
Ảnh lễ Minh Thề trong hội làng Hòa Liễu
Một số nhà nghiên cứu và sử học đều cho rằng lời thề trong hội Minh thệ ở làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy không phải là do Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (Hoàng Hậu của vua Mạc Đăng Dung) bày cho dân (như người địa phương nói) và được lưu truyền đến nay mà do tiền nhân đời Mạc đã mượn lời thề trung hiếu của các triều đại trước như Lý, Trần để làm tấu văn trong hội Minh thề.
GS. TSKH lịch sử Phan Đăng Nhật cũng cho là như vậy khi nói rằng: “Nhân dân nói rằng lễ thề là do Đức Thánh tức Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản “bày cho”. Thực tếÂÂ là Thái hoàng Thái hậu đã tiếp thu lễ thề của đời trước và một số nơi khác chuyển giao lại cho dân làng. Điều quan trọng là nhân dân Hoà Liễu có công giữ gìn lễ này cho đến ngày nay và bảo lưu một cách đầy đủ, trang nghiêm”.
Chúng ta biết rằng, người có công xây dựng nên chùa (tên chữ là Thiên Phúc tự) và đền Hòa Liễu là Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (bà nội của vua cháu Mạc Phúc Nguyên). Đền Hoà Liễu là nơi tôn thờ Bà – người đã lập ra ấp Lan Niểu (tiền thân của làng Hòa Liễu), làm việc thiện giúp dân, giúp đời và bỏ nhiều công, của chấn hưng chùa chiền. Theo dân chúng, chính bà là người đã lập ra lời thề chí công vô tư được đọc trong lễ hội Minh thệ mà âm Hán – Việt và lời dịch như sau: “Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ, nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư tự nguyện chư thần đả tử” (Lấy của công vì việc công thì được thần linh ủng hộ, nhược bằng nếu có lòng tham lấy của công về làm của tư, nguyện cầu các vị thần linh đánh chết).
Trong tín ngưỡng dân gian, hẳn Bà là một vị Thành hoàng bản thổ được nhân dân địa phương tôn thờ.
Chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét về bà:
Bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ là chính thất của vua Mạc Đăng Dung. Dòng họ Vũ của bà là một danh gia vọng tộc có nhiều người đỗ đạt hiển vinh ở Kiến Thụy, An Dương (gốc họ Vũ – Võ). Tên tuổi của Bà đã xuyên suốt cả 3 đời vua đầu khi nhà Mạc thịnh trị. Bà là người làng Trà Phương, huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng. Bà là người có lòng nhân ái, mộ đạo Phật. Nơi bà sinh ra chỉ cách đất Cổ Trai – quê của Thái Tổ Mạc Đăng Dung vài ba cây số.
Dân gian địa phương thường truyền tụng câu “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” (nghĩa là đất Cổ Trai sinh Vua, đất Trà Phương sinh người đẹp). Trà Phương có cánh đồng hình chiếc gương, cái lược theo phong thủy đã sinh ra những cô gái đẹp người, đẹp nết và Vũ Thị Ngọc Toàn là một phụ nữ tiêu biểu nhất, niềm tự hào của quê hương.
Sử sách không ghi chép năm sinh của bà nhưng do bà chỉ kém Mạc Thái Tổ mấy tuổi nên ước đoán Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn sinh khoảng cuối thể kỷ XV và mất ngày 15/6 âm lịch. Bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long. Trong 65 năm ấy, 5 vua nhà Mạc đều chết trẻ, các thế hệ hoàng hậu, cung phi trong nội cung đều do bà trông nom, dạy dỗ, sắp đặt mọi việc đâu vào đấy, nên trong hậu cung không xảy ra những chuyện rối ren, bi kịch như nhiều triều đại khác. Sự đảm lược, lòng nhân đức, bao dung của bà chắc lớn lắm, nên sinh thời người ta đã gọi bà là Vua Bà, Thánh Mẫu Mạc triều.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, nhà Mạc đã mau chóng ổn địnhÂÂ tình hình xã hội loạn lạc, thi hành hàng loạt chính sách khuyến nông, khuyến thương, khuyến công, phục hưng Phật giáo song hành phát triển cùng Nho giáo, Lão giáo… Kinh tế, văn hóa, giáo dục Thời mạc có nhiều khởi sắc (đó là điều các nhà nghiên cứu đã thừa nhận)…
Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng lập công danh, được vua Lê phong chức Thái sư, làm quan đầu triều, tước Nhân Quốc Công, rồi gia phong đến tước An Hưng Vương, mà còn trợ giúp hai em ruột chồng là Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết được vua phong tước Từ Quận công, Tín Quận công, con trưởng Mạc Đăng Doanh học hành thành đạt, được phong tước Dục Mỹ hầu, coi điện Kim Quang. Năm 1530 Mạc Đăng Doanh nối ngôi cha, ở ngôi 10 năm, xây dựng quốc gia thịnh trị, yên bình, được các sử gia ca ngợi là bậc vua hiền.
