Con đường từ người thợ đến người thầy của một nghệ nhân cắt may ở Hải Phòng

Trường dạy cắt may Bắc Nam được thành lập từ năm 1958, đến tháng 5-2007 được UBND cho phép đổi thành Trường Trung cấp nghề Bắc Nam. Và đến tháng 1-2008 trường được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Bắc Nam. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển trường Bắc Nam đã tiếp nhận hàng ngàn, hàng chục ngàn học viên. Họ đến từ Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Họ đến từ làng quê Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên, Cát Hải… Khi bước vào ngôi trường này người nào cũng hồi hộp lo âu, nhưng khi họ đã tiếp xúc với các giáo viên tận tuỵ với nghề và đặc biệt được làm việc với thày Hiệu trưởng, nghệ nhân Cao Hữu Nghị, họ cảm thấy được sống trong làng nghề đằm thắm tình thương yêu, tận tình dìu dắt họ cho đến khi biết cắt mảnh vải thành cái quần cái áo. Trở về quê, bàn tay họ có thêm sức mạnh, cuộc đời họ có thêm niềm hy vọng, vì ở ngôi trường này họ đã chọn được một con đường chân chính để vào đời. Trong thời gian học cắt may họ được trực tiếp thụ giáo thầy Hiệu trưởng, mà sau này thầy được phong danh hiệu Nghệ nhân, họ được cem thầy cầm kéo, cắt vải mà đường cắt đầy sức mạnh, đầy niềm tin, như cả đôi cánh bay vút lên. Họ tự hào được học thầy, một người đã từng theo học lớp cắt may và đã tốt nghiệp Trường UNIVERSELLE – PARIS – CỘNG HOÀ PHÁP. Trong tập ảnh lưu niệm, học viên được gặp hình ảnh thầy tiếp đón nhà tạo mẫu thời trang thế giới Pierre Cardin. Còn ở trong nước, trường Bắc Nam đã vinh dự được đón đồng chí Trần Hoàn, khi đồng chí là Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin. Trường còn được đón nhiều đồng chí lãnh đạo của thành phố Hải Phòng. Bởi Trường cắt may Bắc Nam không chỉ là nơi hoạt động nghề nghiệp, mà ở đây còn là một đơn vị hoạt động văn hoá. Chị Cao Bích Thuỷ, con gái của bác Cao Hữu Nghị, nay thay cha mình làm Hiệu trưởng, chị đã tốt nghiệp Thạc sĩ. Để tiếp nỗi nghiệp cha, chị Cao Bích Thuỷ đã tu nghiệp ở Thái Lan. Năm 2003 chị được mời vào Ban Giám khảo cuộc thi chọn người đẹp khu vực phía Bắc, với cương vị nhà tạo mẫu thời trang… Một người con trai của bác, anh Cao Minh Ngọc, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hàng Hải đã chuyển hắn sang nghề may. Hiện nay anh vừa là giảng viên cắt may hệ cao cấp, đồng thời là Giám đốc Xưởng may Bắc Nam, lo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Cao Hữu Nghị sinh năm 1923 trong một gia đình nhà nho nghèo vùng đồng chiêm trũng Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cậu bé Cao Hữu Nghị sớm mồ côi cha. Năm mười lăm tuổi cậu dời làng đi kiếm sống với hai bàn tay trắng, nhưng tài sản của cậu nằm trong lời dạy lúc sinh thời của người cha “Làm nam nhi phải có chí lập nghiệp và phải sống với lòng nhân hậu”. Cậu Cao Hữu Nghị bắt đầu kiếm sống bằng bất kể công việc gì người ta cần. Từ làm công cho một gia đình người Hoa, cậu chuyển sang làm phụ xe đường Hải Phòng Thanh Hoá, rồi ra Vàng Danh làm người xàng than, rồi trở lại Hải Phòng làm tuỳ phái cho hàng A.F.A. Anh thanh niên Cao Hữu Nghị làm ở đâu cũng được mọi người quý mến. Vì tuy là công nhân nhưng anh đã đỗ bằng Sơ học yếu lược, nên làm việc gì anh cũng biết tính toán, giảm bớt sự khó nhọc trong công việc. Và số phận đã đưa anh sang Kiến An làm sổ sách cho một nhà may lớn ở tỉnh lỵ. Tại đây anh đã học nghề may và anh sớm rút ra một chân lý, làm nghề may không cần nhiều vốn, cũng không đòi hỏi phải có học vấn cao, và ở thời đại nào con người cũng cần may mặc. Anh quyết định chọn nghề may làm sự nghiệp của cuộc đời mình. Nhưng anh Cao Hữu Nghị không học cắt may theo kiểu truyền khẩu qua từng công đoạn của người dạy, anh luôn luôn tìm một quy tắc của từng việc làm. Anh đã tìm được sách dạy cắt may viết bằng tiếng Pháp, đồng thời anh ghi tên theo học lớp cắt may do trường UNIVERSELLE – PARIS hướng dẫn. Cửa hiệu may của anh lấy tên là Thành Mỹ mở ở phố Baty nay là phố Lý Thường Kiệt, đã thu hút được đông đảo khách trong nước cũng như khách nước ngoài. Đến năm 1953 cửa hiệu may Thành Mỹ đã trở thành hiệu may danh tiếng đất Cảng. Cũng năm đó ông Cao Hữu Nghị được bắt mối đường dây hoạt động phục vụ kháng chiến do Hội phụ nữ cứu quốc thành phố phụ trách. Ở ngôi nhà này, bên ngoài khách cứ nờm nợp vào ra may quần áo, còn ở bên trong, thường trở thành nơi hội họp của các cán bộ hoạt động bí mật. Ngày 13 tháng 6 năm 1953, đường dây bị lộ. Cuộc họp vừa  kết thúc, các cán bộ đã ra khỏi nhà thì bọn mật thám ập vào. Tuy trong nhà không có người lạ, song một số tài liệu chưa kịp thân tán, bọn mật thám tìm được mấy tập truyền đơn và một số tờ báo Cứu Quốc. Cả 6 người nhà ông Nghị đều bị bắt về đồn sau khi xét hỏi, 5 người được trả tự do, còn ông Cao Hữu Nghị bị chuyển về giam ở “căng” Đoạn Xá. Đó là những ngày ông Cao Hữu Nghị nhận thức được sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng, ông được chứng kiến những cuộc ra đi đau xé ruột gan. Sau khi khỏi “căng” Đoạn Xá, tổ chức phụ nữ thành phố đưa ông về một cơ sở ở Hải Dương dự lớp tập huấn chuẩn bị về tiếp quản Hải Phòng.

