
Sáng ngày 07/3/2021, như đã hẹn với ông Ngô Văn Nhân – Trưởng ban Quản lý cụm Di tích Lịch sử-văn hóa miếu–chùa hạ Đoạn (được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử-văn hóa cấp quốc gia ăm 1992) , tôi có mặt tại chùa Hạ Đoạn (tên chữ Hưng Phúc tự), nằm ven đường nhựa dẫn đến khu dân cư Hạ Đoạn thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Đây là một ngôi chùa đẹp, đã có từ lâu đời. Dựa vào Hồ sơ Di tích Lịch sử-văn hóa của cụm Di tích, xin giới thiệu về ngôi cổ tự này để bạn đọc cùng biết:
Chùa Hạ Đoạn (tên chữ là Hưng Phúc tự) thời Nguyễn thuộc thôn Hạ Đoạn, tổng Lương Xâm, huyện Hải An, tỉnh Hải Phòng (nay thuộc quận Hải An thành phố Hải Phòng). Chùa Hạ Đoạn cùng nằm trên khuôn viên miếu Hạ Đoạn – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (thờ Ngô Vương Quyền). Nay Hưng Phúc tự nằm ven đường nhựa thuộc khu dân cư Hạ Đoạn phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Mặt chính của chùa quay hướng Tây Nam (cùng hướng cổng) với khuôn viên đẹp, xanh mầu cây cổ thụ và hàng cau dọc hai bên lối vào. Từ cổng tam quan với 4 tầng mái lợp ngói đỏ, theo lối đi lát gạch qua khu mộ tháp hai bên lối vào dẫn ta tới hồ nước trước sân chùa. Hồ nước là điểm tụ thủy của chùa được quây thành bằng đá trắng chạm khắc hình hoa sen, khánh đá sinh động. Giữa hồ có lầu Quan Âm hai tầng mái với tượng Nam Hải Quan Thế Âm bằng đá trắng, tay cầm bình nước Cam Lồ. Ngăn cách với chùa và miếu thờ Ngô Vương là bức tường gạch bên trái lối vào dẫn tới sân chùa và tòa tam bảo, nơi có Phật điện và gian nhà tổ ở mé trái tòa tam bảo.
Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thống nào xác định chính xác thời gian xuất hiện của ngôi chùa nhưng liên hệ với sự kiện lịch sử qua tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng là vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền ở vùng này thì khả năng việc thờ Phật cũng được hình thành sau khi hình thành làng xã ổn định ở vùng cửa sông Bạch Đằng.
Sau chiến thắng bạch Đằng năm 938 của ngô Vương Quyền, tại xứ vườn Dâm thôn Hạ Đoạn đã xuất hiện một ngôi miếu âm hồn tại ngay nơi an táng những thi thể binh sĩ chết trận thu nhặt từ cánh đồng Hạ Đoạn, cửa sông Vũ Yên…Khu vực miếu âm hồn đến nay vãn còn bia ký để lại.
Tại khu vườn tháp của chùa Hưng Phúc, ngài 2 ngôi tháp đá chuyển từ chùa Bình Kiều về, đáng chú ý có ngôi tháp xây gạch mang tên Vân Thủy tháp, chứa tro cốt vị sư tổ. Bia đá nhỏ ghi: “Nam mô Vân Thủy tháp, Thích Thiền tổ sư tọa, hưởng thọ 77 tuổi”. Từ năm Thuận Tông nguyên niên (1388) cho đến nay dân làng vẫn lấy ngày 23 tháng 11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ vị sư tổ đầu tiên của chùa. Từ những chứng cứ còn lại và dựa vào lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, có thể đoán định ngôi chùa có từ thế kỷ 14, trong kỷ nguyên hưng thịnh của Phật Giáo Việt Nam bởi lẽ năm viên tịch của vị hòa thượng trụ trì đầu tiên là năm Thuận Tông nguyên niên (1388). Vậy ngôi chùa phải có trước năm 1388 đời vua Thuận Tông (1388-1398).
Vào giai đoạn cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, con cháu vương triều Mạc bị truy lùng đã qua lại vùng Hạ Đoạn tu ẩn ở chùa. Theo truyền ngôn địa phương, Mạc triều công chúa Cẩm Hoa, tên tục là Bưởi, đã về ở chùa Hạ Đoạn, xuất tiền mua 4 sào ruộng, cúng 2 sào vào chùa, 2 sào vào miếu. Lời văn khấn tại iếu Hạ Đoạn vào 25 tháng 11 âm lịch hàng năm có ghi nhận Duệ hiệu, truy công việc làm công đức này của Cẩm Hoa công chúa.
Chùa Hưng Phúc thôn Hạ đoạn ngày nay có quy mô vừa phải, trang trí, nghệ thuật kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có 2 hiện vật cổ của thời kỳ này:
1) Ngay sát tường gạch trước cửa chùa ngăn cách miếu Hạ Đoạn với chùa (bên sân miếu) có cây thạch đài (trụ đá) cao 1,45m niên hiệu Chính Hòa 16 (năm 1686) với chữ nho đề “Hưng phúc tự’, còn đọc rõ.
2) Quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức 20 (năm 1868) cao 120cm, đường kính đáy 60cm. Trên thân chuông khắc rõ tên những thiện nam, tín nữ thập phương mở lòng công đức tu tạo chùa.
3) Tượng A Di Đà đứng trên đài sen.
Sân chùa rộng với hồ nước ở giữa được quây bằng đá trắng với hoa văn đục thủng đẹp, hình khánh và hoa sen.
Một số hiện vật nổi bật và trang trí mỹ thuật tòa thượng điện: Hệ thống tượng pháp của chùa Hạ Đoạn còn lại không nhiều, niên đại không trùng với thời gian tồn tại của chùa (có lẽ đã được phục chế, làm mới). Phần lớn hiện vật đều được tái tạo trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trở lại đây. 3 lớp cửa võng rực rỡ, chạm thủng với đề tài tứ quý biểu hiện qua các bong cúc mãn khai, sen, mai, điểu, ngư. Chữ đề trên cửa võng: Bảo Đại Canh Thìn niên năm 1940.
Kiến trúc chùa: Tòa thượng điện kết cấu kiểu chữ đinh (J) gồm 3 gian tiền với 4 vì kèo, 2 gian ống muống (3 vì kèo) kiểu đấu chồng giá chiêng. Gian ống muống 2 bên có 2 lối đi rộng hơn 1m.
Diện tích gian tiền đường: 3.40m x 6.50m.
Diện tích gian ống muống: 5.86m x 6.72m.
Bên phải tòa phật điện là gian nhà thờ sư tổ – chỗ ở của vị sư trụ trì hiện nay.
Đếm trong gian tiền đường và ống muống có tổng số 28 cột gỗ, cột cái cao 3.10m với đường kính 25 cm; cột con cao 2.40m với đường kính 22 cm.
Nơi cao nhất của bàn thờ trong Phật điện đặt 3 pho tượng tam thế rực rỡ ánh hoàng kim, tượng trưng cho sự hóa thân của Phật ở 3 thời kỳ; quá khức, hiện tại, tương lai.
Đáng chú ý ở lớp tượng hàng thứ hai là pho A Di Đà được tạo tác trong tư thế đứng trên đài sen. Tượng A Di Đà cao 86 cm, đứng trên đài sen cao 16 cm, lộ 2 bàn chân. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, từ khoảng gần giữa thế kỷ 17 trở về sau, đại diện cho thế giới tịnh thổ còn có tượng “Di Đà phát quang”. Đây là một biểu hiện có tính chất cầu mong tha thiết của nhân tâm, phản ánh một thực trạng khủng hoảng sâu sắc trong xã hội đương thời. Con người mong muốn sự cứu vớt của A Di Đà Phật. Tượng Di Đà đứng (hay cả bộ Di Đà tam tôn đứng) mang ý nghĩa cứu hộ gấp gáp đã ra đời đúng vào lúc xã hội đang chìm vào cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt” giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh và nhà Mạc. Phật Di Đà lúc này như một yêu cầu tất yếu của biểu hiện tứ vô lương tâm, của sự cảm thông và thế cân bằng cho cuộc sống. Hình thức thể hiện đứng trên đài sen, một tay tượng trong tư thế thuyết pháp, một tay trong thế cứu độ, giữ trong lòng hạt minh châu. Các nhà nghiên cứu còn cho biết những tượng Di Đà phát quang ở thế kỷ 17 có kích thước vừa phải (nhỏ hơn người thường), mình thường dài hơn chân (chùa Phúc Thánh – Hà Tây) vào thế kỷ 18 thường lớn và cân đối hơn (chùa Tây Phương-Hà Tây). Do vậy, có cơ sở đoán định pho Di Đà đứng trên đài sen của chùa Hưng Phúc thôn Hạ Đoạn hiện nay có niên đại cuối thế kỷ 17.
Hàng thứ ba của bàn thờ trong Phật điện có các pho tượng Quan Âm Tống tử, Tứ Thiên vương, cửu long sơ sinh. Sát phía 2 hồi nhà trái, phải đặt khán thờ Đức Ông, tam vị Thánh Mẫu như một minh chứng về sự hòa hợp Phật-thần trong tín ngưỡng dân gian. Ở hành lang gian chuôi vồ là hệ thống Thập điện Minh vương. Có thể thấy, các pho tượng này kích thước vừa phải, mang nét hiền dịu, khác hẳn các pho tượng Trung Quốc thường dữ tợn.
Nhận xét, hệ thống tượng ở tòa thượng điện có niên đại muộn sau thế kỷ 19, được chạm khắc khá tinh xảo.
Xin nói thêm, tại cụm Di tích Lịch sử-văn hóa chùa-miếu Hạ Đoạn (bao gồm cả một số điểm di tích ngoài trời như đường Vành lược, xứ Vườn dâm, đồng Cao…) là những bằng chứng lịch sử của địa phương trong quá trình diễn ra chiến trận Bạch Đằng giang năm 938 và giai đoạn lịch sử tiếp theo. Mật độ dày đặc các đình, đền và chùa phối thờ Ngô Vương Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta trong việc tưởng nhớ, biết ơn thế hạ cha ông.
P.V Thi biên tập.