
Chân dung Trung tướng Lê Hai.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị, trọng trách mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, Trung tướng Lê Hai luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Là một người con Hải Phòng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ đất nước và quê hương. Xin giới thiệu về ông như một nhân vật lịch sử Hải Phòng.
Trung tướng Lê Hai (Lê Văn Hải), bí danh Nguyễn Hoàn), sinh ngày 28-11-1927, quê quán: xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; trú quán: số nhà 95C Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Ông thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng giữ các chức vụ: Trưởng Ban Tuyên huấn Đại đoàn 320, Chủ nhiệm khoa rồi Phó Chủ nhiệm Hệ Giáo dục chính trị Học viện Quân chính, Tổng biên tập Tạp chí Quân đội Nhân dân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách cơ quan Tiền phương Tổng cục Chính trị trong chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến trường Căm-pu-chia,thành viên cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-pu-chia, Phó đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Căm-pu-chia.
Thời gian phong tướng: Thiếu tướng năm 1979, Trung tướng năm 1984.
Ông tuy quê Hà Tây (cũ), nhưng sinh trưởng ở Hải Phòng và từ nhỏ được gia đình cho ăn học ở đây. Theo lời kể của Lê Hai, được giác ngộ cách mạng, tháng 5 năm 1945 ông tham gia hoạt động Việt Minh ở Hải Phòng và được tổ chức điều lên hoạt động ở Kinh Môn (Hải Dương).
Tháng 6 năm 1945, ông là du kích tham gia đánh chiếm đồn huyện Chí Linh, Hải Dương. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia khởi nghĩa ở Hải Phòng trong sự kiện có thanh thế lớn nhất là cuộc mít tinh, biểu dương lực lượng của quân và dân Hải Phòng.
Mờ sáng ngày 23 tháng Tám 1945 hơn một chục vạn nhân dân thành phố, có lực lượng tự vệ hỗ trợ từ nhiều ngả đường giương cao cờ đỏ sao vàng đổ về quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Theo hiệp đồng của Ủy ban khởi nghĩa thành phố với Lực lượng vũ trang của chiến khu Đông Triều (chiến khu Trần Hưng Đạo) 2 cánh quân của Chiến khu hòa vào đoàn người từ các vùng ven thành phố rầm rập tiến vào nội thành. Cánh thứ nhất gồm trung đội Hoàng Văn Thụ và trung đội Đề Thám (do đồng chí Hải Thanh chỉ huy) đổ bộ lên Sở Dầu, qua Thượng Lý tiến về.; Cánh thứ hai gồm trung đội Phạm Hồng Thái và trung đội Ký Con (do đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy), từ hướng Thủy Nguyên vượt phà Bính tiến sang (Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I (1925-1955); Nxb. Hải Phòng, 1991. – Tr. 203). Trong thành phần trung đội Ký Con có đồng chí Lê Hai (lúc đó đang là Tiểu đội phó).
Sau cuộc mít tinh, quần chúng tràn xuống đường tuần hành, thị uy. “Dẫn đầu là các đơn vị vũ trang cách mạng, Lần đầu tiên nhân dân Hải Phòng nhìn thấy đoàn quân giải phóng xuất hiện trên đường phố. Đội quân từ chiến khu Đông Triều trở về oai nghiêm, hùng dũng với bộ quân phục màu nâu, súng gắn lê sáng ngời vừa đi vừa hát vang những bài ca cách mạng càng gây xúc động và tự hào cho mọi người” (Hải Phòng – lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Nxb: Quân đội Nhân dân, Hà Nội. – 1986; Tr. 70)
Cùng lúc với cuộc tuần hành biểu dương lực lượng và khí thế cách mạng, cán bộ và lực lượng tự vệ tỏa đi tiếp quản trại bảo an binh, tòa thị chính, Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng và các công sở. Ngày 23 – 8- 1945 đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng – Kiến An trong cách mạng tháng Tám.
Có thể nói, trong thành công của cách mạng, có đóng góp quan trọng của các chiến sĩ cách mạng chiến khu Đông Triều (Trần Hưng Đạo), trong đó có đồng chí Lê Hai.
