Con số 9 kỳ lạ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chủ Tịch trong một lần về thăm cảng Hải Phòng.

       Trong suy nghĩ và tình cảm của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một vị trí đặc biệt thiêng liêng. Nhưng có lẽ ít người để ý đến một điều hết sức thú vị, đó là trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nhiều thời khắc, sự kiện lịch sử và văn từ của Người luôn hiện diện con số 9 một cách rất tự nhiên.
       Những sự kiện, dấu ấn của Hồ Chủ Tịch gắn với con số 9:
       – Bác Hồ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, ở thế kỷ 19 (có 4 con số 9 nếu gồm cả việc cộng các con số của năm sinh lại rồi từ kết quả đó cộng các con số của nó cũng cho kết quả là 9 : 1+8+9+0=18; 1+8=9).
       – Điều đặc biệt là ngay cả tên của Người – “Hồ Chí Minh” cũng được ghép lại bởi 9 âm tiết.
       – Theo lời ông Vũ Kỳ –  thư ký của Hồ Chủ tịch, khi 75 tuổi, tiên lượng được sức khỏe của mình có hạn, Bác Hồ đã bắt đầu khởi thảo Di chúc (Bác bắt đầu lúc 9 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 1960). Từ đó, cứ vào lúc 9 giờ ngày 10 tháng 5 những năm sau Người đều dành thời gian để xem lại, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện Di chúc. Việc này thể hiện tính cẩn thận cao của Người. 9 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1969, đúng dịp sinh nhật lần thứ 79 của mình, Bác đã xem lại Di chúc lần cuối. Thời điểm 9 giờ buổi sáng (giờ thìn) được gọi là “giờ linh”, “giờ thiêng” của Bác.
       – Bác Hồ từ trần vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 02 tháng 9 năm 1969, thọ 79 tuổi (có 4 số 9). Đặc biệt, trong Di chúc, Bác đã viết một đoạn vô cùng xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình như sau: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đoạn viết này có 79 từ, đúng bằng số tuổi thọ của Người. Và chúng ta cảm động vì cả đến việc tang lễ của bản thân Bác cũng dặn dò phải tiết kiệm.
       – Ngày 2/9/1945 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình (có 3 số 9 nếu gồm cả kết quả của phép cộng các con số của năm 1945 lại).
       – Ngày 19 tháng 12 năm 1946 (có 2 số chín nếu gồm cả kết quả cộng ngày, tháng và năm: 19+12+1946= 1977) Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong đó Bác có một câu nói đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói này có 19 từ.
       – Trước khi về tiếp quản Thủ Đô Hà Nội, tại đền Giếng ở khu di tích Đền  Hùng, Hồ Chủ tịch căn dặn các chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong và Trung đoàn 57 rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu này Bác nói vào ngày 19/9/1954 (có 4 số chín nếu gồm cả kết quả cộng các con số của năm (1+9+5+4=19) và cộng cả ngày, tháng, năm: 19+9+1954=1982).
       – Ngày 17 tháng 7 năm 1966, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Người đã nói câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời tuyên bố này có 9 từ và trở thành chân lý của thời đại Hồ Chí Minh.
       Chúng ta cần học tập văn phong giản dị, dễ hiểu của Bác Hồ. Trong những bài viết, lời hiệu triệu, Người luôn dùng những câu, từ mộc mạc, súc tích, không đao to, búa lớn để người dân thường cũng có thể hiểu mà lại dễ đi vào lòng người.
       Một sự trùng hợp kỳ lạ là, ngày Quốc khánh nước ta (2 tháng 9 năm 1945) – ngày lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam, ngày Bác nhậm chức Chủ tịch nước cũng là ngày Bác Hồ về cõi vĩnh hằng hằng 24 năm sau đó (ngày 2 tháng 9 năm 1969). Lấy ngày sinh, tháng sinh cộng lại (19+5) thì đúng bằng thời gian Bác Hồ giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
       Người ta cho rằng sự trùng hợp của con số 9 với các thời điểm, sự việc gắn với Hồ Chủ Tịch có thể là ngẫu nhiên. Tuy nhiên có người lại cho rằng đó là sự sắp xếp của số phận một vĩ nhân là Bác Hồ vĩ đại. Còn tôi thì cho rằng trong các thời điểm quan trọng, có thể chính Người đã tính toán để chọn thời gian thích hợp mà ra các quyết định lịch sử hay sử dụng con số 9 thiêng liêng vào các văn từ của mình. Đối với một người thông tuệ, chịu ảnh hưởng của nền nho học phương Đông nhiều như Bác thì những điều này đều có thể có lý vì chắc rằng Người cũng có nghiên cứu kinh dịch để vận dụng trong công việc và hoạt động của mình.
