Từ đất “khoán” xưa, đến nông nghiệp công nghệ cao hôm nay.

Xã Đoàn Xá là một trong 4 xã về đích sớm trong “Xây dựng nông thôn mới” ở Hải Phòng.

          Xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng có thể coi là cái nôi của phong trào thí điểm khoán ruộng trong nông nghiệp ở Hải Phòng, tạo lên bước đột phá về năng suất và sản lượng lúa những năm 80 thế kỷ 20, là cơ sở để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Từ đó là tiền đề cho những đổi mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu lương thực trầm trọng trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thế hai trên thế giới.
          Tiếp nối truyền thống tiền phong, đi đầu trong đổi mới nông nghiệp xưa, Đoàn Xá tiếp tục khẳng định thành công trong thời kỳ mới khi là một trong 4 xã đầu tiên của thành phố về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2016. Đoàn Xá tự hào là 1 trong 32 xã trong cả nước được Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xây dựng nông thôn mới.
          Xin giới thiệu bài viết sau đây để thấy lãnh đạo xã Đoàn Xá xưa đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý nông nghiệp, thoát khỏi bảo thủ, trì trệ để đi lên ra sao (Administrator):
          Nhen lên ngọn lửa nhỏ
          Thật ra, phong trào khoán đã manh nha xuất hiện những năm 60 của thế kỷ trước ở Vĩnh Phú, do công lao của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Theo quan điểm lúc đó thì khoán hộ mà ông Kim Ngọc cho làm ở Vĩnh Phú là cách làm “phá vỡ quan hệ sản xuất XHCN, đẩy lùi tiến bộ khoa học kỹ thuật”. Khoán hộ bị cấm và dừng lại, nhưng cách làm này đã đi vào lòng dân, âm thầm mà mạnh mẽ, như vết dầu loang rộng ra nhiều nơi ở miền bắc. Cách làm “khoán hộ, khoán thử” năm 1977 ở Ðoàn Xá chính là đốm lửa nhỏ để sau này bùng lên thành đám cháy lớn…
          Một ngày cuối tháng 6 nóng hầm hập, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðoàn Xá Ngô Ðăng Ghi chở tôi bằng xe máy lượn theo con đường lầm bụi, xóc nảy ổ gà, tìm vào nhà ông Phạm Hồng Thưởng, Chủ nhiệm HTX Ðoàn Xá, người trực tiếp thực hiện “khoán thử” từ những ngày đầu tiên. Trong căn nhà ngói, cây mít nằm bên con kênh có rặng dừa mát rượi, chủ nhà pha một ấm trà thật đặc và câu chuyện “khoán” của 30 năm trước nở như ngô rang.
          … Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, do chưa lường hết những diễn biến phức tạp về kinh tế – xã hội, một số chủ trương, chính sách ra đời có phần nóng vội, không phù hợp quy luật. Mở đầu kế hoạch năm năm lần thứ hai (1976 – 1980) đối với nông nghiệp là việc ồ ạt đưa HTX quy mô thôn lên quy mô toàn xã, thực hiện cải tiến quản lý và tổ chức lại sản xuất. Nhưng thực chất, tệ quan liêu, rong công, phóng điểm, làm ăn gian dối diễn ra phổ biến, người dân không thiết tha, mặn mà với đồng ruộng. Huyện An Thụy lúc bấy giờ gồm 36 xã, trải dài 40 km từ Ðồ Sơn lên tận Bát Trang (An Lão, Hải Phòng), Tứ Kỳ (Hải Dương). Theo chủ trương chung, HTX Ðoàn Xá (có phong trào khá mạnh) sáp nhập với HTX Tiến Lập (yếu kém), huyện cử ông Thưởng là Phó Bí thư Ðảng ủy xã kiêm Chủ nhiệm HTX. Mùa đông năm 1976 rét cắt da cắt thịt, do lỡ thời vụ, mạ gieo đến đâu chết đến đó. Sản xuất ở Ðoàn Xá như gà mắc tóc, 900 mẫu ruộng bị bỏ hoang quá nửa, sản lượng vẻn vẹn 160 tấn thóc, bình quân mỗi nhân khẩu chỉ được 3 kg thóc/tháng. Cái đói hoa mắt, run chân khiến gần nửa số hộ trong xã bỏ sang Móng Cái (Quảng Ninh) làm ăn, nhiều người phải đi ăn xin. Theo đề nghị của dân, Ban Thường vụ đảng ủy xã gồm năm người, trong đó có ông Thưởng đã họp bàn và nhanh chóng quyết định khoán ruộng cho xã viên. Mặc dù họ biết là trái chủ trương, đường lối, nhưng cái được chính là hợp lòng dân. Xã chia cho các hộ 80 mẫu ruộng xấu (gần bằng 10% diện tích gieo trồng) ở những nơi xa, mỗi hộ được nửa sào. Như một phép mầu, 80 mẫu lúa xanh mơn mởn, đối lập hẳn mảnh ruộng HTX vàng ệch vì thiếu tay chăm sóc. Diện tích “khoán thử” nhích dần, năm 1980 lên tới 324 mẫu, nên có tên gọi là “cánh đồng 324”, năng suất đạt 45 – 50 tạ/ha, gấp hơn hai lần so với trước khi khoán.
