Ca sĩ – Nghệ sĩ Nhân dân Trần Khánh .

Chân dung ca sĩ Trần Khánh.

          Trần Khánh (1931-1981) là một giọng ca nổi bật của nền thanh nhạc cách mạng, người chiến sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
          Vào thập niên 60-70 đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, công chúng yêu âm nhạc không ai không biết và ngưỡng mộ một giọng hát vàng. Ông là một trong những tên tuổi sáng giá nhất trong làng thanh nhạc lúc bấy giờ. Đó là Trần Khánh, ca sỹ cả đời làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
          Cùng thời với ông có những nam ca sỹ nổi tiếng như Quốc Hương, Quý Dương, Trần Hiếu, Mai Khanh, Trung Kiên. Mỗi người một phong cách, sắc thái riêng. Nhưng Trần Khánh được coi là một giọng ca đặc sắc, độc đáo, mãi đến bây giờ vẫn chưa có ca sỹ nào thuộc lớp đàn em có thể so sánh, nhất là khi họ hát lại những bài trước đây ông đã hát.
          Tuy nhiên, phải nói rằng, sự nghiệp ca hát phục vụ cách mạng của Trần Khánh đã bắt đầu từ cách mạng Tháng Tám năm 1945.
          Tên tên tuổi ông đã gắn liền với nhiều ca khúc, hợp xướng, trường ca, đặc biệt là với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân. Những ca khúc như: Người chiến sĩ ấy, Tôi là người thợ lò, Tin chiến thắng (của Hoàng Vân), Tình ca đất nước, Hà Nội niềm tin và hy vọng (của Phan Nhân), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (của Chu Minh), Tiếng đàn xe nước (của Vân Đông), Ba Đình nắng (của Bùi Công Kỳ), Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc Lương Vĩnh – thơ Hải Như), Tự nguyện (của Trương Quốc Khánh), Bình Trị Thiên khói lửa (của Nguyễn Văn Thương), Tình ca (của Hoàng Việt), hợp xướng Hồi tưởng (Trích đoạn hợp xướng Ca ngợi tổ quốc của Hoàng Vân)… là những tác phẩm được phát sóng rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam và được công chúng yêu thích.
          Đó còn là những bài sống mãi với thời gian như:“Mời anh đến thăm quê tôi” (Nguyễn Đức Toàn), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương … Đặc biệt là 3 bài: Bài ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), Hà Nội – niềm tin và hy vọng (Phan Nhân) và Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (nhạc Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông) thì ngay cả những ca sỹ lớp con, em sau này cũng phải thừa nhận không thể vượt qua được cái bóng của Trần Khánh trước đây.
          Nói đến Trần Khánh là người ta nói đến một ca sỹ có giọng nam cao sáng, vang, ấm áp, truyền cảm với âm khu rất rộng (tới 2 quãng 8), có khả năng thể hiện nhiều sắc thái phong phú: tâm tình, thủ thỉ, kịch tính, trữ tình, anh hùng ca… Ca khúc mà trao vào tay ông thì sẽ được nâng lên rất nhiều do ông chuẩn bị tập tành công phu trước khi thu thanh hoặc biểu diễn.
          Trần Khánh nổi tiếng từ sau hòa bình lập lại (1954). Nhưng riêng với Hải Phòng, ông đã được biết đến từ rất sớm – năm mới 14 tuổi.
          Trần Khánh, tên đầy đủ là Trần Hữu Khánh, sinh năm 1931 ở Nam Định trong một gia đình trung lưu, nhưng theo cha mẹ đến lập nghiệp ở Hải Phòng và sống những năm tháng tuổi thơ ở đây. Cậu bé Trần Khánh hát hay từ nhỏ. Chị và anh ruột của cậu khi đó cũng hát rất hay.
          Lúc mới 13 tuổi, khi đang đi học Trần Khánh đã là liên lạc trong tổ công tác cách mạng của nhạc sĩ Nam Cao. Chính sự gặp gỡ đầy nhân duyên giữa cậu bé Trần Khánh khi đó với Nam Cao đã khơi dậy tài năng âm nhạc tiềm ẩn trong cậu bé đất Cảng. Cũng chính trong những tháng ngày làm liên lạc viên của đội Nam Cao, Khánh đã được người nhạc sĩ tài ba dạy bảo cho những bài học âm nhạc cơ bản đầu tiên và tổ chức cho tham gia những buổi biểu diễn trong phong trào truyền bá quốc ngữ, phong trào Hướng đạo sinh hay quyên tiền giúp đồng bào bị đói. Từ đó, ở nơi chàng liên lạc viên trẻ tuổi đã hình thành hai tư cách: nghệ sĩ và chiến sĩ.