Lực lượng của chiến khu Trần Hưng Đạo giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở Hải Phòng trong những ngày đầu khởi nghĩa. Ngoài việc xây dựng lực lượng tại chỗ, ban lãnh đạo chiến khu còn phái một số cán bộ về bắt liên lạc và giúp đỡ phong trào cách mạng ở nội thành Hải Phòng, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão … Đồng thời tuyển chọn người đưa lên chiến khu để bổ sung, phát triển đội du kích.
Được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, để thống nhất về mọi mặt trong tổ chức, sử dụng và chỉ huy các lực lượng vũ trang, khắc phục tình trạng riêng lẻ, phân tán, cục bộ, bản vị của từng loại lực lượng, thành và tỉnh (Hải Kiến) đã tiến hành hợp nhất lực lượng tự vệ chiến đấu ở Kiến An, Hải Phòng với lực lượng du kích quân ở chiến khu Trần Hưng Đạo. Các lực lượng trên được biên chế lại thành các đại đội và chi đội Giải phóng quân.
Trung đội Ký Con phát triển thành đại đội. “Ngày 5 tháng 11 năm 1945, đại đội Ký Con được lệnh cùng anh em thủy thủ cảng dùng 2 chiếc tàu Đơ-Lay và Pi-gơ-gre ra tham gia khởi nghĩa ở Hồng Gai và Cẩm Phả, truy quét tàn binh Pháp hoạt động lén lút trên các đảo Vạn Hoa, Cô Tô…, chiếm được tàu Craysăc. Sau đó đại đội được lệnh ra đảo Cát Bà làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang trên đảo” (Hải Phòng – lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Nxb: Quân đội Nhân dân, Hà Nội. – 1986; Tr 81).
Đại đội Ký Con (trong đó có Đại đội phó Lê Hai) lên đảo đã cùng lực lượng Việt Minh ở đảo nhanh chóng thiết lập chính quyền cách mạng từ huyện đến xã và xây dựng, huấn luyện lực lượng tự vệ tập trung, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đồng chí Lê Hai còn kiêm nhiệm phụ trách tài chính của đại đội.
Sau đây là lời kể của thiếu tướng Bùi Sinh – Đại đội trưởng đại đội Ký Con, một đồng đội của Trung tướng Lê Hai:
“Tôi không nhớ đại đội Ký Con, mà sau này tôi làm Đại đội trưởng, thuộc quyền của trung đoàn 42 vào ngày tháng nào, nhưng năm thì tôi nhớ rất rõ. Một lần vào năm 1946, khi đại đội Ký Con đóng giữ pháo đài Cát Bà, anh Lê Hai – lúc đó là đại đội phó đại đội Ký Con, có việc về công tác tại Hải Phòng. Khi trở về đảo Cát Bà, anh Lê Hai có nói với tôi rằng: Về Hải Phòng, tôi có đến Trung đoàn, gặp được ông Nam – chính ủy trung đoàn nhưng sợ lắm. Mới gặp ông ấy đã bảo mình dốc túi tiền của đại đội để ông ấy kiểm tra. Chả là khi đó anh Lê Hai còn phụ trách thêm về tài chính của đại đội Ký Con” (Thiếu tướng Bùi Sinh: Mấy kỷ niệm đáng ghi nhớ về trung đoàn 42//Đường 5 anh dũng quật khởi, tập VIII; Nxb: Hải Phòng, năm 2000. – Tr. 67)
Những ngày tháng sau cách mạng tháng 8, khi chúng ta mới giành được chính quyền, cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, thử thách của thù trong, giặc ngoài và hậu quả của nạn đói năm Ất Dậu. Cán bộ, chiến sĩ đại đội Ký Con trấn thủ đảo Cát Bà cũng phải tiết kiệm chi tiêu, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân,. Họ cùng những cán bộ như Lê Hai phải vất vả ngày đêm huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ địa phương và tuần tra, canh gác, trấn áp bọn tàn quân địch, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng tại các làng, xã.