          Thổi bùng đám cháy lớn.
          Tháng 3-1980, khi chia tách huyện An Thụy, xã Ðoàn Xá thuộc huyện Ðồ Sơn. Lẽ ra, Ðảng bộ xã Ðoàn Xá được phát thẻ Ðảng đợt đầu, nhưng bị “treo” do làm khoán thử, với lời nhận xét: Chính trị kém, mặc dù kinh tế được. Bí thư Huyện ủy Ðồ Sơn lúc đó là ông Nguyễn Ðình Nhiên đã rất chú ý tới “hiện tượng Ðoàn Xá”, trực tiếp về xã ở nhà ông Thưởng mấy ngày liền, nghe toàn bộ câu chuyện “khoán” một cách kỹ lưỡng. Một câu nói chí lý đã được ông Nhiên rút ra sau khi khảo sát ở Ðoàn Xá: Mọi đáp án của cuộc sống đều có sẵn ở cơ sở. Và thế là chỉ một tháng sau (4-6-1980), Huyện ủy Ðồ Sơn ra Nghị quyết 05 về “thu chiêm, làm mùa”, trong đó “gài” nội dung “giao một phần ruộng đất cho gia đình xã viên”, cho phép áp dụng khoán 50% diện tích trong toàn huyện, như một quả bom gây xôn xao dư luận. Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và Chủ tịch UBND thành phố Ðoàn Duy Thành tức tốc về khảo sát, nghiên cứu. Ngay cuối tháng 6, Thành ủy đã có Nghị quyết 24, cho phép khoán tới 100% diện tích, áp dụng trên toàn thành phố…
          Ông Thưởng cười sảng khoái: “Ðoàn Xá ban đầu chỉ dám khoán 10%, huyện cho phép khoán 50%, còn thành phố thì tới 100%. Ðảng bộ Ðoàn Xá được phát thẻ Ðảng đợt hai và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba”. Trong ba năm (1980-1982), đã có gần 200 đoàn trong và ngoài nước đến Ðồ Sơn khảo sát, nghiên cứu, học tập mô hình “khoán”. Nhiều tác phẩm đã ra đời từ điển hình khoán của Ðoàn Xá như Cái bờ gió, Cuộc chia tay mùa hạ, Chân dung một Bí thư Huyện ủy… Việc thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động ở Ðồ Sơn và Hải Phòng được T.Ư Ðảng nghiên cứu, rút kinh nghiệm và xây dựng cơ chế khoán trong nông nghiệp. Năm 1981, Ban Bí thư T.Ư ra Chỉ thị 100-CT/TW về cơ chế khoán, tạo quyền chủ động cho nông dân, mở ra một giai đoạn mới góp phần đưa nông nghiệp nước ta thoát khỏi bế tắc. Bảy năm sau, khi cơ chế khoán bắt đầu bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp, tháng  4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10-NQ/TW (gọi tắt là Khoán 10) về đổi mới quản lý nông nghiệp, sắp xếp lại tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và phân phối sản phẩm, đổi mới mô hình HTX…
          Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
          TP Hải Phòng tuy là thành phố công nghiệp phát triển, nhưng vùng nông thôn lại chiếm tới hơn 90% diện tích tự nhiên, với hơn một triệu người (60% số dân). Quá trình đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn gần đây diễn ra khá mạnh mẽ, Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác, ngoài những tác động tích cực, không phải không có mặt trái nảy sinh. Người dân dần rời xa mảnh ruộng mình từng gắn bó cả đời để tìm công việc khác đem lại thu nhập cao hơn. Ruộng đất bị thu hẹp nhường chỗ cho khu đô thị, công nghiệp khiến tình trạng thiếu việc làm trở nên gay gắt. Thanh niên có sức khỏe bươn chải ra thành phố bán sức lao động, bỏ lại ruộng đồng cho phụ nữ và người già. Thực chất, cây lúa đơn thuần đã không đem lại thu nhập khả dĩ để họ làm giàu. Ðất “khoán” xưa đang vật vã, tìm tòi thể nghiệm những cách làm mới, bắt đất đẻ vàng. Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tạo và Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Duy Bình cho biết: Huyện ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phân vùng kinh tế, quy hoạch và xây dựng gần 100 cánh đồng đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển kinh tế trang trại, thủy sản. Ở Kiến Thụy đã manh nha một số mô hình làm ăn mới, nhiều hộ dân mạnh dạn tận dụng đầm trũng, đào ao thả cá, nuôi tôm; hình thành các vùng chuyên màu, trồng rau, cà chua luân canh ba vụ, làm kinh tế tổng hợp hoặc chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn… đem lại thu nhập cao.