          Những ngày tháng 5/1945, nạn đói xảy ra ở khắp nơi. Đảng ta phát động phong trào cứu đói được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trong một lần chuẩn bị cho đợt tuyên truyền cứu đói, người anh ruột của Trần Khánh là Trần Liễn chuẩn bị hát 3 bài, trong đó có bài “Bạch Đằng giang” của nhạc sỹ Văn Cao.
          Nghe anh hát bài này, Trần Khánh rất thích, đã hát theo. Cậu hát quá hay khiến Văn Cao đề nghị anh Liễn nhường lại cho em hát để chỉ hát 2 bài. Và Văn Cao đã đích thân đệm đàn vi-ô-lông cho Khánh hát. Đây là lần đầu tiên, cậu hát trước số đông người nghe. Lần đó ai cũng trầm trồ về cậu bé mới 14 tuổi đã hát rất hay. Và cậu bắt đầu nổi tiếng ở Hải Phòng từ đó.
          Làm liên lạc cho tổ chức cách mạng ở Hải Phòng, Trần Khánh đảm nhiệm việc mang tài liệu, truyền đơn, vượt qua mạng lưới mật vụ dày đặc. Ngày nay, những sử liệu ở Hải Phòng còn ghi lại được những chiến công huyền thoại của đội danh dự tiễu trừ Việt gian khi ấy, có đóng góp của Trần Khánh. Năm 1945, ở Hải Phòng có tên Việt gian bán nước tay sai của Nhật khét tiếng độc ác bị nhân dân vô cùng căm phẫn tên là Đỗ Đức Phin. Ta quyết định trừ khử tên này. Công việc được giao cho nhạc sĩ Văn Cao. Cậu bé Khánh đã trợ thủ đắc lực cho người nhạc sỹ tài danh đồng thời là chiến sỹ Việt Minh lúc ấy thực hiện việc bắn chết tên Phin.
          Đó là một ngày cuối tháng 6 năm 1945. Khánh được giao nhiệm vụ quan sát nơi ở, tìm hiểu kỹ quy luật đi lại, hoạt động của tên này để Văn Cao hạ thủ. Khánh thực thi tận tụy. Cậu báo cho Văn Cao biết chính xác tên Phin đang có mặt tại một sòng bạc đường Đông Kinh (nay là phố Phan Bội Châu). Nhận được ám hiệu, Văn Cao tiến đến ngôi nhà mà trên gác đang có sòng bạc. Văn Cao nói Khánh ra về vì không muốn cậu bé chứng kiến cảnh bắn giết. Nhưng  Khánh rất lo lắng cho Văn Cao nên cứ nấn ná ở lại quan sát từ dưới đường. Đến khi Văn Cao nổ súng bắn chết tên Phin một cách rất mau lẹ, bí mật, bất ngờ, cậu mới yên tâm là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
          Sau đó, Trần Khánh rời Hải Phòng tới tòng quân tại chiến khu Đông Triều, Quảng Ninh. Tháng 8 năm 1945, ông trở về Hải Phòng hoạt động trong đội danh dự và tham gia cướp chính quyền.
          Tháng 12 năm 1945, người chiến sỹ nhỏ tuổi Trần Khánh lại tình nguyện lên đường chiến đấu trong đoàn quân Nam tiến. Lúc ấy, Khánh là người bé nhất đơn vị (14 tuổi). Tướng Nguyễn Bình rất quý cậu, không để cậu làm bất cứ việc gì ngoài ca hát để động viên các chiến sỹ. Cậu được mệnh danh là con chim sơn ca của đơn vị. Trần Khánh đã cùng tiểu đoàn 51 đi chiến đấu tại Đông Nam Bộ và vùng cực Nam Trung Bộ.
          Cùng theo chân Trần Khánh là tiếng hát trầm ấm, sáng, đẹp, xua tan đi bao mệt mỏi, nhọc nhằn, khó khăn, gian khổ… “Lửa cháy ngút trời… Ôi đau thương điêu tàn…” – tiếng hát của ông như có lửa cháy, sục sôi nỗi căm hờn quân xâm lược giày xéo quê hương, nó thôi thúc các chiến sĩ bộ đội và nhân dân trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổ Quốc.
          Trong một trận đánh ở đèo Cả, quân ta bị bao vây. Trần Khánh và đồng đội phải phải nhịn đói cả tuần lễ trong khi tìm cách phá vòng vây để rút về Tuy Hòa. Khi hầu như tất cả mọi chiến sĩ trong đoàn đều lả đi vì đói nhưng lại chỉ còn một nắm cơm, Trung tướng Nguyễn Bình đã đưa cho Khánh, ra lệnh: “Ăn đi mới có sức hát cho bộ đội nghe!”. Ăn xong, Khánh được chính Trung tướng bế lên mỏm đất cao, đứng giữa đoàn quân cất cao tiếng hát: “Đoàn vệ quốc quân một lòng ra đi/ Nào có xá chi đâu ngày trở về/ Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi, ra đi thà chết chớ lui …”.