Sau ngày giải phóng Hải Phòng, ông Cao Hữu Nghị tham gia công tác ở tiểu khu, song nguyện vọng của ông là tiếp tục nghề may. Đến năm 1958 được sự giúp đỡ của Liên hiệp Hợp tác xã thủ công, và các ban ngành trong thành phố, ông Cao Hữu Nghị đứng ra mở trường cắt may. Ông đặt tên trường: Trường dạy cắt may Bắc Nam, bày tỏ nguyện vọng đất nước sớm thống nhất. Có thể nói một cách tự hào rằng trường dạy cắt may Bắc Nam là trường dạy cắt may đầu tiên không chỉ của Hải Phòng, mà là trường đầu tiên của cả vùng duyên hải. Cùng với việc mở trường, ông còn tiến hành biên soạn sách hướng dẫn cắt may. Ông bắt đầu cho xuất bản cuốn sách đầu tiên vào năm 1958. Rồi qua từng thời kỳ rút kinh nghiệm, ông tu chỉnh, nâng cao đến 1988 ông đã xuất bản 6 cuốn sách. Đáng kể nhất là cuốn in năm 1988 do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản, in tới 30.000 cuốn, phổ biến rộng rãi trong các trường học cả nước. Ngoài việc truyền nghề giúp hàng ngàn người tìm được kế sinh nhai, trường cắt may Bắc Nam còn giữ gìn một truyền thống vô cùng quý báu, đó là dạy miễn phí cho những người tàn tật muốn sống bằng nghề may, dạy từ khi không biết gì cho tới khi thành nghề. Bác Cao Hữu Nghị tâm sự: Tôi cho anh một con cá, anh có một bữa ăn ngon. Tôi dạy anh cách đánh bắt cá, anh có bữa ăn ngon thường xuyên. Người Pháp đã dạy tôi câu phương ngôn sâu sắc đó. Tôi nghiệm thấy thật là có lý. Nếu tôi rút trong túi một ít tiền cho người tàn tật, cho người nghèo, anh ta tiêu vài ba bữa, tiền sẽ hết, nhưng tôi dạy anh ta biết cắt một miếng vải may thành cái áo, anh ta có tiền công. Sau miếng vải này là miếng vải khác, anh ta sẽ có bữa ăn sáng thường xuyên. Hiện nay tại Trường Cao đẳng nghề Bắc Nam, anh Thành, một người điếc câm, chị Nhung một người điếc câm khác, đã được học miễn phí tại trường Bắc Nam, sau khi thành nghề được giữ lại trường làm ở xưởng may, anh Thành may comlê, chị Nhung may áo vét, lương hàng tháng thấp nhất là hai triệu đồng. Anh Hùng ở bộ phận là sản phẩm may, vợ Hùng ở bộ phận thêu, cả hai đều điếc câm, nhưng con của họ trưởng thành như mọi trẻ bình thường, mỗi người hàng tháng thu nhập 1,7 triệu đồng. Cháu Nga bị liệt chân được Hội bảo trợ người tàn tật phường Cát Dài giới thiệu vào học nghề may, nay cháu Nga trở thành giảng viên dạy cắt may cho Công ty Sao Mai.

Một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ngày nay trường cắt may Bắc Nam đã trở thành Trường Cao Đẳng nghề Bắc Nam. Nghệ nhân Cao Hữu Nghị trở thành Cố vấn của trường. Con gái bác, Thạc sĩ Cao Bích Thuỷ thay cha mình làm Hiệu trưởng. Bên cạnh ngành Công nghệ May và Thời trang, nhà trường mở 6 ngành khác nữa: Kế toán doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quản trị mạng máy tính, Quản trị cơ sở dữ liệu… Mục tiêu của Bắc Nam không phải trở thành trường chỉ to và lớn về không gian mà trở thành niềm tin của xã hội. Hầu hết các Trường Đại học. Cao đẳng, Trung cấp và đa số các Trường Trung học phổ thông trong thành phố Hải Phòng đã sử dụng sản phẩm may của Trường. Vừa qua Tổng cục dạy nghề đã giao cho Trường Bắc Nam làm phù hiệu cho Đoàn Việt Nam tham dự Hội thi Học sinh Giỏi nghề thế giới tại Nhật Bản. Nghệ nhân Cao Hữu Nghị sắp sửa bước vào tuổi 90, bác vẫn sống yêu đời, vẫn lao động, vẫn tiếp tục mang niềm vui đến cho nhiều người, vẫn cùng con cháu ấp ủ ước mơ: “Tôi cho anh một con cá, anh có một bữa ăn ngon. Tôi dạy anh cách đánh bắt cá, anh có bữa ăn ngon thường xuyên”. Kính chúc dòng dõi họ Cao mang đến cho nhiều người bữa ăn ngon thường xuyên.

Vũ Hoàng Lâm

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học