Lãnh đạo xã Đoàn Xá giới thiệu công trình Nhà lưu niệm được xây từ tiền thưởng của xã về đích sớm trong phong trào xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Hiền Hòa). 

          Giải pháp then chốt của nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HÐH là phát triển nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm tạo ra bước đột phá trong các lĩnh vực trọng điểm. Nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao sẽ là hướng tất yếu bởi có tính bền vững, thân thiện môi trường, cho ra đời những sản phẩm chất lượng ngày càng cao. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Ðức Tùng, cho biết: Công nghệ cao trong nông nghiệp ở Hải Phòng được tiến hành theo hai hướng: Thứ nhất, xây dựng khu nông, lâm nghiệp công nghệ cao để sản xuất giống chất lượng cao, trình diễn phương pháp canh tác mới bằng phương tiện hiện đại, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hai là, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới cao hơn trình độ sản xuất hiện tại, tạo thu nhập cao cho đại bộ phận nông hộ trên địa bàn thành phố. Thành phố Hải Phòng đã đầu tư 22,5 tỷ đồng xây dựng Trung tâm phát triển nông – lâm nghiệp công nghệ cao, quy mô 7,3 ha, gồm dây chuyền nuôi cấy mô tế bào sản xuất rau, hoa cao cấp, nhà kính đồng bộ của Israel và nhà lưới ngoài trời… Phó Giám đốc trung tâm Bùi Cảnh Ðức, cho biết: Sau hai năm đi vào hoạt động, một số sản phẩm sạch của trung tâm đã có thương hiệu trên thị trường, tìm được “đầu ra” ổn định. Trong nhà kính, cà chua đạt năng suất 350 – 400 tấn/ha, dưa chuột 250 tấn/ha. Ðây sẽ là điểm nhấn mang tính mũi nhọn của nền nông nghiệp cần hướng tới trong tương lai.
          Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới vào sản xuất đại trà là chưa thể. Vậy những mô hình nào được coi là phù hợp, có tính bền vững để áp dụng và có thể nhân rộng ở nông thôn Hải Phòng trong điều kiện hiện tại? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Thành đưa chúng tôi đi khảo sát một số mô hình tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và An Lão. Chúng tôi nhận thấy, các trang trại, gia trại chăn nuôi hầu hết đều có sự liên kết các hộ với nhau, tạo quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh. Ngay sau phong trào dồn điền, đổi thửa, những nơi đầm trũng, ruộng sâu, vài ba hộ cùng chung vốn đào ao, thả cá, nuôi tôm thành vùng nuôi trồng thủy sản. Trước đây, khoán là sự chia nhỏ tạo tính tự chủ trong sản xuất thì bây giờ, một xu hướng mới là nông dân đang tìm cách liên kết với nhau, hình thành khu sản xuất tập trung. Ðồng chí Nguyễn Văn Thành đánh giá: “Hình thức liên kết, có sự tích tụ ruộng đất xây dựng các trang trại, gia trại, nông dân góp ruộng đất, coi như tài sản đóng cổ phần là mô hình đem lại hiệu quả”. Ngoài ra, một cách làm khác cũng khá phổ biến ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo là một vài công ty tiến hành ký hợp đồng với nông dân sản xuất giống, bao tiêu luôn sản phẩm với giá thỏa thuận và ổn định. Hỏi chuyện nông dân, họ cho biết, rất mong muốn được sự tư vấn của các nhà khoa học nông nghiệp để nuôi trồng những cây, con có hiệu quả kinh tế cao; hoặc liên kết với các công ty, tập đoàn lớn đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, tạo thành trang trại tổng hợp quy mô lớn, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, họ sẽ như công nhân sản xuất trong nhà máy. Hội nhập kinh tế quốc tế, sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ chỉ còn ở đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch phân vùng sản xuất và mở các chợ nông sản đầu mối. HTX vẫn đóng vai trò quan trọng và đổi mới ở dạng cổ phần, thực hiện các khâu dịch vụ cho xã viên như kiểu khoán nông – công – thương – tín.
          Những mô hình, cách làm đầy sáng tạo của người dân trước đây, bây giờ và sau này nữa đã minh chứng mọi đáp án đều đã có ở cơ sở, nếu được nghiên cứu, nâng lên sẽ trở thành các chủ trương, chính sách thông thoáng, mềm dẻo, nhen đốm lửa nhỏ thành ngọn lửa lớn.

Thi Văn giới thiệu.

(Nguồn: Từ đất “khoán” xưa, đến nông nghiệp công nghệ cao hôm nay/Quang Hưng//Báo Nhân dân điện tử. – ngày 10/7/2007).

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học