
Học trò ca trù trường tiểu học Đông Môn, xã Hòa Bình, Thủy Nguyên tại sân đình làng.
Ngày 1/10/2009, ca trù nước ta được tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng với các Di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ca trù trở thành niềm tự hào của văn hóa dân tộc.
Sở dĩ di sản này được coi là loại hình văn nghệ dân gian cần bảo vệ khẩn cấp vì số nghệ nhân nắm giữ tinh hoa nghệ thuật này ngày một mai một, không kịp truyền lại cho hậu thế, trong khi số người quan tâm, học-theo ca trù cũng ít dần trong bối cảnh xã hội dần thờ ơ với loại hình ca nhạc này.
Ca trù còn gọi là hát cửa đình, hát cửa quyền hay nói một cách dễ hiểu, đây là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi dịp tế lễ thần thánh ở các đền hay đình làng và trở thành một nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Ca trù ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, còn có chức năng văn hóa xã hội như dùng để hát thi, hát chơi, hát mừng thọ, đón tiếp sứ giả nước ngoài, tế lễ. Lối hát này xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ XI và đến thế kỷ thứ XV thì ca trù phát triển thịnh hành được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Có thể nói, Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Trong hành trình gìn giữ và quảng bá loại hình ca nhạc “bác học” là ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) ở Việt Nam nói chung và ở Hải Phòng nói riêng, ca trù đã trải qua quá trình phát triển nhiều thăng trầm.
Xưa nghệ nhân trình diễn là để kiếm sống, còn trong giai đoạn hiện nay, nghệ nhân trình diễn còn là vì đam mê một loại hình văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời, mong muốn truyền dạy, bảo tồn nó cho thế hệ sau. Không gian trình diễn, truyền dạy cũng trở lên đa dạng hơn, có thể là ở Đình, ở Phủ, cũng có thể là ở Nhà văn hóa hoặc đơn giản chỉ là tại nhà của một nghệ nhân nào đó. Giữa sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông thời hội nhập làm thay đổi thói quen, sở thích nghệ thuật của công chúng thì việc gìn giữ và phát huy được nghệ thuật Ca trù tại Hải Phòng với sự kế thừa, sự sáng tạo, truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác của các nghệ nhân, giáo phường, câu lạc bộ là những cố gắng đáng khích lệ, động viên. Từ chỗ gần như lụi tàn, được từng bước khôi phục, từ năm 1993 đến nay, Câu lạc bộ (CLB) ca trù Hải Phòng đã phát triển tương đối đa dạng với các hình thức tổ chức như Giáo phường, CLB, nhóm sở thích, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Nhận thấy giá trị của di sản văn hóa Ca trù, ngày 09/09/2015, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 3849/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 04/2/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 3482/QĐ-UBND ngày 27/12/2018; Quyết định số 3319/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 ban hành Chương trình công tác năm 2020, Quyết định 3916/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 về việc Ban hành Chương trình công tác năm 2021. Trong những Chương trình, kế hoạch đó đều đưa nội dung Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Ca trù vào nội dung Chương trình công tác năm của thành phố Hải Phòng.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và thành phố, trong những năm qua, nghệ thuật Ca trù thành phố Hải Phòng có nhiều khởi sắc với các hoạt động giao lưu, trình diễn, qua đó các nghệ nhân có cơ hội thể hiện, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những nghệ nhân thuộc câu lạc bộ ca trù các tỉnh, thành phố khác. Qua các lần dự Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương và các cuộc thi-liên hoan ca trù mở rộng tại các địa phương khác, Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng dần khẳng định vị trí như là một trong những địa phương có phong trào phát triển mạnh nhất nước.
Là ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa-thể thao, có thể nói Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng trong những năm qua đã quan tâm thích đáng đến hoạt động bảo tồn, quảng bá nghệ thuật ca trù, đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Đoàn nghệ thuật Ca trù thành phố Hải Phòng tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 và đạt 01 giải A toàn đoàn, 03 giải A, 02 giải B cá nhân. Năm 2018, Hội đồng Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với 03 nghệ nhân Hải Phòng, trong đó có 01 nghệ nhân Ca trù. Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với 10 nghệ nhân, trong đó có 03 nghệ nhân Ca trù.
Năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai Đề án tái tạo không gian văn hóa sân đình với mục đích thực hành, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian trong đó có di sản văn hóa phi vật thể Ca trù. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp cùng các Câu lạc bộ tổ chức các chương trình trình diễn, giao lưu phục vụ khách du lịch tại đình Hàng Kênh, phủ từ Đông Môn, phối hợp với các trường học triển khai tổ chức truyền dạy ca trù đến học sinh, sinh viên. Trong những năm qua, Giáo phường Ca trù Hải Phòng đã đào tạo được nhiều lứa học viên là các học sinh của các trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, Trương Công Định, An Đà, trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch; câu lạc bộ Ca trù Đông Môn đã truyền dạy các học viên là học sinh trường Tiểu học Hòa Bình. Các em đã nắm bắt được một số làn điệu cơ bản của ca trù như Hát nói, Bỏ bộ, Bắc phản, Miễu, Gửi thư. Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng và các Câu lạc bộ Ca trù đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia thực hiện Dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước Ca trù” với sự tham gia của 10 nghệ nhân Ca trù Hải Phòng trong thời gian 04 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) tại di tích kiến trúc quốc gia Đình Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Từ năm 2010 đến nay (trừ 2 năm 2020, 2021 do dịch Covid 19), Sở Văn hóa và Thể thao đều bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể Ca trù tại thành phố Hải Phòng. Để bảo vệ giá trị di sản văn hóa vật thể Ca trù, tạo điều kiện cho hoạt động trình diễn, truyền dạy Ca trù thuận lợi, năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã Quyết định tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử-văn hóa cấp thành phố Phủ từ Đông Môn (xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên) và sửa chữa cấp thiết Di tích Lịch sử – VH cấp Quốc gia đình Hàng Kênh (năm 2020-2021).
Trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc chúng ta cần nói về sự kiện Giáo phường ca trù Hải Phòng phục dựng thành công lối hát cửa đình, một hình thức hát thờ đỉnh cao của nghệ thuật ca trù:
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) thì nghệ thuật Ca trù được xem như thể loại nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt. Theo sử liệu, từ 1000 năm trước, đã hình thành giới đào nương (người nữ hát), kép đàn (người đệm đàn đáy) sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp ca hát gọi là giáo phường. Người đứng đầu giáo phường là Quản giáp – một chức sắc được nhà nước phong kiến ghi nhận, có nhiệm vụ coi sóc công việc làm ăn của các đào nương, kép đàn trong giáo phường và tổ chức hoạt động. Theo các tài liệu, thư tịch cổ, sinh hoạt hát ca trù gắn liền với các đình làng, và hát cửa đình thường do một giáo phường xuất sắc được chọn đảm nhiệm. Vì thế, canh hát thờ cửa đình có thể coi như một chương trình âm nhạc chuyên nghiệp trọn vẹn với nghi thức chặt chẽ và chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Chữ “Ca trù” (hát thẻ tre) vốn cũng để chỉ việc chi trả thù lao nghệ thuật cho các nghệ sĩ thông qua phương thức thưởng thẻ (trù). Trong một chầu hát nghi lễ cửa đình, cứ mỗi đoạn đàn ngọt hát hay, quan viên làng sở tại lại gõ dùi “cắc” một tiếng vào tang trống báo hiệu, phía bên kia, một quan viên khác đánh một tiếng cồng đối ứng, lập tức người giữ thẻ ném một chiếc vào cái chậu đồng để phía sau lưng đào kép trình diễn. Cứ thế, sáng hôm sau khi kết thúc công việc, đào kép chỉ việc đếm thẻ để tính công với làng sở tại. Giá trị mỗi thẻ thưởng có thể quy ra tiền hay vật phẩm tùy theo khế ước mà đôi bên đã thống nhất từ trước. Có thể nói, đây là thiết chế văn hóa cung/cầu nghệ thuật đầu tiên của người Việt được ghi nhận. Điều đó cho thấy, bên cạnh chức năng thờ tự, mỗi đình làng Việt xưa có giá trị như một “nhà hát nhân dân” mà ở đó, các giáo phường chia nhau quyền hát cửa đình trong mỗi vùng, không bao giờ xâm phạm đất diễn của nhau.
