Tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài, Thổ Địa của người Việt.

Hình tượng Thần Tài, Thổ Địa thường được thờ cúng.

          Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và một số nước phương Đông nói chung, Thần Tài là vị thần mang tới tiền tài, danh vọng cho con người. Muốn kinh doanh phát đạt, chúng ta cần phải quan tâm tới việc cúng lễ thần tài vào các ngày rằm, mùng một, ngày vía thần tài…
          Thần Tài là ai?
          Nếu như Thổ Địa là vị thần cai quản đất đai, che chở giúp cho gia đình được yên ấm, thì Thần Tài được quan niệm là vị thần mang tài lộc, thành công, công danh, tiền bạc… Thần Tài còn được biết đến với cái tên Tài Bạch Tinh Quân. Thần Tài luôn được gắn liền với hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền lành, nhân hậu, trên tay cầm một thỏi vàng lớn tượng trưng cho tài lộc.
          Người Trung Hoa theo truyền thuyết, quan niệm có 2 vị Thần Tài là Âu Minh và Phạm Lãi.
          Tại Ấn Độ, Thần Tài là vị Thần bố thí tiền bạc cho chúng sinh. Vị thần này có tên là Bố Đại La Hán, hay còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả – là vị Thần thứ mười ba trong Thập Bát La Hán. Hình tượng của Ngài là một người có hình tướng mập mạp, bụng to, túi vải lớn bên mình như là hiện thân của Bồ-tát Di-lặc.
          Riêng trong Phật giáo Tây Tạng, Tài Thần gồm có 5 vị: Bạch Thần Tài, Hoàng Thần Tài, Hồng Thần Tài, Lam Thần Tài và Hắc Thần Tài (hay còn được gọi là Thần tài Ngũ sắc).
          Ở Việt Nam, Thần Tài thường được đặt chung trong khán thờ với Thổ Địa. Thần Tài, Thổ Địa được xem là cặp đôi mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho gia chủ. Hình tượng ông Địa mà chúng ta thường thấy là một ông lão với chiếc bụng phệ, miệng luôn tươi cười, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc trông có vẻ phương phi, hào sảng, mang đầy chất phong thịnh mà lại không kém phần hài hước. Thông tường Thần Tài được người Hoa kính trọng và khấn vái nhiều, còn người Việt xưa kia lại khấn vái Ông Địa nhiều do ảnh hưởng của  tín lý phồn thực thần Thổ Địa (Ông Địa) – một gia thần vốn có công năng phò cho gia chủ được mùa, giàu có. Đó là tín lý của thời nông nghiệp còn là hoạt động sản xuất chính yếu. Nhưng về sau, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp và doanh nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không phải là “lúa thiên, ruộng mẫu” thì con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông Thần Tài. Do vậy người Việt giờ đây thờ coi Thần Tài và Thổ Địa có vị trí quan trọng như nhau.
          Vị trí đặt khán thờ Thần Tài phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Mọi người thường đặt bàn thờ Thần Tài ở góc nhà hay cạnh cửa ra vào. Lễ vật cúng Thần Tài, Thổ Địa hàng ngày người ta cũng không biện sắm quá cầu kỳ, nói chung là tùy tâm, lòng thành của mỗi người. Riêng dịp lễ lớn hoặc ngày vía Thần Tài, lễ vật cúng sẽ được chăm chút, chú ý hơn.
          Ngày vía Thần Tài là ngày nào? Ý nghĩa của ngày vía Thần Tài
          Theo quan niệm dân gian từ xa xưa, ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm được gọi là ngày vía Thần Tài. Nhưng đối với người làm kinh doanh, buôn bán ngày nay, hầu như mọi người đều cúng thần tài mùng 10 hàng tháng (theo lịch âm). Riêng ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm sẽ được xem là ngày cúng thần tài quan trọng nhất, với lễ vật cúng lớn nhất trong năm.
          Vì sao ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch lại được chọn là ngày vía Thần Tài?
          Theo một truyền thuyết dân gian thì trước đây, Thần Tài là tiên trên trời. Vị tiên  nhân này được giao nhiệm vụ cai quản các vấn đề liên quan tiền bạc, công danh, tài lộc. Nhưng một lần khi đi chơi dưới nhân gian và uống rượu, Thần Tài  vì uống quá say nên ngã đập đầu và mất trí nhớ. Từ đó Thần không nhớ mình là ai. Vì thế lang thang dưới nhân gian. Thấy ông có bộ quần áo đẹp, kẻ xấu đã lột mang bán, chỉ để lại quần áo lót cho ông.
          Một nhà buôn mà Thần Tài gõ cửa xin ăn đã cho ông ở nhờ và ăn uống. Từ đó gia đình này buôn may, bán đắt, thuận lợi kiếm tiền và trở nên giàu có (mà không biết vì sao). Nhưng thấy ông cứ không làm gì mà được cung phụng, người lại hôi hám nên nhà này đuổi ông ra khỏi nhà. Thấy vậy một nhà buôn bên đường đối diện bèn mời ông vào nhà mình cho ăn ở, từ đó nhà này bỗng nhiên phát tài, làm ăn giàu lên trông thấy. Trong khi nhà đầu tiên cưu mang ông rồi lại đuổi đi thì làm ăn ngày một lụn bại. Một hôm, chủ nhà mới mua cho ông bộ quần áo mới. Không ngờ đó lại chính là bộ quần áo mà ông mặc trước khi bị ngã và kẻ xấu đã lột mang bán. Thần Tài mặc vào liền nhớ ra tất cả mọi chuyện bèn bay về trời. Ngày ông về trời chính là ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Đây chính là lý do vì sao người dân lại thờ cúng Thần Tài và chọn ngày 10 tháng Giêng âm lịch để cúng vía Thần Tài. Người ta cho rằng Thần Tài mà vào nhà là điềm đại cát nên ai cũng muốn cúng để mời ông vào nhà mình hòng buôn may, bán đắt, kinh doanh, làm ăn thuận lợi, có nhiều tài lộc.
          Ngày vía Thần Tài có ý nghĩa như thế nào?
          Vía Thần Tài chính là ngày để gia chủ, đặc biệt là người kinh doanh, buôn bán bày tỏ lòng cảm tạ đối với Thần Tài đã giúp cho họ kinh doanh hiệu quả, nhiều lợi nhuận. Đồng thời, ngày Thần Tài cũng là thời điểm để người ta thể hiện mong muốn, cầu khấn Thần Tài giúp đỡ để làm ăn phát đạt, thuận lợi trong một năm tiếp theo.
          Ngày vía Thần Tài người ta cúng vật phẩm gì?
          Trước khi bày lễ vật cúng vía Thần Tài, gia chủ thường cẩn thận lau sạch sẽ  bàn thờ. Bàn thờ được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Nếu cẩn thận hơn, trước khi sắp lễ, không chỉ lau bàn thờ, gia chủ còn lau tượng của Thần Tài và Thổ Địa bằng rượu trắng hoặc các loại nước thơm tự nhiên từ hoa tươi, cây hương liệu.
          Vào ngày vía Thần Tài, trên mâm cúng thường sẽ có một đĩa thịt quay, ngoài ra cần có thêm cỗ Tam Sên bao gồm 1 miếng thịt heo luộc, trứng và tôm luộc. Gia chủ có thể dùng cua luộc thay cho tôm. Đối với người miền Nam, mâm cúng Thần Tài còn có thêm cá lóc nướng. Một bình hoa, đĩa trái cây cũng được thêm vào mâm cúng Thần Tài vào ngày này. Người ta thường sẽ chọn các loại trái cây có màu may mắn như màu đỏ hoặc tên gọi mang nghĩa tài lộc như mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài. Để thể hiện mong ước về cuộc sống no đủ cả năm, mọi người cũng chuẩn bị hũ gạo, muối và hũ nước đầy đặt ở vị trí giữa tượng Thần Tài và Thổ Địa.
          Ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng được người ta cúng nhiều lễ vật như vậy, còn ngày 10 âm lịch hàng tháng thường người ta cúng đơn giản hơn. Nếu như Thần Tài người ta cúng hoa quả thì trái lại Thổ Địa lại cúng chuối xiêm, thuốc lá hay cúng ly cà phê.
          Bày biện ban thờ Thần Tài:


          Bát nhang trên bàn thờ Thần Tài phải được đặt ngay ngắn ở chính giữa, không được phép dịch chuyển. Trên ban thờ ngày cúng Thần Tài thì gia chủ nên có thêm:
          – Khay hình chữ Nhất xếp 5 chén nước thể hiện cho ngũ phương và cũng là tượng trưng cho Ngũ Hành phát sinh phát triển. Đặt ở giữa, phía trước bát hương (nhiều người còn đặt theo hình chữ thập tượng trưng ngũ phương, ngũ hành).
          – 5 củ tỏi đặt trong đĩa nhỏ hoặc sử dụng tháp tỏi được làm sẵn (có thể mua ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng) với hy vọng xua đuổi tà khí, ma quỷ.
          – Tượng Cóc (Thiềm Thừ): bức tượng này sẽ được đặt ở bên trái của bàn thờ Thần Tài. Ban ngày gia chủ để tượng Cóc quay ra ngoài với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc vào nhà, lúc tối thì để tượng Ông Cóc quay vào trong nhằm giữ sinh khí, tài lộc.
          – Bát, đĩa sứ đựng đầy nước và cánh hoa tươi (Đặt ngoài cùng trên mặt đất), tượng trưng cho Minh Đường Tụ Thủy, giúp giữ tiền bạc.
          – Nếu để ý có thể thấy, ở một số gia đình, họ còn đặt vàng lên bàn thờ để lấy lộc, thu hút may mắn cho cả năm (bởi vậy vào ngày 9-10 tháng Giêng vàng bán rất chạy) hoặc đặt lên mâm cúng đĩa xôi và chè trôi nước để mong làm ăn kinh doanh thuận lợi, trôi chảy. Có nhà còn đặt Phật Di Lặc ở trên nóc khán thờ, nơi cao nhất với quan niệm Ngài sẽ giúp quản lý và ngăn chặn Thần Tào ngàyài, Thổ Địa không làm những điều sai trái.
          Những lưu ý khi thờ Thần Tài, Thổ Địa.
          – Các nhà phong thủy cũng lưu ý gia chủ thờ Thần Tài, Thổ Địa một số điều:
          – Nên đặt bàn thờ ở gần cửa ra vào.
          – Không nhất thiết phải mua nhiều lễ vật đắt tiền, phải đảm bảo lễ vật dâng cúng luôn tươi, sạch sẽ, không bị hư hỏng trên bàn thờ.
          – Nơi đặt bàn thờ phải sạch sẽ, sáng sủa, tránh thú cưng đến gần.
          – Nên dọn dẹp, lau chùi bàn thờ vào các ngày rằm, mùng 1 và mùng 10 hàng tháng, nếu vệ sinh hàng ngày càng tốt.
          – Sau khi thắp hương, gạo, muối, rượu không nên vãi ra ngoài đường mà nên giữ lại trong nhà, mang ý nghĩa giữ lại tài lộc
          – Trong những ngày bình thường, gia chủ cũng nên thắp hương vào 2 thời điểm trong ngày, tầm 6-7h sáng và 6-7h tối với khoảng 5 nén hương cùng với nước, hoa quả hoặc bánh kẹo để tỏ lòng thành kính.
          – Với những hộ gia đình mới lập bàn thờ Tài Thần thì thắp hương liên tục trong vòng 100 ngày để tụ khí.

Thi Văn.

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học