Ba anh em họ Trương với cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng.

Ảnh miếu Đoài ở Du Lễ-Kiến Quốc-Kiến Thụy thờ Trương Nữu đại tướng quân (nguồn: Họ Trương Việt Nam).

Trương Đồng Tử là người làng Đồng Tử, huyện An Lão (nay thuộc phường Bắc Hà, quận Kiến An, Hải Phòng). Ông là người chính trực, trung hậu, kết hôn với bà Phùng Thị Trinh – chị gái Phùng Hưng (người Đường Lâm, xứ Sơn Tây). Ngày ấy người ta đồn đại ở quả núi Vọ (tức Vụ Sơn) ở bãi sông Đa Độ gần làng có con ma dữ, thường làm hại người, hại vật. Người quanh vùng không ai dám qua lại nên cảnh vật ở khu vực này hoang vu, ghê rợn. Ông Trương rất bực tức bảo với mọi người “Ma tà phải sợ người, chứ sao người chính nhân quân tử lại sợ ma tà”. Nói rồi ông từ biệt vợ, buổi tối vào ngủ trong núi mà chẳng thấy chuyện gì xảy ra.

Sáng ra, ông về bảo với dân làng là đã đánh chết con ma dữ núi Vọ. Mọi người kính phục theo ông phá bụi rậm, mở quang núi, lại đắp một đường thông cù, đặt bến đò Vọ đi sang vùng Văn Hòa, Hòa Liễu, Du Lễ… thuộc địa bàn Kiến Thụy nay. Ít lâu sau việc ông Trương đánh đuổi ma, làm lợi cho dân, bà Phùng Thị Trinh có thai rồi sinh một lần được 3 con trai. Ông Trương Đồng Tử đặt tên cho con là Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh.

Ông bà hết lòng nuôi dạy 3 con, cho các con học cả văn lẫn võ. Các cậu Phùng Hưng, Phùng Hải đều khen tài các cháu. Lúc ấy nước ta bị nhà Đường bên Trung Quốc đô hộ. Chúng thi hành nhiều chính sách bạo ngược khiến dân ta cực khổ trăm bề. Phùng Hưng cùng em trai Phùng Hải có chí cứu dân. Ông ngầm chiêu tập hào kiệt, xây dựng căn cứ. Các ông lại giao cho bà Phùng Thị Trinh vận động dân vùng ven biển Kiến Thụy, An Lão, An Dương đóng góp sức người, sức của cho nghĩa quân.

Năm Tân Mùi (791) nhân việc viên đô hộ Cao Chính Bình đốc thúc thu tô thuế gắt gao, lại gặp lúc mùa màng thất bát, Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, kéo quân về đánh phá phủ đô hộ. Bà Phùng Thị Trinh cùng ba con đem cánh nghĩa quân vùng ven bể xứ Đông ứng nghĩa. Bà lại giúp Phùng Hưng lo việc lương thảo. Phủ đô hộ bị vây hãm gắt gao khiến Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Bọn tàn quân nhà Đường rút chạy về Tầu. Phùng Hưng lên làm vua (sử gọi là Bố Cái đại vương theo nghĩa dân coi ông như bố mẹ).

Phùng Hưng ban cho chị gái Phùng Thị Trinh danh hiệu công chúa, dân tôn kính gọi là Đức Bà. Ông lại phong quan tước cho ba anh em Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh. Sau khi Phùng Hưng mất, ba anh em họ Trương lại giúp con Phùng Hưng là Phùng An đối phó với quân Đường sang đàn áp cuộc khởi nghĩa và cả ba đều hy sinh vì nước. Nhớ công ơn họ, dân vùng Đồng Tử, Phù Lưu (Kiến An) đã lập đền thờ cả bốn mẹ con Phùng Thị Trinh và Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh.

Hiện dấu vết về việc nhân dân Hải Phòng tham gia cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng chống quân đô hộ nhà Đường hiện mới tìm được ở thôn Du Lễ, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy với đền Phùng gia huân tướng thờ Thái vương Trương Nữu (miếu Đoài) với truyền thuyết về bốn mẹ con bà Phùng Thị Trinh. Đây là Di tích được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử -văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.

Còn ở Phù Lưu thì chưa tìm được chứng tích cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng.

Nhuận Hà, theo An Lão huyện thần tích & Hồ sơ di tích miếu Du Lễ (tư liệu điền dã).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học