Có thể nói, trong việc giành và giữ chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Hai có nhiều đóng góp cho thành phố của chúng ta.
Đầu tháng 11 năm 1946, trước nguy cơ bùng nổ chiến sự ở nội thành Hải Phòng (do quân Pháp gây hấn), Ban chỉ huy trung đoàn 42 đã điều một đại đội khác ở Hải Phòng ra đảo Cát Bà thay thế cho đại đội Ký Con để đại đội này về chuẩn bị cùng trung đoàn chiến đấu vì tình hình rất căng thẳng. Đại đội Ký Con được biên chế vào tiểu đoàn 89 đóng ở trại Bảo An binh Hải Phòng (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố hiện nay) do đồng chí Long Vân làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Bùi Khải là chính trị viên, sẵn sàng nhận lệnh cấp trên.
Trong 7 ngày đêm chiến đấu ở Hải Phòng (tháng 11 năm 1946), đại đội Ký Con đã được Ban chỉ huy tiểu đoàn 89 và Ban chỉ huy trung đoàn 42 sử dụng như một đại đội dự bị của tiểu đoàn, trung đoàn. Khi nào cần tăng cường lực lượng cho chỗ nào thì đại đội mới được điều động một tiểu đội hay nhiều lắm một trung đội cho hướng đó. Điều này nói lên sự tin tưởng của cấp trên vào truyền thống cách mạng của đơn vị Lê Hai.
Sự kiện sau đây do chính Lê Hai kể lại:
“…Vào tháng 11 năm 1946, lúc cuộc xung đột giữa quân đội Pháp và lực lượng vũ trang nhân dân ta ở Hải Phòng đang bùng nổ dữ dội. Lúc đó tôi là Đại đội phó vừa được điều từ đảo Cát Bà về Hải Phòng. Đại đội của tôi đóng ở thôn Đông Khê, có nhiệm vụ phối hợp với tự vệ khu 7 là lực lượng tự vệ nổi tiếng ở Hải Phòng thời đó…Lúc đó cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt, đánh chặn quân Pháp ở khu vực ngõ Cấm, đầu đường Lê Lợi ngày nay. Một buổi sáng, tôi thấy mấy anh em khiêng một cái cáng về đình ngoài làng Đông Khê. Đó là anh Nguyễn Sơn Lâm, anh đã hy sinh” (“Nhớ anh Nguyễn Sơn Lâm/Trung tướng Lê Hai//Báo Lao động. – ngày 28/8/1994).
Vào thời gian chiến sự ác liệt đó, Lê Hai đã tham gia chỉ huy, chiến đấu dũng cảm cùng các chiến sĩ tự vệ của mình trong lửa đạn quân thù với tinh thần quyết tử bảo vệ thành phố Cảng Hải Phòng, khiến quân Pháp phải kinh sợ, thán phục.
Khi quân Pháp đã đánh chiếm xong các mục tiêu chính trong thành phố Hải Phòng, đại đội Ký Con được trung đoàn 42 giao nhiệm vụ đánh chặn địch, bảo vệ cho quân dân Hải Phòng rút về Kiến An theo đường Cầu Niệm. Địch đã bị đánh nhiều trận ngăn chặn ở chợ Cột Đèn và ngã tư An Dương. Đến ngày chiến đấu thứ 6, đại đội vẫn còn giữ vững ở ngã tư An Dương – điểm chốt chặn quan trọng trên đường sang Kiến An của ta. Đại đội Ký Con do đồng chí Bùi Sinh và Lê Hai chỉ huy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêu hao, ngăn chặn địch, bảo vệ cho quân, dân ta rút an toàn từ Hải Phòng về Kiến An.
Tới đầu năm 1948, đại đội Ký Con mới được tách khỏi trung đoàn 42 thuộc quân khu Tả ngạn (trong đó có Hải Phòng) và biên chế vào trung đoàn 66 thuộc quân khu Hữu ngạn sông Hồng.