          Tiếng hát của Trần Khánh như tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn quân, giúp họ tiếp tục đứng lên và vững bước tiến về phía trước. Sau này, khi nói chuyện với nhau, những chiến sĩ trong đoàn quân ngày ấy đã ưu ái gọi Khánh là “chim sơn ca”.
          Sau trận Đèo Cả, Khánh bị thương. Tháng 6 năm 1947, sau khi chữa lành vết thương, lúc đó mới chớm tuổi mười bảy, anh được đưa về thành phố Cảng. Tổ chức giao cho anh hoạt động trong vùng tạm chiếm tại thành phố Hải Phòng với  công tác biệt động.
          Tháng 9/1948, Trần Khánh bị Pháp bắt ở Hà Nội nhưng sau đó được tổ chức thuê luật sư bảo vệ giúp ra khỏi tù. Tháng 1/1949, ông được điều về Ty điệp báo thuộc Nha công an Trung ương, sau đó được sáp nhập vào Ty Công an Hà Nội làm công tác phản gián. Ông đã tham gia trận đánh vào vũ trường Paramouth, định dùng mìn phá đài phát thanh của Pháp ở phố Quán Sứ nhưng không thành.
          Đến năm 20 tuổi (1951), Trần Khánh được điều động hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội tạm chiếm với bí số SKZ50, dưới sự chỉ đạo của Sở Công an Hà Nội.
          Trong thới gian hoạt động ở  Hải Phòng và Hà Nội, với tư cách điệp viên, ông đã giúp điều tra những tài liệu mật về kế hoạch đánh chiếm Hòa Bình và Tây Bắc của Pháp trong những năm 1950, 1951.
          Một lần, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Chàng trai trẻ cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn dã man của địch, một mực không khai hoạt động của mình.
          Khi Khánh bị tống giam vào trại, mọi người đã xúm lại xiết chặt tay quây lấy anh, hứng chịu những làn roi của bọn cai ngục để chàng ca sỹ trẻ cất lên tiếng hát quả cảm: “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”. Không khai thác được gì, kẻ thù buộc phải thả Trần Khánh. Ông lại tiếp tục hoạt động, cung cấp được nhiều tin tức có giá trị của địch cho ta.
          Năm 1953, khi mất liên lạc với cơ sở ở nội thành (Lúc ấy, Sở Công an Hà Nội đóng ở đất quân khu Ba cũ), ông một mình đi lên Bắc Giang, trong hành lý có tấm giấy thông hành cho phép đi lại thành phố của Phòng Nhì (cơ quan mật thấm) Pháp mà đội trưởng của ông đã trao cho ông để hoạt động thuận lợi trong lòng địch. Chính nhờ giấy này mà ông đã che được mắt địch và hoạt động có hiệu quả trong vùng địch tạm chiếm. Nhưng khi lên đến Bắc Giang, ông bị Công an của ta ở đây bắt giam vì bị nghi là gián điệp cho địch (bằng chứng chính là cái giấy thông hành của Phòng Nhì kia).
          Tháng 11 năm 1953, ông bị kết án 6 năm tù vì tội làm gián điệp, mặc cho mọi lời giải thích. Việc liên lạc với Công an Hà Nội khi ấy không dễ. Tình ngay nhưng lý gian, trớ trêu thay, vừa mấy tháng trước đó, ông bị địch bắt giam thì nay lại phải ngồi trong trại giam của ta.
          Đến cuối năm 1954, thực hiện điều khoản của Hiệp định Geneve, Trần Khánh ra khỏi tù và về sinh sống tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
          Hai năm sau, tháng 6 năm 1957, ông về Hà Nội. Đang lang thang trên đường phố, không biết làm gì thì tình cờ ông gặp nhạc sĩ Văn Cao. Và Văn Cao đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát xin cho Trần Khánh vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó Trần Khánh gắn bó và trở thành một giọng ca xuất sắc của Đài tiếng nói Việt Nam và vai trò nghệ sĩ của ông mới thực sự bắt đầu. Sở hữu một chất giọng trời phú: sáng, đẹp, ấm áp, cùng sự khổ luyện, chau chuốt từng âm thanh, từng ca từ, suốt ngày này qua tháng khác, tiếng hát của Trần Khánh đã thực sự ở hàng hiếm thấy, giàu sức truyền cảm đến lạ thường, khiến mỗi trái tim người nghe đều rung động mạnh mẽ.

Trần Khánh (người cầm ghi ta) hát giữa bạn bè.

