
Một ngôi chợ xưa.
Chợ cổ ở Hải Phòng nay còn hay mất?.Xin thưa rằng nhiều chợ thôn quê có thể gọi là chợ cổ nay vẫn còn nhưng đã có nhiều thay đổi. Chợ quê xưa là nét đẹp trong đời sống và tinh thần người dân nông thôn. Ở Hải Phòng trước cách mạng tháng Tám và thời kỳ bao cấp từng tồn tại những phiên chợ quê đầy màu sắc dân giã, ghi dấu trong tâm tưởng lớp người từ 60 tuổi trở lên bây giờ. Thời đó, trong cùng một tổng hoặc huyện lại có những phiên chợ mà ngày lẻ họp nơi này, ngày chẵn nơi khác. Ví dụ, chợ Ruồn (làng Ruồn, xã An Tiến-An Lão) quê tôi họp ngày chẵn thì đến ngày lẻ chợ Kênh (thôn Chợ Kênh, xã Quang Trung-An Lão) lại họp. Khi đó người ta mang những hàng hóa, sản vật mình làm ra đến bán, buôn tập nập. Thứ được bầy bán có thể là lúa, gạo, rau, củ, quả, con lợn, con gà, ngan, vịt, chó, mèo, thịt, cá, tôm, tép, ốc, ếch, cua, cáy, giống rau, bó mạ, lưỡi cày, lưỡi hái, lưỡi liềm, con dao, cái búa được rèn từ sắt, gang hay quần áo, dép, guốc, gương, lược, cái kim, sợi chỉ đến mắm tôm, mắm tép..v.v..
Đông vui nhất là những phiên chợ vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều thứ cây nhà, lá vườn, sản vật do người dân làm ra hoặc mang từ các chợ đầu mối về bày bán la liệt với nhiều màu sắc tươi mới. Những mẹt hàng, rổ tre, mảnh bạt, tấm nhựa đặt ngay trên mặt đất hay nền gạch, sàn xi măng với phong phú các mặt hàng từ gạo nếp trắng ngần, lá dong xanh mướt, quả bưởi vàng ươm, quả gấc chín đỏ đến những buồng cau, nải chuối, thịt thà, cá mú…thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì cần thiết cho đời sống hầu hết đều có ở chợ Tết. Người mua, người bán tấp nập, huyên náo trong mùi hương, mùi trầm thơm tỏa ra từ dãy hàng vàng, mã, đồ thờ, tạo nên một không khí chợ quê đông vui, náo nhiệt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Đối với những người sống bằng hoài niệm, chợ xưa còn mang những giá trị lịch sử và văn hóa trong kí ức của nhiều thế hệ người Hải Phòng. Có những thứ mà nền kinh tế – kỹ thuật phát triển cung cấp đa dạng sản phẩm như bây giờ cũng khó tìm ra ở các chợ thời nay như mặt hàng nồi đất, chum, vại, tranh dân gian Đông Hồ- Hàng Trống, hương bài, cái nơm, cái dậm, lờ đơm cá..v.v..Chợ quê còn là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm và mối quan hệ con người và tình làng, nghĩa xóm khi cho nhau mua chịu (trả tiền sau) hay trao đổi mặt hàng với nhau. Hoặc tại đây người ta có thể tình cờ gặp gỡ họ hàng, người quen từ vùng khác đến chợ mua, bán. Có những người hàng năm bận công việc hoặc đi xa không gặp được nhau thì đây là dịp để giao lưu, thăm hỏi, bàn bạc chuyện cuộc sống và làm ăn. Thời xưa đâu có điện thoại phổ biến như bây giờ nên đây là dịp thuận lợi để con người xích lại gần nhau, làm phong phú thêm đời sống tinh thần..