Trong kháng chiến chống Pháp, Lê Hai đã trưởng thành dần từ chức tiểu đội phó đến Trưởng ban Tuyên huấn Đại đoàn 320.
Đại đoàn 320 là một trong 7 đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta (còn gọi là Đại đoàn Đồng bằng), được thành lập ngày 16 tháng 1 năm 1951 trong kháng chiến chống Pháp với quân số hơn 7000 sĩ quan, chiến sĩ. Đại đoàn 320 đã từng lập nhiều chiến công vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp.
Những trận chiến đấu trên chiến trường Liên khu 3 (trong đó có Hải Phòng) của đại đoàn 320 góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm suy yếu lực lượng kẻ thù, khiến ngụy quân, ngụy quyền tay sai Pháp hoang mang, cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu giải phóng quê hương của tự vệ, du kích trong lòng địch.
Là Trưởng ban tuyên huấn của một đoàn quân lớn chịu trách nhiệm về công tác chính trị – tư tưởng của đơn vị, Lê Hai đã cùng tập thể lãnh đạo Ban Tuyên huấn Đại đoàn 320 thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội, nắm vững tinh thần cán bộ,chiến sĩ trong đoàn quân, làm tốt công tác tư tưởng, củng cố lập trường cách mạng tạo lên sức mạnh tinh thần trong đơn vị, từ đó động viên, cổ vũ họ hăng hái, dũng cảm chiến đấu. Nhờ kịp thời phổ biến, quán triệt chủ trương, mệnh lệnh cấp trên, Ban tuyên huấn Đại đoàn do ông lãnh đạo đã góp phần truyền đạt được ý đồ tác chiến, mục tiêu chiến đấu từ cấp trên tới từng chiến sĩ, góp phần cho những thắng lợi của Đại đoàn. Bởi vậy, Đại đoàn 320 tuy trang bị vũ khí, phương tiện, kỹ thuật kém xa quân Pháp, chiến đấu trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn vẫn giáng cho kẻ thù những đòn đau, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch, hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương giao phó, góp phần làm nên thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta.
Có thể nói, sức mạnh tinh thần và đoàn kết của một tập thể lớn là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo lên thắng lợi của đội quân công nông từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu của quân đội ta. Trong thành tích chiến đấu và chiến thắng của đại đoàn 320 có phần đóng góp không nhỏ của đồng chí Chủ nhiệm chính trị Lê Hai.
Sau khi hòa bình lập lại (năm 1956 đến năm 1960), Lê Hai là giáo viên, sau đó là Chủ nhiệm khoa rồi Phó Chủ nhiệm Hệ Giáo dục chính trị Học viện Quân chính – trường đào tạo sĩ quan quân đội trung cao cấp (nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy quân đội Nhân dân Việt Nam) với 2 khoa: Bổ túc quân sự trung cao cấp và Chính trị trung cao cấp. Đứng đầu phân khoa đào tạo người chỉ huy về chính trị, đồng chí Lê Hai, từ người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường trở thành người giảng dạy, quản lý hệ đào tạo sĩ quan chỉ huy.
Tháng 9 năm 1964, ông được cử làm Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Quân đội Nhân dân (tháng 3 năm 1970) nay là tạp chí Quốc phòng Toàn dân.
Tháng 7 năm 1977, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị – một chức vụ cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, đứng thứ hai trong Tổng cục Chính trị (sau Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ), giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tổ chức lực lượng, chỉ huy và điều hành các hoạt động quân sự quân đội.
Nếu biết rằng, Tổng cục Chính trị là cơ quan chỉ đạo và tiến hành công tác Đảng, công tác Chính trị trong quân đội, chịu trách nhiệm về công tác cán bộ, tuyên huấn, tổ chức đảng, công tác dân vận, an ninh quân đội và quản lý hành chính đối với hệ thống toà án quân sự, viện kiểm sát quân sự các cấp thì ta có thể hiểu được vai trò quan trọng của Trung tướng Lê Hai trong quân đội.