Sử liệu ghi rằng, hát cửa đình đã tồn tại rất hưng thịnh tại các làng quê miền Bắc đổ vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Trung bình mỗi một huyện có một đến hai giáo phường hát cửa đình. Các đào kép sinh sống trong các giáo phường đảm nhiệm phần nhạc lễ cửa đình của làng mình. Mỗi một giáo phường sẽ nắm giữ quyền hát cửa đình trong vùng họ sinh sống. Và điều thú vị nữa là nếu làng đó không muốn giáo phường đó hát ở cửa đình làng mình thì họ phải bỏ tiền mua lại điều kiện hát của giáo phường này. Vì vậy, ca trù cửa đình được xem như một tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp có từ ngày xưa.
Đến cuối thế kỷ thứ 19, ca trù bắt đầu du nhập lên phố thị, các ca quán được hình thành và phát triển song song với hát cửa đình. Trải bao thăng trầm, sinh hoạt hát cửa đình vẫn tồn tại cùng dòng chảy lịch sử. Chỉ đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau và cái nhìn khắc nghiệt của xã hội cho rằng nghề hát ả đào là môn chơi bời đàng điếm nên các đào kép, người thì chuyển sang nghề khác, người thì giấu nhẹm tung tích, bỏ hẳn nghiệp tổ nhiều đời.
May thay, khoảng hơn 30 năm trở lại đây, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 5 của BCH Trung ương Đảng (khóa 8) về “Xây dựngg nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta đã dần làm sống dậy từng phần kho tàng nghệ thuật vô giá của cha ông. Xã hội cũng đã có cái nhìn khác với Ca trù, đặc biệt sau khi bộ môn được vinh danh Di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.
Để giữ gìn tinh hoa cha ông thì các nghệ nhân thực hành nghệ thuật được coi là “báu vật sống” có thể giúp phục dựng lối hát cổ xưa. Trong số những nghệ nhân lão thành ca trù còn lại tới năm 2014, cụ Nguyễn Phú Đẹ ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) được xem là kép đàn duy nhất từng thực hành Hát cửa đình vùng Hải Dương thời xưa. Bố ông nguyên là quản giáp hàng tổng, mẹ ông vốn là một đào ngự – từng vào kinh thành Huế hát chúc thọ vua Nguyễn.
Dù đã 91 tuổi, nhưng thật may mắn là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ hãy còn khỏe mạnh minh mẫn và ông có một trí nhớ tốt về cách thức và lối hát cửa đình. Bởi vậy nhờ sự giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, CLB Ca trù Hải Phòng, đứng đầu là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Đỗ Quyên đã tìm đến cụ Đẹ với mong muốn được truyền dạy thể thức và làn điệu hát cửa đình. Với sự thuyết phục của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, cụ Đẹ đã đồng ý truyền dạy những tinh hoa mà cụ nắm bắt được cho các hậu nhân yêu nghề của CLB Ca trù Hải Phòng.
Bốn tháng ròng rã bắt đầu từ tháng 9-2014, NSƯT Đỗ Quyên – chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng đã cùng với các ca nương, đào kép của câu lạc bộ lặn lội từ Hải Phòng về Hải Dương, đến nhà cụ Đẹ để nhờ cụ truyền dạy cho các ngón nghề, cách thức trình tự một chầu hát cửa đình hoàn chỉnh. Cùng với sự định hướng của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, thầy trò cụ Đẹ đã biến ý tưởng và ký ức thành hiện thực, khi phục dựng lại đầy đủ và nguyên vẹn một canh hát thờ của ca trù.