Nhớ chợ xưa, trong tôi lại hiện lên khung cảnh chợ Tết quê hương đông vui, náo nhiệt những lần theo mẹ đi chợ, được mẹ cho ăn bánh đa, bánh đúc, ngửi mùi thơm ngào ngạt của hương bài (được làm từ củ bài) chứ không phải loại hương tẩm hóa chất như bây giờ, thích thú với tranh dân gian vẽ chú lợn mập mạp, chú gà trống hoặc đôi câu đối Tết sặc sỡ mà lúc đó bản thân cũng không hiểu nội dung của nó. Lũ trẻ con thì tò mò xúm vào chỗ bán tò he với những con vật đồ chơi bé tí như lợn, gà, khỉ, chim,cá xanh, đỏ, tím vàng được nặn từ đất sét hay bột màu.
Giờ đây, các phiên chợ Xuân đã thay đổi rất nhiều bởi nền kinh tế thị trường phong phú hàng hóa hơn xưa nhiều lắm, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu con người từ cao đến thấp, lại thuận tiện cho người mua khi chỉ cần ngồi nhà vào mạng mua bán online hay đặt hàng bằng một cuộc gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua smartphone. Giờ đây, dù cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ Tết vẫn mang đến cho ta nhiều giá trị văn hóa- tinh thần, đánh thức thứ tình cảm quê hương đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn lớp người già mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hải Phòng từ xưa từng tồn tại nhiều chợ lớn – những ngôi chợ cổ có từ hàng trăm năm, là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của cả một vùng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống, chợ xưa còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin của người dân, thậm chí là điểm hẹn của những đôi trai gái có tình ý với nhau….Đó là những chợ quê nổi tiếng như chợ Hàng (Dư Hàng Kênh), chợ Gía (Thủy Nguyên), chợ Đại Hợp (Kiến Thụy), Chợ Giải, chợ Đôi (Tiên Lãng), chợ Hỗ (An Dương), chợ Nam Am (Vĩnh Bảo), chợ Bát Trang (An Lão)..v.v..
Thời xưa không có siêu thị, cửa hàng tư nhân tràn lan hay việc buôn bán trên mạng internet phổ biến như bây giờ nên những vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu con người đều phải mua tại chợ. Còn hàng hóa trong các cửa hàng công nghệ phẩm, bách hóa tổng hợp thuộc doanh nghiệp quốc doanh (Nhà nước) thời bao cấp đều được bán theo tem, phiếu cho công nhân, viên chức, cán bộ, công chức nên đa số người dân không tiếp cận được.
Ở Hải Phòng từng tồn tại nhiều chợ cổ, đơn cử một số ví dụ:
Chợ Đại Hợp.
Một góc chợ Đại Hợp.
Chợ Đại Hợp hiện nằm trên tỉnh lộ 403 thuộc xã Đại Hợp-Kiến Thụy. Hiện nay có thể coi đây là một trong hai chợ cổ duy nhất còn lại ở Hải Phòng (cùng với chợ Hàng). Không ai rõ chợ hình thành vào thời gian nào, có người thì bảo nó có từ thời Hậu Lê, người thì bảo có từ thời Nguyễn.
Chợ Đại Hợp xưa gọi là chợ Bát Xã (chợ của tám xã quanh vùng) cũng như chợ Bát Trang (An Lão) là chợ của 8 làng thuộc tổng (xã) Bát Trang, họp hằng ngày chứ không theo phiên, mà ngày nào cũng đông đúc, tấp nập. Giống như nhiều chợ cổ Việt Nam thường nằm trên các trục giao thông thủy hoặc bộ, nơi trên bến-dưới thuyền hoặc trung tâm của một vùng, chợ Đại Hợp từ xưa đã thuận lợi cho giao thương vì nằm bên trục đường lớn, lại gần cửa sông Văn Úc. Các cụ cao niên cho biết, thời chợ còn hưng thịnh thì người mua kẻ bán tấp lập từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo sang; từ An Lão, Đồ Sơn, An Hải (An Dương) về. Vào những phiên giáp Tết, người đông như hội, chen kín những con đường quanh khu vực chợ. Chợ Đại Hợp còn là nơi sinh hoạt văn nghệ dân gian, nơi tụ hội của nhiều chiếu hát xẩm, hát ca trù ở Đại Lộc công quán. Người Kim Sơn, Kỳ Sơn, Tú Đôi quanh vùng đến hát đúm cũng rất đông, thu hút đông đảo người xem.
