Sáng ngày 27/4/2018 theo lịch hẹn trước với họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (con gái nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà) – người đang trông coi ngôi biệt thự cũ của gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà ở số 49 phố Lạch Tray, TP Hải Phòng, câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học đã có chương trình tọa đàm về địa chỉ đỏ này. Cuộc tọa đàm nhằm đề xuất phương án lưu giữ, tu tạo cảnh quan ngôi biệt thự của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà để nó trở thành di tích lịch sử đẹp và là nơi tham quan của du khách khi đến với Hải Phòng, đồng thời giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân.
Ngày 2-4-2010 ngôi nhà 3 tầng ở số 49 Lạch Tray được công nhận là di lích lịch sử cấp thành phố. Theo họa sĩ Nguyễn Sơn Trúc – con gái thứ 9 của cụ Nguyễn Sơn Hà, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1939 với sự thiết kế của kiến trúc sư Phạm Bá Chi và từng được tặng giải nhất cuộc thi thiết kế biệt thự Đông Dương thời Pháp thuộc. Ngôi biệt thư xưa là một quần thể nhà ở, vườn hoa, bể bơi đẹp. Rất tiếc, thời gian và hoàn cảnh lịch sử đã làm biến dạng khu biệt thự của nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà, bể bơi, vườn hoa nay không còn nữa, ngôi nhà cũng xuống cấp nhiều và bị vây lấn bởi các khối khách sạn, nhà dân.
Gian chính biệt thự tại tầng 2 là nơi thờ tự của gia đình với đôi câu đối do nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tặng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với nội dung: “Hóa học bác âu trường tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tồn việt chủng chuyển di thời thế thủ vi cơ”. Nghĩa là: Lấy hóa học của người Âu tô điểm cho núi sông bởi lòng son sẵn có/ Công nghệ và khoa học thay đổi thời thế do trí tuệ làm nên. Hiện trên tường có treo 3 bức ảnh kỷ niệm: bên phải là doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, bên trái là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi (vợ thứ của doanh nhân) và bức ảnh chính giữa là nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu chụp kỷ niệm với bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi. Bức ảnh do chính doanh nhân Nguyễn Sơn Hà bấm máy. Tại tầng 2 ngôi nhà còn lưu giữ nhiều bức ảnh, tư liệu, kỷ vật của gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà qua các thời kỳ; các bài báo viết về những đóng góp của cụ Nguyễn Sơn Hà cho Cách mạng Việt Nam.
Tại ngôi nhà này từng diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, đón tiếp có ý nghĩa lịch sử. Đó là nơi Trung tướng Nguyễn Bình- Chỉ huy Chiến khu Đông Triều tới liên hệ, nhận sự giúp đỡ tài chính cho phong trào cách mạng; nơi nấu và phát cháo cứu đói cho đồng bào trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Căn nhà cũng được Bác Hồ đề nghị ông Nguyễn Sơn Hà giúp làm nơi đón tiếp ông Tutenge – phái viên Chính phủ Pháp đưa Bác Hồ từ hội nghị Phông-ten-nơ-blô về nước tháng 10 năm 1946…
Với tài năng và uy tín của mình, cụ Nguyễn Sơn Hà từng được bầu là Phó Thị trưởng thành phố Hải Phòng thời Pháp tạm chiếm và sau khi cách mạng thành công (năm 1946) cụ liên tiếp được nhân dân tín nhiệm bầu là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI. Năm 1986 cụ từ trần.
Tham dự cuộc tọa đàm có Ban VHXH Đài PTTH Hải Phòng ghi hình, phỏng vấn để phát sóng trên chương trình thời sự của Đài PTTH Hải Phòng. Phóng viên đã tiến hành phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Phòng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, người am hiểu nhiều về ngôi nhà lịch sử này và về những đóng góp của gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đồng thời hỏi bà Nguyễn Sơn Trúc – con gái cụ Nguyễn Sơn Hà về những ký ức xưa và nguyện vọng của gia đình.
Theo bà Nguyễn Sơn Trúc, các thành viên trong gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà đều mong muốn tu bổ căn nhà cho đẹp như xưa, phục dựng lại cảnh quan biệt thự như nó vốn có và giữ nguyên trạng để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, cung cấp cho các thế hệ trẻ những tư liệu quý về một nhân vật lịch sử của thành phố đã có nhiều đóng góp quý báu cho cách mạng Việt Nam.
Phạm Văn Thi.