Có một vùng quê đất học

Đền thờ Trạng Trình tại Vĩnh Bảo – Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

 Theo giáo sư Bùi Văn Nguyên trong cuốn “Truyện danh nhân” xuất bản năm 1986: Từ thời Trần trở về trước,  Vĩnh Bảo là huyện Đồng Lợi, sang đời Lê do kiêng tên húy, đổi thành Đồng Lại, rồi lại đổi thành Vĩnh Lại thuộc phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Đến năm 1838 nhà Nguyễn tách 3 tổng của Vĩnh Lại nhập với 5 tổng của Tứ Kỳ lập thành huyện Vĩnh Bảo.
Thủa xa xưa, Vĩnh Bảo là vùng đất nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn.” Lên Bi, xuống Lả, ra Gòi/ Chớ về đồng Lội mà lòi xương hom”; “ Qua Ngà xuống Tó chờ vào Đen/ Cà thâm, rạm đực, ăn cơm đèn, gánh ra đêm” hay “ Trăm cái tội không khổ bằng đường lội làng Đông”-   những câu ca ấy đã phần nào nói lên nỗi nhọc nhằn, cơ cực của bao đời người mà cho đến hôm nay nghe nhắc đến còn thấy chua xót, ngậm ngùi.
Ấy thế mà lạ thay, chính miền đất này lại là nơi nổi tiếng hiếu học và đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng đời xưa và các nhà khoa học, các nhà văn hóa nổi tiếng, các thủ khoa thi vào đại học, tốt nghiệp đại học thời nay.
Theo cuốn “các vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa” của tác giả Trần Hồng Đức( NXB Dân tộc năm 2002), từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa cuối cùng năm 1919, cả nước có 2.898 vị đại khoa, bình quân mỗi huyện trên 7 vị, riêng huyện Vĩnh Bảo có 26 vị. Còn theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch hội khoa học lịch sử Hải Phòng thì trong 183 khoa thi nói trên, Hải Phòng có 86 vị đỗ đại khoa (từ tiến sỹ trở lên).      Như vậy số người đỗ đại khoa quê Vĩnh Bảo, gấp 4 lần bình quân các huyện trong toàn quốc, bằng gần 1/3 toàn thành phố và nhiều hơn số vị đỗ đại khoa của ba quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng cộng lại. (Theo thống kê 4 đơn vị này có 20 vị). Cả nước có 43 Trạng Nguyên thì Vĩnh Bảo có 1 vị là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ấy là chưa kể đến 1 vị đỗ Bảng Nhãn và 2 vị đỗ Thám Hoa là người Vĩnh Bảo.
Kế tục truyền thống hiếu học của ông cha xưa, ngày nay các thê hệ con cháu vẫn phát huy tinh thần học tập cho dù điều kiện không mấy thuận lợi so với các quận nội thành và vẫn giữ vững danh hiệu “ một vùng quê đất học” của thành phố Cảng.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Vĩnh Bảo chỉ có một trường tiểu học chưa đầy 200 học sinh, phần lớn là con nhà khá giả.Ngay sau ngày nước nhà giành được độc lập, Vĩnh Bảo bắt tay vào xây dựng nền giáo dục mới, và vài năm sau đã có mỗi xã một trường học.Đến năm 1958, toàn huyện đã có 26 trường tiểu học với 164 lớp, 7800 học sinh, 1 trường cấp 2 với 11 lớp với 400 học sinh.Đến năm 1960 có 3 trường cấp 2, cuối năm 1961 có 1 trường cấp 3( là 1 trong 3 trường được đưa ra đời sớm nhất của thành phố).
