
Ca trù là một loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của cha ông ta. Đó là một hình thức ca nhạc khó học, kén người nghe, xưa kia được dành chủ yếu cho tầng lớp tao nhân, mặc khách và tầng lớp quan lại, người có tiền thưởng thức. Ngày nay nó được nhiều người hâm mộ, tìm hiểu và học hỏi.
Với những giá trị tiêu biểu và đứng trước nguy cơ bị thất truyền, năm 2009, tổ chức Văn hóa-Giáo dục- Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Theo dòng lịch sử, loại hình nghệ thuật ca trù có từ thời nhà Lý và rất thịnh hành từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX. Ca trù là một loại hình nghệ thuật dân gian nhưng mang đậm tính chất bác học bởi đây là một thú chơi tao nhã dành cho các thi sĩ, “tao nhân mặc khách” từ cung Vua, phủ Chúa đến dinh thự quan lại, tư gia, ca quán và ở chốn đình chung…đều là nơi biểu diễn của ca trù…
Đến cuối thế kỷ XIX, khi các nhà hát, các ca quán (nhà tơ) được mở ra nhiều mang tính chất kinh doanh đến độ suy đồi, phản văn hóa thì ca trù bị xã hội xa lánh. Các đào nương, kép đàn một thời đã phải mai danh, ẩn tích.
Cuối thế kỷ XX, Nhà nước có chủ trương khôi phục nghệ thuật ca trù và năm 2009 đuợc UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp thì ca trù đã được khôi phục, dần lấy lại vị thế xứng đáng của mình.
Ca trù Hải Phòng cũng không nằm ngoài dòng chảy đó của lịch sử. Tháng 4 năm 1993, một nhóm đào kép của Ca quán Bà Mau cánh gà trong, cánh gà ngoài đã tụ hội lại cùng nhà Nghiên cứu văn nghệ Dân gian Giang Thu (Giang Văn Thu) lập ra tổ Ca trù trong Câu lạc bộ (CLB) Thơ thuộc Trung tâm Phương pháp CLB (nay là Trung tâm Văn hóa thành phố) với mong muốn lưu giữ lại cái nghề đã vang bóng một thời.
Dưới sự dìu dắt của các đào nương Đào Thị Thẩm, Nguyễn Thị Chín, Đào Thị Bảo, kép đàn Trần Trọng Quế, quan viên chống trầu Nguyễn Hãn, ca trù Hải Phòng được hồi sinh. Lớp kế cận của các nghệ nhân lúc bấy giờ thật ít ỏi, như nghệ sĩ Kim Yến, Thanh Cần, Thanh Thuận, Đỗ Quyên, Hồng Nhung, Nguyễn Thị Bích…đã đến với ca trù bằng cả tấm lòng yêu quý, trân trọng các bậc nghệ nhân tài danh của đất Cảng. Và từ đó CLB Ca trù Hải Phòng chính thức được thành lập.
Chặng đường xây dựng và bảo tồn nghệ thuật ca trù còn gặp nhiều khó khăn, mà một trong những nguyên nhân là chưa có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo ngành văn hóa cũng như các cấp chính quyền lúc bấy giờ. Nhưng với sự kiên trì học tập cùng với sự truyền dạy nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân lúc đó (dẫu đã ngoài 70 tuổi), CLB đã có một chương trình giới thiệu với khán giả trên Đài Phát thanh & Truyền hình Hải Phòng Tết năm 1996. Sau đó các chương trình ca trù liên tiếp được biểu diễn và phát sóng nhiều hơn. Ca trù Hải Phòng cũng như ca trù một số tỉnh thành đã được khôi phục.
