Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và 2 bài thơ tiên tri về tên nước Việt Nam.

Trạng Trình đưa ra lời khuyên cho sứ giả (tranh vẽ minh họa).

       Trạng Trình tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tự Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ, Tuyết Giang phu tử. Cụ còn có nhiều bí danh khác nữa như Hanh phủ  Độn tẩu 遁叟 (ông già ở ẩn)…Cũng như các vị Trạng nguyên khác, Người đỗ đầu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng Nhãn, thám hoa), Tiến sĩ Cập đệ nhất giáp. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 15-16, được nhân dân ta truyền tụng với danh xưng Trạng Trình. Danh tiếng ông hơn hẳn các vị Trạng nguyên khác chính là khả năng tiên tri về thời thế, dân tộc, và những cá nhân có danh tiếng trong sử sách của dân tộc Việt Nam thông qua các lời “sấm” rất đặc biệt. Lời truyền còn lưu lại những câu  sấm nói về sự xuất hiện của chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, triều đại Quang Trung, những gợi ý bảo toàn nhà Nguyễn ở Đàng trong, nhà Trịnh và nhà Lê, ngăn sự cướp ngôi của chúa Trịnh đối với vua Lê… Những điều này, ai quan tâm tới sấm Trạng đều biết. La sơn phu tử Nguyễn Thiếp đời sau ghé thăm quê hương Trạng Trình cảm động nói:
       片語全三姓
       渾敦未異良
       Dịch Hán:
       “Phiến ngữ toàn  tam tính
       Hồn đôn vị dị lương”
       Dịch thơ:
       An toàn ba họ chỉ vài câu
       Mấy kẻ trên đời hiểu ý sâu
       Chỉ vài câu nói mà có thể bảo toàn cho ba họ, lời nói của Tiên sinh thực là vô giá.
       Trong phần này chúng tôi muốn nêu ra hiện tượng cụ Trạng đã tiên tri được tên của đất nước Việt Nam từ 500 năm trước. Đến bây giờ vẫn còn có nhiều người, ngay cả các học giả vẫn hoài nghi về sự chính xác của sấm Trạng, cũng đúng thôi, nhất là những người vô thần, chỉ tin vào khoa học, không tin vào tâm linh, không tin vào khả năng siêu phàm của con người đặc biệt. Với họ, không có ai có thể biết được sự việc của ngày mai chứ đừng nói tới hàng trăm năm sau. Tranh luận với họ chỉ tốn thời gian vô ích. Đọc thơ cụ Trạng mà không có cái tâm, không có cái thiện, không tin vào câu nói: “trên đầu ba thước có thần linh”, không tin vào luật “nhân quả” thì không bao giờ hiểu được thơ của Người.
       Cụ Trạng không chỉ tiên tri về tên của nước Việt Nam sau 500 năm mà còn có địa danh khác như
       Bao giờ Tiên Lãng cắt đôi
       Sông Hàn nối lại thì tôi lại về
       Tiên Lãng thời Mạc về trước có tên là Tân Minh, thời vua Lê Kính Tông (húy là Duy Tân) được đổi thành Tiên Minh (kiêng tên húy Vua), đến thời Thành Thái đổi thành Tiên Lãng. Như vậy, nếu câu sấm trên đúng là của cụ Trạng thì địa danh Tiên Lãng đã được báo trước hơn 300 năm. Hiện tượng cắt đôi xảy ra năm 1944 khi Tiên Lãng đào sông Mới. Sau gần 400 năm, sông Hàn nối lại (cầu Hàn và cầu Đăng hoàn thành) năm 2017 là hơn 400 năm. Nói tới đây nhiều người đặt câu hỏi làm sao mà chứng minh được câu sấm trên là của cụ Trạng, hay chỉ là lời thêu dệt của nhân gian, quả là rất khó một khi chưa có niềm  tin vào khả năng tiên tri của cụ Trạng.
       Tiếp tục nghiên cứu bài toán Cụ Trạng đặt ra cho đời sau là tọa độ của Ao Dương, tương truyền là nơi đặt mộ phần của cụ qua câu sấm:
       “Ba Ra trông sang
       Ba đồng ngoảnh lại
       Táng tại Ao Dương”
       

Sơ đồ tọa độ địa danh Ao Dương.

