Tìm hiểu, giới thiệu chùa Trung Hành (Hưng Khánh tự)

          Một ngày tháng 2 năm 2021, sau nhiều lần đến chùa Trung Hành không gặp vị sư trụ trì chùa – Đại đức thích Bản Phúc, cuối cùng tôi cũng đã gặp được ông để hỏi về ngôi chùa này và được tiếp không mấy mặn mà. Ông là vị sư có nhiều tai tiếng trong thời gian gần đây mà báo chí đã từng đăng tải. Từ lời kể rời rạc của vị sư trụ trì chùa, kết hợp với tư liệu có trong tay, tôi đã hoàn thành bài viết khá hoàn chỉnh về ngôi cổ tự, hy vọng sẽ được giới thiệu trong tập sách “Chùa cổ Hải Phòng” tập 3 mà Giáo Hội Phật giáo Hải Phòng và Hội KHLS thành phố chủ trì xuất bản. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
          Chùa Trung Hành (tên chữ là Hưng Khánh Tự) nằm trong cụm Di tích Lịch sử-Văn hóa được Bộ văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia vào năm 1993 gồm Miếu – Chùa thôn Trung Hành (hai di tích nằm cạnh nhau). Trung Hành thời Nguyễn là làng thuộc tổng Trung Hành, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng).
          Chùa và miếu Trung Hành nằm trên một khu đất đẹp, cùng quay về hướng tây. Phía trước chùa có con đường liên thôn chạy qua, phong cảnh phong quang, được điểm xuyết những cây cổ thụ lớn, gốc nổi u và trước cổng tam quan là cây gạo cao, hoa nở đỏ rực khi hè về. Phía sau chùa là đường Lê Hồng Phong – con đường lớn nối sân bay Quốc tế Cát Bi với trung tâm thành phố.
          Chùa Trung Hành là một ngôi chùa cổ có tín ngưỡng văn hóa lâu năm và mang những nét độc đáo, riêng biệt.
          Theo truyền ngôn, chùa Trung Hành được khởi dựng khoảng thời Lý – Trần, song dựa trên hiện vật còn để lại, chùa có niên đại sớm nhất là thời nhà Mạc (thế kỷ 16). Vào thế kỷ 17, cụm miếu – chùa Trung Hành đã được trùng tu lớn, dấu vết còn để lại trên 4 cây cột cái sơn son tại tòa bái đường.
          Ngôi chùa được dựng lên bằng chính những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân làng xã, với những vật liệu truyền thống như: gỗ, đá, ngói, gạch Bát Tràng,….
          Chùa Trung Hành xây trên khu đất thoáng đãng phía Tây Nam thôn Trung Hành. Chùa có quy mô khá lớn, có bố cục kiến trúc truyền thống: tam quan – gác chuông, toà Phật điện, nhà thờ tổ, vườn bia, mộ tháp. Có thể nói chùa Trung Hành còn bảo lưu khá hoàn chỉnh về bố cục các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian của một ngôi chùa làng điển hình thời Mạc ở Hải Phòng.
          Chùa có nhiều tòa ngang dãy dọc và được phân bố như sau:
