Ngô Đăng Lợi
Buổi sáng ngày 21 tháng 7 năm 2016, tại chùa Phổ Chiếu, trụ sở CLB Hải Phòng học có buổi sinh hoạt khoa học, Tiến sĩ Lã Trọng Long đã thuyết trình một số chữ Nho ở một số di tích lịch sử văn hóa mà ông cho là sai. Tôi nhất trí một số kiến giải của Tiến sĩ, nhưng riêng những phát hiện và yêu cầu sửa 4 chữ: An Nam Lý Học thì không. Ta biết Lê Quý Đôn soạn giả sách Kiến văn tiểu lục chép: “Hồi đầu niên hiệu Khang Hy, nhà Thanh sai Minh Đồ và Chu Xán sang nước ta sách phong, lúc ấy là năm Chính Hòa thứ tư (1683). Xán có tiếng hay thơ. Ông ta chép những thơ đề vịnh núi sông bè bạn tặng, đáp vừa thất ngôn vừa tứ tuyệt gồm 48 bài, đặt nhan đề là Sứ Giao ngâm. Khi về dâng lên triều đình. Trong các bài thơ ấy có câu “Y quan văn vật trọng Nam cương, lại tự chua rằng: Nhân vật nước này, về phần lý học có Trình Tuyền, Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo và Hồ Sĩ Dương; về phần kinh tế (kinh bang tế thế – Giúp nước cứu đời. N.Đ.L chú) có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh; còn về phần văn học có khá nhiều”.
Như thế thì tiếng tăm các bậc tiền bối nước ta vang đến Trung Quốc đã lâu. Lại lúc ấy, triều thần có Nguyễn Đình Trụ, Trần Thọ, Tống Nho và Vũ Duy Khương phụng mệnh đón tiếp. Nguyễn Công Vọng, Lê Hy, Nguyễn Đình Cổn và Hoàng Công Điển tiếp đãi ở sứ quán, Nguyễn Trạc Dụng và Nguyễn Công Nho sung vào việc hộ tống, đều có thơ tặng vừa thất ngôn, vừa tứ tuyệt gồm 34 bài. Chu Xán đều chép thành tập nhan đề là Nam Giao hảo ngâm, phụ vào với các tập trước đều khắc ván gỗ phát hành. Như thế cũng đủ rõ Văn hiến nước ta được Trung Quốc quý trọng.
Tôi thấy cần nói thêm dưới thời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705) với niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), Chính Hòa (1681 – 1705) được người đương thời ca ngợi là thời thịnh trị bậc nhất thời Lê Trung Hưng. Quan hệ bang giao giữa vua ta và vua nhà Thanh khá thân thiện, tháng 9 năm Mậu tý (1683) vua Thanh sai sứ sang ban cho vua Lê dòng chữ đại tự “Trung hiếu thủ bang” (cò lòng trung thành, hiếu kính để giữ nước). Đây là sự tri ân nhà Lê đã từ chối không cứu viện cho Ngô Tam Quế, bầy tôi phản nghịch chống nhà Thanh. Vua Thanh còn sai sứ ban lễ phẩm cho việc tế vua Lê Huyền Tông (1663 – 1671) và Lê Gia Tông (1672 – 1675).
Thời gian thịnh trị này, không thể không nhắc đến vai trò của vị chúa trí đức song toàn Trịnh Căn (1682 – 1709).
Tuy nhiên, Lê Quý Đôn ghi Minh Đồ, Chu Xán sang sứ nước ta năm Chính Hòa thứ 4 (1683) chắc sai. Chúng tôi đã đối chiếu với Bang giao chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thấy ghi rõ: Hy Tông năm Chính Hòa thứ 3 (1682) ngang với Khang Hy thứ 21 (1682) nhà Thanh, vua ta sai Thân Toàn, Đặng Công Chất sang cống nhà Thanh.
Về tiểu sử 2 sứ thần Thân Toàn và Đặng Công Chất, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 do Ngô Đức Thọ chủ biên – NXB Văn học 1993 cho biết:
– Thân Toàn (1621 – ?) người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng nay thuộc xã Mai Khê huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang đỗ Đồng tiến sĩ khoa Nhâm thìn Khánh Đức thứ 4 (1652) làm quan trải các chức Đô ngự sử, Tả thị lang bộ Hộ (1676) được cử sang sứ nhà Thanh năm 1682. Sau khi hoàn thành sứ mệnh được thăng Tham tụng, Thượng thư bộ Binh tước Bá.
– Đặng Công Chất (1622 – 1683) người xã Phù Đổng huyện Tiên Du nay thuộc quận Gia Lâm Hà Nội, đỗ Trạng nguyên khoa Tân sửu niên hiệu Vĩnh Thọ thứ tư (1661) đời Lê Thần Tông làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư bộ Hình, mất năm Chính Hòa 4 (tháng 8 – 1683) được tặng Thiếu bảo, Thượng thư bộ Lại, tước Bá. Năm Chính Hòa 3 (1682) làm Phó sứ sang cống nhà Thanh.
Qua những sử liệu trên, có thể khẳng định Lê Quý Đôn nhớ nhầm năm Minh Đồ, Chu Xán sang sứ nước ta năm Chính Hòa thứ tư (1683).
Còn câu An Nam lý học hữu Trình Tuyền là lời Vũ Phương Đề chứ không phải của Chu Xán.
Nhà nho Vũ Phương Đề có lý khi ông dựa vào ý của Chú Xán đề 4 chữ trên, còn các nhà nho nổi tiếng Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo, Hồ Sĩ Dương được Chu Xán coi là nhà Lý học, nhưng đền thờ các ông và hậu thế đều không xác nhận là An Nam lý học.
N.Đ.L