Năm 1978, tập đoàn phản động Pôn Pốt phát động chiến tranh chống Việt Nam. Khi đó, theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng Cam Pu Chia, quân đội ta đã tiến công tiêu diệt quân Pôn Pốt tàn bạo, giải phóng Cam Pu Chia.
Tháng 7 năm 1978, ông được biệt phái phụ trách cơ quan Tiền phương Tổng cục Chính trị trong chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến trường Cam Pu Chia.
Tiếp đó, theo đề nghị của Đảng, Nhà nước Campuchia, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam được Đảng, Nhà nước ta giao nhiệm vụ ở lại Campuchia triển khai lực lượng truy quét tàn quân Pôn Pốt, giúp Bạn củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, góp phấn bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, từng bước ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội, hồi sinh đất nước.
Tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc nước ta, Lê Hai là thành viên cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng, đã mang hết khả năng, kinh nghiệm về chiến tranh biên giới ở Cam Pu Chia tiếp tục đối phó với kẻ thù phía Bắc.
Hình ảnh về một vị tướng luôn gần gũi, thân mật, ứng xử rất đúng mực, luôn quan tâm, động viên, chia sẻ khó khăn với đồng chí đồng đội, các cán bộ, chiến sĩ tạo ra sự động viên cổ vũ và khích lệ rất lớn trên chiến trường chống quân xâm lược.
Sau đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia lần thứ IV, trên cơ sở các thỏa thuận về hợp tác Việt Nam – Campuchia đã được hai Đảng, hai Nhà nước và để thống nhất lãnh đạo chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18 tháng 5 năm 1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTƯ về tổ chức Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 6 tháng 6 năm 1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 185/QĐ-QP thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 719) do Thượng tướng Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tư lệnh.
Do sự tín nhiệm của Quân Ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh, Lê Hai lại được cử làm Phó Tư lệnh về Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-pu-chia trong Bộ tư lệnh 719, Phó Bí thư rồi Bí thư Ban cán sự, Uỷ viên Ban lãnh đạo Chuyên gia Việt Nam tại Căm-pu-chia. Năm 1988, ông là Phó đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Căm-pu-chia. Đặc biệt, trên cương vị là Phó Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trung tướng Lê Hai đã để lại dấu ấn đậm nét, góp phần vào những nỗ lực trong suốt 10 năm giúp bạn hồi sinh đất nước của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.
Tháng 9 năm 1989, quân tình nguyện Việt Nam ở Cam Pu Chia rút về nước, đồng chí Lê Hai kết thúc 9 năm được Đảng và quân đội biệt phái sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam Pu Chia.
Sau thời gian đó, trung tướng Lê Hai được nghỉ hưu theo chế độ và sống với gia đình ở Hà Nội.
Đồng chí đã từ trần hồi 15 giờ 38 phút ngày 21-1-2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ tang đồng chí Trung tướng Lê Hai được tổ chức theo hình thức lễ tang cấp cao.
Trung tướng Lê Hai có một người con gái là PGS.TS Lê Thu Hà – Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bà là Trung tướng đầu tiên của quân đội ta tính đến thời điểm này (thụ phong tháng 8 năm 2014). Vợ trung tướng Lê Hai cũng là bác sĩ quân y từng công tác ở bệnh viện này.
Ảnh PGS.TS Lê Thu Hà, Trung tướng quân đội NDVN
Với nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, trung tướng Lê Hai được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Huân chương Độc lập hạng nhất; Hai Huân chương Quân công hạng nhất; Một Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng nhất của Nhà nước Cam-pu-chia.
Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng biên soạn theo:
1) Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam. – Nxb. QĐND, Hà Nội, 1996. – Tr. 462.
2) (Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I (1925-1955); Nxb. Hải Phòng, 1991. – Tr. 203, 225)
3) Đường 5 anh dũng quật khởi, tập VIII; Nxb: Hải Phòng, năm 2000.
4) (Hải Phòng – lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Nxb: Quân đội Nhân dân, Hà Nội. – 1986; Tr. 59)
5) Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
6) Nữ trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam//Website Hội LHPN Việt Nam (http://hoilhpn.org.vn). – ngày 29/9/2014.