20 năm về làm dâu họ Mạc, Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng và con đắc lực trong sự nghiệp hiển vinh mà còn có những đóng góp đáng kể vào các chính sách của nhà Mạc.
Khi Thái tổ Mạc Đăng Dung qua đời, để giữ tiết hạnh, Thái Hoàng Thái Hậu vào quy ẩn trong chùa Trà Phương quê hương. Cũng từ đó, Bà dốc tâm, dốc của vào việc mở quán, xây cầu, lập chợ và hưng công trùng tu tôn tạo chùa chiền. Bia ký còn ghi lại, Đức Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ đã cung tiến 6.000 lá vàng, 30 mẫu ruộng, hàng vạn quan tiền cho việc tu sửa, xây dựng chùa, miếu cùng rất nhiều cột, kèo, gạch, ngói để trùng tu các ngôi cổ tự, suốt dọc một vùng xứ Đông từ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương cho đến Bắc Ninh ngày nay.
Với những đóng góp to lớn cho Vương triều và xã tắc, Bà được người đương thời tôn vinh, phụng thờ, tạc tượng tại nhiều đền, chùa trên khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và nhất là trên quê hương Bà.
Theo GS. TSKH Phan Đăng Nhật (đăng trên mactoc.com):
“Bà đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng); đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, gọi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
– Khoản thứ nhất. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng
– Khoản thứ hai. Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào, cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.
– Khoản thứ ba. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ hội Thiện/nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, bảo dưỡng cô nhân, quả phụ, lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quỹ làng còn 3 tấn thóc ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.
Tương truyền, để phòng ngừa việc tư lợi, khuất tất, trộm cắp tài sản công và riêng trong làng, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất, bản văn Minh thệ đã ra đời và được nhân dân địa phương lưu truyền đến ngày nay. Trong hội Minh thề, những người đứng lên đài thề là quan viên cấp làng, các chấp sự quản lý chùa, miếu của làng và những người được cấp ruộng công, dân đinh từ 18 tuổi trở lên.
Minh Thề có thể coi là một lễ hội độc đáo và ít thấy ở Việt Nam. Trên phạm vi thế giới có lẽ cũng chưa nơi đâu có lễ hội quan chức thề với trời đất là không tham nhũng.
Có thể nói, Thái Hoàng Thái hậu đã thực hiện ba chính sách lớn:
– “Cải cách ruộng đất”, đem ruộng đến cho nông dân một cách nhân từ mà rất có hiệu quả,
– Xóa đói giảm nghèo, (cho đến cách mạng Tháng 8 vẫn còn 3 tấn thóc)
– Chống tham nhũng (tục “minh thệ” vẫn còn đến ngày nay).
Tóm lại, Thái hoàng Thái hậu là người đứng đầu, tiên phong trong việc thực hiên chính sách lớn của nhà Mạc gồm:
– Vận động các nhà quyền quý lấy tiền riêng mua ruộng cấp cho dân đinh cày cấy, thu hoa lợi, không phải nộp thuế,
– Một số ruộng cho cày cấy thu hoa lợi và lập hội Thiện để cứu đói cho những người cô đơn, quả phụ.