       Khi Cụ còn sống chỉ có 2 địa danh Ba Ra và Thượng Đồng. Ba Ra (ngã ba), nơi giao nhau giữa sông Hóa và sông Hàn, đổ ra cửa Thái Bình và Thượng Đồng tổng Bắc Tạ nay thuộc xã An Hòa. Còn thiếu hai “Đồng” nữa cho nên đời sau khó mà giải mã được. Khoảng 100 năm sau khi Cụ mất, ông Nguyễn Phú Thuận, một chi trưởng họ Nguyễn tại Thượng Đồng dẫn cả chi của mình rời Thượng Đồng (huyện Tứ Kỳ) sang vùng đất gần xã An Quý thuộc tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại, cách nhà 20 dặm (10km) khai phá. Sau đó một số người họ khác cũng tham gia, khi dân số đủ lớn, ông Nguyễn Phú Thuận đề nghị với quan huyện cho lập thôn, lấy tên là thôn Hạ Đồng vì hai lẽ: thứ nhất là ông Thuận người Thượng Đồng, thuộc huyện Tứ Kỳ, việc xin lập thôn phải trình quan huyện Tứ Kỳ, thứ hai do xuất xứ từ Thượng Đồng nên xin đặt tên quê mới là Hạ Đồng. Vì vậy thôn Hạ Đồng mới này tuy nằm trên đất tổng Hạ Am huyện Vĩnh Lại nhưng lại trực thuộc làng Lý Dương, sở Tây Tạ, tổng Bắc Tạ thuộc huyện Tứ kỳ, một mảnh đất của huyện Tứ Kỳ nằm trong địa phận của huyện Vĩnh Lại. Nhờ đó vùng đất có Ao Dương rất yên ổn hơn 400 năm qua. Sự lựa chọn của cụ Trạng mới kỳ lạ làm sao? Vì ông Nguyễn Phú Thuận là cụ tổ 7 đời của ông Nguyễn Văn Ngọ (1906-1954) người làng Hạ Đồng, nguyên Bí thư tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thái Bình, là nhà cách mạng tiền bối của Huyện Vĩnh Bảo. Phần mộ của ông Ngọ nay ở tại nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội. Căn cứ vào năm sinh của ông Ngọ 1906 và ông là cháu 7 đời của ông Nguyễn Phú Thuận (gia phả họ Nguyễn ), ước tính thời gian ông Thuận về khai phá lập thôn Hạ đồng (1720-1750) thì là sau khi cụ Trạng mất khoảng 130-160 năm. Còn thôn Hạ Đồng thứ 3 chính là thôn Hạ Đồng phía Nam của Thượng Đồng, nằm sát bờ sông Hóa, giáp đầu cầu Nghìn. Thôn Hạ Đồng này mới có từ những năm 1960-1964 trở về đây. Như vậy, sau gần 400 năm ngày Cụ Trạng mất, và mới cách đây 6 chục năm, tọa độ về Ao Dương mới có đủ dữ kiện.
       Theo sơ đồ trên, từ Ba Ra (nay gọi là Ba Giai) kẻ một đường sang trái về phía Tây (trông sang), Từ Thượng Đồng, Hạ Đồng (An Hòa) kẻ một đường sang phải về phía Đông (ngoảnh lại) thì hai đường này gặp nhau tại Hạ Đồng (Cộng Hiền), đó chính là tọa độ của Ao Dương. Có điều là Ao Dương ngày xưa rộng hơn 7 mẫu, nay bị người dân lấp đi làm nhà chỉ còn lại cái ao nhỏ nhà ông Trần Rường, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, người được chia phần đất nhà ông Nguyễn Văn Ngọ vào những năm cải cách ruộng đất (1954).
       Bây giờ xin bàn về hai bài thơ chính thức là của Cụ Trạng, hai bài thơ chữ Hán trong tuyển tập văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhà xuất bản văn học xuất bản.
       BÀI 1: QUY LÃO KỲ LẠI BỘ THƯỢNG THƯ TÔ KHÊ BÁ
       歸老奇吏部尚書蘇溪伯
       點撿行年七十三
       懸車差晚也應慚
       馳驅自許嗟無力
       榮利何求豈是貪
       勉力望公扶帝室
       偷閒笑我老雲庵
       壽星共仰光芒在
       前後相將照越南
       Dịch Nôm:
       Điểm kiểm hành niên thất thập tam