       Trong tâm thức và quan niệm của nhiều người Việt Nam, Hồ Chủ Tịch không chỉ là một vị Vua mà còn là một Thánh nhân. Bác là tiêu biểu cho đạo đức sáng ngời của một người cộng sản chân chính, yêu nước, thương nòi, khắc phục gian khổ, khó khăn, hy sinh hạnh phúc cá nhân, dành cả đời cho sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Tôi có thể nói, Người còn là một bậc quân tử mà giàu sang không thể quyến rũ, uy vũ không thể khuất phục, sống thanh cao, giản dị, tiết kiệm. Ở Bác luôn toát lên sự nhân hậu, đại lượng và trí tuệ lớn lao có thể cảm hóa con người và khiến cả kẻ thù khâm phục. Nhân dân ta kính trọng và tôn sùng Bác. Hình ảnh Bác luôn ngự trị thiêng liêng trong lòng mỗi người Việt Nam. Trung thành cao với lý tưởng cách mạng của Người, nhiều chiến sĩ cộng sản, chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc. Khi bị giặc xử bắn hay lên máy chém của kẻ thù họ thường hô vang câu “Đả đảo đế quốc Pháp (hay Mỹ), Hồ Chí Minh (hay Hồ Chủ Tịch) muôn năm”. CâuHồ Chí Minh muôn năm” dường như giống với câu tung hô “Bệ hạ vạn tuế” của thần dân các triều đại phong kiến xưa dành cho bậc quân vương. Điều này nói lên một điều, trong tâm trí người dân, Bác ngự trị ở vị trí tối cao và họ mong muốn Người sống lâu muôn tuổi. Tuy nhiên con người ta không thể cưỡng lại quy luật tự nhiên nên cuộc đời Bác chỉ dừng ở con số 79.
       Với đạo đức, nhân cách và tài năng, công lao to lớn với dân tộc Việt Nam, tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới, một vinh dự mà ít ai có thể dành được.
       Để thấy được những sự kỳ lạ trong cuộc đời và hoạt động của Bác gắn với con số 9, chúng ta sẽ tìm hiểu điều đặc biệt của con số 9.
       Điều đặc biệt của con số 9 trong toán học:
       – Trong dãy số tự nhiên một con số (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9) thì con số 9 đứng ở vị trí cuối cùng và có giá trị cao nhất. Vậy con số 9 có gì đặc biệt?
       * Trong toán học, chúng ta đều biết, tất cả các số chia hết cho 9 đều có tổng bằng chính nó (tức bằng 9) khi cộng các chữ số của con số đó lại với nhau.
       Ví dụ:
       18:9 = 2 (1+ 8= 9)
       54:9 = 6 (5+ 4=9)
       234:9 = 26 (2+ 3+ 4=9)
       …..
       Điều thú vị nữa là, nếu đảo ngược vị trí của các số chia thì chúng vẫn chia hết cho 9.
       Ví dụ:
       18: 9 = 2 (81: 9 = 9)
       54: 9 = 6 (45: 9 = 5)
       234: 9 = 26 (432: 9=48)
       1323: 9=147 (3231: 9=359
       
       Hoặc đảo vị trí bất kỳ các con số của số chia rồi chia nó cho 9 thì nó vẫn chia hết cho 9, ví dụ:
       Đảo con số 1323 (ở trên) thành 2331: 9= 259, hoặc đảo 1323 thành 1332: 9 = 148.
