
Tam quan chùa Lạng Côn.
Chùa Lạng Côn thuộc thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là một thắng cảnh, di tích Lịch sử của địa phương. Trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, bia ký có giá trị. Chùa được Bộ Văn hoá-thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 18/1/1993.
Chùa Lạng Côn có tên chữ là Sùng Khánh tự (phúc lớn. Trước kia đình và chùa Lạng Côn được xây dựng trong cùng một khuôn viên theo lối “tiền thánh hậu Phật”. Hiện đình không còn, chỉ còn lại chùa. Phía trước chùa là một hồ trồng hoa sen hình chữ nhật. Toà Phật điện kiến trúc theo kiểu chữ đinh, quay hướng Tây, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Phía sau chùa có 3 tháp cổ, mỗi tháp 3 tầng. Hiện chùa còn bảo tồn được 3 tấm bia đá và cây thạch đài trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 đời Lê Trung Hưng (1706). Hai tấm bia đá là Sùng Khánh tự bi ký dựng vào năm Chính Hoà thứ 4 (1683) và tấm bia Hậu Phật bi ký dựng vào năm Gia Long thứ nhất (1802) nói về việc hưng công xây dựng chùa. Cổng chùa hình nhất môn, có hai tầng tám mái đao cong.
Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lý – Trần, có quy mô bề thế. Các dấu tích còn lại cho biết ngôi chùa được 4 lần tu sửa lớn, đó là vào năm 1683; năm 1802 đời vua Gia Long; năm 1925 và gần đây là năm 1997.
Tại trung tâm vườn thiền đặt tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát trong tư thế đứng, cao xấp xỉ 5m. Hệ thống tượng pháp ở chùa khá đầy đủ gồm bộ Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, tượng Thích Ca niệm hoa, tượng Ca Diếp, A Nam Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Cửu Long và Thích Ca sơ sinh, Hộ Pháp, tượng Tổ…
Toà Cửu Long tạo dáng hình đoá sen gồm 2 phần: phần đế là đài sen ngửa gồm 3 lớp cánh úp lên trên một đế trụ hình bát giác; phần trên tạo dáng nụ sen múp phồng, chính diện chạm chín con rồng trong tư thế phun nước tắm gội cho đức Phật Tổ lúc chào đời.
Tượng Thích Ca sơ sinh được đặt trong đóa sen Cửu Long này với các ô cửa hình lá ở mặt trước và mặt sau. Tượng Bồ Đề Đạt Ma được đặt ở nơi cao nhất, trang trọng nhất trên ban thờ Tổ của chùa. Bệ tượng ngồi hình lục giác giật tam cấp, mặt cắt dọc hình chữ “công”. Diềm trang trí cánh sen vuông, cánh sen ngửa, hoa cúc, hoa sen, lá đề, những biểu tượng gắn liền với Phật thoại, Phật pháp.
Chùa Lạng Côn hiện là nơi thờ Phật và hai vị thành hoàng của làng là Chu Xích Công và phò mã đô uý, Văn Định Vương, Lạng Giang trấn Đô thống chế Văn nhượng hầu – Trần Quốc Thi. Trần Quốc Thi là phò mã của vua Trần. Theo Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng, Trần Quốc Thi đã đóng góp một phần quân lương cho quân đội nhà Trần trong cuộc chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Trần Quốc Thi giúp dân mở mang nông nghiệp, dựng trường học chữ. Sau khi ông mất, dân làng đưa ông vào miếu thờ như một vị thành hoàng.
Tượng phò mã Đô úy Trần Quốc Thi
Chu Xích vốn là người Văn Dương, Trung Quốc, con ông Chu Lợi và bà Minh Thiện. Hai ông bà vốn là người phúc hậu nhưng hiếm hoi, xin một trẻ về nuôi làm con nuôi, đặt tên là Phú. Sau đó ông bà lại sinh được một con trai tóc đỏ, trên trán có nốt ruồi, được coi như tướng lạ. Vì màu tóc nên được đặt tên là Xích. Chu Xích thông minh tuấn tú, học giỏi cả đạo nho và nghề thuốc.
Sau Chu Xích theo thuyền đi chu du thiên hạ, qua nước Nam đến trang Đại Trà (thuộc Kiến Thụy nay), mến phong cảnh đẹp, dân thuần phác, ông ngụ cư ở đây làm thầy thuốc và dạy học. Học trò theo học rất đông nên nức tiếng gần xa. Vua Lê Hoàn nghe tin mời vào triều hỏi việc, Chu Xích tâu đối hợp ý vua nên được ban quan tước to tại triều và được Lê Hoàn tin dùng làm tướng. Khi giặc Xiêm (Thái Lan) đến xâm chiếm, ông được cử theo Vua đi đánh trận. Ông về Đại Trà lấy 10 người thân tín cùng đi, đó là: Lê Công Minh, Lê Công Cư, Lê Công Cán, Phạm Công Hinh, Phạm Trí, Phạm Công Hanh, Nguyễn Công Viêm, Trần Công Thụy, Đào Công Lễ, Phạm Công Trung.
Tương truyền, để dự trữ lương thực cho quân mang theo ra trận, Chu Xích Công đã làm ra loại lương khô là bánh đa từ bột gạo được phơi khô. Bánh đa được cho thêm muối khi làm bột cho vừa miệng và giữ được lâu hơn. Khi ăn, chỉ cần nướng lên hoặc nhúng vào nước sôi rất tiện. Loại lương thực này phù hợp với với việc hành quân, đánh trận. Khi về an trí tại Lạng Côn, Chu Xích Công đã truyền dạy cho dân sở tại cách làm bánh đa khô và từ đó nghề là bánh đa khô trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của Lạng Côn cho đến bây giờ. Sau khi đánh đuổi quân Chiêm xâm lược, Chu Xích nhà vua ban thưởng hậu. Ông đem tiền thưởng giúp dân. Khi ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc, ban cho dân 800 quan tiền để lo tang lễ và làm phần mộ. Sau ông được phong làm phúc thần (Thành Hoàng tổng Đại Trà).
(PV. Thi biên soạn theo thần phả tại chùa Lạng Côn và sách “Đại Đồng xưa và nay” của Hội đồng Lịch sử Hải Phòng, năm 1990)