          Từ ngoài vào chùa có tam quan, điện phật hình chữ công (I), kèm hai bên là dãy hành lang và phía sau là nhà thờ tổ. Bao quanh các công trình kiến trúc đó là hệ thống tường gạch vững chắc, phẳng phiu, tạo thành một khuôn viên vuông vức. Hàng hiên các tòa nhà được lát gạch và bổ đá tảng để giữ nền gạch và tránh xói mòn của nước mưa. Toàn thể mặt bằng của chùa, các tòa nhà được bố trí cân đối, hài hòa. Các tòa nhà chính cao dần lên để rồi thụt xuống một sân sau rộng rãi tiếp nối nhà thờ tổ phía sau và hai dãy hành lang kèm đỡ hai bên để tạo thành tổng thể kiến trúc quân bình, tương xứng. Các mái đao cong vút như muốn nâng bổng cả tòa nhà vuông nặng nề lên.
          Vườn chùa có nhiều cây cao, bóng mát, thấp thoáng rêu mốc dưới tán lá xanh và kiến trúc các bộ mái nhà thể hiện cao dần, mái được lợp bằng ngói vẩy lớn càng làm ngôi cổ tự thêm phần cổ kính. Hệ thống mái ở các tòa nhà phụ bên cạnh như đường diềm bao quanh kiến trúc chính còn tạo nên sự tương phản, khiến cho các tòa nhà kia đã cao to lại càng cao to hơn.
          Qua khoảng sân rộng với hồ nước và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở giữa là tới  tam quan chùa sừng sững, cổ kính. Tam quan là một kiến trúc thiết yếu của mọi ngôi chùa. Nó là biểu tượng cho ý nghĩa cao siêu của Phật pháp. Tam quan cũng như tam quán, nghĩa đen là ba cách nhìn, ba quán tưởng: Không quan xét sự vật không có thật tính, thật tướng; Mọi pháp vốn không, giả quan xét rằng sự vật và chư pháp đều biến hóa vô thường, đều giả tạm cả; Trung quan phải làm cho lẽ đắc trung đạo, không phải không, không phải giả. Hai cửa bên tam quan xây kiểu 2 tầng 8 mái, trổ lối đi hình vòm cuốn quen thuộc. Cổng giữa tam quan có 3 tầng với 12 mái, mang ý nghĩa dịch học thể hiện cho tam tài là Thiên – Địa – Nhân. Bờ nóc tam quan đắp bằng vôi vữa, chính giữa đắp nổi mặt nguyệt, đầu kìm đắp hồi long. Mỗi mặt tường vách tầng 1 và tầng 2 đều trổ 3 cửa nhỏ thật giả song tồn. Tam quan chùa Trung Hành còn đảm nhiệm thêm chức năng của một gác chuông khi tầng 2 của tam quan treo quả chuông đồng lớn, cao tới 1.40m, đường kính miệng rộng 70cm, được đúc năm Minh Mạng tam niên (tức năm 1822).
          Sau tam quan là một sân vuông, lát gạch nối với tòa tiền đường, ba mặt kia đều xây tường che chắn, ngăn cách với vườn chùa. Khu vườn bên trái tiền đường quy hoạch thành khu tháp tổ, cả thảy có 8 ngôi tháp hình tứ giác vuông như hình tháp bút vươn lên, có tác dụng mở rộng thêm không gian kiến trúc. Tòa tiền đường 5 gian, xung quanh xây tường gạch, hồi uốn hình quai chảo mềm mại, bờ nóc đắp phẳng, chính giữa đắp bức đại tự chữ nhật ghi nổi dòng chữ Hán lớn “Hưng Khánh tự’’, đầu kìm đắp nổi triện văn. Hai bên hiên đắp cột đồng trụ, đỉnh có con nghê đứng trên đấu sen vuông. Ba gian trung tâm mở cửa gỗ kiểu “ cửa tùng khung khách”.

