Tiến sĩ thiên văn học Nguyễn Quang Rượu.

Ảnh TS. Nguyễn Quang Rượu trong một buổi thuyết trình KH ở Việt Nam.

          Nguyễn Quang Riệu sinh ngày 15 tháng 6 năm 1932, tại Hải Phòng, mất ngày 5 tháng 1 năm 2021, tại Paris, Pháp. Ông là nhà vật lý thiên văn Việt kiều nổi tiếng tại Pháp. Nguyễn Quang Riệu là người con cả trong một gia đình có ba anh em trai sau này đều trở thành những nhà khoa học tên tuổi. Nguyễn Quang Riệu cùng hai người em ruột của ông đều sinh ra và sống những năm thơ ấu tại Hải Phòng.
          Cùng với Giáo sư Trịnh Xuân Thuận – Hiện đang là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu được coi là một trong số rất ít nhà khoa học gốc Việt trên thế giới không ngại dấn thân và đạt được những thành công trong ngành thiên văn học, một ngành khoa học đến giờ vẫn được coi là non trẻ và ít có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong việc phổ biến cũng như vun đắp tình yêu của nhiều bạn trẻ Việt Nam đối với môn thiên văn học.
          Cha của Nguyễn Quang Riệu là ông Nguyễn Văn Đính (quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây cũ) đã di cư đến lập nghiệp ở thành phố Hải Phòng đầu những năm 1930. Tại đây ông mở hiệu ảnh nổi tiếng mang tên Phúc Lai và kết hôn với một người phụ nữ địa phương là bà Nguyễn Thị Thoa rồi sinh ra ba người con trai sau này đều trở thành những nhà khoa học tên tuổi. Trong đó người con cả là nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu (sinh năm 1932), người con thứ hai là nhà giải phẫu học và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền (sinh năm 1934), còn người con thứ ba là nhà hóa học Nguyễn Quý Đạo (sinh năm 1937).
          Tuổi thiếu thời Nguyễn Quang Riệu thường được gia đình dẫn lên ngọn đồi có Đài thiên văn Phủ Liễn ở thị xã Kiến An (nay là quận Kiến An), Hải Phòng tham quan nên đã sớm yêu thích thiên văn.
          Do gia đình có điều kiện nên ông được cho ăn học ở những trường tốt nhất lúc bấy giờ. Ông rời Hà Nội đi du học ở Đại học Sorbonne, Pháp năm 1950 khi mới 18 tuổi.

Ảnh Nguyễn Quang Rượu khi là sinh viên du học Pháp.