       * Con số 9 còn có đặc điểm kì lạ là bất kỳ số nào nhân với 9 rồi đem cộng các con số của kết quả lại cũng cho kết quả cuối cùng là 9. Ví dụ: 4 x 9= 36 (3+6=9); 9×9=81 (8+1=9); 54×9=486 (4+8+6=18 và 1+8=9)…
       – Theo dịch lý Trung Hoa, số 9 là con số dương (số lẻ là dương, số chẵn là âm) cũng là số lớn nhất trong dãy số dương (1, 3, 5, 7, 9) nên được gọi là cực dương và chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt lành. Trong dãy số tự nhiên, số 9 rất đặc biệt: Nó có khả năng quy tụ tất cả mọi vị trí thay đổi của các con số mà nó đồng thời chia hết cho. Vì thế, người ta có cơ sở khi cho rằng con số 9 là con số hoàn hảo và đẹp nhất.
       Con số 9 trong văn hóa:
       Trong văn hóa, con số 9 là con số thiêng liêng.
        Con số 9, theo tiếng Hán, phát âm trùng với âm tiết của từ “cửu” với ý nghĩa là trường tồn, lâu dài, mãi mãi. Tại các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Nhật Bản, và Triều Tiên, trong thuật phong thủy, số 9 thuộc quẻ Ly, hành Hỏa (hành của sự vận động), thuộc hướng chính Nam.
       Đặc biệt hơn cả, số 9 được sùng bái, tôn thờ và gần như trở thành triết thuyết
       cho các triều đại ở Trung Quốc và Việt Nam từ sự ảnh hưởng của kinh dịch, dựa trên thuật luận số.
       Số 9 tượng trưng cho Trời. Ngày sinh của Trời (Ngọc Hoàng) là ngày 9 tháng giêng.
       Số 9 được ghép cho ngôi vị hoàng đế. Tất cả đồ dùng trong cung đình dùng số 9 để đặt tên như cửu Long bôi (9 cốc rồng), cửu Đào hồ (ấm 9 quả đào), cửu Long trụ (cột 9 rồng),
       Trong những nước Đông Á thì ngai vàng của bậc vua chúa luôn được đặt làm sao cho mặt lúc nào cũng nhìn về hướng Ngọ Môn (cổng thành), tức hướng chính Nam, ứng với con số 9.
       – Trong văn học dân gian Việt Nam, con số 9 cũng có một vị trí rất đặc biệt. Theo truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, lễ vật cầu hôn mà vua Hùng yêu cầu Sơn Tinh và Thủy Tinh phải mang đến là “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Ở kinh thành Huế thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Huế hiện còn lưu giữ Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn, là chín cái đỉnh bằng đồng lớn chạm khắc các văn vật, cảnh trí tiêu biểu của các miền đất nước – một công trình nghệ thuật giá trị. Trong khu Di tích Hoàng thành Thăng Long hiện còn 9 bậc cấp bằng đá dẫn lên điện Kính Thiên.
       – Trong tôn giáo và tâm linh, con số 9 được vận dụng ở nhiều lĩnh vực.
       Trong pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo thì đường tu đạt đến chính quả gồm 9 phẩm. Mỗi phẩm này chứng cho mỗi kiếp đời khác nhau ứng với những công quả tu hành khác nhau. Điều này còn được thể hiện trong các công kiến trúc-xây dựng tháp cửu phẩm liên hoa ở các công trình Phật giáo. Đó là các tháp được thiết kế dạng hình lục lăng hoặc hình bát giác với 9 tầng hoa sen, trên một trục nối từ đất đến trần của tòa tháp. Cửu phẩm liên hoa chính là một biểu tượng toàn bích của thế giới Phật giáo.
       Trong việc xây dựng chùa, Phật giáo thường lấy con số 9 làm căn cứ để đặt số cột chùa chính. Hầu hết các chùa cổ ở miền Bắc có 18 cột, 27 cột, 36 cột, 45 cột (để khi cộng các chữ số lại đều có kết quả là 9)… Nhiều chùa sắp đặt 9 ban thờ.
