Thiếu tướng Ngô Hùng (tên thật là Bùi Vĩnh An), từng giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Quân khu 5, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Tây, Tham mưu trưởng Cánh quân Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tham mưu trưởng Quân khu 3, Cục trưởng Cục Huấn luyện Chiến đấu (nay là Cục Quân huấn) Bộ Tổng Tham mưu.
Quân hàm qua các thời kỳ: Thiếu tá (năm 1958), Trung tá (năm 1961), Thượng tá (năm 1966), Đại tá (năm 1973), Thiếu tướng (năm 1983).
Bùi Vĩnh An sinh năm 1924 tại làng Cát Khê, tổng Trực Cát cũ (nay là phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) trong một gia đình khá giả, đông con. Khi tới tuổi cắp sách đến trường, ông được theo học nhà giáo yêu nước Nguyễn Hồng, người đã giúp ông qua chương trình sơ học yếu lược và truyền thụ cho ông lòng yêu nước, căm thù giặc. Người thầy giáo già dưới mái trường làng đã nêu gương sáng về đạo đức liêm khiết, thương dân và có ảnh hưởng không nhỏ tới ông và nhiều thế hệ học trò của cụ mà sau này đã trở thành những người cách mạng như: Phạm Văn Duyệt, Phạm Công Khương, Phan Doãn Sầm…
Được tiếp thu lòng yêu nước, căm ghét bất công, khi học tiếp lên bậc tiểu học ông đã sớm được giác ngộ cách mạng. Trong cao trào cách mạng tháng Tám, Ngô Hùng cùng một số thanh niên, học sinh hăng hái tham gia mặt trận Việt Minh cơ sở, chuẩn bị lực lượng, đón đợi thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền khu vực Trực Cát và Lương Xâm. Họ dạy chữ cho nông dân, nói chuyện về truyền thống yêu nước của cha ông, vận động địa chủ, nhà giàu giảm thuế. Tại Cát Khê quê hương, một trung đội xung kích sẵn sàng làm nhiệm vụ được tổ chức do chính ông chỉ huy. Ông còn tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cha, chú quyên góp tiền của, vật liệu dùng may cờ đỏ, mua sắm vũ khí, đạn dược cho lực lượng Việt Minh, đồng thời cùng bạn bè trong Tổ chức vận động con em một gia đình quan chức cũ ủng hộ cách mạng tiền bạc, hiến tặng vũ khí, đạn dược cho mặt trận Việt Minh.
Ngày 6/6/1944 quân Nhật kéo vào làng ăn cướp như mọi khi. Nhưng chúng không ngờ, nhân dân Tràng Cát được phân công, tổ chức đã tập hợp, nổi chiêng, trống, gõ mõ. Thanh niên thì vũ trang bằng gậy gộc, đòn gánh xông tới. Bọn địch sợ hãi phải bỏ chạy. Từ đó giặc Nhật không dám hung hăng xông vào làng như trước. Thắng lợi này có vai trò quan trọng của Bùi Vĩnh An – hướng dẫn và tổ chức dân làng tranh đấu.
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng cùng với các tổ chức cứu quốc huyện Hải An thiết lập, Ngô Hùng được cử làm Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ chiến đấu huyện Hải An (nay là An Dương). Ông tổ chức các đội tự vệ ngày đêm luyện tập quân sự như tập bắn súng, đánh gậy, múa kiếm và võ dân tộc.
Lực lượng tự vệ cũng triển khai rào làng, tuần tra vào ban đêm giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ cán bộ Việt Minh thành phố đi lại chỉ đạo phong trào và phối hợp với các hoạt động của tự vệ các khu vực nội thành Hải Phòng.
Sáng ngày 23/8/1945, khởi nghĩa cướp chính quyền nổ ra trong nội thành. Theo kế hoạch, Ngô Hùng dẫn lực lượng tự vệ Hải An tiến vào thành phố tham gia khởi nghĩa. Ngoài ra, tối ngày 23/8/1945. Để trấn áp lực lượng phản cách mạng chiếm cứ huyện đường Hải An, Ngô Hùng còn cùng lực lượng tự vệ trở về phối hợp với tự vệ Đông Khê, Lạc Viên, Trung Hành bao vây huyện đường, buộc lực lượng của Đặng Đình Minh (tay sai chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật) phải giao trả huyện đường cùng toàn bộ cơ sở vật chất, tài liệu.