Vườn tháp chùa

          Nhà cầu (hay còn gọi là tòa ống muống) là 3 gian dọc nổi giữa tiền đường và hậu cung. Hai bên xây tường gạch, mỗi bên sát với tiền đường trổ một cửa đi lại hình chữ nhật dẫn sang dãy hành lang. Hậu cung là tòa nhà song song với tiền đường, có kết cấu một gian hai dĩ, kích thước rộng bằng tòa nhà cầu, nhưng mái cao hơn nhiều. Tường hồi xây bổ trụ giật tam cấp, mặt ngoài trang trí nhiều đường chỉ nổi gờ. Đỉnh trụ là đấu vuông thót đáy, phía trên đặt nậm rượu và đài sen. Kèm hai bên nhà cầu là hậu cung, có hai dãy hành lang đặt các pho tượng La hán, tôn giả bằng đá trắng.
          Tòa nhà tổ 5 gian, mái lợp ngói mũi hài lớn, loại ngói thường được sử dụng trong các công trình kiến trúc thời Mạc (thế kỉ 16, 17). Hồi đốc xây bổ trụ giật tâm cấp, tạo cảm giác vững chãi. Bờ nóc đắp bằng vôi vữa để trơn không trang trí gì. Ba gian giữa mở cửa gỗ kiểu “cửa tùng cung khách” truyền thống, cánh cửa phía trên trổ hàng chấn song vuông để đón ánh sáng mặt trời. Tòa tiền đường đứng vững trên 4 vì kèo gỗ và hai tường hồi đốc. Bên trái khoảng sân trước nhà Tổ là gian thờ Mẫu tam phủ và đối diện bên kia là gian thờ Công đồng
          Dưới mái chùa cổ kính này đang bảo lưu nhiều pho tượng Phật quý bằng gỗ, mang đậm phong cách dân gian với các hương án trang trí nghệ thuật được thờ tại toà phật điện như: Tượng phật  Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp,…Ngay sát tường, sau tòa hậu cung là khu vườn bia của chùa. Hệ thống bia đá ở đây gồm 7 tấm to nhỏ, niên đại khác nhau, có bia hình trụ chữ nhật vuông, bia chữ nhật dẹt, có bia đặt trên đài sen, bia đặt trên lưng rùa, có bia hạc, bia thời Lê, bia thời Nguyễn,.. rất phong phú và đa dạng. Nội dung chủ yếu là bia hậu phật, nói về những người công đức xây dựng chùa. Nối vườn bia với tòa nhà tổ phía sau là một khoảng sân vuông. Trong sân đựng nhiều bồn hoa, cây cảnh như một vườn thượng uyển tho nhỏ. Hai bên sân hai bức tường lửng cao 1,4m, mỗi bên mở một cửa đi lại trang trí cầu kì.
          Đáng quan tâm nhất là nhóm hiện vật bằng đá mang niên đại nghệ thuật Mạc thế kỷ XVI khá tiêu biểu. Đó là phần đế cách điệu hình búp sen của ba pho tượng tam thế. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị hoàng đế nhà Mạc (tương truyền là Mạc Mậu Hợp). Tượng Hoàng đế tạc bằng đá, pho tượng được đặt ở cuối Phật điện, toàn thân phủ một lớp sơn dày, trông thoáng qua giống như tượng gỗ. Tượng Hoàng đế có khuôn mặt trái xoan, trán dô, mũi gồ, mắt một mí, cổ cao 3 ngấn, tai chảy xệ như tai Phật, đầu đội vương miện. Vương miện trng trí một dải bằng 12 ô, ô chính giữa và ô sau gáy khắc nổi chữ “Vương”. Thân tượng hoác áo hoàng bào. Giữa ngực có bối tử hình chữ nhật, trong khắc rồng, thân uốn khúc dạng “yên ngựa”. Tượng được tạc trong bố cục cân đối và được người xưa gọi là “Thạch Phật, nhất tướng”: một pho tượng Phật, song hình dáng rõ ràng khác xa tượng Phật với ý suy tôn “Đức vua như đức Phật”.
          Lý do việc xuất hiện pho tượng Hoàng đế trong chùa được một số nhà nghiên cứu lịch sử cho biết: Khi quân chúa Trịnh truy sát nhà Mạc, một nhánh nhà Mạc lẩn trốn tới Đằng Lâm mai danh, ẩn tích, đổi từ họ Mạc sang họ Bùi, họ Vũ, họ Khoa. Họ đã mang pho tượng đá giấu dưới ao, lúc tình hình tạm yên, tượng được vớt lên bảo quản trong chùa. Đề phòng bị phát hiện, họ quét phủ một lớp sơn để che mắt quân Lê-Trịnh.
          Chùa Trung Hành không chỉ là Di tích kiến trúc, văn hóa, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người dân nơi đây mà còn có giá trị lịch sử. Vào những ngày Mùng một, ngày rằm hàng tháng và ngày Tết, chùa thu hút nhiều phật tử và nhân dân tới dâng hương cầu cúng. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đằng Lâm cũng từng bí mật họp bàn công tác cách mạng tại đây. Những năm gần đây, với sự đóng góp, công đức tiền của nhiều của nhân dân và Phật tử, chùa càng được chỉnh trang khang trang, đẹp đẽ (nhất là mặt trước sân chùa), đặt thêm hệ thống tượng La Hán, tôn giả.
          Với vị trí giao thông thuận tiện và cảnh quan kiến trúc đẹp đẽ, chùa Trung Hành ngày càng thu hút nhiểu người tới dâng hương, chiêm bái và chụp ảnh.
          Tuy nhiên, việc thay đổi kết cấu kiến trúc – xây dựng thái quá (nhất là phía sân trước chùa) như hiện nay đã làm giảm đi vẻ cổ kính, thâm u của như hình ảnh vốn có của di tich này trước kia.

Phạm Văn Thi, Chi Hội KHLS quận Hải An.

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học