       Tôn giáo quan niệm con người về thiên đàng phải vượt qua cửu trùng (9 tầng mây), người có tội chết đi bị đày dưới 9 địa ngục. Không phải vô cớ mà nhiều người dân khi cúng bái thường khấn lạy: “Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật”
       – Trong sinh lý học cơ thể và đông y:
       + Tạo hóa sinh ra cơ thể con người cũng có 9 loại dịch (gọi là cửu thủy): Nước mắt, nước mũi, nước bọt, nước dãi, nước tiểu, mồ hôi, dịch vị dạ dày, dịch vị gan – mật, dịch tụy. Còn theo Đông y, cơ thể con người có 9 chân khí tiên thiên: Thận khí, phế khí, can khí, tì khí, tâm khí, huyệt khí, tạng khí, dương khí và âm khí…”
       + Người mẹ thường mang thai 9 tháng 10 ngày trước khi sinh con (trừ trường hợp đặc biệt)
       Số 9 không chỉ linh thiêng tại châu Á, nó còn được các nước Âu-Mỹ và các nền văn hóa khác trên toàn thế giới tôn sùng.
       Trong đời sống hiện nay, người ta thường săn lùng biển số xe hay sim điện thoại có đuôi  4 số 9 (tứ cửu). “Tứ cửu” ở đây được luận là “cứu tử”, là trường thọ. Vì vậy những biển số đăng ký hay sim như vậy phải mua với giá rất cao.
       Đối với thành phố ta cũng có một điều khá lý thú liên quan đến Hồ Chủ Tịch là Người có 9 lần về thăm Hải Phòng.
       Trong những lần về thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều sắp xếp thời gian đến thăm nhà máy, xí nghiệp, Cảng (3 lần), đơn vị bộ đội, các hợp tác xã nông nghiệp, thăm hỏi các cụ già, em nhỏ (đặc biệt quan tâm các cháu ở Trường Học sinh Miền Nam xa bố mẹ, quê hương ra học tập tại Hải Phòng). Đến thăm đâu Bác cũng thường để ý thăm bếp ăn, nơi ở, khu vệ sinh của công nhân, bộ đội, học sinh miền Nam để biết thực tế đời sống, sức khỏe các đối tượng, từ đó nhắc nhở cán bộ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương quan tâm thu xếp. Tác phong gần dân, đi sát thực tế, yêu thương con người của Hồ Chủ Tịch đáng để chúng ta phải suy ngẫm, học tập.
       Xin điểm qua một số lần Người về thăm Hải Phòng với những lời dạy bảo chí tình, đầy ý nghĩa:
       – Lần thứ nhất (ngày 20-10-1946), trên đường thăm Cộng hòa Pháp trở về, Hồ Chủ Tịch dừng chân thăm Hải Phòng. Tại cuộc mít tinh ở Nhà hát lớn thành phố, Người bày tỏ sự hài lòng và biểu dương đồng bào đất Cảng đã hết sức đoàn kết, giữ vững kỷ luật, ra sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ khối liên hiệp quốc dân, giữ vững đê điều, hăng hái theo đời sống mới… Người căn dặn, chúc đồng bào nỗ lực công tác đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào thành công: “Nhờ các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn Hải Phòng sẽ trở thành thành phố gương mẫu của nước ta”. Thực hiện lời dặn của Người, hiện nay, Đảng bộ, quân và dân thành phố ta đang phấn đấu để trở thành thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP đáng tự hào là gấp 1,5 lần tốc độ bình quân cả nước.
       Trong chuyến thăm đầu tiên tại Hải Phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp lại ông bạn già Lê Văn Thuyết, một người không rõ năm sinh, nhưng trạc tuổi Bác Hồ hoặc hơn chút ít. Ông quê ở làng An Biên huyện An Dương (sau bị sát nhập vào khu nhượng địa của Pháp thuộc phố Ngõ Nghè – Phố Lê Chân nay). Ông là người thủy thủ năm xưa đã giấu Bác dưới tàu sang Pháp rồi thành người bạn đồng nghiệp cùng sống với Bác trong một hiệu ảnh ở Pari và cũng tham gia hoạt động yêu nước. Trong cuộc gặp giữa 2 người tại trường nữ học Minh Khai (nay là tiểu học Minh Khai)đã không có một chút khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước với một người dân bình thường, Bác ân cần nắm tay người bạn cũ dặn dò khi chia tay: “Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch một nước, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ nhân dân mà thôi. Đối với anh trước sau tôi cũng vẫn là một người bạn thân. Anh nhớ gửi thư cho tôi luôn”. Câu nói này thể hiện phẩm cách khiêm nhường và tình bạn thủy chung của Hồ Chủ Tịch.