Theo quan điểm của các nhà kiến trúc,chợ Đại Hợp là ngôi chợ mang dáng dấp điển hình của chợ quê Bắc bộ. Cũng như tất cả những ngôi chợ truyền thống Việt Nam, chợ Đại Hợp được xây dựng hết sức giản dị theo kiểu thoáng, mở – một đặc điểm gắn liền với khí hậu nóng ẩm Việt Nam và kiến trúc theo kiểu cầu chợ. Đó là những dãy quán song song nhau, không có tường che hay vách ngăn mà chỉ có mái lợp. Cầu chợ không chia gian, không có vách, tường ngăn để tiện cho người mua nhìn suốt không gian và tiết kiệm diện tích khi các gian hàng liền kề san sát. Các cầu chợ xưa lợp rạ, gianh, lá cọ, sau này thay bằng ngói hay tấm lợp phibrô-ximăng tùy theo điều kiện kinh tế. Trước đây chợ Đại Hợp gồm 4 dãy cầu chợ chạy song song dài hàng trăm mét và một quán chợ (gọi là Đại Lộc công quán) nổi tiếng một thời. Đó là nơi tiếp đãi những người khách đến thăm, chơi chợ. Cầu chợ của chợ Đại Hợp chỉ gồm những hàng cột đơn sơ bằng tre, gỗ đỡ lấy mái chợ (xưa lợp bằng rạ hay phên nứa), sau thay bằng ngói. Đầu hồi mỗi dãy cầu chợ, người ta đều làm bức vách ngăn để cho những người ăn mày có chỗ trú qua đêm, tránh mưa gió. Điều này cho thấy tính nhân văn sâu sắc của người xưa trong kiến trúc của chợ cổ.
Chợ Đại Hợp ngày xưa không chỉ nổi tiếng vì mặt hàng phong phú đủ loại, hải sản tươi ngon nhiều mà còn hấp dẫn bởi nhiều món ăn đặc sản đậm đà hương vị của vùng quê miền duyên hải. Đó là món bánh cuốn tôm he với lá bánh mỏng có tôm bóc nõn làm nhân hoặc bánh cuốn thường với nước chấm có hương cà cuống thơm ngon; cá thu, cá đé xiên nướng; món bún làm từ gạo tám ngon, ngâm lên men rồi lọc lấy tinh bột, tạo hương vị khác biệt, bánh đúc nhân lạc, vừng chấm mắm tôm, mắm tép…Đó đều là những món ăn ngon, tinh tế, được làm ra từ bàn bàn tay khéo léo và kinh nghiệm lâu đời của người dân nơi thôn dã mà bây giờ có muốn thưởng thức cũng khó lòng tìm được.
Ngày nay, nhịp sống hối hả khiến người ta có xu hướng làm những món chế biến nhanh, ăn nhanh. Bánh cuốn tráng bằng máy chứ không phải bằng tay, bún thì làm “xổi” chứ không ngâm chờ lên men như xưa. Thủy, hải sản thì không còn tươi, sạch do nuôi bằng thức ăn tổng hợp hoặc dùng chất bảo quản để giữ được lâu. Chợ giờ đây không còn bán những con cá trê, cá trắm, cá mè nuôi trong ao, hồ tự nhiên hoặc cá giói, cá bống, cá ngạo đánh bắt từ sông, hồ, cho thịt thơm, ngon nữa mà hầu hết thủy sản đều được nuôi trong lồng, bè ao, hồ với thức ăn tổng hợp khiến thịt ăn nhạt nhẽo.
