Tín ngưỡng thờ chó đá của người Việt.

alt

Chó đá ở đền Cẩu Nhi (Hà Nội)

Quan niệm văn hóa về chó:

Chó là một trong các con vật thuộc lục súc. Trong lịch Á Đông, chó được xếp vào địa chi 12 con giáp ở vị trí thứ 11 (chi Tuất). Chó sống gắn bó với người như người bạn thân thiết, quấn quýt và trung thành với chủ nên được con người quý mến, chính vì vậy người ta thường gán đặc điểm này của nó cho người mang tuổi Tuất. Ví dụ, năm Mậu Tuất – Tiến Sơn Chi Cẩu (Chó vào núi) đối với người sinh năm Tuất, theo tử vi: là người chú trọng đến nhân tình, đạo nghĩa. Tính cách họ thẳng thắn và thành thực. Họ sống trân thành và dám hy sinh cho những người mình yêu quý và tôn trọng.

Chó gần gũi với đời sống người Việt từ rất sớm. Trên trống đồng Đông Sơn thời đại Hùng Vương và một số đồ đồng khác tìm thấy ở nước ta, con chó được khắc họa ở nhiều tư thế và trạng thái khác nhau như: con đang đuổi theo con mồi (trên rìu Trung Màu, Việt Trì và một số rìu khác), con thì đang trong tư thế nằm phủ phục rình mồi hoặc cùng con người vượt qua sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ)..v.v..

Biểu tượng phức tạp của con vật này trong văn hóa xa xưa gắn bó với bộ ba nguyên tố đất (thổ) – nước (thủy) – trăng (nguyệt) mà nội dung huyền bí là mang ý nghĩa âm tính, cõi âm, đồng thời là giá trị sinh trưởng, tính dục. Trong đó phần tính dục được dựa trên những truyền thuyết về cội nguồn của các dân tộc Hán, Dao, Pa  kô và thiểu số người Mêhico. Ngày nay người Dao vẫn coi mình là con cháu của Bàn Hồ. Do đó họ có tục thờ chó, trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó và để tóc kiểu chó. Người Dao đỏ trong ngày cưới còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó…. Người Pa Cô thuộc tộc Cơ Tu còn kiêng giết thịt, coi con chó như vật tổ truyền.

Trong văn học dân gian và hiện đại nước ta, hình tượng chó được nói đến rất nhiều:

Truyện cổ tích “Sự tích cây nêu ngày Tết” có nói đến việc Phật dậy con người dùng máu chó và lá dứa gai để dọa loài quỷ, không cho bén mảng đến đất của người. Trong truyện dân gian Việt Nam, người ta còn kể rằng, dưới địa ngục của Diêm Vương có con linh cẩu (chó ngao) chuyên để trừng phạt những kẻ trên dương gian từng phạm tội giết người hay hành hạ người khác bằng cách cắn xé kẻ tội đồ, rồi chuyện con chó của chú Cuội trên cung trăng ..v.v…

Vua Lê Thánh Tông làm thơ về Tượng chó đá có câu: “Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài/ Cửa nghiêm chem chẻm một mình ngồi/ Quản bao sương tuyết nào chi kể/ Khéo giữ cao lương cũng chẳng nài”…

Còn nhà thơ Phùng Khắc Bắc thì viết: “Anh trở về làng đồi/ Con chó đá đón anh ngoài ngõ/ Cái thuở cha ông gạo tiền không có/ Nhưng lại nuôi chó đá giữ hồn…/ Và hôm nay khi anh vừa tới ngõ…/ Anh như bay như hoá/ Và hiểu thêm/ Ta phải là ta cả phần xác lẫn phần hồn”.

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có những câu rất hay khi dùng hình tượng chó để ví von: “Lai dai như chó nhai giẻ rách” (làm mãi một việc không xong), “Làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ”, “Làm người thì khó, làm chó thì dễ/no”, “Lang lảng như chó cái trốn con” (không muốn cho con bú nhiều), “Ngay lưng như chó trèo chạn” (khi chó ăn vụng phải đứng), “Nhẳng nhẳng như chó cắn ma” (sủa vu vơ, dai dẳng), “Trai ở nhà vợ như chó ở gầm chạn” (phải luồn cúi để có ăn), “Treo đầu dê, bán thịt chó” (bán hàng lừa lọc, không đúng thực tế)…vv…

Trong các nền văn hóa khác nhau, chó được quan niệm với hai đặc tính: tốt và xấu.