       Cuộc gặp gỡ cảm động giữa ông già Thuyết mù, một người tham gia các hoạt động yêu nước cùng Bác và nghe đâu bị mù vì các đòn tra tấn của mật thám Pháp và vị Chủ tịch nước đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên” và nhiều sách báo khác. Trong cuộc gặp gỡ này, Bác Hồ cũng ngỏ ý đưa người bạn cũ về Hà Nội chữa mắt. Rất tiếc việc này đã không thực hiện được vì chỉ một tháng sau (20/11/1946), Pháp gây hấn đánh chiếm Hải Phòng, rồi cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp tái xâm lăng bùng nổ. Lúc này vợ ông già Thuyết (một góa phụ là diễn viên cải lương) và cô con gái Ái Liên đang lưu diễn ở Thanh Hóa nên việc đưa ông về Hà Nội chữa mắt không thành. Ông già mù mắc kẹt ở nội thành Hải Phòng bị tạm chiếm, sống với  sự cưu mang của bà con xóm giềng. Mãi đến ngày hoà bình lập lại, ông Già Thuyết được đưa lên Hà Nội đoàn tụ với gia đình nghệ sĩ Ái Liên ở 38 phố Huế để chạy chữa mắt. Thời gian cụ Thuyết nằm bệnh viện, Hồ Chủ Tịch thường đến thăm người bạn cũ khiến gia đình cụ vô cùng cảm kích. Do tuổi già, sức yếu, lại bị đau mắt nặng nên ít lâu sau ông già Thuyết từ trần, Hồ Chủ tịch lại giúp đỡ mai táng cho ông chu đáo. Câu chuyện này khiến chúng ta cảm động bởi tình người giữa một vị Chủ tịch nước bận trăm công, nghìn việc mà vẫn quan tâm tới người bạn thủa hàn vi.
       – Trong lần thứ hai Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng (Ngày 30/05/1957), Người đã thăm một số cơ sở kinh tế quan trọng của thành phố như: Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Quân y viện 12, Trường Nhi đồng miền Nam; nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Hải Phòng.
Bác đã lên tàu HC15, xem xét từng chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ làm việc của anh em.
       Sau khi thăm hỏi về tình hình đời sống và việc làm của công nhân, Bác căn dặn: “Mỗi người phải đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới, phải nêu cao tinh thần làm chủ, ra sức xây dựng Cảng”. Bác chỉ rõ: “hàng ngày công nhân tiếp xúc với nhiều người trên thế giới, cho nên phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng”. Về quan hệ giữa cá nhân và Tổ quốc, Bác nói: “Đoàn kết là sức mạnh, nước lên thì tàu nổi. Các cô chú ở đây một thuyền, một sóng nên phải đoàn kết với nhau. Tiền đồ cá nhân phải gắn với lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân. Ai muốn tìm tiền đổ cá nhân riêng lẻ, tức là tự tách mình ra khỏi con tàu giữa biển, như vậy chẳng có tiền đồ gì cả”. Những lời dạy của Bác thể hiện điều Người luôn nhấn mạnh – đoàn kết tạo lên sức mạnh và tương lai của cá nhân gắn với sự phát triển của đất nước (nước nổi thì tàu nổi). Như trong nhiều bài viết, bài nói, hình ảnh mà Người sử dụng luôn khiến người ta dễ hiểu, dễ hình dung.
       – Ở Hải Phòng đầu những năm 1960, có hai phong trào thi đua khá sôi nổi là phong trào xây dựng các tổ, đội Lao động Xã hội chủ nghĩa (như tổ đá nhỏ ca A nhà máy Xi măng và phong trào thao diễn kỹ thuật ở Nhà máy cơ khí Duyên Hải (phong trào “sóng Duyên Hải”). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý động viên, khuyến khích hai phong trào này và Bác đã tặng nhiều huy hiệu của Người cho những cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc. Ngày 16-3-1961, lần thứ bảy, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải. Sau đó, ngày 15/5/1961, với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Vài ý kiến về phong trào Duyên Hải” đăng trên báo Nhân Dân, khích lệ phong trào học tập và thi đua với Duyên Hải đang phát triển mạnh ở các xí nghiệp, công trường miền Bắc và nêu rõ những định hướng để phong trào thi đua chung phát triển một cách vững chắc.
       Hồ Chủ Tịch luôn quan tâm, động viên, khuyến khích kịp thời những phong trào hay, những gương người tốt trong toàn quốc bằng những bài báo, những bức thư, điện, lẵng hoa hay tặng huy hiệu của Người cho các cá nhân xuất sắc.
       – Lần cuối cùng, ngày 23-1-1963: Bác cùng Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc về Hải Phòng, đến thăm Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp và Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Tại bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp, Người căn dặn: “…Trong công tác phải tiến hành phòng bệnh hơn trị bệnh, làm thế nào cho ít bệnh. Bác nghe nói thành phố này còn nhiều bệnh lắm. Từ bác sĩ đến anh nuôi phải đoàn kết thành một khối, phải nhớ thực hiện: “Lương y như từ mẫu, thái độ đối với người bệnh phải vui vẻ, niềm nở”.
       Cũng như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau này dù không có điều kiện trực tiếp về thăm Hải Phòng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, khen ngợi cán bộ và bộ đội Hải Phòng đã chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi vẻ vang, biểu dương kịp thời những gương Người tốt, việc tốt và tặng Huy hiệu của Người cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Tác phong sâu sát, kịp thời của Người cũng là một phẩm chất mà cán bộ, lãnh đạo bây giờ cần phải học theo nếu muốn dân tin, dân quý.
       Ngày 21/10/1947, Bác viết thư khen ngợi hai cụ già du kích Kiến An có thành tích giết giặc: “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các phụ lão đời Trần, đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hǎng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”. Khi biết tin du kích thiếu niên Đỗ Văn Sinh (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) dũng cảm, quên mình, mưu trí bảo vệ cán bộ, Bác Hồ viết tặng cậu bé dũng cảm bài thơ “Giữ bí mật bảo vệ cán bộ” (đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 29/5/1952).
       Còn nhớ, sau trận tập kích sân bay Cát Bi thắng lợi (ngày 7 tháng 3 năm 1954), Hồ Chủ Tịch đã tặng huy hiệu của Người cho các chiến sĩ tham gia trận đánh và danh hiệu Dũng sĩ Cát Bi để biểu dương.
       Ngày 13/5/1955, thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng và khen tặng quân, dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ “Trung dũng”.
       Ngày 06/3/1968 nhân dịp quân, dân Hải Phòng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 200, góp phần vào chiến công quân và dân ta bắn rơi gần 2.800 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Hải Phòng đã vinh dự được Bác tặng lá cờ mang dòng chữ vẻ vang “Trung dũng quyết thắng”…
       Hồ Chủ Tịch đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn sống mãi. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Người đã lựa chọn là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.
       Theo lời dặn dò, khuyên nhủ của Người, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã và đang không ngừng thi đua sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
       Chặng đường phấn đấu đã qua, Hải Phòng đã thể chế hóa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác, thành các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố và đã đạt được một số kết quả đáng tự hào.
       Tấm gương cao đẹp của Hồ Chủ Tịch cùng những lời dạy của Người, với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đã và đang thấm sâu vào tình cảm, nhận thức và hành động để mỗi người con thành phố Cảng phấn đấu với tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng”, quyết tâm để hai tiếng Hải Phòng vang lên trong niềm tự hào.
       (Bài viết tham gia Trại nghiên cứu, sáng tác, quảng bá Văn học-nghệ thuật theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức/Phạm Văn Thi, Hội VNDG Hải Phòng)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học