          Với nỗ lực không ngừng, ông trở thành giáo sư, tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Trong thời gian du học, gia đình khuyến khích ông theo ngành hóa học để sau này chế ra phim và giấy ảnh phục vụ cho nghề truyền thống của dòng họ. Tuy nhiên, hình ảnh mái vòm của Đài thiên văn Phủ Liễn và quang cảnh bầu trời tuổi thơ có lẽ đã in sâu vào trí óc ông. Nó đã thúc đẩy vốn đam mê thiên văn học, khơi dậy niềm yêu thích chụp chân dung các vì sao trên trời trong ông. Và rồi, ông dồn hết tâm trí và thời gian đi sâu vào nghiên cứu thiên văn học. Tốt nghiệp đại học lúc Việt Nam còn chiến tranh, ông quyết định ở lại nghiên cứu thiên văn tại Đài thiên văn Paris. GS Nguyễn Quang Riệu là người Lai Xá thứ hai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1968 rồi trở thành giáo sư, sau GS Nguyễn Văn Huyên, người đồng hương của ông. Nguyễn Văn Huyên là một GS-TS, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam (ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa) trong thời gian dài nhất.
          Theo lời Nguyễn Quang Riệu kể lại sau này, để được cấp hộ chiếu qua lại nghiên cứu và thỉnh giảng ở các quốc gia khác nhau nên buộc ông phải nhập quốc tịch Pháp, dù vẫn luôn ý thức rằng mình là công dân Việt Nam.
          Năm 1972, ông đã quan sát vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga và xác định chính xác khoảng cách 30.000 năm ánh sáng từ vị trí vụ nổ tới Trái Đất. Sau đó phát hiện này đã được thông báo rộng rãi đến nhiều đài thiên văn trên thế giới. Vụ nổ này xảy ra ở trên biên giới của dải Ngân Hà, trong chòm sao Thiên Nga và sau đó được đặt tên là Cygnus X3. Phát hiện của ông được tạp chí Tự nhiên (Nature), một tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới dành toàn bộ một số để giới thiệu. Với phát hiện thiên văn quan trọng này, ông được nhiều đài thiên văn và trường đại học trên thế giới mời đến thuyết giảng.
          Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến kiến thức ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường, hai lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Vào thời điểm diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần ngày 25 tháng 10 năm 1995 tại Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Riệu được Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để xây đài quan sát và mua thiết bị thiên văn mang về Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Sau đó, ông đề nghị để lại thiết bị tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài thiên văn Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng) giúp sinh viên thực tập quan sát bầu trời. Cũng nhân dịp này, cùng với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Việt Nam, ông tham gia tổ chức một Hội thảo quốc tế với mục đích giải thích những hiện tượng thiên nhiên. Bên cạnh đó, ông còn trình bày những thành tựu mới đạt được trong ngành thiên văn.
          Từ đó, hàng năm ông đều dành ít thời gian về nước tổ chức lớp học về môn vật lý vũ trụ và vật lý môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là chương trình do ông tự khởi xướng, kết hợp giữa Đài thiên văn Paris, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Pierre và Marie Curie (Paris) với sự tham gia của Hội Thiên văn Quốc tế. Học viên là những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của các trường đại học và các viện khoa học trong nước. Ông cũng là người đứng ra xin tài trợ học bổng của Chính phủ Pháp cho nhiều sinh viên Việt Nam và hướng dẫn họ làm luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý thiên văn tại Pháp.
          Không chỉ đạt thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, ông còn là nhà khoa học say mê viết sách phổ biến kiến thức thiên văn, bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Ông tâm niệm: Một trong những nhiệm vụ của nhà thiên văn là phổ biến những kiến thức về Vũ trụ để mọi người thưởng thức được vẻ đẹp của bầu trời.
          Nhạc sĩ Văn Ký, tác giả của ca khúc “Bầu trời tuổi thơ” dành tặng Giáo sư Nguyễn Quang Riệu đã chia sẻ cảm xúc khi gặp gỡ nhà thiên văn học “Đó là một con người chân thành và đáng yêu, một nhà khoa học lớn mà bình dị, một khối óc chuẩn xác mà lãng mạn, một trái tim Việt Nam đầy tình quê trìu mến và bay bổng hồn thơ.”
          Để kích thích sự tìm hiểu và phổ biến kiến thức khoa học cho người Việt, ông đã viết nhiều cuốn sách về thiên văn học với nội dung dễ hiểu bằng tiếng Việt như: “Vũ trụ, phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dải Ngân Hà”, “Sông Ngân khi tỏ khi mờ”’, “Bầu trời tuổi thơ”.
          Cuốn sách phổ biến kiến thức “Bầu trời tuổi thơ” của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu dày 140 trang khổ lớn, tập trung lí giải sự hình thành của vũ trụ và những vấn đề cơ bản của khoa học thiên văn. Mong mỏi của ông là truyền tải những kiến thức khoa học, qua chân dung những vì sao và thiên thể xa xôi.
          Lồng ghép trong các trang kiến thức là hệ thống ảnh minh họa đặc sắc với những bức ảnh màu do chính tác giả dày công tuyển chọn; đem đến cảm nhận phong phú, rộng mở về những điều kì diệu trong vũ trụ.
          Cuốn sách còn đề cập các vấn đề có tính thời sự đang được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn như: Khí thải công nghiệp, hiệu ứng nhà kính, khí hậu trái đất…; Các cảnh báo ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xu hướng phát triển của khoa học thiên văn trong thời đại mới…
          Các cuốn sách (cả về chuyên ngành lẫn phổ biến khoa học) trong lĩnh vực vật lý thiên văn do ông xuất bản tại Việt Nam đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu thiên văn học của nhiều thế hệ bạn trẻ quê nhà những năm qua.
          Ngoài ra, ông còn tham gia soạn một cuốn giáo trình chuyên ngành thiên văn vật lý song ngữ Việt-Anh dành cho sinh viên các trường đại học trong nước. Ông cũng viết nhiều bài báo khoa học đăng trên các báo chí trong nước nhằm giới thiệu ngành thiên văn đến với toàn thể quần chúng.