Chợ Đại Hợp nay đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa kể chợ còn bị nhà cửa, đường giao thông thu hẹp diện tích. Với tuổi đời hàng trăm năm, chợ đang được phá dỡ để chuẩn bị xây dựng một trung tâm thương mại và một ngôi chợ mới hiện đại trên nền chợ cũ. Tuy nhiên người ta vẫn để lại một dãy cầu chợ cũ để khách du lịch hình dung một phần chợ xưa.
Chợ Giá:
Nhất cao là núi U Bò
Nhất đông chợ Giá, nhất to sông Rừng.
Câu ca dao trên đã phần nào nói lên sự náo nhiệt của chợ Giá ở xã Kênh Giang huyện Thủy Nguyên thủa xưa.
Chợ Giá nằm bên con sông Giá phong cảnh hữu tình nên chợ được gọi theo tên con sông. Chợ thuộc thôn Mỹ Giang (sông đẹp), xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên. Tương truyền, chợ hình thành từ cuối triều Lý với cái tên ban đầu là chợ Giang Tân. Trước đây chợ là trung tâm buôn bán lớn nhất của huyện Thủy Nguyên và các vùng lân cận. Giống như các chợ quê khác, chợ Giá bán, buôn chủ yếu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy-hải sản, vải vóc, rổ, rá, nơm úp cá, đó tre, dậm tre. Do đặc trưng sông nước và việc kiếm sống của người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, vận tải bằng thuyền bè nên chợ còn bán cả thuyền, mủng, lưới bắt cá…
Cách đây gần 20 năm, khi huyện có nhu cầu xây chợ mới, những người yêu lịch sử địa phương và các nhà nghiên cứu văn hóa đã vận động chính quyền địa phương giữ lại một góc kiến trúc chợ cổ phục vụ khách du lịch và những ai quan tâm tìm hiểu lịch sử. Góc chợ cổ tồn tại thêm được một thời gian nhưng về sau cũng không giữ được và hoàn toàn biến mất trong một ngôi chợ mới được xây dựng khang trang hơn xưa. Nguyên nhân là môi trường thương mại đã thay đổi theo hướng hiện đại, kéo theo là sự thay đổi thói quen mua sắm của người dân, người ta ít đến chợ hơn khi có thể mua sắm hàng hóa dễ dàng ở các siêu thị, cửa hàng mọc lên ngày càng nhiều và thậm chí là mua bán trực tuyến qua mạng internet.
Chợ Giải:
Tờ mờ sáng chợ Giải đã họp.
Thành phố Hải Phòng vẫn còn lưu giữ được một phiên chợ cổ với tục lệ đẹp, đó là chợ Giải ở thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng. Tương truyền chợ có từ thế kỷ 13. Từ xa xưa đến nay, mỗi năm chợ chỉ họp một phiên vào sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán. Đó là phiên chợ “buôn may, bán rủi” nên mới được gọi là chợ Giải (tương tự như chợ Viềng của tỉnh Nam Định). Tên chợ Giải hàm ý là giải xúi, cởi bỏ những khó khăn, lo lắng, ưu tư, sầu muộn của con người. Do vậy đây là phiên chợ mang ý nghĩa văn hóa-tâm linh.
Vào ngày họp chợ, người ta mang sản vật của nhà ra chợ bán lấy may chứ không tính toán, cầu lợi. Ngay từ 3 – 4 giờ sáng, người dân đã bày bán nhiều loại hàng hóa từ mớ rau, nải chuối, buồng cau, lá trầu, củ, quả, thịt, cá, tôm, cua đến các loại gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh và những món ăn đặc sản của vùng quê Tiên Lãng. Và 2 mặt hàng đơn sơ nhưng lại bán rất chạy là gói muối, gói gạo cầu may phù hợp với câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” (Muối đầu năm cho tình cảm mặn mà, vôi cuối năm để tẩy uế, làm sạch nhà cửa đón xuân). Chợ họp từ tinh mơ sáng tới gần trưa thì kết thúc. Đây là phiên phợ cầu may nên người bán không nói thách và người mua không mặc cả. Trước đây, hội chợ Giải còn có nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ người, đánh đu, bịt mắt bắt gà. Nay hoạt động này không còn nữa.