Sáng ngày 24/8/1945, chính quyền cách mạng thành phố Hải Phòng cử một đơn vị xuống chiếm giữ sân bay Cát Bi, do đồng chí Bùi Vĩnh An chỉ huy. Chỉ trong vòng một tuần lễ, cuộc cách mạng tháng Tám trên địa bàn An Dương – Hải An đã giành thắng lợi rực rỡ. Trong thành công chung ấy có phần đóng góp của đồng chí Ngô Hùng.
Những ngày tháng 10 năm 1946, sau khi được Ủy ban Bảo vệ thành phố Hải Phòng thông báo tình hình địch ở sân bay Cát Bi âm mưu tiến hành chiến tranh, đồng chí Chủ tịch UBHC huyện Hải An và đồng chí Bùi Vĩnh An (Ngô Hùng) đã cấp tốc tập trung 5 đại đội dân quân, du kích ở các làng, xã xung quanh bao vây chặt sân bay Cát Bi suốt 3 ngày đêm 20, 21, 22 tháng 11 năm 1946.
Thành phố Cảng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhận lệnh của Ủy ban bảo vệ thành phố, ông đã trực tiếp chỉ huy cánh quân của tự vệ chiến đấu huyện Hải An tấn công vào sân bay Cát Bi ngày 23/11/1946, phá hủy một máy bay, đốt cháy một kho xăng, thu được 4 trung liên, 5 xe ô tô và nhiều quân trang, quân dụng. Địch rút chạy khỏi sân bay xuống xã Tràng Cát lại rơi vào trận địa phục kích do ta bố trí, cả trung đội địch bị tiêu diệt gần hết, còn vài tên chạy xuống ca nô trên sông Lạch Tray trốn chạy.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố gay go quyết liệt, ta và địch giành giật từng khu vực. Cuối năm 1946, quân Pháp mở các cuộc tiến công nhằm củng cố những vị trí đã chiếm được ở trục đường Cầu Rào-Đồ Sơn và Hải Phòng-Kiến An. Trong Ban chỉ huy mặt trận B (Cầu Rào – Đồ Sơn) Ngô Hùng cùng các ông Vũ Hạnh, Đặng Kinh chỉ huy các đại đội tự vệ của Hải An, Kiến Thụy, Đồ Sơn phối hợp với Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 42 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bút chỉ huy chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Tháng 12/1946 ông được vinh dự kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, phụ trách đại đội 17, Trung đoàn 42 thuộc Liên khu 3. Tháng 10/1948 Ngô Hùng là Đại đội trưởng đại đội 1, hoạt động trong vùng địch hậu Hải Phòng – Kiến An.
Năm 1947, Ngô Hùng được cử làm Đại đội trưởng một đại đội của tiểu đoàn 53 ở mặt trận tỉnh Thái Bình do ông Bùi Sinh làm Tiểu đoàn trưởng đã chiến đấu nhiều trận trên sông Hồng, đánh tàu địch đi lại giữa cửa Ba Lạt và Hà Nội, lập nhiều chiến công. Sau đó Ngô Hùng làm Tiểu đoàn phó D24, bộ đội Ký Con, hoạt động tại khu vực đường 39 Thái Bình. Nếu biết rằng đơn vị Ký Con nổi tiếng của Liên khu III, mang bí danh của Đoàn Trần Nghiệp (1910 -1930) – người tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái là một trong những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Chiến khu Trần Hưng Đạo từng lập nhiều chiến công xuất sắc thì có thể thấy Ngô Hùng trở thành Tiểu đoàn phó của một tiểu đoàn lừng danh như vậy đã thể hiện khả năng chỉ huy quân sự của ông. Ngô Hùng đã cùng các chiến sĩ của mình và nhân dân xây dựng làng chiến đấu, diệt bốt, phá tề của địch, gây cho quân giặc nhiều thiệt hại.