“Ở nhiều nơi trên thế giới, con chó được quý mến và nâng niu, người ta cũng đặt tên các chòm sao theo tên chó như: Tiểu Khuyển, Đại Khuyển, Lạp Khuyển.

Nhưng chó cũng được coi là con vật có cả mặt tốt và mặt xấu. Đạo Hồi coi chó là xấu xa đê tiện. Theo Shabestari, quyến luyến với cõi trần thế tức là tự đồng hóa mình với con chó ăn xác chết; chó là biểu tượng của sự tham lam, sự phàm ăn. Sự cùng tồn tại của chó và thiên thần là không thể có được. Tuy nhiên, theo các truyền thuyết đạo Hồi, con chó có đến 52 thuộc tính, trong đó một nửa là thánh thiện, một nửa là ác quái. Thí dụ, nó thức tỉnh, nó kiên nhẫn, nó không cắn chủ. Ngoài ra, nó còn sủa chống lại bọn vô lại..v.v… Tính trung thành của nó được ca ngợi: Khi con người không có anh em, chó là em của người ấy. Những người theo đạo Hồi còn phân biệt rạch ròi chó thường với chó săn, mà dáng đi quý phái của nó biến nó thành một con vật trong sạch.

Tại Viễn Đông, ý nghĩa biểu tượng của chó là hai chiều đối nghịch nhau về bản chất: lành, bởi vì chó là bạn gần gũi của con người và canh gác gìn giữ nhà cửa của người; dữ, bởi vì nó có họ hàng với chó sói và chó núi, nó được xem như một con vật bẩn thỉu và đáng khinh.

Một ý nghĩa rất gần gũi được người Tây Tạng nhìn nhận, nơi đây chó là biểu hiện của sự phóng dục, sự đam mê nhục dục và đồng thời là tính cả ghen. Ai sống như chó, Đức Phật dạy, thì khi thân xác tan rữa, sau khi chết người ấy sẽ đi với chó.

Khu vực Trung Á có những huyền thoại mà qua đó ta có thể hiểu được vì sao con chó dần trở thành một con vật ô trọc, bị nguyền rủa, mang một vết nhơ nguyên lai không thể xóa tẩy:

Theo một bộ phận người Tatar, Thượng đế khi sáng tạo thế giới đã giao cho con chó canh gác loài người, ngăn chặn không cho quỹ dữ tới gần con người. Nhưng chó đã để cho kẻ thù mua chuộc và vì thế đã trở thành kẻ chịu trách nhiệm về sự sa ngã của con người. Theo người Yakoute, Thượng đế ban đầu tin cẩn giao những hình ảnh của mình cho chó canh giữ, nhưng nó đã để cho quỷ dữ bôi nhọ; để trừng phạt, Thượng đế đã bắt chó phải mang hình dạng hiện nay. Có nhiều dị bản lặp lại đề tài này ở những thổ dân sống dọc sông Volga, gần gũi với người Phần Lan. Tất cả chúng đều có một chi tiết chung quan trọng: con chó nguyên thuỷ lõa thể đã phải khoác lấy lông của quỷ dữ để trả giá cho sự phản bội của mình. Như vậy là sự phản bội đã được vật chất hóa thành bộ lông thú; nó dần dần biến sinh linh môi giới này thành một con vật nhơ bẩn, không sờ đến được; hơn thế nữa, sự phản bội ấy còn đem đến cho loài người những bệnh tật, những nhơ bẩn bên trong, tất cả những cái đó, cũng như bộ lông của chó, đều phát sinh từ nước bọt của quỷ dữ; và cũng như thế, con chó trở thành kẻ chịu trách nhiệm về sự chết, hệ quả cuối cùng của những tai họa ấy, của sự làm bẩn và sự nhỏ dãi ấy. Người Bouriate nói rằng Thượng Đế đã nguyền rủa con chó bội phản bằng những lời sau đây: Ngươi sẽ mãi mãi khổ sở vì đói, ngươi sẽ phải gặm xương, ăn những thức ăn thừa của con người, và họ sẽ đánh đập người không biết thương xót…

Tóm lại, chó là một biểu tượng với nhiều bình diện đối nghịch ở tất cả các nền văn hóa.” (Trích Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, 1997)

Tục thờ chó đá:

Một số nơi trên đất nước ta có tục thờ chó đá (Tuy chó không phải là linh vật được tôn thờ phổ biến) trong đó có một số gia đình nông thôn Hải Phòng . Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức: Một là chôn tượng chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với mong muốn nó sẽ bảo hộ trừ tà ma và tai họa. Hai là đặt chó đá trên những bệ thờ như một vật linh để thờ phụng như con kỳ lân, sư tử mà người Trung Quốc tôn thờ.

