Trần Phương
Tối 9-6 tại Nhà hát thành phố, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức lễ vinh danh và trao Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian quốc gia cho 5 nghệ nhân thuộc Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng. Đó là: Nghệ nhân thực hành và truyền dạy nghi lễ hầu đồng Phạm Văn Giao; Nghệ nhân thực hành và truyền dạy nghệ thuật ca trù Thu Hằng; Nghệ nhân đàn đáy Tô Văn Tuyên; Nghệ nhân thực hành và truyền dạy nhạc cụ dân tộc Nguyễn Huy Trọng và Nghệ nhân thực hành và truyền dạy nghệ thuật hát xẩm Đào Bạch Linh.
Phát biểu tại lễ tôn vinh Nghệ nhân dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh: Văn hóa Văn nghệ dân gian là văn hóa của cuộc sống và nằm ngay trong lòng cuộc sống. Văn hóa văn nghệ dân gian được lưu giữ chủ yếu bằng trí nhớ con người và được lưu truyền bằng phương pháp truyền miệng, truyền nghề, truyền ngón. Vai trò của các nghệ nhân dân gian là hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sự còn –mất của văn hóa văn nghệ dân gian. Các nghệ nhân là bộ nhớ của toàn bộ lịch sử sáng tạo văn hóa của nhân dân lao động các tộc người Việt Nam.
UNESCO gọi các nghệ nhân là những “Báu vật nhân văn sống”. Trong khi chờ đợi Nhà nước quyết định những hình thức tôn vinh và thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các Nghệ nhân, tháng 6 năm 2002, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Việt Nam đã thông qua quy chế công nhân danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành, truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của văn hóa, văn nghệ dân gian. Năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam đợt đầu tiên cho 15 vị. Từ đó đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh trên 600 Nghệ nhân dân gian Việt Nam; trong đó thành phố Hải Phòng vinh dự có 30 Nghệ nhân dân gian. Đầu tiên phải kể đến 6 Nghệ nhân dân gian: Nghệ nhân đàn đáy Trần Trọng Quế, các đào nương Nguyễn Thị Út (tức Nguyễn Thị Chín), Tô Thị Chè, Đào Thị Thẩm; quan viên ca trù Nguyễn Văn Hãn và Nghệ nhân hát đúm Phạm Thị Đáng;ÂÂ tiếp đến là 10 nghệ nhân thực hành và truyền dạy tục chọi trâu Đồ Sơn, Nghệ nhân ca nương Đỗ Quyên, Nghệ nhân đàn và hát chầu văn Nguyễn Văn Chính, Nghệ nhân hát xẩm Lý Văn An, nghệ nhân hát chèo Nguyễn Tất Năm và 10 nghệ nhân hát đúm Tổng Phục, huyện Thủy Nguyên. Việc trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong kế hoạch “Tầm nhìn năm 2010” của Hội VNDG Việt Nam nhằm hưởng ứng chương trình hành động của UNESCO. Hội VNDG Việt Nam và các Chi hội VNDG Việt Nam đã tiến hành tổng kiểm kê các loại hình văn hóa phi vật thể còn lưu giữ trong trí nhớ con người và lực lượng nghệ nhân. Thự hiện phương án bảo tồn: “cứu được cái gì thì phải tập trung cứu ngay cái đó”, nhiều công sức đã được bỏ ra, nhiều cuộc điền dã được tiến hành, rồi sưu tầm, ghi âm giọng nói, ghi hình chân dung các nghệ nhân được triển khai. Kết quả đã có khoảng 2000 trang viết từ Chi hội VNDG Việt Nam các tỉnh và thành phố đối với 128 di sản văn hóa phi vật thể được khôi phục theo tinh thần trả lại cho người dân gìn giữ. Thành phố Hải Phòng có nghệ thuật ca trù, hát đúm, chọi trâu, thả diều, tạc tượng, hầu bóng, lên đồng… được khôi phục. Ca trù và lên đồng Hải Phòng có mặt trong bộ hồ sơ quốc gia về Ca trù Việt Nam và hầu đồng Việt Nam với một số kép đàn, ca nương, thanh đồng nổi tiếng.
Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2016 này đều là những người có năng khiếu và khả năng hơn người; ở họ thường có sự tiếp nối giữa các thế hệ trong một gia đình, dòng học, Câu lạc bộ…Họ là những người có lòng say mê nghề nghiệp, có lương tâm nghề nghiệp và phẩm chất tốt được cộng đồng mến phục. Nghệ nhân Phạm Văn Giao được thân phụ là Đồng thầy thủ nhang, pháp sư Trương Văn Thuật và thầy cúng Văn Hai hướng dẫn nghi thức thờ phụng Thánh Mẫu Tứ phủ từ năm 1953 (8 tuổi). Năm 1980, nghệ nhân được sư thầy Thích Đàm Thu trụ trì chùa Lạc Viên trực tiếp trình đồng mở phủ và hướng dẫn lập điện tại gia mang tên là “Hải Linh điện” tại 350 Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng. Đồng thầy Phạm Văn Giao có “căn quả” trở thành tín đồ của Đạo Mẫu, từ năm 1990 đến nay, nghệ nhân đồng thầy Phạm Văn Giao trực tiếp trình đồng mở phủ cho hơn 100 thanh đồng tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, đào tạo 5 pháp sư (thày cúng) thuần thục các khoa cúng; làm chuyên gia giúp Bảo tàng tỉnh Nam Định trưng bày ban thờ Tứ phủ theo nghi thức truyền thống và hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại phủ Bóng, phủ Giầy…Năm 2010, nghệ nhân tham gia Liên hoan diễn xướng chầu văn toàn quốc do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, tiết mục “Giá Cô Bé và Giá Hoàng Mười” của nghệ nhân đoạt huy chương Vàng. Năm 2011, Nghệ nhân tham gia giao lưu văn hóa tâm linh tại Hàn Quốc với giá chầu “Cô Đôi Thượng ngàn” được đánh giá cao. Khi Trung Quốc đưa dàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta, nghệ nhân Phạm Văn Giao chủ trì khóa lễ “Dẹp nạn xâm phạm Biển Đông” rất trang nghiêm và linh ứng; Nghệ nhân Thu Hằng tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh năm 2005 đoạt huy chương Bạc; các năm sau 2007, 2009, 2011, 2014 đều đoạt giải Vàng cá nhân và được trao danh hiệu “Đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam”. Năm 2014, nghệ nhân Thu Hằng được lão nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ truyền dạy 14 thể cách trong không gian hát cửa đình của nghệ thuật ca trù Việt Nam, tưởng chừng đã bị thất truyền; Nghệ nhân đàn đáy Tô Tuyên có nhiều duyên nợ với phường ca trù Đông Môn nổi tiếng, có công đưa ca trù vào giảng dạy tại các trường học ở địa phương. Dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân dân gian – Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên, Chủ nhiệm CLB ca trù Hội VNDG Hải Phòng, nghệ nhân Tô Tuyên cùng nghệ nhân Thu Hằng và các nghệ nhân ca trù Hải Phòng đã tiếp nhận thành công không gian hát cửa đình; Nghệ nhân Nguyễn Huy Trọng sử dụng thành thạo Nhị các loại nhạc cụ dân tộc như: Đàn Nguyệt, đàn Tam, đàn Tứ, Nhị trung, Hồ, Lứu và bộ gõ phường bát âm; Nghệ nhân Đào Bạch Linh – Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hải Thành, Chủ nhiệm Chiếu xẩm Hải Phòng đã dành nhiều thời gian, công sức học các ngón nghề của Nghệ nhân dân gian – Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu và Nghệ nhân dân gian Lý Văn An về tự hát, tự phách và kép nhị; chất hoang dã, phóng khoáng để đạt đến trình độ cao: miệng hát, chân đạp phách, tay kéo nhị và khả năng ứng biến linh hoạt. Nghệ nhân Bạch Linh có công truyền dạy nghệ thuật hát xẩm và nhiệt huyết say mê cho học sinh Trường khiếm thị Hải Phòng.
TP