Bước sang năm 1950, trên địa bàn Liên khu 3 (gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình) địch đã tập trung lực lượng càn quét, bình định, lập vành đai trắng với hệ thống đồn bốt dày đặc và liên tiếp mở các cuộc hành quân lớn đánh chiếm hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đánh đến đâu chúng lập tề, kìm kẹp dân ở đó đồng thời ra sức lôi kéo, cấu kết với bọn phản động đội lốt thiên chúa giáo phá hoại cách mạng. Đây là thời kỳ đen tối, khó khăn, gian khổ và hy sinh lớn nhất của quân và dân Liên khu 3. Sáu trên bảy phần đất đai vùng tự do liên khu bị địch chiếm đóng. Địa bàn trọng yếu của kháng chiến gặp phải những thử thách đầy khó khăn, ác liệt. Bội đội địa phương Liên khu 3 và dân quân, du kích dù trang bị thua xa địch đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại, tổn thất. Với năng lực chỉ huy, tháng 5/1950 đến tháng 7/1950 Ngô Hùng được cử làm Tiểu đoàn phó D500 phụ trách mặt trận Hải Dương, rồi Trưởng ban tác chiến phòng Tham mưu Liên khu 3.
Vượt qua nhiều gian khổ, khó khăn ông đã cùng quân và dân Khu 3 góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.
Ngày 01/11/1963 Quân khu 3 được thành lập trên cơ sở hợp nhất quân khu Tả Ngạn và quân khu Hữu Ngạn thành một địa bàn chiến lược trọng yếu gồm các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nam Hà, Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc,Thái Bình và Hà Nội (ngày 1/8/1964 Hà Nội lại tách ra thành quân khu Thủ Đô). Quân khu 3 được Đảng và Nhà nước xác định là vùng dự trữ chủ yếu sức người, sức của ở miền Bắc XHCN trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và sẵn sàng chi viện cho cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam.
Tháng 3/1960 đến năm 1966 ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Quân huấn, Trưởng phòng tác chiến Quân khu 3. Từ tháng 7/1966 là Tham mưu phó quân khu 3 kiêm Bí thư Đảng ủy cơ quan tham mưu quân khu 3.
Với chức năng tham mưu giúp Bộ Tư lệnh quân khu về công tác huấn luyện đối với quân nhân trong Nhà trường, Dân quân và Tự vệ trong quân khu, Ngô Hùng đã có nhiều đóng góp trong lãnh đạo, chỉ đạo, huấn luyện nâng cao trình độ kỹ-chiến thuật của lực lượng bộ đội, dân quân, tự vệ và du kích, giúp việc tích cực cho Tham mưu Trưởng Quân khu đồng thời hoàn thành trọng trách ông tác Đảng của cơ quan tham mưu quân khu 3.
Lực lượng vũ trang quân khu đã được tích cực xây dựng và từng bước trưởng thành, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao phó. Bộ đội chủ lực được huấn luyện theo hướng tiến lên chính quy, hiện đại theo yêu cầu chiến đấu của chiến trường Miền Nam. Hệ thống cơ quan quân sự địa phương được tổ chức thống nhất, làm tham mưu cho cấp ủy Đảng chỉ đạo phong trào, chỉ huy chiến đấu; Dân quân tự vệ được củng cố, phát triển ở hầu hết cơ sở. Lực lượng quân dự bị được quản lý đi vào nền nếp trong các hoạt động theo nhiêm vụ. Chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện nghiêm chỉnh. Kế hoạch phòng thủ chống xâm lược được chuẩn bị tích cực để sẵn sàng đối phó với chiến lược, chiến thuật xâm nhập, tấn công của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu 3, các lực lượng vũ trang ở các tỉnh thuộc quân khu đã dấy lên cao trào thi đua hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp toàn quân như “gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”. Đặc biệt phong trào “Cờ Ba Nhất” (đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất) trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu đã được hình thành và phát triển trong các lực lượng vũ trang quân khu.
Giữ cương vị quan trọng trong cơ quan tham mưu một quân khu trọng yếu, kiêm công tác Đảng, Ngô Hùng đã góp nhiều công sức cùng Bộ Tư lệnh quân khu 3 hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương giao phó, cùng quân và dân các tỉnh, thành Quân khu lập nhiều thành tích trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Từ tháng 10 năm 1970 đến tháng 11/1972 ông là Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng B5 (B là tên gọi quy ước các mặt trận trên chiến trường miền Nam do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu ta định ra). B5 là mặt trận Trị Thiên – Huế, phía Bắc tiếp giáp khu vực Vĩnh Linh qua sông Bến Hải. Phía Tây có đường chiến lược 12 (nhánh phía Bắc hệ thống đường Hồ Chí Minh). Phía Nam giáp với địa bàn phía Bắc Khu 5 (Quảng Nam-Đà Nẵng).