– Xây dựng rất nhiều chùa để hoằng dương Phật pháp, giáo dục lòng nhân từ bác ái, ngay thẳng, thật thà…”
Các cụ cao niên ở Hòa Liễu cho biết: lời “Miêng thệ” là nói gọn mấy tiếng “Minh thệ tấu văn”, xưa kia được đọc cả lời phiên âm tiếng Hán lẫn lời dịch nghĩa tiếng Việt. Ngày nay, trong lễ hội Minh thệ, để giản tiện, có năm Chủ tế chỉ đọc lời dịch nghĩa tiếng Việt. Đại ý là: “Tất cả chức sắc bô lão và nhân dân, từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công, xây dựng việc công, xin thần linh ủng hộ. Ngược lại, người nào lấy của công về làm của tư, cầu xin thần linh trừng phạt. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”, rồi mọi người đồng thanh hô to: “Y như miêng thệ”.
TS. Lịch sử Đinh Công Vĩ đã từng bỏ công sức về nghiên cứu điền dã tại xã Thuận Thiên (Kiến Thụy), tiếp xúc với ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Giám đốc trường Đảng huyện Kiến Thụy, Phó ban Quản lý cụm di tích lịch sử đền – chùa Hòa Liễu để tìm hiểu về “minh thệ tấu văn” (không rõ bản này có cụ thể vào đời nào).ÂÂ Do văn bản “Minh thệ” truyền lại qua nhiều đời , sao đi chép lại nhiều nên không tránh khỏi “tam sao thất bản”, đến nay cũng không có bản gốc để đối chiếu nên tính chính xác khó kiểm chứng. Dựa vào bản “Minh thệ tấu văn” bằng chữ Hán do ông Phạm Đăng Khoa chép lại và cung cấp đồng thời nghe lời văn trong hội Minh thệ, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Công Vĩ đã dịch nghĩa lời thề xưa kia (có lẽ vào thời thực dân Pháp đô hộ) thường được đọc trong ngày Hội thề 24 tháng Chạp như sau:
“Tâu rằng:
Thôn [Hòa Liễu], xã [Thuận Thiên], huyện [Kiến Thụy], tỉnh [Hải Phòng], nước Việt Nam, năm thứ […].
Hôm nay, các bậc kỳ lão, chức dịch cùng già trẻ trong toàn thôn hội họp tại điện vũ. Theo tục lệ cũ, cùng nhau chích huyết ăn thề, kính cẩn dâng kim ngân, mũ áo, cỗ bàn phẩm vật, dám mong được kính cáo lên thần linh.
Kính mời các vị:
Thiên địa thần kỳ, đương niên Hành khiển, thần Hành binh, Tào phán quan, đương cảnh Thành hoàng, bản thổ Thiên quan, hai vị Hoàng vương, muôn vạn thần linh, thần thổ địa, các xứ đồng ruộng cùng về đây giám sát việc hội thề, phải trái công bình, đúng như lời minh thệ của dân xã chúng tôi, gồm các điều liệt kê rõ ràng minh bạch sau đây:
Việc thứ nhất: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Lý trưởng (nay là Chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.
Một việc nữa: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Phó lý (nay là Phó chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.
Trên từ các bậc già lão, dưới đến những người mới tuổi thành niên thuộc bản thôn, ở bên trong từ nơi vườn cây hoa quả, ở bên ngoài đến chốn đồng ruộng lúa màu, nếu có ai có công tâm chính trực, thì mong được chư thần ủng hộ, nếu người nào có lòng tham, làm điều gian tà, thì mong chư thần đánh chết y như văn thề đã ghi.
