Văn học dân gian các làng ven biển.

          Bưởi Bích Động (Thủy Nguyên)

           Với bờ biển dài hơn 3200 km, nước ta là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có biên giới biển chạy suốt từ địa đầu Tổ quốc là Móng Cái đến cực nam là mũi Cà Mau. Các cư dân ven biển nước ta, trong cuộc sống và lao động, giải trí đã sáng tạo ra một nền văn học dân phong phú, mang đậm dấu ấn duyên hải của những người làm nghề nuôi, trồng và khai thác thủy, hải sản.
          Sáng tác văn học dân gian của cư dân ven biển nước ta đa dạng với nhiều thể loại khác nhau như truyền thuyết, giai thoại, cổ tích, ca dao, hò, vè, tục ngữ… vừa phong phú về thể loại vừa giàu có về trữ lượng. Văn học dân gian của họ phản ánh khá rõ đặc tính con người và cuộc sống lao động vất vả từ bao đời của người dân vùng biển. Nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan tới các vị thần linh và nhân vật lịch sử, các địa danh và thắng cảnh của mỗi làng, mỗi vùng đất phổ biến khắp dải đất ven biển. Truyện Dân gian Lạc Long Vương và Âu Cơ đẻ 100 trứng sinh ra 100 người con trai, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng phản ánh gốc gác dân tộc Việt. Chuyện Sự tích dưa hấu nói về tinh thần khắc phục khó khăn trong hoàn cảnh ngặt nghèo để sinh tồn của vợ chồng hoàng tử con vua Hùng Vương… Ngoài các huyền thoại, truyền thuyết về Cá Ông, thần Độc Cước, thánh sư Dương Không Lộ, vua Long Vương, Thủy thần và Tứ vị Thánh Nương (là Hoàng hậu, 2 công chúa nhà Nam Tống và thị nữ) … thì truyền thuyết lịch sử chiếm một khối lượng lớn trong hệ thống truyện kể dân gian. Trong đó kể về những nhân vật lịch sử mà chiến công chống giặc ngoại xâm gắn với từng địa danh, từng dòng sông, cửa biển… còn mãi lưu truyền trong dân gian. Tên tuổi của Quan lớn Đệ Tam, Quan Đệ Ngũ Tuần Chanh (những tướng lĩnh thủy quân phò giúp Vua Hùng Vương diệt giặc ngoại xâm), Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Đệ nhất Vương cô nhà Trần… trong các bản văn dâng tấu trong các giá hầu Tứ phủ cùng các tướng lĩnh như Quận He – Nguyễn Hữu Cầu, Phan Bá Vành…trong giai thoại dân gian mãi lưu truyền với thời gian, gắn với biết bao địa danh ở vùng biển phía Bắc của Tổ quốc như Vân Đồn, Trà Cổ, Quan Lạn (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Thái Bình…thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với những nhân vật có công với nước, với dân.
          – Truyền thuyết về cá Ông/cá Voi rất nhiều, đặc biệt văn học dân gian ở Bạc Liêu sưu tầm các truyền thuyết đều đề cập đến chi tiết cá Ông mang giới tính nữ. Cá Ông do mải mê cứu người bị nạn trên biển đến kiệt sức nên bị “lụy” xảy thai, có chuyện kể về cá Ông con bị lụy do cá mẹ xảy thai cũng được dân lập miếu thờ ở ven biển Gò cát ở Bạc Liêu, có truyện cổ tích cá Ông còn nhuốm màu sắc của Phật giáo… hoặc truyền thuyết về một hòn đảo ở Hòn Chông (Kiên Lương – Kiên Giang), xưa kia hàng ngày buổi sáng thường thích trôi giạt đi chơi qua biển Thái Lan, chiều tối trôi về Kiên Lương. Có lần đảo bị người Thái Lan dùng xích cột giữ lại nhưng hòn đảo nhỏ vẫn bứt dây trôi về Việt Nam và từ đó không dám đi nữa.
– Truyện kể và giai thoại phản ánh quá trình hình thành làng, đất đai, nguồn gốc cư dân và nghề nghiệp của mỗi làng quê, kinh nghiệm đi biển và đánh bắt hải sản. Truyền thuyết về những người “khai sơn phá thạch” mở ấp, lập làng; về các dòng họ đầu tiên đến tụ cư, làm ăn, sinh sống, góp công sức biến vùng đất hoang trở thành làng mạc trù phú, mở mang các ngành nghề như đóng thuyền, đan lưới, đi biển, làm muối, dệt chiếu… khá phổ biến ở nhiều nơi. Đó là sự tích sáu ông tổ từ Đồ Sơn ra khai hoang vùng Trà Cổ ở Quảng Ninh và trở thành sáu vị Thành hoàng làng. Đó là sự tích ông tổ họ Trần từ vùng Kinh Bắc vào khai khẩn ở Kẻ Mom (Thanh Hóa)…
          – Ca dao, dân ca, hò, vè, tục ngữ… mang sắc thái riêng của những ngư dân lam lũ vào lộng ra khơi, ngợi ca cảnh đẹp và niềm tự hào về quê hương, nghề nghiệp và cuộc sống của người dân lao động cùng những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, mưu sinh nơi đầu sóng, ngọn gió:
          * Ca dao vùng duyên hải phía Bắc:
          Người Thủy Nguyên – Hải Phòng tự hào với sản vật quê hương.
          Cây xanh nên lá cũng xanh
          Bưởi Bích Động ngọt, rau xanh Thủy Đường.
          …
          Tam Hưng nhiều bãi nhiều cồn
          Làng Lập đánh cá thuyền luôn đi về
          Làng Sưa buôn nứa bán bè
          Thủy Đường nay vẫn chuyên nghề trồng rau
          Họ nói về cảnh đẹp quê hương.