          Gần 30 năm ở Đài, Trần Khánh chỉ làm hợp đồng mà không được vào biên chế. Không phải vì ông từng bị ta bắt giam. Việc này sau đó đã được những người có trách nhiệm ở Sở Công an Hà Nội minh oan, mà vì ông luôn bị đánh giá là thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật. “Tội” của ông là đi biểu diễn ở đâu, luôn được người ta do hâm mộ mà yêu cầu ở lại phục vụ thêm. Hồi đó phục vụ không có “cát-sê” như bây giờ, phần nhiều chỉ có chút quà bằng hiện vật không đáng gì về vật chất. Nhưng ca hát để phục vụ người lao động là niềm vui duy nhất của ông khi ấy. Chỉ có điều đôi khi ông cũng hay say sưa rượu chè những lúc vui bạn, vui bè (Nghệ sĩ phần lớn là như vậy mà) nên bị khoác cho cái tội bê tha.
          Thời đó chưa tiện điện thoại như bây giờ nên ông đành phải “tiền trảm, hậu tấu”, mới luôn về trễ hẹn và bị cho là vô kỷ luật. Người ta bất chấp những lá thư các nơi gửi về Ðài thanh minh cho sự “vô tổ chức” của ông.. Với thành kiến rất trầm trọng đó, gần 30 năm, ông vẫn không được vào biên chế.
          Cho đến năm 1979, sự việc một ca sỹ nổi tiếng được đông đảo công chúng hâm mộ, bao nhiêu năm phải làm hợp đồng đã đến tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó. Cố Thủ tướng đã ngay lập tức can thiệp với Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, Trần Khánh mới được vào biên chế.
          Ngoài ca hát, Trần Khánh còn sáng tác một số ca khúc như: “Nắng ấm về trên Tổ quốc”, “Lời ru trên sóng”, “Tiếng sáo anh địa chất”…. Tổng cộng ông đã sáng tác hơn mười ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam cho lên sóng phát thanh.
          Tuy nhiên chỉ vài năm sau, ngày 15/6/1981, ông mất trong một vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Nếu ông không nổi tiếng, không được người ta yêu quý, ngưỡng mộ đến thế thì đã không xảy ra tai nạn này.
          Số là lần ấy, Trần Khánh nhận lời đi Quảng Ninh để lo tiền trạm cho một đợt biểu diễn của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam – nơi ông đang làm việc. Chỉ ông đi mới thuận lợi vì được nơi đây rất hâm mộ do đã hát “Bài ca người thợ mỏ” nổi tiếng trước đó. Khi ông ra bến để mua vé thì bỗng có một người lái xe trẻ tuyến Hải Phòng nhận ra. Anh ta chào Trần Khánh, bày tỏ sự ngưỡng mộ ông từ lâu, nay mới được gặp. Biết ông đi Quảng Ninh, người lái xe này đã  mời ca sỹ về Hải Phòng để được đón tiếp rồi sẽ chở ông về Quảng Ninh sau. Anh chàng cứ tha thiết, năn nỉ.
          Vừa nể, lại đã lâu không có dịp về Hải Phòng – nơi để lại bao kỷ niệm tuổi niên thiếu của mình, Trần Khánh đã nhận lời. Trời tối, cậu lái xe mải nói chuyện với Trần Khánh, đã tránh gấp một xe đi ngược chiều khiến xe của mình lăn kềnh, làm Trần Khánh bị thương nặng. Ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng khi mới 50 tuổi, đang ở đỉnh cao phong độ đối với một ca sĩ tài năng. Cái chết của ông để lại nỗi bàng hoàng, tiếc thương của biết bao công chúng yêu âm nhạc và bạn bè lúc đó.
          Năm 2007, Trần Khánh cùng với phát thanh viên Việt Khoa (Đỗ Trọng Thuận) của Đài tiếng nói Việt Nam và họa sĩ thiết kế sân khấu Bùi Huy Hiếu là 3 người được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
          Trần Khánh vừa là một chiến sỹ quả cảm, vừa là một nghệ sỹ có tài năng và cống hiến lớn. Thiết nghĩ ông xứng đáng được đặt tên phố ở Hà Nội hoặc Hải Phòng là hai nơi ông từng hoạt động nhiều.

          Thi Văn biên soạn, có tham khảo:
          – Chuyện vào biên chế của cố ca sĩ Trần Khánh/Nguyễn Đình San//Văn nghệ Công an online (báo An ninh TG cuối tháng).- ngày 11/06/2016
          Cố ca sĩ Trần Khánh: Anh bộ đội có giọng hát vàng/Xuân Đài//Báo An ninh Thế giới cuối tháng onlne. – ngày 10/12/2018.
          – Bách khoa Toàn thư mở Vi.wikipedia.org.

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học