Trên mặt trận quan trọng này, với cương vị của mình, Ngô Hùng đã giúp đỡ đắc lực cho Tư lệnh mặt trận trong công tác tham mưu, chỉ huy quân sự nhằm thực hiện chủ trương, ý đồ chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh, giúp Bộ tư lệnh mặt trận B5 tiến hành các chiến dịch, trận đánh thắng lợi, gây cho quân Mỹ-ngụy nhiều thiệt hại, phá vỡ âm mưu chiến lược của kẻ thù.
Với năng lực quân sự và kinh nghiệm thực tế chiến trường, đầu năm 1974, ông được Bộ Quốc phòng cử đi học tại Học viện Quân sự Liên Xô (cũ). Khi về nước ông được cử làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh miền Tây. Tháng 4/1975 Ngô Hùng được cử là Tham mưu Trưởng mặt trận hướng Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh, góp sức mình cùng quân và dân ta đánh đổ chế độ Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Ngày 29/5/1976 quân khu 3 được hợp nhất gồm các tỉnh: Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hà Nam Ninh (Hà Nam, Ninh Bình) và Hà Sơn Bình (Hà Tây, Sơn Tây, Hòa Bình). Ông Đặng Kinh được cử làm Tư lệnh quân khu, ông Nguyễn Quyết là Chính ủy, Lương Tuấn Khang là Chủ nhiện Chính trị và ông Ngô Hùng là Tham mưu trưởng quân khu. Ngoài ra Ngô Hùng còn kiêm nhiệm chức vụ Bí thư đảng ủy Bộ tham mưu Quân khu 3.
Tháng 2/1978 ông được cử giữ chức Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu (hay còn gọi là cục Quân huấn) Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến khi về hưu (năm 1988). Với chức năng là cơ quan đầu ngành tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về công tác Huấn luyện đối với quân nhân trong Nhà trường, Dân quân và Tự vệ trong Quân đội Việt Nam, Cục Quân huấn do Ngô Hùng lãnh đạo đã có nhiều đóng góp trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trình độ chính trị, quân sự của sĩ quan, chiến sĩ trong các trường, trung tâm huấn luyện quân sự mà quản lý là các Phòng quân huấn, Ban quân huấn thuộc các quân chủng, binh chủng và quân khu, quân đoàn, sư đoàn, tới trung đoàn và các trung tâm huấn luyện quân sự địa phương, đào tạo kỹ năng, chiến thuật quân sự cho lực lượng dân quân, tự vệ ..v.v.
Có thể nói, trong cuộc đời quân ngũ của mình, Ngô Hùng gắn bó phần lớn thời gian với Liên khu 3, quân khu 3 (trong đó có Hải Phòng), trực tiếp tham gia chiến đấu và đảm đương cương vị chỉ huy, tham mưu nhiều cấp, trên nhiều mặt trận suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã có nhiều công lao với địa phương từ những ngày đầu cách mạng Tháng Tám.
Do công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, Ngô Hùng được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:
– Huân chương Quân công hạng Nhất.
– 03 huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba.
– Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Ông mất ngày 20-01-1994 tại Hà Nội, thọ 70 tuổi.
Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng biên soạn theo các nguồn tài liệu:
– Lịch sử Đảng bộ huyện An Hải (1927-1955). – Nxb. Hải Phòng, 1990. – Tr. 70-72; 87-88
– Lịch sử Đảng bộ xã Tràng Cát (1930-2000). – Nxb. Hải Phòng, 2003. – Tr. 42; 46; 48; 52.
– Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam. – H: Nxb. QĐND, 1996. – Tr. 477; 670-671
– Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang quân khu 3 (1945-2000). – H: Nxb. QĐND, 2005. – Tr. 100-101; 386-387.
– Mấy kỷ niệm đáng ghi nhớ về trung đoàn 42/Thiếu tướng Bùi Sinh//Trích “Đường 5 anh dũng quật khởi”; Nxb. Hải Phòng, 2000. – Tr. 71
– Lịch sử quân sự Việt Nam trực tuyến (http://www.vnmilitaryhistory.net). – Trang 34