       Huyền xa sai vãn dã ưng tàm
       Trì khu tự hứa ta vô lực
       Vinh lợi hà cầu khởi thị tham
       Miễn lực vọng công phù đế thất
       Thâu nhàn tiếu ngã lão Vân Am
       Thọ tinh cộng ngưỡng quang mang tại
       Tiền hậu tương tương chiếu Việt Nam
       Dịch nghĩa:
       NHÂN TUỔI GIÀ VỀ NGHỈ, GỬI QUAN THƯỢNG THƯ BỘ LẠI TÔ KHÊ BÁ.
       Lần tính tuổi trời nay 73
       Trả xe ngựa về hơi muộn kể cũng đáng thẹn
       Ruổi rong tự nhủ ta không đủ sức
       Đâu cần vinh lợi nên há phải tham
       Mong ông hãy gắng sức phò tá nhà vua
       Cười tôi trộm chút nhàn tuổi già về sống ở am mây (Vân Am)
       Hôm nay chúng ta cùng ngưỡng trông sao thọ chiếu sáng
       Ngôi sao này dù  trước đây hay mai sau cũng đều chiếu sáng đất Việt Nam
       Câu thứ hai “Trả xe ngựa” (về hưu) hơi muộn kể cũng đáng thẹn: thực ra Cụ Trạng về hưu ở tuổi 53, tức rất sớm so với quan chức đương thời. Vì sao cụ nói là hơi muộn vì sự quản lý của triều đình đang xuống cấp, dù có tài năng cũng không lấy lại được nên cụ về hưu năm 53 tuổi với cụ vẫn cho là muộn. Cái thẹn mà cụ nói ở đây chính là thẹn vì vận nước đang đi xuống mà mình không thể giúp được. “Vinh lợi không cầu há phải tham”. Cụ phải sử dụng cách dâng sớ chém 18 kẻ lộng thần, biết chắc nhà vua không theo để lấy cớ về hưu. Hai câu kết người nói về ngôi sao THỌ , ngôi sao này dù trước đây hay mai sau đều chiếu sáng đất Việt Nam. Ngôi sao này phải chăng ứng vào cụ (95 tuổi) và đặc biệt nói tên đất Việt Nam. Cụ như ngôi sao THỌ mãi mãi chiếu sáng đất nước Việt Nam .
       NHÂN TUỔI GIÀ VỀ NGHỈ, GỬI QUAN THƯỢNG THƯ BỘ LẠI TÔ KHÊ BÁ (1)
       Tuổi bảy ba rồi tớ chẳng ham
       Trả xe hơi muộn thẹn không làm
       Ruổi rong tự biết không còn sức
       Vinh lợi không cầu há phải tham?
       Ông gắng ra tay phò thánh chúa
       Tôi già chịu tiếng lão Vân Am
       Trời cao cùng ngưỡng trông sao thọ
       Sau trước huy hoàng đất Việt Nam
       BÀI 2
       西扈步青威狀頭杲川韻
       昨與君曾把笑談
       不才自揣我應慚
       魁三先我君多幸
       籌一輸君我未甘
       胡學昔年曾共講
       董惟今日又相參
       前程遠大君須記
       誰是芳名重越南
       TÂY HỖ BỘ THANH OAI TRẠNG ĐẦU CẢO XUYÊN VẬN
       Tạc dữ quân tằng bả tiếu đàm
       Bất tài tự súy ngã ưng tàm
       Khôi tam, tiên ngã quân đa hạnh
       Trù nhất thâu quân ngã vị cam
       Hỗ (2) học tích niên tằng cộng giảng
       Đổng (3) duy kim nhật hựu tương tham
       Tiền trình viễn đại quân tu ký
       Thùy thị phương danh trọng Việt Nam
       Dịch nghĩa:
       HỘ GIÁ ĐI MIỀN TÂY, HỌA VẦN BÀI THƠ
       CỦA CẢO XUYÊN (4) NGƯỜI THANH OAI
       Trước từng cầm tay cười nói với ông
       Tự lượng xét tôi bất tài, đáng thẹn
       Đỗ đầu ba lần trước tôi,ông có nhiều may mắn
       Thua ông một phen trù liệu tôi không đành lòng
       Năm xưa đã cùng nhau giảng cứu theo phong học họ Hồ
       Ngày nay lại cùng nhau tham dự dưới màn họ Đổng
       Tiền đồ rộng lớn ông nên nhớ
       Ai sẽ là người có tiếng thơm được coi trọng tại Việt Nam.
       
