Tu tâm, tích đức hướng thiện

Thế sự cuộc đời ngẫm bạn ơi:
Tiền vàng tựa nước chảy bèo trôi
Lợi danh như bóng mây gió thổi
Chỉ có công lao để lại đời.

Sống ở đời làm muôn việc thiện
Để tái sinh tạo nghiệp luân hồi
Ta bà (1) là cõi tạm thôi
Đường tu cực lạc, hướng trời Tây Thiên.

Đừng chê việc thiện nhỏ không làm
Đừng thấy mối lợi lớn mà tham
Sự đời luôn có vay có trả
Đừng để cả đời nghiệp báo gia.

Mâu thuẫn nảy sinh, hãy cứ nhường
Tình người nhờ vậy sẽ còn vương
Sẻ nhau một miếng khi gian khó
Bằng vạn tiền cho lúc bình thường

Vào đời bằng hai bàn tay sạch
Khi lìa đời thanh thản, tâm thanh.
Làm giàu bất chính gian manh
Không trước thì sau họa tất thành.

Sống đời này làm điều ác độc
Xuống Âm tào (2) liệu thoát được không
Quỷ sứ phân loại chúng sinh
Âm hồn đều phải qua Vong Xuyên hà (3).

Phật Hoàng (4) dạy theo mười điều thiện
Không sát sinh, trộm cắp, tham tiền
Tà dâm không phạm, không gian dối
Li gián lòng người cấm tuyệt nhiên.

Người còn dạy: Kiêng lời ác độc,
Không lời uế tạp, chính kiến tà
Rèn mình cách sống vị tha
Kìm không giận dữ mới là Phật tâm.

Sống ở đời muôn điều thật, giả
Phải làm sao phân biệt chính, tà
Tu thân được mới tề gia
Để tiếng thơm mãi lan xa muôn đời.

Phạm Văn Thi

CHÚ THÍCH:
(1 )Theo quan điểm Phật giáo: Ta bà hay Sa bà (tiếng Phạn) là một thế giới vô cùng rộng lớn, không phải chỉ có một thế giới ta đang ở, mà gồm nhiều thiên hà. Ta bà chẳng khác gì nơi con người tạm trú, Nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, không thật, xoay vòng với sinh, lão, bệnh, tử, bị tiền tài, danh vọng chi phối, bức bách thật khổ não.
(2) Âm tào: Thế giới âm phủ của người chết.
(3) Vong Xuyên hà: Con sông dưới âm phủ theo truyền thuyết, là nơi các âm hồn phải đi qua. Ở đó quỷ sứ sẽ dựa vào đạo đức của người chết khi sống trên dương thế như thế nào (hiền hay ác) mà cho linh hồn người đó vào tầng cầu tương ứng để đầu thai vào thế giới thiên đường hay khổ não và bị cực hình hay không.
(4) Phật Hoàng (Trần Nhân Tông) – vị vua anh hùng dân tộc, đã từ bỏ ngai vàng để lên núi Yên Tử tu hành rồi hóa Phật, trở thành Tổ sư thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học