Ngày 19/2/2018 tức Mùng 4 Tết Mậu Tuất, tại chùa Phổ Chiếu, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng; nhà chùa tổ chức lễ khánh thọ đầu xuân, dâng hương cúng giỗ sư tổ- người có công đầu tiên tạo dựng lên ngôi chùa.
Năm 1953, Sư Ngộ Chân Tử người làng Cao Mại, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đến đất này “trấn tích khai môn” xây dựng nên ngôi chùa và trụ trì tại đó. Lúc đầu, chùa được gọi là Tam Giáo đường, thờ Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, thể hiện khát vọng hòa hợp tôn giáo và đoàn kết dân tộc. Chùa Phổ Chiếu bấy giờ gọi là Chùa Phả Chiếu được xây dựng trên khu đất rộng quay hướng Đông, cổng chính quay ra đường Miếu Hai xã, cổng phụ quay ra hồ Ông Báo, bố trí theo lối kiến trúc kiểu chữ “công” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung. Đến năm 1954, Hòa thượng Thích Thanh Quang, thuộc Thiền phái Lâm Tế, từ chùa Vọng Cung- Nam Định về trụ trì. Ngài chỉnh sửa Tam Giáo đường thành ngôi chùa thờ Phật, đổi tên là chùa Phổ Chiếu. Năm 1985, ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, thể theo nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử, chùa đã được trùng tu lại. Đặc biệt từ năm 1989, Thượng tọa Thích Thanh Giác- Đệ tử của cố hòa thượng Thích Thanh Quang về trụ trì tại đây đã quyên góp công của nhân dân, tín đồ Phật tử mở mang, xây dựng thêm để ngôi chùa có diện mạo khang trang như ngày nay. Phật tượng, hoành phi, câu đối được bổ sung, tô điểm, khuôn viên chùa được sửa sang, giữa lòng hồ trong khuôn viên chùa là ngôi chùa Một Cột phỏng theo kiến trúc chùa Một Cột ở thủ đô Hà Nội Hiện nay. Phía bên trái của chùa có một ngọn tháp cao 9 tầng gọi là Cửu phẩm Liên hoa, mới được xây dựng, trên đỉnh tháp là hình đắp bầu rượu tượng trưng cho bầu nước Cam Lộ của Phật Bà Quan Âm đặt trên đài sen. Tháp cao soi bóng bên bờ hồ Ông Báo khiến từ xa hàng km đã nhận ra vị trí của chùa. Phía bên phải chùa là vườn tháp, nơi đặt cốt xá lị của các nhà sư đã từng trụ trì ở đây.
Ngoài kiến trúc hình chữ công (I) của ngôi chùa chính, chùa còn xây thêm tả vu và hữu vu. Trên bờ nóc của gian tiền đường có đặt một nậm rượu to, hai bên đầu hồi phía trước đắp đấu vuông, trên mỗi đấu vuông đó là 5 bầu rượu nhỏ thể hiện sự “đồng nguyên” của 3 tôn giáo Phật- Lão- Nho. Chùa Phổ Chiếu là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách thập phương và các tín đồ Phật tử. Ngoài ý nghĩa là nơi thờ Phật, nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, nơi đây còn là địa chỉ đỏ ghi nhiều dấu ấn lịch sử của thành phố Hải Phòng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng năm vào những ngày lễ Phật Đản- rằm tháng 4, Thượng nguyên- Rằm tháng giêng, Vu lan- rằm tháng 7… và các ngày rằm mùng một hàng tháng, chùa Phổ chiếu thu hút rất đông tín đồ và nhân dân đến cầu phúc. Nơi đây, Thượng tọa Thích Thanh Giác đã tổ chức các khóa tu niệm Phật định kỳ hàng tháng, giảng dạy cho các đạo tràng giáo lí nhà Phật, hoằng pháp tới hàng ngàn Phật tử. Chùa Chiếu còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, tạo rộng phúc cho hàng ngàn tín đồ, các nhà doanh nghiệp, các đàn na tín thí công đức có tâm có của gieo duyên lành, cứu giúp các nạn nhân, nuôi dưỡng lòng từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha theo lời Phật dạy.
Là người song hành giữa đạo pháp và dân tộc, Thượng tọa Thích Thanh Giác hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, dành nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hoạt động quảng bá, tuyên truyền lịch sử địa phương và giáo dục lòng yêu nước. Được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học hơn 5 năm nay, Thượng tọa đã dành cho CLB 2 gian phòng trên tầng hai Hội trường nhà chùa để làm nơi sinh hoạt định kỳ và thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức, tọa đàm, giao lưu văn hóa, khoa học, lịch sử có mời các diễn giả nổi tiếng Trung ương về trình bầy, cùng Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức các chuyến thăm quan, điền dã các di tích lịch sử- văn hóa. Sáng mùa xuân Mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Tuất này, hội viên CLB Hải Phòng học lại tề tựu tại chùa Phổ Chiếu, hòa vào không khí đông vui, nhộn nhịp của du khách và phật tử địa phương đến vãn cảnh và dâng hương, cúng Phật. Tại gian Tổ đường, hội viên CLB Hải Phòng học kính cẩn hành lễ, cúng dường trước ban thờ và chân dung các vị sư tổ trụ trì Chùa- những người có công tạo lập, mở mang và hoằng dương Phật pháp, giáo dục tư tưởng từ bi, hỷ xả trong nhân dân, nhằm hướng con người ta tới cái chân, thiện, mỹ.
Phạm Văn Thi