Trong quá khứ, có những năm phiên chợ này bị mất đi thì nay đã được khôi phục và địa phương đang có nhiều nỗ lực giữ gìn mỹ tục này.
Chợ Giải họp ở khoảng sân trước và ngay trên đường bao quanh đền Hà Đới – một trong 5 ngôi đền thiêng của huyện Tiên Lãng. Đền này tôn thờ tướng quân Trần Quốc Thành và Băng Ngọc Anh Linh Công Chúa – Thành Hoàng 2 làng Hà Đới – Ngọc Động xã Tiên Thanh.
Chợ Giải họp tại sân đền làng Hà Đới vào sáng mồng 2 như một lễ hội tưởng nhớ thượng tướng quân Trần Quốc Thành. Tương truyền vào thế kỷ thứ 13, thượng tướng quân Trần Quốc Thành về trấn thủ vùng này, ông cho đóng quân đồn trú, lập trang ấp. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao hộ quốc, an dân của ông thì hằng năm, vào sáng mồng 2 tết, người dân dân địa phương lại họp chợ mua – bán cầu may.
Chợ Cau ở Thủy Nguyên.
Đã sang thế kỷ 21, những lá trầu, quả cau vốn dĩ gắn liền với văn hóa dân gian người Việt từ ngàn đời xưa qua chuyện cổ tích trầu cau và phong tục ăn trầu với câu nói “Lá trầu là đầu cau chuyện”. Ngày nay, phong tục dùng lá trầu, quả cau dâng cúng tổ tiên, dùng buồng cau, xấp trầu không trong lễ cưới, hỏi, tang ma vẫn thông dụng trong đời sống. Cau tưởng như là mặt hàng không còn được đề cao trong thời buổi này, vậy mà tại Hải Phòng lại vẫn lưu giữ được một phiên chợ độc đáo nhất nhì miền Bắc mang tên: chợ Cau (chợ buôn cau).
Đó là một khu chợ khá đặc biệt ở làng Lý Nhân, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên) chỉ họp vào buổi đêm và kẻ bán, người mua luôn phải sử dụng đèn pin để giao dịch. Chợ này có tên là chợ Giáp Bắc (của thôn phía Bắc) hay còn được gọi bằng cái tên rút gọn là chợ Cau. Không biết chợ này có từ bao giờ. Đó là một khu chợ giờ đây được một người địa phương đầu tư với hơn 3000m2 từ diện tích đất bỏ hoang, nay được đổ nền bê tông chắc chắn, phủ mái che tránh nắng, mưa cho người mua – bán.
Chợ cau Lý Nhân.
Cau từ khắp nơi từ các huyện, quận Hải Phòng đổ về đây với số lượng lớn cùng sự có mặt của các thương lái ở khắp các tỉnh, thành miền Bắc như: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Cau được mua – buôn vào đến tận Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Chợ Cau họp đủ 30 ngày trong tháng, từ trung tuần tháng 8 âm lịch năm nay đến tháng 4 âm lịch năm sau, trùng với mùa thu hoạch cau.
Nét độc, lạ của chợ Cau là ở chỗ, tại đây không chỉ buôn bán một mặt hàng duy nhất là cau, mà còn vì chợ bắt đầu họp từ chiều tối đến lúc đêm muộn theo quy định. Đó là hoạt động mua và bán cau phải thực hiện theo những luật định bất thành văn: Những người đến sớm bày hàng trước, không cần trông coi trong lúc vẫn có thể tiếp tục công việc riêng của mình. Đúng 19h15’, Ban Quản lý chợ tiến hành… tắt điện và đến 22h30’ điện mới được thắp sáng trở lại. Người mua, người bán phải sử dụng đèn pin để thực hiện các giao dịch. Hoạt động mua bán cau tấp lập nhất là từ lúc 20h30’ đến 21h15’, đây là khoảng thời gian các thương lái buôn bán và trả giá, sau đó là công đoạn bốc hàng, cân cau, trả tiền của các buôn lái lớn.