Cùng với hệ phổ thông, thực hiện khẩu hiệu “ thi đua học tập”, “ đi học là yêu nước”, những năm 50-60 thế kỷ trước, Vĩnh Bảo thường xuyên có 5- 6 vạn người theo học các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa.Xã Liên Am đã trở thành điểm sáng về phong trào “ toàn dân thi đua học tập” của toàn miền Bắc.Để phục vụ cho nhân dân học tập.Vĩnh Bảo chủ trương xây dựng “ Tủ sách nhân dân”, “ Thư viện thôn xã”, và đến năm 1959 đã có trên 90% số xã có thư viện.Xã Nhân Hòa được công nhận là điển hình về công tác thư viện toàn Miền Bắc với trên 2 vạn cuốn sách, được Bộ Văn Hóa mở hội nghị tại chỗ phát động các địa phương học tập.Với thành tích giáo dục đã đạt được, năm 1974, Vĩnh Bảo được công nhận là huyện có trường lớp và phong trào giáo dục giỏi nhất miền Bắc, được mời đi báo cáo điển hình ở Hội nghị tổng kết giáo dục tổ chức ở Hà Nội.
Sang những năm đầu của thế kỷ XXI này, nền giáo dục đào tạo của Vĩnh Bảo đã và đang phát triển nhanh, mạnh, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao.Huyện hiện có gần 100 trường tiểu học, trung học cơ sở mầm non, 5 trường trung học phổ thông, một trung tâm giáo dục thường xuyên và một trung tâm dạy nghề thu hút hàng vạn con em theo học.Tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp phổ thông thường đạt 90- 95%. Từ năm 2005 đến nay, hàng năm huyện có 1200- 1600 học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng( tron đỗ đại học trung bình 1000 em/ năm).Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bảo suốt hơn 50 năm qua liên tục phát huy truyền thống “ dạy tốt, học tốt” và trở thành “ Kỳ tích trường huyện”.Từ năm 2006 đến nay, số học sinh tốt nghiệp đạt 99- 100%, số học sinh thi đỗ đại học thường đạt 50% trở lên, lớp 12A1 có năm đỗ 100%.Trường liên tục 8 năm liền có học sinh thi đỗ thủ khoa vào các trường đại học.Năm 2012- 2013 trường có 5 em đỗ thủ khoa/11 em thủ khoa toàn thành phố.Trường được xếp trong tốp đầu các trường trung học phổ thông của cả nước.
Chính nhờ truyền thống hiếu học, Vĩnh Bảo đã góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có gần 50 giáo sư, phó giáo sư, trên 200 tiến sỹ là con em Vĩnh Bảo đang công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số nhà khoa học có tên tuổi như giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Thi, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia, người được ghi tên trong Từ điển Bách khoa toán học Liên Xô (cũ); Giáo sư- Tiến sỹ Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý; Tiến sỹ – Thầy thuốc Trần Trọng Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại( Bộ Y tế); Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học; Phó Giáo sư  Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế, chủ nhiệm khoa Sử trường Đại học khoa học xã hội- Nhân văn…
Hiện nay, toàn thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”.Ngày 26/9/ 2011 một cuộc Hội thảo khoa học “ Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nhìn từ thực tiễn trường THPT Vĩnh Bảo” đã được tổ chức.Đó cũng là sự ghi nhận về thành tích giáo dục của huyện Vĩnh Bảo nói chung và trường THPT Vĩnh Bảo nói riêng.
Chúng tôi về thăm Vĩnh Bảo vào giữa ngày nhân dân đang sôi nổi thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.Đi trên những con đường vừa được trải nhựa, đổ bê tông, gặp từng đoàn học sinh tấp nập đến trường; nhìn những ngôi nhà cao tầng của các trường mầm non, tiểu học, phổ thông vừa được sửa chữa, xây mới, nằm giữa làng mạc trù phú, đồng lúa xuân mơn mởn lên xanh, lòng chúng tôi trào lên niềm vui nghĩ về sức bật của một vùng đất có truyền thống hiếu học nằm giữa vùng quê lúa.
      (Nguồn: Có một vùng quê đất học/Đinh Quyền//Tạp chí Khoa học và Kinh tế. – số 138, năm 2013. – tr. 56 – 57)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học