          Em đây thực đích ở Kiền
          Đi xem hát hội kết duyên cùng chàng.
          Thủy Nguyên sông núi điệp trùng
          Có đầm Tám Xã có rừng thông reo.
          Nói về nỗi vất vả sông nước:
          Thuận buồm xuôi gió – chén chú chén anh
          Lên thác xuống gềnh – mày tao chí tớ.
          Diêm dân (người làm muối) Hải Phòng ví von:
          Đời con cho đến đời cha
          Có một đống cát xe ra xe vào
          Người Cát Hải – Hải Phòng có câu ca tả thân phận nổi trôi sóng nước:
          Đường về bến Gót sóng lừng
          Lấy ai thì lấy xin đừng lấy em.
          Nước ròng cho chí nước lên
          Đời em chiếc lá trôi trên sông dài
          Người dân Kẻ Mom (Thanh Hóa) tự hào với nghề nghiệp từ bao đời nay của quê hương mình với câu ca dao:
          “Nhà ta nghề biển, nghề sông
          Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài”.
          “Nghề anh nghề lộng nghề khơi
          Lấy em khuya sớm vác bơi, vác chèo”.
          – Những kinh nghiệm đúc kết từ bao đời giúp ngư dân vượt qua bao hiểm nguy để bảo tồn và duy trì cuộc sống thường được thể hiện qua ca dao, tục ngữ, của ngư dân Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.
          Dựa vào những hiện tượng thiên nhiên, màu nước, phản ứng của loài vật người ta có thể biết trước những biến động thời tiết, biển cả:
          Dù là cỏ chỉ, cỏ gà/ Đang xanh hóa trắng ắt là có mưa”; “Kiến đen tha trứng lên cao/ Thế nào cũng có mưa rào rất to” hay “Kiến đắp thành thì bão/ Kiến ẵm con chạy thì mưa”; và “Ráng mỡ gà ai có nhà thì chống” (bão)…
         – “Trời trong trăng tỏ
          Nước đục ngàu ngàu
          Cha con bảo nhau
          Chèo mau cập bến”.
          -“Bạn chèo thợ lái bảo nhau
          Mống tây chớp lạch quay mau mà về”.
          Quan sát thiên nhiên còn giúp cho việc xác định tọa độ, phương hướng ra vào cửa lạch để tránh va vào đá ngầm, mắc cạn:
          Đi ra trông sao
          Đi vào trông rú.
          Người dân Nhượng Bạn (Hà Tĩnh) đúc kết ra kinh nghiệm đánh bắt hải sản:
          Ai về Nhượng Bạn mà coi
          Mù sương lắm cá, hồng trời lắm tôm…
          Ở miền Trung bão phần lớn tập trung vào tháng Mười, điều này được đúc kết trong câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy lời cha/ Mồng năm tháng chín thật là bão rươi/ Bao giờ cho hết tháng mười/ Thì con ra lộng vào khơi mặc lòng”
          * Nhiều bài ca dao ở vùng biển Nam Bộ thể hiện dấu ấn văn hóa Nam Bộ.
         “Đừng ham đồng bạc ghe chài
          Cột buồm cao, bao lúa nặng, chiếc đòn dài khó đi”.
          “ Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển
          Anh thương nàng anh nguyện về đây”.
          Ngoài ra, hệ thống câu đố, hò, vè cũng góp phần giới thiệu những sản vật, loài vật của địa phương với những câu ca:
          -“Chẳng vui cũng thể xứ Đông
          Chẳng ngon cũng rượu Kim Long gọi là
          Chẳng thơm cũng thể hương đàn
          Chẳng trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra”
          -“ Bến Tre biển rộng sông dài
          Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu
          Tôm càng xanh nước quơ râu
          Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm”.
          -“ Quê anh có cửa biển sâu
          Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm”
          -“Sông Ba Lai bên bồi bên lõm
          Đất Ba Lai đỏ thẩm phù sa
          Nàng về kết bạn cùng ta
          Ăn cá thay bánh, nước trà thay cơm”…
          Câu vè:
          Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
          No lòng phỉ dạ là con cá cơm
          Không ướp mà thơm là con cá ngát
          Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
          …
          Biển thánh rừng nhu là con Nang Mực
          Bữa ăn không cực là cá Làng Cang
          Ở chốn cây xanh là con cá Xác
          Vùi đầu đất cát là con cá Khoai
          Dạo xóm tối ngày là con cá Xạo
          Thanh bình lập đạo là cá Đuôi Cờ…
          Và câu đố:
          – Như đố về các loài cá:
          * Cá gì thơm lắm mà sờ có gai? (cá ngát).
          * Cá gì đóng chặt cửa nhà ngay tức thì? (cá chốt).
          * Cá gì chẳng có hình hài? (cá bóng).
          * Cá gì bay ở trên trời mông mênh? (cá rồng).
          * Cá gì dậy với rạng đông
          Cất tiếng chào đón ánh hồng ban mai? (cá gáy)…

P.V Thi – Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng sưu tầm, bổ sung.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học