Các thần trong trời đất đều công bình chính trực, thông minh sáng suốt. Trời đất vốn vô tư, các điều thiện, điều ác đều qui định rõ ràng. Sấm sét của trời không thể ngừa được, nên kẻ gian ngoan không thể trốn được hình luật. Kẻ đứng đầu đinh tráng vào tháng Chạp cần cử hành lễ minh thệ. Người ở trong đám hào lý, hương thôn hoặc là kẻ sĩ, hoặc là nông dân, đứng trong địa vị của mình, khi làm nghề thủ công cũng như khi buôn bán, thề rằng phải lấy chân tình, dựa vào sự ngay thẳng mà phụng sự việc công. Như vậy thì phúc ấm sẽ rủ đến đời con cháu, mọi thứ sẽ tốt lành rực rỡ, dân chúng sẽ ấm no. Kẻ đã ra oai, lại cậy thế hách dịch (dù ghê gớm như búa rìu, sấm sét) lấy của công, nhân danh công để làm tư, thì cúi xin chư thần đánh chết.Cần giữ điều trung, làm việc chính, ngầm dựa vào thánh đức, cứu giúp cho sinh linh, chớ nên tin vào kẻ gian, chớ nên tha việc tà vạy. Khi thực hành, phải công bằng như quả cân này, trước thần minh, phải chính trực như mặt trời này. Đội ơn thánh đức đã trao cho quyền hành, phải ngăn chặn các tệ xấu của bọn gian ngoan làm đồi phong bại tục.
Nay kính cẩn tâu lên.
Các nhà sử học và thư tịch cổ và vật chứng hiện sưu tầm được cho biết, hội Minh thệ do bà Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn lập ra từ năm 1527. Khi đó cứ đến rằm tháng giêng hàng năm, các quan lại trong triều Mạc tụ họp về đây, trước là để vấn an Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung, sau là để làm lễ Minh thệ (khi đó Dương Kinh là kinh đô dự phòng của nhà Mạc). Phần lễ bắt đầu cử hành bằng cách đọc bản Minh thệ với nội dung là các quan thề với trời đất, thánh thần hết lòng mẫn cán và liêm khiết trong công vụ. Trong số đó có câu thề rằng: “dĩ công vi công, thần linh phù trợ, dĩ công vi tư, đả tử”, nghĩa là lấy của công làm việc công thì được thần linh giúp đỡ, nếu lấy của công làm của tư thì bị đánh chết. Tiếp đó viên quan chủ lễ cầm kiếm chỉ trời, vạch đất, chém vào cột đá và xướng hô “Xin thề”. Các quan dự lễ đồng loạt hưởng ứng hô vang “Xin thề” và uống cạn ly rượu có pha máu con vật hiến tế (vật hiến tế nay là tiết con gà trống lông vàng, chân vàng, mào đỏ theo dân gian có thể thông linh với thần thánh).
Lễ hội Minh thệ đã có lịch sử hình thành đến nay khoảng 900 năm, tính từ năm 1028 đời Lý Thái Tông, bởi vì lịch sử còn ghi lại lễ ăn thề của các vua quan đời Lý và đời Trần, đời Lê tại đền Đồng Cổ ở số 353, phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội với lời thề trung hiếu có ý nghĩa tương tự nội dung tấu văn Minh thệ ở Hòa Liễu, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đó là chưa kể đến đền Đồng Cổ gốc nổi tiếng linh thiêng xứ Thanh tại núi Khả Lao (hay núi Tam Thai), làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa- nơi các triều Hồ (Quý Ly), Lê-Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn hàng năm thường tổ chức tế lễ với nghi thức quốc gia (có năm do vua, chúa đích thân đến tế, có năm do quan khâm sai hay đại thần thay mặt tế)
Đền Đồng Cổ thờ thần trống đồng từ thời Hùng Vương (“cổ” là cái trống, đồng là kim loại đồng) với sự tích như sau:
“Theo truyền thuyết xưa, Vua Hùng đi dẹp giặc ở Hồ Tôn, khi qua vùng Đan Nê – núi Tam Thai, thuộc Bộ Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) thì nghỉ lại. Đêm ấy, thần Đồng Cổ hiện lên xin theo giúp nhà Vua.
Khi thắng trận trở về, Vua vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong là “Đồng Cổ Đại Vương” (thần trống đồng)” [1].
Tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Trung tâm Hán-Nôm thuộc Viện KHXH Việt Nam) ở Hà Nội, trong cuốn sách chép tay Đại Nam nhất thống chí – ký hiệu A853 và A69 mục Thanh Hóa tỉnh chí, chép rằng “Đền Thần Đồng Cổ ở Đan Nê, huyện Yên Định có thờ một chiếc trống đồng, tương truyền do thời Hùng Vương làm ra”.
“Năm 986, vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Chàm ở phương Nam, khi đến sông Ba Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa thì gặp mưa to gió lớn. Thần Đồng Cổ hiện lên, ông vái lạy xin cho gió lặng, sóng yên, trời liền quang mây, tạnh gió. Khi thắng trận trở về, Lê Hoàn đến đền Đồng Cổ làm lễ tạ ơn thần đã âm phù thắng lợi và ghi cho đền câu đối:
“Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ”.[2]
“Năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông), phụng mệnh vua cha là Lý Công Uẩn đem quân đi đánh Chiêm Thành, đến Trường Châu (bờ phải sông Mã ở Thanh Hóa) hạ trại. Đêm ấy Thái tử mơ thấy Thần Đồng Cổ đến tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc”. [3]
“Lần ấy quân ta thắng lớn, khi trở về, Thái tử cho quân sĩÂÂ nghỉ lại ở Đan Nê, sai người sửa sang lại đền, tổ chức lễ tạ và khao quân. Sau đó Thái tử xin được rước bài vị của Thần về kinh đô để giữ nước, hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Vua cho dựng đền ở hợp lưu sông Thiên Phù và sông Tô Lịch thuộc làng Đông Xã (tại số 353 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội nay). Như vậy, ngôi đền Đồng Cổ ở Hà Nội này đã xấp xỉ 1.000 năm tuổi và được giữ tôn hiệu “Minh chủ Linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương” do nhà Lý và nhà Trần sắc phong.
Các triều đại kế tiếp sau đó đều có sắc phong (14 đạo) cho đền Đồng Cổ, nay còn giữ được 3 đạo: Cảnh Hưng năm thứ 14 (1784), Quang Trung năm thứ tư (1791), Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793)”. [4]
Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã được kế vị lên ngôi Vua là Lý Thái Tông đã phong tước vương cho Thần Đồng Cổ do sự linh ứng của Thần đã báo mộng cho Thái tử đề phòng việc 3 Vương em làm phản tranh ngôi vua.
Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (soạn từ thế kỷ XIV), truyện “Minh chủÂÂ linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương” và Đại Việt Sử ký Toàn thư soạn thời Hậu Lê của Ngô Sĩ Liên đều kể việc này.
Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, trong mục ghi các sự kiện xảy ra năm 1028 có đoạn tả: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Khi tỉnh dậy, vua sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Vua chiếu cho hữu ti dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy (tháng 3) đắp đền, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo. Ở trước thần vị, vua đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết.” Các quan đi từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng ba gặp ngày quốc kỵ (lễ tang Lý Thái Tổ), hoãn đến ngày 4 tháng 4”.
“Từ đó trở đi, Lý Thái Tông mới lập lệ, hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Đông Xã – Thăng Long) làm lễ uống máu ăn thề bằng câu: “Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh tử chi” (Dịch là: làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh tru diệt). Hội thề Đồng Cổ có từ đấy, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng. Các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng (gậy).[5]
“Tục lệ này được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở Triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề. Tục lệ này được giữ suốt đời Trần. Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề”[6].
Vậy qua các triều đại, lời thề ở đền Đồng Cổ có gì khác nhau hay không?
“Lễ hội Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội vào ngàyÂÂ mùng 4 tháng 4 Âm lịch hàng năm là lễ hội dành cho quan và có nghi lễ thực thi nghĩa vụ của quan với thần linh, với vua, với nước. Đó là việc các quan lại từ thời nhà Lý phải uống máu ăn thề trước thần Đồng Cổ: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì xin thần minh giết chết”. Đến thời Trần lời minh thệ gắn với trách nhiệm của quan lại nhiều hơn: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”(Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, 2) [7].