       Trong bài thơ, ta thấy tác giả rất khiêm tốn, nhận là người bất tài, đỗ sau, từng thua một phen trù liệu. Thực ra cụ có khả năng thi khóa nào đỗ đầu khóa đó, việc 45 tuổi mới ứng thí là cụ lựa chọn, nếu cụ thi năm 42 tuổi cùng khóa với cụ Nguyễn Thiến thì cụ Nguyễn Thiến chưa hẳn đã là Trạng Nguyên cho nên cụ mới viết “Tam khôi giành trước ông may mắn” may mắn chính là ông không thi đồng khóa với tôi. Câu cuối mới là sự thách đấu giữa hai vị trạng nguyên
       “Thùy thị phương danh trọng Việt Nam”
       Nghĩa là ai người có danh tiếng, được coi trọng  tại Việt Nam.
       Câu trả lời hàng trăm năm sau, và bây giờ đã có kết quả, người đó chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và cái tên Việt Nam ở hai bài thơ trên thể hiện lời tiên tri chính xác nhất , hay nhất đối với dân tộc Việt Nam.
       Nếu những ai tin vào sự việc trên, cũng sẽ tin vào sự sắp “trở về” của cụ Trạng đối với non sông đất nước Việt Nam.
       Dịch thơ (Vũ Hoàng):
       Lắm buổi cầm tay với mạn đàm
       Bất tài, tôi tự thẹn trong tâm
       Tam khôi giành trước ông may mắn
       Một liệu không bằng lão chẳng cam
       Hồ học ngày xưa cùng thuyết, giảng
       Đồng văn nay lại thấy mê, ham
       Tiền đồ rộng mở ông nên nhớ
       Ai người danh tiếng tại Việt Nam.
       CHÚ THÍCH:
       (1) Tô Khê Bá 蘇溪伯 tức Giáp Hải (1515 – 1585), sau đổi là Giáp Trừng, tên hiệu là Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Giang (còn gọi là Trạng Kế). Ông là một nhà chính trị thời Mạc. Ông nổi bật với việc giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình dưới thời Mạc Mậu Hợp (莫戊合), có uy tín lớn  đối với nhà vua và dân chúng..
       (2) Màn họ Đổng (董帷 Đổng Duy): Đổng Trọng Thư (董仲書) là học giả đời Hán, từng buông màn, tụng kinh giảng truyện, ba năm không nhìn ra vườn, được Hán Vũ đế coi như bậc thầy. Điển tích này muốn nói tới Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thiến từng cộng tác với nhau trong việc dạy thái tử học ở tòa Kính Diên.
       (3) Hồ học (胡學): Hồ Viện đời Tống, làm Giáo thụ ở Hồ Châu, học trò đông tới hàng vài nghìn. Ông dạy học có phương pháp coi trọng thực tế, không dùng văn chương phù phiếm nên có nhiều học sinh thành tài. Triều đình liền lấy phong cách học của ông làm mẫu mực, đưa vào Thái học. Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thiến cũng cùng nhau áp dụng phong cách này trong giảng dạy Thái tử.
       (4) Cảo Xuyên, Nguyễn Thiến (chữ Hán: 阮倩; 1495 -1557)  tự Cảo Xuyên, là Thư Quận công, Thượng thư  nhà Mạc và sau này  là quan nhà Lê Trung hưng. Ông có quê nội là người làng Tảo Dương, quê ngoại làng Canh Hoạch phủ Thanh Oai (nay thuộc thành phố Hà Nội), đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn năm Đại Chính thứ ba (1532) triều vua Mạc Thái Tông (莫登贏 Mạc Đăng Doanh),  đỗ trước Nguyễn Bỉnh Khiêm một khoa, giữ chức Thượng thư bộ Lễ, sau giữ chức Thượng thư bộ Lại, tước Thư quốc công. Ông mất ở Thanh Hoá tháng 8 âm lịch năm 1557.

Vũ Hoàng, nhà nghiên cứu Hán-Nôm.

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học