CLB Hải Phòng học thăm quan một số di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội

Thực hiện kế hoạch mở rộng hiểu biết di sản văn hóa vật thể Hà Nội và tìm hiểu lịch sử thông qua việc thăm quan các di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng, ngày 21- – 9 – 2017 câu lạc bộ Hải Phòng học tổ chức chuyến đi điền dã tới thủ đô Hà Nội thăm quan một số di tích Quốc gia. Thành phần của đoàn thăm quan gồm các vị chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) và một số thành viên CLB.

alt

Nhận lời mời của Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Hội KH Lịch sử Hà Nội , buổi sáng đoàn chúng tôi tới thăm điểm đầu tiên là Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long tại địa chỉ 18 phố Hoàng Diệu.

Năm 2017, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long vinh dự lần đầu tiên được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao giải thưởng là 1 trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam. Từng có nhiều duyên nợ với thành phố Hoiêna Phượng Đỏ trong thời gian công tác 28 năm ở Hải Phòng nên ông Nguyễn Văn Sơn đã dành cho đoàn chúng tôi sự tiếp đón nhiệt tình, chu đáo. Ông cùng các hướng dẫn viên trong Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tận tình giới thiệu về giá trị lịch sử-văn hóa của Hoàng thành Thăng Long, kinh đô ngàn năm của các triều đại phong kiến Việt Nam qua các hố khai quật khảo cổ học và hiện vật đang được bảo quản, trưng bày tại đây. Dù thời tiết oi nóng nhưng ông Sơn và các hướng dẫn viên trẻ vẫn tận tình dẫn chúng tôi tới những điểm khai quật, hào hứng giới thiệu giá trị lịch sử của các tầng văn hóa từ thời Đường đô hộ tới Lý, Trần, Lê sơ, Lê Mạc và Hậu Lê phát lộ. Ông còn giúp chúng tôi hình dung rõ hơn Dự án tôn tạo – bảo tồn khu Hoàng thành rộng 18 ha này được Nhà nước phê duyệt sẽ triển khai thực hiện với những hạng mục gì.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và hiện trạng bảo tồn di tích tiêu biểu cho các triều đại vua chúa Việt Nam mà năm 2010 tổ chức UNESCO đã công nhận Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Dời khu di tích 18 Hoàng Diệu, chúng tôi sang thăm di tích Cách mạng quan trọng là nhà D67 (khu nhà họp Bộ Chính trị cùng phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng) và hầm D67 (hầm chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu quân đội NDVN) để hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta. Tại địa chỉ số 9 phố Hoàng Diệu này từng có điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa khuyết – những địa danh mang giá trị lịch sử lâu đời của kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiếnmà giờ đây chỉ còn vài tàn tích. Vào gian thờ Hoàng đế các triều đại được thiết kế, bài trí cách đây vài năm, chúng tôi dâng hương trước ban thờ các bậc tiên liệt.

Kết thúc điểm thăm quan đầu tiên, ông Sơn lại nhiệt tình dẫn chúng tôi tới thăm khu lưu niệm Bác Hồ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ở đó chúng tôi vào thắp hương trước bàn thờ Bác Hồ đặt trong căn phòng mà Bác đã trút hơi thở cuối cùng ngày 2/9/1969, xem phim tư liệu dài 16 phút về cuộc đời giản dị, hết lòng vì dân, vì nước của Bác và những phút lâm chung của Người. Vinh dự cho đoàn chúng tôi khi Ban quản lý nhà lưu niệm Bác Hồ có nhã ý tặng mỗi người chúng tôi một huy hiệu Bác Hồ được làm theo khuôn mẫu chiếc huy hiệu Hồ Chủ Tịch mà anh hùng vũ trụ Phạm Tuân đã mang theo khi bay vào vũ trụ cùng anh hùng Liên Xô Go-Giơ-Bat-cô.

Quay về Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, đoàn chúng tôi vào thăm nhà trưng bày kỳ thạch của nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn – một người có thâm niên 30 năm sưu tầm, nghiên cứu và chế tác các loại đá quý, hiếm.

Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe duyên kỳ ngộ đã khiến ông đam mê với công việc hiếm có này và những giá trị không ngờ của đá quý cũng như dự định của ông muốn xây dựng một bảo tàng kỳ thạch tại Việt Nam để giới thiệu với nhân dân và bạn bè quốc tế về sự đa dạng, độc đáo, hiếm có của các kỳ vật mà thiên nhiên ban tặng đất nước mình.

Khỏi phải nói, chúng tôi đã say mê và thích thú ra sao trước các tuyệt tác của tự nhiên qua bàn tay tạo tác của nghệ nhân Tuấn và trầm trồ ngạc nhiên khi được ông cho chiêm ngưỡng viên dạ minh châu to bằng ấm pha trà và phát ra năng lượng có thể chữa một số bệnh cho con người. Ông còn nhã ý tặng hai chục người chúng tôi mỗi người một viên thiên thạch màu đen bằng đầu ngón chân cái mà theo ông có tác dụng xua đuổi âm khí, tà ma.

Buổi chiều, đoàn chúng tôi lên xe tới thăm chùa Đậu tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội và dâng hương, cúng Phật. Đây là nơi mà theo lời kể của Phó GS. TS Nguyễn Lân Cường trong một lần về nói chuyện với CLB Hải Phòng học cho biết ông đã cùng các cộng sự phục chế thành công và giúp bảo quản 2 pho tượng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường – 2 pho tượng ướp xác theo phương pháp thiền táng độc đáo ở Việt Nam. Ngôi chùa không những nổi tiếng về lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, cảnh quan ngoạn mục mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật bí ẩn như 2 pho tượng trên và cuốn sách lịch sử nhà chùa bằng đồng.

Chiều tối cùng ngày, đoàn thăm quan CLB Hải Phòng học kết thúc chuyến đi điền dã đầy bổ ích và lý thú dù có mệt mỏi bởi đường xa và thời tiết một ngày nóng nực.

P.V Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học