Sách “Toàn thư”, kỷ nhà Trần cũng ghi việc này: “Tuyên bố điều khoản minh thệ: Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hàng năm ngày 4/4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra; đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: “Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết.” Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt năm quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương ở cạnh đường để xem, cho là hội lớn”.[8]
Vậy là lời thề thời Lý giáo dục đạo hiếu của con cái đối với ông, bà, cha mẹ;ÂÂ lòng trung thành của bề tôi đối với Vua (triều đình), còn lời thề thời Trần giáo dục lòng trung thành đến cùng với triều đình, với vua và giữ sự trong sạch của quan lại.
Hiện nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở Hà Nội được tổ chức hàng năm vào ngày 4 tháng Tư âm lịch tại đền Đồng Cổ ở số 353, phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ và đều mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa với lời thề trung, hiếu, thanh liêm Còn trong lễ hội Minh thệ ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy thường vang lên lời thề chí công vô tư “Dĩ công vi công, thần linh ủng hộ. Dĩ công vi tư, thần linh đả tử” (nếu lấy của công làm việc công thì được thần linh đồng tình, nhược bằng lấy của công làm của tư thì cầu cho thần linh đánh chết”. Mở rộng ra, người ta còn thề sống ngay thẳng, trong sạch bằng những câu như: “Trên từ cụ già đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt”…
Lời thề từ đền Đồng Cổ đến hội thề Hòa Liễu giống nhau ở điểm là đề cao đạo trung quân, đạo hiếu nhưng văn thề Hòa Liễu còn mở rộng hơn khi giáo dục cả ý thức vì lợi ích chung, không tham lam, sống ngay thẳng. Hội thề thần Đồng Cổ là để vua, chúa quan lại ăn thề nhưng hội Minh thệ ở Hòa Liễu lại chỉ có dân chúng và quan chức cấp làng đứng ra thề. Vậy là nội dung thề ở Hòa Liễu phong phú hơn hội thề Đồng Cổ nhưng quy mô lại nhỏ hơn.
Khoan chưa nói đến sự mầu nhiệm của lời thề, nhưng hiệu quả răn dạy của việc thề rõ ràng là có tác động sâu sắc đến tâm lý và ý thức của những người tham gia thề bồi bởi vì tính thiêng của hội thề, sự chứng kiến của thần linh khiến người thề không thể không nghiêm túc thực hiện điều đã hứa trước thần linh nếu không muốn bị trừng phạt. Còn ai có tà tâm, gian tham, vô đạo đức tất nhiên sẽ sợ không dám tham gia thề. Giá trị giáo dục đạo đức và văn hóa của hội thề dân gian chính là ở đó.
Ở Hòa Liễu ngày nay, trong các dòng họ mỗi khi có việc trọng như tế, lễ cúng tổ, giỗ chạp hàng năm người ta cũng thề với thần linh, tiên tổ bằng những câu văn có nội dung giáo dục con, cháu và người trong họ gần giống những lời thề ở lễ Minh thệ. Phong tục này thật xứng đáng với biển phong tặng của vua Khải Định triều Nguyễn dành cho người dân nơi đây là “Mỹ tục khả phong” (có phong tục đẹp). Phong tục này cần được giữ gìn, nhân rộng trong nhân dân để xây dựng một xã hội văn minh, cuộc sống tốt đẹp.
Tài liệu tham khảo:
[1], [2],[3],[4],[5]: 985 năm Hội thề Đồng Cổ Hà Nội: Lời thề trung hiếu/Nguyễn Huy Toàn – Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự//Báo An ninh Thủ đô online. – ngày 11/5/2013.
[6] Hội thề Đồng Cổ/Thần Đồng Cổ//Từ điển bách khoa toàn thư mở vi.m.wikipedia.org
[7] Phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Thần đồng cổ đối với “Quan” hiện nay/ PGS. TS Lê Quý Đức//website Ban Tôn giáo Chính phủ. – ngày 5/12/2017.
[8] Đồng Cổ – Vị thần núi linh thiêng và hiển ứng/Danh nhân Hà Nội/Vietnam+//Trang thông tin ĐT: Hanoi.vietnamplus.vn. -ÂÂ ngày 05/03/2010.
Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng