ tôi thấy tôi tự nhiên lại đi đam mê cái thứ chữ nghĩa làm gì không biết, đúng là ngày càng hâm. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Quả là thư pháp có vẻ đẹp thực sự nếu như đã tìm hiểu về nó. Tôi biết mình cần phải giành thời gian để biết nhiều hơn về môn nghệ thuật truyền thống này, nhất là khi còn làm công tác về văn hóa, văn nghệ.
Điều tôi nghĩ nhiều đó là một con người quá đặc biệt như cụ. Người đã trải qua lịch sử chống Pháp, chống Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh, được gặp Bác và kính trọng, dành nhiều tình cảm với Hồ Chí Minh như vậy thì thật là hiếm lắm. Tôi thì chưa hiểu biết về thư pháp nhiều, nhưng thấy bộ sưu tập thư pháp của cụ thật sự có vẻ đẹp rất độc đáo. Nét chữ thì nghiêm cẩn, nội dung đều là những câu nói bất hủ, những viên ngọc sáng nhất trong di sản thành văn của Hồ Chủ Tịch. Cái đặc biệt là tác phẩm nào của cụ cũng được cụ sử dụng bằng giấy bồi tự chế và đều có trang trí bằng ảnh Bác. Rất nhiều ảnh to, ảnh màu được cụ lấy từ báo xuất bản trong thời kỳ chống Mỹ và những năm trước “Đổi mới” . Bởi vậy mà thư pháp của cụ không những cho người xem nhiều cảm xúc thẩm mỹ còn gợi nhớ lại nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Nếu bộ sưu tập được giới thiệu đến đông đảo người xem, tôi tin là rất có ích lợi trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao văn hóa chính trị cho quần chúng và đảng viên.
Sau này có lần trò chuyện lại với cụ về bộ sưu tập, tôi bảo cụ rất xứng đáng được Nhà nước xét một giải thưởng nào đó. Cụ nên làm hồ sơ đề nghị xét tặng xem. Nhưng dù được hay không được xét thì cụ nên hiến tặng cho một cơ quan nào đó để bảo tồn, sau này làm tư liệu trưng bày giới thiệu đến đông đảo công chúng được thì có ý nghĩa và giá trị lắm. Nghe tôi nói vậy, cụ trầm ngâm một hồi rồi nói: “Ừ, để thầy xem…” . Tôi thấy có thoáng một nỗi buồn trên gương mặt cụ. Tôi trộm nghĩ, hay cụ cũng có cái “nỗi buồn nhân tình thế thái”?
Nguyễn Nam