Và tại Đình Hàng Kênh (TP Hải Phòng) ngày 14/01/2015, lần đầu tiên sau 60 năm vắng bóng, trình thức “Hát cửa đình” của nhạc Ả đào cổ điển bước đầu đã chính thức sống dậy trong buổi biểu diễn báo cáo kết quả học tập của CLB Ca trù Hải Phòng với sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, thu hút rất đông người xem. Với 14 thể cách chia làm 5 lớp diễn, bắt đầu từ màn múa Tứ linh từ ngoài sân đình, dàn nhạc bát âm trước cửa đình, các ca nương và đào kép của CLB đã thực sự làm người tham dự ngỡ ngàng. Bài bản, nghiêm ngắn nhưng vẫn lộ ra cái chất thăng hoa tột đỉnh của nghệ thuật ca trù.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng NSƯT Đỗ Quyên và các đào kép trong buổi biểu diễn ngày 14/01/2015.
Ngày 22/3/2019 cụ Nguyễn Phú Đẹ – người nắm giữ tinh hoa của nghệ thuật ca trù, người có công giúp các CLB Ca trù Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng bảo tồn nghệ thuật này đã ra đi ở tuổi 97. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015, danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân tháng 3 năm 2019, kịp giúp các truyền nhân của nghệ thuật ca trù Việt Nam bảo tồn được lối hát Cửa đình quý giá.
NSƯT Đỗ Quyên cho biết, canh hát cửa đình được phục dựng hoàn toàn dựa vào trí nhớ của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Toàn bộ kinh phí học hát, học đàn, cho đến việc phục dựng một cách bài bản, nghiêm túc trình tự nghi thức của một canh hát cửa đình, câu lạc bộ đều tự xoay xở. Cho đến lúc đó, chị chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị bảo tồn di sản. Nghe đâu chị phải đi vay tiền để có đủ kinh phí chi cho các khoản phục dựng bài bản và công phu này. Học hát thì gian truân là thế, phục dựng thì kỳ công và tốn kém thế, nhưng khi được hỏi về kế hoạch để thực hành và phổ biến ra công chúng canh hát cửa đình này như thế nào thì chị Quyên cũng lúng túng không biết trả lời sao. Không gian đình Hàng Kênh rất lý tưởng cho việc trình diễn hát cửa đình. Tuy nhiên, để tái hiện trọn vẹn một canh hát như thế không hề dễ dàng, bởi cần tiền và công sức. Và biểu diễn để thu về kinh phí tự nuôi sống và giúp cho các đào, kép tiếp tục theo nghiệp ca trù bằng cách nào thì chị Quyên cũng không thể biết. Chỉ biết rằng, với đam mê nghề nghiệp và mong muốn bảo tồn nghệ thuật ca trù, mỗi tháng vào các buổi sáng thứ Bảy của tuần cuối cùng trong tháng, giáo phường ca trù Hải Phòng do chị làm Chủ nhiệm vẫn tổ chức canh hát ca trù cuối tháng đều đặn, phục vụ công chúng và khán giả yêu mến môn nghệ thuật này.
Mong rằng các Hội chức năng và ngành Văn hóa thành phố quan tâm thiết thực hơn nữa tới những cố gắng đáng trân trọng của các nghệ nhân dân gian Hải Phòng nói chung và các ca nương, kép đàn ca trù Hải Phòng nói riêng, giúp cho các nghệ nhân có thêm động lực trên con đường bảo tồn nghệ thuật dân gian truyền thống.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo phường Ca trù Hải Phòng (1993-2023), chúc các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhân dân tiếp tục phát huy ngọn lửa nhiệt huyết và lòng yêu nghề, không ngừng cố gắng trên con đường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
P.V Thi, Hội Văn nghệ Dân gian HP.