Năm 2005 Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thông tin) tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Tĩnh, CLB Ca trù thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng được cử đi tham dự với các nghệ nhân: quan viên trống chầu Nguyễn Hãn, nhà nghiên cứu Giang Thu, ca nương Đỗ Quyên, ca nương Thu Hằng, ca nương Hải Phượng, kép đàn Hoàng Khoa…đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và được Ban Giám khảo đánh giá cao về phong cách và chất lượng với 4 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc (trong đó 1 huy chương Vàng toàn đoàn, 3 huy chương Vàng cho ca nương Đỗ Quyên, trống chầu Nguyễn Hãn, kép đàn Hoàng Khoa và huy chương Bạc cho ca nương trẻ Thu Hằng), 1 bằng khen của bộ Văn hóa Thông tin cho CLB. Với những thành tích đạt đuợc trong Liên hoan Ca trù toàn quốc, ca trù Hải Phòng đã khẳng định được vị thế trong cả nước, đó cũng là động lực thúc đẩy cho các nghệ nhân, đào kép, quan viên của CLB thêm khí thế và nhiệt huyết để học tập và rèn luyện. Các bạn trẻ yêu mến ca trù cũng đã dần tìm đến và theo học ngày một nhiều hơn.
Năm 2007-2009, CLB Ca trù Hải Phòng tiếp tục tham dự Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hải Dương và Hà Nội, nhận được 3 huy chương Vàng cho ca nương: Đỗ Quyên, Thu Hằng, Hải Phượng và 2 huy chương vàng cho kép đàn Tô tuyên, Hoàng Khoa…
Chặng đường phát triển nghệ thuật ca trù Hải Phòng còn rất nhiều khó khăn vì kinh phí được cấp cho hoạt động rất hạn hẹp, chỉ đủ phục vụ trà nước cho các buổi biểu diễn miễn phí phục vụ khách yêu mến ca trù đến nghe chứ chưa có sự đầu tư mua sắm tư trang, nhạc cụ phục vụ cho học tập, biểu diễn hay truyền dạy. Nhưng CLB Ca trù vẫn hoạt động đều đặn, thường xuyên với tinh thần say mê truyền dạy, biểu diễn và đạt được những thành tích đáng khích lệ như trên.
Năm 2013, CLB Ca trù Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Liên hoan Ca trù mở rộng với sự tham gia của 5 CLB: Hà Nội, Lỗ Khê, Hải Dương, Thanh Hóa, Đông Môn (Thủy Nguyên-Hải Phòng) và có sự tham gia của các lão nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương), Nguyễn Thị Chín (Hải Phòng)…Đêm ca trù đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho khán giả Hải Phòng về nghệ thuật biẻu diễn, kỹ thuật hát của các đào nương.
Không ngừng trao đổi học tập, năm 2014, CLB Ca trù Hải Phòng lại tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Nội và dành huy chương Vàng với tiết mục “Tỳ bà hành” do đào nương Thu Hằng, kép đàn Hoàng Khoa, quan viên Xuân Tĩnh thể hiện.
Tuy đã được khôi phục, nhưng nghệ thuật ca trù toàn quốc nói chung và ca trù Hải Phòng nói riêng đến năm 2014 vẫn còn thiếu vắng không gian diễn xướng: Hát cửa đình. Trăn trở và tìm tòi, CLB Ca trù Hải Phòng được sự gợi ý của nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, được sự nhất trí của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú Đẹ cho về nhà nghệ nhân học lối hát cửa đình. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ là một kép đàn đã ngoài 90 tuổi (nay cụ đã mất) và là người duy nhất còn nhớ lại các trình thức mà một thời cụ đã từng biểu diễn). Cuộc hành trình tìm về cội nguồn của lối hát cửa đình thật vất vả gian nan. Không kể ngày mưa nắng, bão rét, chúng tôi đi gần 60 km về tới nhà nghệ nhân tại thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương để học tập. Sau 4 tháng gắng công học tập, thành quả ban đầu của CLB là buổi lễ trình diễn chương trình với 14 thể cách ca trù tại Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) ngày 14/11/2015 với sự chứng kiến của du khách, bạn hữu, các nhà thơ, nhà ngiên cứu, các phóng viên đài, báo Trung ương, địa phương và lãnh đạo quận Lê Chân, lãnh đạo thành phố. Ngày hội ca trù Hải Phòng diễn ra sôi nổi với đội múa tứ linh, dàn bát âm và 14 thể cách ca trù chia làm 5 lớp biểu diễn. Trong vòng 90 phút CLB đã khẳng định được khả năng, sự kế thừa và phát triển nghệ thuật ca trù ở thành phố Cảng.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ đã lưu bút: “Công nhận Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng học lối hát cửa đình đã đạt chuẩn”. Đó là niềm vui khôn tả của các đào kép, ca nương, quan viên CLB Ca trù Hải Phòng.