Lý giải về việc tắt điện trước mỗi giờ chợ họp người dân ở đây cho hay: Lệ này đã có từ xưa, nhằm tránh trường hợp mua tranh, bán cướp, cũng là để tạo sự công bằng, người đến trước cũng như người đến sau ai cũng có thể chọn cho mình những buồng cau ưng ý.
Nguồn gốc chợ cau: Xưa chợ Giáp Bắc làng Lý Nhân là chợ đầu mối chuyên thu mua, buôn bán cau lớn nhất phía Bắc. Trước đây, chợ còn có tên gọi khác là chợ Sáng nằm ở hai bên hông của tuyến quốc lộ 352 chạy qua xã. Khi đó người bán cau thường bày hàng ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Không những thế, vì không có bất kỳ quy định nào về giờ giấc mua bán, nên việc giao thương diễn ra lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tiểu thương và an ninh, trật tự nơi đây.
Nắm được tình hình trên, một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lý Nhân – anh Nguyễn Văn Đức đã thầu lại khu đất trên của xã, cùng với anh em thương lái bắt tay xây dựng chợ, đầu tư với số tiền lớn. Khu chợ ngày một khang trang và hoàn thiện hơn với 2 khu thu mua chính là khu cau xuất khẩu và khu cau phục vụ nhu cầu trong nước. Và từ đó, ban ngày ở đây vẫn là khu chợ dân sinh, đến chiều muộn mới chuyển sang buôn-bán cau.
Cũng chẳng biết vô tình hay hữu ý mà khi lập chợ, Ban quản lý chợ lại chọn vị trí đắc địa khi xây dựng chợ không xa đình Lý Nhân – một địa chỉ tâm linh đông người lui tới hương khói và hằng năm, chợ đều đóng góp một khoản tiền không nhỏ tu tạo đình chùa, miếu mạo của địa phương.
Chợ cau không chỉ phục vụ mục đích thương mại mà giờ đây còn thu hút những khách du lịch hiếu kỳ đến để khám phá nét văn hóa độc đáo của chợ Cau Lý Nhân, dù không có mấy nhu cầu giao dịch.
Hiện nay, ở Thủy Nguyên có một làng nghề truyền thống trồng cau nổi tiếng. Đó là làng cau Cao Nhân, nơi đang cung cấp khá nhiều cau cho chợ cau Lý Nhân (xã Quảng Thanh) và cũng là nơi thu hút thương lái đến thu mua cau mang đi các nơi. Cao Nhân là vựa cau nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là quê hương của giống cau Liên Phòng, là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu cau sang Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan tính đến thời điểm này và cũng là làng kinh doanh buôn bán cau hàng đầu Việt Nam.
Trên đây là một số phiên chợ có thể coi là cổ xưa ở Hải Phòng còn tồn tại đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, những chợ cổ dần nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Việc quy hoạch, xây dựng lại chợ là cần thiết. Vì thế, nhiều ngôi chợ xưa như chợ Đại Hợp, chợ Giá, chợ Đầm, chợ Đôi (Tiên Lãng), chợ Hỗ (An Dương), chợ Mõ (Kiến Thụy), chợ Nam Am (Vĩnh Bảo), chợ Kênh (An Lão)… đều được xây mới khang trang, đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường. Vẫn biết, để có thể hài hòa giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn văn hóa là một bài toán khó. Nhưng nhiều người vẫn mong muốn được nhìn thấy chút xưa trong kiến trúc cổ của những ngôi chợ truyền thống. Những người làm công tác văn hóa, lịch sử và những ai nặng lòng với giá trị cổ vẫn mong muốn chính quyền địa phương và người đầu tư-xây dựng chợ nghiên cứu để vừa nâng cấp chợ cũ mà vẫn giữ được phần nào kiến trúc cổ, để lại một góc chợ làm điểm du lịch văn hóa, bảo tồn giá trị lịch sử – văn hóa của cha ông ta.
Thi Văn.