Mỗi vùng khác nhau có hình thức thờ chó đá khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn, Cao Bằng có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Ngày Tết, họ rửa ráy, lau chùi sạch sẽ chó đá, quàng vào cổ nó một dải vải đỏ, (thậm chí tuần, rằm còn đặt bát cơm trước mặt nó) để cầu mong chó trung thành canh giữ nhà cửa cho chủ nhân, xua đuổi tà ma, quỷ quái. Vào tối 30 tết, gia chủ sẽ rán lên lưng con chó đá một tờ giấy màu đỏ kiểu như mặc áo để ngài cùng đón năm mới với gia đình. Họ cho rằng, nếu gia đình nào không chú trọng đến con vật này thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn xui xẻo.

Ở huyện Đan Phượng (Hà Tây) có hai nơi thờ phụng chó. Một bệ thờ chó đá ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ. Một bệ thờ chó đá khác nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. Thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cũng thờ chó đá. Trẻ con và người già ở đây đều gọi chó đá là Cụ Thạch.

Tại phố cổ Hội An, khi xây cầu lầu (hay chùa Cầu) trên con lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, người Nhật cũng đặt 2 đầu cầu 2 tượng gỗ hình con khỉ và con chó quay mặt nhìn nhau với mục đích trấn yểm thủy quái. Các tượng đều được chạm bằng gỗ mít trong tư thế ngồi chầu, phía trước mỗi tượng có một bát nhang cúng vái.

Ở nước ta, tuy chó được coi trọng nhưng không phải là đối tượng thờ tự với đẳng bậc thần thánh. Người ta không coi nó là một linh thần nhưng đôi khi vẫn coi nó là con vật trấn giữ, bảo vệ nhà cửa, đền, lăng. Từ đó cho thấy tính chất linh thính của chó, năng lực trấn giữ của nó và như vậy, trong chừng mực nhất định nó cũng được coi là một linh vật.

Cần phải nói rằng, chức năng trấn giữ của chó, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hoá – tín ngưỡng khác nên gần đây đã bị thay thế bằng kỳ lân, sư tử, các thứ bùa chú, chư vị hộ tự, hộ đền học theo kiểu người Trung Hoa. Còn nguyên thủy xưa, người Việt đã từng coi con nghê là linh vật trấn giữ đền, miếu, nhà thờ, lăng, mộ của mình. Nghê là con vật có hình dáng lai tạp giữa chó, sư tử hay khỉ (tùy theo sự sáng tạo của nghệ nhân người Việt chế tác nó và giai đoạn lịch sử) mà hình dáng chó vẫn là chủ đạo.

Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà như con vật phong thủy, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.

Chó được cho là có thể trấn áp tà ma, quỷ quái. Trước 1945, vẫn còn phổ biến ở một số địa phương tục chôn chó theo người chết vào giờ trùng để trừ tà/ thần trùng. Người ta chôn trên mộ người chết một cái hũ đựng một con chó còn sống với quan niệm tiếng chó sủa ban đêm sẽ có tác dụng đuổi  quỷ ma từ âm giới lên trần gian để bắt ma mới, làm hại thân nhân người chết.

Các thày phù thủy, thày pháp thường dùng máu chó và cành dâu để xua đuổi ma quỷ, trừ tà có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm về khả năng cảnh báo, xua đuổi tà ma của chó.

Việc thờ chó đá không chỉ là tín ngưỡng đa thần mà còn là nét văn hóa độc đáo của một số dân tộc trên đất nước ta. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt ở nơi này, nơi kia. Rất khó để chứng minh sự màu nhiệm của tín ngưỡng này, nhưng chắc chắn rằng, khi có niềm tin tâm linh, con người sẽ sống thoải mái, an tâm hơn và hy vọng mong ước của mình sẽ thành hiện thực. Đây cũng chính là giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong văn hóa tâm linh người Việt.

Thi Văn sưu tầm, tổng hợp.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học