          Là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và công tác tại Đài thiên văn Paris, GS.TS. Nguyễn Quang Riệu đã công bố trên 150 công trình nghiên cứu (đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến) tại nhiều hội nghị khoa học lớn và trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới.
          Trên làn sóng của đài RFI (đài phát thanh Pháp ngữ quốc tế tiếng Việt) nhìều lần quý thính giả cũng đã được nghe giáo sư Nguyễn Quang Riệu trình bày nhiều đề tài thú vị liên quan tới vũ trụ mà ông từng so sánh là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại.
          Theo GS Nguyễn Quang Riệu “thiên văn học là một môn khoa học hầu như không được thịnh hành cho lắm, đặc biệt là ở Việt Nam và ở các nước đang phát triển. Bởi vì muốn quan sát bầu trời  với mục đích nghiên cứu vũ trụ thì phải xây những đài thiên văn được trang bị kính thiên văn lớn và những máy thu tín hiệu rất là đắt tiền. Đối tượng quan sát là những ngôi sao, những thiên hà cách xa trái đất hàng chục và hàng tỷ năm ánh sáng, nên thiên văn học thường được coi là môt ngành khoa học quá xa vời và lại rất là xa xỉ. Sinh viên thường ngần ngại chọn ngành thiên văn, bởi vì họ cho là sau khi tốt nghiệp sẽ khó kiếm được việc làm. Từ thời xa xưa, bầu trời dường như chỉ là những nguồn cảm hứng dành cho những thi sĩ vừa nhắm rượu vừa ca tụng vẻ đẹp cuả thiên nhiên. Ngày nay, sinh viên khoa học ở những nước có công nghệ cao như ở Pháp cũng có xu hướng chọn những ngành mà họ cho là thực tế  hơn. Tuy nhiên, thiên văn học cũng thu hút được những nhà khoa học trẻ ngành vật lý, tuy họ chưa có nhiều thiện cảm với ngành thiên văn.
          Thực ra, đây chỉ  là những thành kiến, bởi vì thiên văn học là một ngành khoa học đa ngành, bao gồm ngành vật lý, toán học và kỹ thuật tin học, điện tử. Vũ  trụ có thể được coi là một phòng thí nghiệm lý-hóa-sinh mà các nhà khoa học có quyền sử dụng thoải mái. Những trạm quan sát được phóng vào không gian để chuẩn bị chinh phục không những mặt trăng mà cả các hành tinh lân cận như hành tinh Hoả. Sự phóng vệ tinh được khởi động từ thời kỳ chiến tranh lạnh. Hai cường quốc Liên Xô và Mỹ và bây giờ cả Trung Quốc đều thi nhau phóng vệ tinh nhằm chinh phục không gian với mục tiêu chiến lược quân sự.
          Ở các nước phát triển như ở Pháp và nhiều nước Châu Âu và Châu Mỹ ngày nay, ngành thiên văn rất được phổ biến, bởi vì đối tượng cuả nó là bầu trời, là vũ trụ mênh mông, tức là một đối tượng rất hấp dẫn, không những về mặt khoa học thuần túy mà còn cả về mặt triết học, siêu hình và tôn giáo.”
          Ông nói tiếp “Nước ta cũng có một đài thiên văn đặt trên ngọn đồi Phủ Liễn tại Kiến An, thành phố Hải Phòng, do chính quyền thuộc địa xây vào đầu thế kỷ 20. Mục tiêu đầu tiên của Đài Phủ Liễn là quan sát khí quyển và những hiện tượng liên quan đến khí tượng, từ trường trái đất và thiên văn, chủ yếu là mặt trời. Sau này, Đài Phủ Liễn trở thành Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đông Bắc với các hoạt động dự báo thời tiết bằng radar, quan trắc môi trường và phòng bị thiên tai. Hiện nay Đài không còn có chức năng thực hiện những quan sát thiên văn, một phần là do môi trường xung quanh Phủ Liễn bị ô nhiễm bởi ánh sáng toả ra từ thành phố Hải Phòng, nên không thuận lợi cho công việc quan sát vũ trụ”.
          Ông thổ lộ khi trả lời phỏng vấn chuyên mục khoa học của đài phát thanh Pháp ngữ quốc tế tiếng Việt (vietsciences.free.fr/RFI/RFI): “Tôi thường xuyên về nước để tổ chức những lớp học về thiên văn. Trong những năm gần đây, chúng tôi đưa thêm vào chương trình học những vấn đề liên quan đến môi trường. Tôi rất vui khi được trao đổi với những học viên thường là những cán bộ đang công tác tại các viện khoa học hay các trường đại học và cả sinh viên sắp tốt nghiệp.
          Mỗi lần về nước giảng dạy, tôi thường đến thăm đất Cảng và Đài Phủ Liễn. Trên con đường gồ ghề lên tới đỉnh đồi Phủ Liễn, tôi lại cảm thấy xúc động khi được các cán bộ cuả Đài tiếp đón ân cần. Khi đó tôi lại  nghĩ tới những kỷ niệm mà tôi đã có từ thời niên thiếu”.
          GS Nguyễn Quang Riệu qua đời tối ngày 5/1 theo giờ Pháp (sáng 6/1 giờ Việt Nam) tại Pháp, do biến chứng từ Covid-19, hưởng thọ 89 tuổi. Trước đó, GS Riệu được phát hiện mắc Covid-19. Đây là một tổn thất không hề nhỏ cho ngành Vật lý thiên văn Pháp và nước ta mất đi một nhà khoa học hết lòng vì sự phổ biến, phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam.
          Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp khoa học của mình, GS.TS. Nguyễn Quang Riệu đã giữ những cương vị quan trọng như: Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và Đài thiên văn Paris, Hội viên của Hội Thiên văn Quốc tế (IAU), thành viên của Ủy ban Quốc tế thực hiện đề án của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) về phóng vệ tinh hồng ngoại (Infrared Space Observatory – ISO) vào vũ trụ.
          Năm 1973, với phát hiện thiên văn mang tính khám phá của mình về vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (được đặt tên sau đó là Cygnus X3), ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng giải thưởng danh giá A. Janssen trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
          Với những đóng góp ý nghĩa cho nền khoa học tại Việt Nam, ông đã được trao tặng Giải thưởng Vinh danh nước Việt (2004) và Kỷ niệm chương của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2006).
          Ngày 1 tháng 11 năm 2010, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự của trường cho ông.

P.V Thi biên soạn theo các báo ĐT: vietnamnet.vn; suckhoedoisong.vn; http://vietsciences.free.fr/RFI/RFI-nguyenquangrieu và Bách khoa toàn thư mở Vi.wikipedia

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học