Không dừng lại ở chỗ kế thừa và gìn giữ, CLB Ca trù Hải Phòng còn hướng tới sự phát triển ca trù đất Cảng hơn nữa, đó là truyền dạy ca trù trong trường phổ thông. Câu hỏi đặt ra: Đưa ca trù vào trường học thì không có kinh phí cho việc giảng dạy; Đưa ca trù vào chương trình ngoại khóa của các trường đại học, cao đẳng hay Văn hóa Nghệ thuật cũng không hề đơn giản…Suy đi, tính lại, Ban Chủ nhiệm CLB tìm đến trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) vận động Ban Giám hiệu nhà trường cùng chung tay xây dựng chương trình đưa ca trù vào trường học. Việc làm đó đã được nhà trường đồng thuận, được lãnh đạo quận Lê Chân, Sở Giáo dục, Sở Văn hóa-Thể thao cho phép. Tháng 6 năm 2015, khóa học ca trù đầu tiên của nhà trường đã khai giảng với sự chứng kiến của Ban Giám hiệu, Hội Phụ huynh học sinh, chi đoàn Thanh niên cùng 17 học sinh tham gia học tập. 3 tháng hè là thời gian ngỉ ngơi, vui chơi của các trò, song các em đã say mê học tập một loại hình nghệ thuật khó như ca trù. Kết quả, ngày khai giảng năm học 2015-2016, các em đã ra mắt thể cách ca trù là múa hát bỏ bộ trước sự chứng kiến của đông đảo học sinh, giáo viên và quan khách đến dự.
Không dừng lại ở thể cách bỏ bộ, các thể cách: Hát nói, gửi thư, Bắc phản dần dần đã ngấm vào câu hát của các em. Trong 2 năm, 3 khóa học ca trù với gần 40 học sinh theo học. Kết quả thu được biểu hiện rõ nét nhất qua “Đêm ca trù tri ân tiền nhân” ngày 13/12/2016 tại đình Hàng Kênh. “Đêm ca trù tri ân tiền nhân” là tiếng vang lớn trong đời sống văn hóa của trường Nguyễn Công Trứ, có sự chứng kiến của các văn nghệ sĩ: Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bình Định – Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bạch Vân, NSƯT Đỗ Quyên và các ban, ngành thành phố Hải Phòng.
Xứng đáng là một CLB Ca trù mạnh trong toàn quốc, đến nay qua 25 năm xây dựng và phát triển CLB Ca trù Hải Phòng đã có 38 hội viên, trong đó có 1 NSƯT, 1 nghệ nhân Ưu tú, 7 nghệ nhân Dân gian; được tặng 3 bằng khen của Bộ Văn hóa, 2 bằng khen của UBND thành phố Hải Phòng, 1 bằng khen của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2 bằng khen của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và rất nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ liên hoan.
Thời gian qua, ca trù Hải Phòng như những con tằm nhả sợi tơ vàng dệt nên những trang mới của nghệ thuật ca trù đất Cảng…
(Nguồn: 25 năm khôi phục ca trù Hải Phòng /Đỗ Quyên//Văn hóa Văn nghệ dân gian Hải Phòng (quá khứ – hiện tại; Nxb. Hải Phòng, 2017).